04. Phẩm Bánh Xe

20/10/2024 20 lượt xem

Chương IV – Bốn Pháp

IV. Phẩm Bánh Xe

(I) (31) Bánh Xe.

1. Có bốn bánh xe này, này các Tỷ-kheo, thành tựu với chúng, bốn bánh xe được vận chuyển giữa chư Thiên và loài Người thành tựu với chúng, chư Thiên và loài nguời không bao lâu đạt đến sự lớn mạnh, tăng thịnh trong các tài sản. Thế nào là bốn? Trú xứ thích hợp, thân cận các bậc Chân nhân, tự nguyện chân chánh, trước đã làm phước.

Có bốn bánh xe này, này các Tỷ-kheo, thành tựu với chúng, bốn bánh xe được vận chuyển giữa chư Thiên và loài Người, thành tựu với chúng, chư Thiên và loài Người không bao lâu đạt đến sự lớn mạnh, tăng thịnh trong các tài sản.

2.

Sống địa phương thích hợp,
Làm bạn với bậc Thánh,
Tự nguyện được chân chánh,
Trước đã làm phước đức
Người ấy về lúa gạo,
Tài sản và danh xưng,
Danh tiếng cùng an lạc,
Ðược đưa đến đầy đủ.

(II) (32) Nhiếp Pháp

1. – Này các Tỷ-kheo, có bốn nhiếp pháp này. Thế nào là bốn?

Bố thí và ái ngữ,
Lợi hành và đồng sự
Hỡi các vị Tỷ-kheo,
Ðây là bốn nhiếp pháp.

2.

Bố thí và ái ngữ,
Lợi hành và đồng sự,
Ðối với những pháp này,
Ở đời đối xử nhau,
Chỗ này và chỗ kia,
Như vậy thật tương xứng,
Và bốn nhiếp pháp này,
Như đỉnh đầu trục xe,
Nếu thiếu nhiếp pháp này,
Thời cả mẹ lẫn cha
Không được các người con
Tôn trọng và cung kính,
Do vậy bậc Hiền trí,
Ðồng đẳng nhìn nhiếp pháp
Nhờ vậy họ đạt được,
Sự cao lớn, tán thán.

(II) (33) Con Sư Tử

1. – Này các Tỷ-kheo, con sư tử, vua các loài thú, vào buổi chiều đi ra khỏi hang. Sau khi ra khỏi hang, nó duỗi thân mình và chân. Sau khi duỗi thân mình và chân, nó nhìn chung quanh bốn phương. Sau khi nhìn chung quanh bốn phương, nó rống lên tiếng rống con sư tử ba lần. Sau khi rống tiếng rống con sư tử ba lần, nó đi ra tìm mồi. Này các Tỷ-kheo, các loài thú thuộc loại bàng sanh nghe tiếng rống của con sư tử, vua các loài thú, phần lớn chúng trở thành sợ hãi, run sợ, khiếp đảm. Các loài ở hang tìm vào hang. Các loài ở nước tìm xuống nước. Các loài ở rừng tìm vào rừng. Các loài chim bay lên hư không.

Này các Tỷ-kheo, các loài voi chúa ở tại làng, thị trấn hay thành phố, bị trói bởi các dây da cứng chắc, bứt đứt, giật đứt những sợi dây ấy, khiếp đảm cuồng chạy tung cả phân và nước tiểu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là đại thần thông lực của con sư tử, vua các loài thú, đối với các loài bàng sanh, như vậy là đại thế lực, như vậy là đại uy lực.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, vị ấy thuyết pháp: “Ðây là thân, đây là thân tập khởi, đây là thân đoạn diệt, đây là con đường đưa đến thân diệt”. Này các Tỷ-kheo, có chư Thiên tuổi thọ dài, có dung sắc, hưởng lạc nhiều, đã sống lâu trong các lâu đài to lớn. Các chư Thiên này, sau khi nghe Như Lai thuyết pháp, phần lớn họ trở thành sợ hãi, run sợ, khiếp đảm, họ nghĩ: “Chúng ta là vô thường, này chư Tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường còn. Chúng ta là không thường hằng, này chư Tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường hằng. Chúng ta là không thường trú, này chư Tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường trú. Này chư Tôn giả, chúng ta là vô thường, không thường hằng, không thường trú, bị thâu nhiếp trong một thân này”.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là đại thần thông lực của Như Lai đối với chư Thiên và thế giới chư Thiên, như vậy là đại thế lực, như vậy là đại uy lực.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Thuyết giảng như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

3.

Khi Phật với thắng trí,
Chuyển bánh xe Chánh pháp,
Cho Thiên giới, Nhân giới,
Bậc Ðạo Sư vô tỷ,
Sự đoạn diệt thân uẩn,
Sự hiện hữu thân uẩn
Và đường Thánh tám ngành,
Ðưa đến khổ diệt tận,
Chư Thiên được trường thọ,
Có dung sắc danh xưng,
Sanh khiếp đảm sợ hãi,
Như thú thấy sư tử,
Vì chưa thoát thân uẩn,
Nghe chúng ta vô thường,
Khi nghe lời Ứng Cúng,
Ðược giải thoát như vậy.

