Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm

27/10/2021 5.255 lượt xem

Tiếp đó, vị khất sĩ quán niệm về bốn sự thật cao quý như đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức.

Quán niệm như thế nào?

  • Khi sự kiện là khổ đau, vị khất sĩ quán niệm: “Đây là khổ đau.”
  • Khi sự kiện là nguyên nhân tạo thành khổ đau, vị khất sĩ quán niệm: “Đây là nguyên nhân tạo thành khổ đau.”
  • Khi sự kiện là khổ đau có thể được chấm dứt, vị ấy quán chiếu: “Khổ đau có thể được chấm dứt.”
  • Khi sự kiện là có con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau, vị ấy quán niệm: “Có con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau.”

Cứ như thế, vị khất sĩ an trú trong sự quán niệm về bốn sự thật cao quý như là đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức; hoặc quán niệm bên trong, hoặc quán niệm bên ngoài, hoặc quán niệm cả bên trong lẫn bên ngoài đối tượng tâm thức ấy. Vị ấy an trú trong sự quán niệm quá trình sanh khởi nơi đối tượng tâm thức ấy, hoặc quá trình hủy diệt nơi đối tượng tâm thức ấy, hoặc quán niệm cả quá trình sanh khởi lẫn quá trình hủy diệt nơi đối tượng tâm thức ấy. Hoặc vị ấy quán niệm: “Có bốn sự thật cao quý đây”, đủ để quán chiếu và ý thức được sự có mặt của đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức đó, và như vậy, vị ấy an trú một cách tự do, không bị bất cứ một thứ gì trong cuộc đời làm vướng bận. Quán niệm về bốn sự thật cao quý như đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức là như thế đó, thưa quý vị.

Này quý vị khất sĩ! Vị khất sĩ nào thực hành bốn phép quán niệm như trên trong bảy năm, người ấy có thể có khả năng đạt được quả vị chánh trí ngay ở đây và trong kiếp này, hoặc nếu còn dư báo thì cũng đạt được quả vị không còn trở lại.

Này quý vị khất sĩ! Đừng nói gì tới bảy năm. Kẻ nào thực hành bốn phép quán niệm này trong sáu năm, năm năm, bốn năm, ba năm, hai năm, một năm, thì cũng có thể đạt được quả vị chánh trí, ngay ở đây và trong kiếp này, hoặc nếu còn dư báo thì cũng đạt được quả vị không còn trở lại.

Này quý vị khất sĩ! Đừng nói gì tới một năm. Kẻ nào thực hành bốn phép quán niệm này trong bảy tháng, hoặc sáu tháng, hoặc năm tháng, hoặc bốn tháng, ba tháng, hai tháng, một tháng hay nửa tháng, thì cũng có thể đạt được quả vị chánh trí ngay ở đây và trong kiếp này, hoặc nếu còn dư báo thì cũng đạt được quả vị không còn trở lại.

Này quý vị khất sĩ! Đừng nói gì đến nửa tháng. Kẻ nào thực hành bốn phép quán niệm như thế trong một tuần, kẻ ấy cũng có thể đạt được quả vị chánh trí, ngay ở đây và trong kiếp này, hoặc nếu còn dư báo thì cũng đạt được quả vị không còn trở lại.

Chính vì lý do đó mà tôi đã nói rằng: “đây là con đường duy nhất để có thể giúp chúng sanh thực hiện thanh tịnh, vượt thắng phiền não, tiêu diệt khổ ưu, đạt tới chánh đạo và chứng nhập Niết Bàn, con đường của bốn phép an trú trong chánh niệm.”

Đức Thế Tôn đã dạy như thế. Các vị khất sĩ hoan hỷ ghi nhận và làm theo lời Người. (CCC).

Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch


Bốn Lãnh vực Quán Niệm: Kinh này được dịch từ tạng Pali, tên kinh là Satipatthàna Sutta, kinh số 10 của Trung Bộ (Majjhima Nikàya). Ðây là kinh thiền tập căn bản nhất của đạo Bụt nguyên thỉ. Tất cả các thầy và các sư cô thời Bụt đều thuộc lòng kinh này. Trong truyền thống Nam Tông, hiện thời cũng có nhiều thầy thuộc lòng. Ðây là kinh gối đầu giường của thiền giả. Người hấp hối cũng được nghe kinh này, hy vọng vào những giờ phút chót của cuộc đời, nhờ nghe kinh mà thực tập được những gì chưa thực tập được. Trong tạng Hán, ta có kinh Niệm Xứ (kinh 98 của bộ Trung A Hàm – 26, tạng kinh Ðại Chính) của bộ phái Thuyết Nhất Thiết Hữu và kinh Nhất Nhập Ðạo, quyển thứ 12 trong bộ Tăng Nhất A Hàm của bộ phái Ma Ha Tăng Kỳ; hai kinh này là hai kinh có nội dung tương đương. Hành giả có thể tham khảo sách Con Ðường Chuyển Hóa của thiền sư Nhất Hạnh, trong đó có đầy đủ những chỉ dẫn về phương pháp thực tập.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9

×