Kinh Vô Ngã Tướng

29/12/2023 389 lượt xem

(Anattalakkhana Sutta)

Tôi được nghe như vầy: một thuở nọ, Ðức Thế Tôn đang ngụ tại vườn Nai, ở Isipatana gần Bénarès. Lúc bấy giờ Thế Tôn nói với năm vị Tỳ Kheo:

“Này các thầy, sắc không phải là ta, là tự ngã. Nếu sắc là ta thì sắc sẽ không gây đau khổ (bệnh tật) và đối với thân thể ta có thể ra lệnh: ” Thân tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”. Thế nhưng, bởi vì thân thể không phải là ta, nên nó không tránh khỏi bệnh tật và không ai có thể ra lệnh cho thân thể: “Thân tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”.

Này các thầy, cảm thọ không phải là ta, là tự ngã. Nếu cảm thọ là ta thì cảm thọ sẽ không gây đau khổ phiền não và đối với sự cảm thọ ta có thể ra lệnh: “Cảm thọ của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”. Thế nhưng, bởi vì cảm thọ không phải là ta, nên nó không tránh khỏi đau khổ phiền não và không ai có thể ra lệnh cho cảm thọ : “Cảm thọ của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”.

Này các thầy, tri giác không phải là ta, là tự ngã. Nếu tri giác là ta thì tri giác sẽ không gây đau khổ phiền não và đối với tri giác ta có thể ra lệnh: “Tri giác của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”. Thế nhưng, bởi vì tri giác không phải là ta, nên nó không tránh khỏi khổ đau phiền não và không ai có thể ra lệnh cho tri giác: “Tri giác của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”.

Này các thầy, tâm tư không phải là ta, là tự ngã. Nếu tâm tư là ta thì tâm tư sẽ không gây đau khổ phiền não và đối với tâm tư ta có thể ra lệnh: “Tâm tư của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”. Thế nhưng, bởi vì tâm tư không phải là ta, nên nó không tránh khỏi khổ đau phiền não và không ai có thể ra lệnh cho tâm tư: “Tâm tư của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”.

Này các thầy, ý thức không phải là ta, là tự ngã. Nếu ý thức là ta thì ý thức sẽ không gây đau khổ phiền não và đối với ý thức ta có thể ra lệnh: “Ý thức của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”. Thế nhưng, bởi vì ý thức không phải là ta, nên nó không tránh khỏi khổ đau phiền não và không ai có thể ra lệnh cho ý thức: “Ý thức của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”.

Này các thầy, các thầy nghĩ sao? Sắc là thường hay vô thường?

– Sắc là vô thường, thưa Thế Tôn.

– Cái gì vô thường là khổ hay sướng ?

– Là khổ, thưa Thế Tôn.

– Như vậy, đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, người ta có thể nói: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta” được chăng?

– Không thể được, thưa Thế Tôn.

Các thầy nghĩ sao? Cảm thọ là thường hay vô thường?

– Cảm thọ là vô thường, thưa Thế Tôn.

– Cái gì vô thường là khổ hay sướng?

– Là khổ, thưa Thế Tôn.

– Như vậy, đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, người ta có thể nói: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta” được chăng?

– Không thể được, thưa Thế Tôn.

Các thầy nghĩ sao? Tri giác là thường hay vô thường?

– Tri giác là vô thường, thưa Thế Tôn.

– Cái gì vô thường là khổ hay sướng?

– Là khổ, thưa ThếTôn.

– Như vậy, đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, người ta có thể nói: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta” được chăng?

– Không thể được, thưa Thế Tôn.

Các thầy nghĩ sao? Tâm tư là thường hay vô thường?

– Tâm tư là vô thường, thưa Thế Tôn.

– Cái gì vô thường là khổ hay sướng?

– Là khổ, thưa Thế Tôn.

– Như vậy, đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, người ta có thể nói: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta” được chăng?

– Không thể được, thưa Thế Tôn.

Các thầy nghĩ sao? Ý thức là thường hay vô thường?

– Ý thức là vô thường, thưa ThếTôn.

– Cái gì vô thường là khổ hay sướng?

– Là khổ, thưa Thế Tôn.

– Như vậy, đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, người ta có thể nói: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta” được chăng?

– Không thể được, thưa Thế Tôn.

Này các thầy, như thế thì tất cả những gì thuộc sắc thân quá khứ, vị lai hay hiện tại, ở trong hay ở ngoài, thô hay tế, xấu hay tốt, xa hay gần, tất cả những gì là sắc thân cần phải được nhận định theo chánh trí huệ, đúng như thật: “Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta”.

Cũng thế, tất cả những gì thuộc cảm thọ , tri giác, tâm tư và ý thức quá khứ, vị lai hay hiện tại, ở trong hay ở ngoài, thô hay tế, xấu hay tốt, xa hay gần, tất cả những gì là sắc thân cần phải được nhận định theo chánh trí huệ, đúng như thật: “Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta”.

Khi nhận định sự vật như thế, này các thầy, người hành giả thông minh xa lià và nhàm chán sắc thân, xa lià và nhàm chán cảm thọ , tri giác, tâm tư và ý thức. Do nhàm lià nên vị ấy không còn ham muốn. Do hết ham muốn nên được giải thoát. Khi được giải thoát, trí huệ khởi lên: “Ðây là sự giải thoát” và vị ấy biết: “Tái sinh chấm dứt, phạm hạnh đã thành, điều nên làm đã làm, không còn trở lại thế gian này nữa”.

Khi Ðức Thế Tôn nói xong, năm vị Tỳ Kheo đều hoan hỷ: Trong lúc đang nghe giảng, tâm của năm vị được hoàn toàn giải thoát khỏi ái luyến và ô nhiễm.

HT Thích Trí Siêu dịch từ “Sermons du Bouddha”
de Mohan Wijayaratna. Edition du Cerf

×