(IV) (34) Các Lòng Tin

1. – Này các Tỷ-kheo, có bốn lòng tin tối thượng này. Thế nào là bốn?

Dầu cho các loại hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, không chân hay hai chân, bốn chân hay nhiều chân, có sắc hay không sắc, có tưởng hay không tưởng, hay phi tưởng phi phi tưởng, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác được xem là tối thượng. Những ai đặt lòng tin vào đức Phật, họ đặt lòng tin vào tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng.

Này các Tỷ-kheo, dầu cho loại pháp hữu vi nào, Thánh đạo tám ngành được xem là tối thượng, những ai đặt lòng tin vào Thánh đạo Tám ngành, họ đặt lòng tin vào tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng.

2. Dầu cho loại pháp nào, này các Tỷ-kheo, hữu vi hay vô vi, ly tham được xem là tối thượng trong tất cả pháp, tức là sự nhiếp phục kiêu mạn, sự nhiếp phục khát ái, sự nhổ lên tham ái, sự chặt đứt tái sanh, sự đoạn diệt tham ái, sự ly tham đoạn diệt, Niết-bàn. Những ai đặt lòng tin vào pháp ly tham, này các Tỷ-kheo, họ đặt lòng tin vào tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng.

Dầu cho loại chúng Tăng hay hội chúng nào, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng đệ tử của Như Lai được xem là tối thượng trong tất cả hội chúng ấy. Tức là bốn đôi tám vị, chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời. Những ai đặt lòng tin vào chúng Tăng, này các Tỷ-kheo, họ đặt lòng tin vào tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn lòng tin tối thượng.

3.

Tin tưởng vào tối thượng,
Biết được pháp tối thượng,
Tin tưởng Phật tối thượng,
Ðáng tôn trọng vô thượng,
Tin tưởng Pháp tối thượng,
Ly tham, an tịnh, lạc,
Tin tưởng Tăng tối thượng,
Là ruộng phước vô thượng,
Bố thí bậc tối thượng,
Phước tối thượng tăng trưởng,
Tối thượng về thọ mạng,
Dung sắc và danh văn,
Tối thượng về an lạc,
Tối thượng về sức mạnh,
Bậc trí thí tối thượng,
Pháp tối thượng chánh định,
Chư Thiên hay loài người,
Ðạt được hỷ tối thượng.

(V) (35) Vassakàra

1. – Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Veluvanna (Trúc Lâm) chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi Bà-la-môn Vassakàra, vị đại thần xứ Magadha, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Vassakàra nói với Thế Tôn:

– Người nào thành tựu bốn pháp, thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi tuyên bố là bậc Ðại tuệ, là bậc Ðại nhân. Thế nào là bốn?

2. Ở đây, này Tôn giả Gotama, người nghe nhiều, được nghe điều gì, điều gì, vị ấy biết ý nghĩa của lời ấy: “Ðây là ý nghĩa của lời này. Ðây là ý nghĩa của lời này”; có chánh niệm, ức niệm nhớ đến điều đã làm từ lâu, đã nói từ lâu; lại trong các công việc của gia chủ, những công việc gì cần phải làm, vị ấy ở đây có thiện xảo, không có thụ động, thành tựu với sự quán sát về phương tiện, vừa đủ để làm, vừa đủ để tổ chức. Thưa Tôn giả Gotama, thành tựu với bốn pháp này, chúng tôi tuyên bố là bậc Ðại tuệ, là bậc Ðại nhân. Nếu Tôn giả Gotama nghĩ con đáng được tùy hỷ, mong Tôn giả Gotama hãy tùy hỷ con! Nếu Tôn giả Gotama nghĩ con đáng bị bài xích, Tôn giả Gotama hãy bài xích con!

3. – Này Bà-la-môn, Ta không tùy hỷ, Ta không bài xích Ông. Này Bà-la-môn, thành tựu với bốn pháp này, Ta tuyên bố là bậc Ðại tuệ, bậc Ðại nhân. Thế nào là bốn?

Ở đây, này Bà-la-môn, có người thực hiện hướng đến hạnh phúc cho nhiều người, hướng đến an lạc cho nhiều người. Với người này, nhiều người được an lập trên Thánh lý, tức là hiền thiện pháp tánh, thiện pháp tánh. Với tầm tư nào vị ấy nghĩ cần phải tầm tư, vị ấy tầm tư tầm tư ấy. Với tầm tư nào vị ấy nghĩ không cần phải tầm tư, vị ấy không tầm tư tầm tư ấy. Với tư duy nào vị ấy nghĩ cần phải tư duy, vị ấy tư duy tư duy ấy. Với tư duy nào vị ấy nghĩ không cần phải được tư duy, vị ấy không tư duy tư duy ấy. Như vậy, vị ấy đạt được tâm tự tại trong các đường hướng tầm tư, đối với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, vị ấy được không khó khăn, được không mệt nhọc, được không phí sức. Do đoạn diệt các lậu hoặc, vị ấy ngay trong hiện tại, với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này Bà-la-môn, Ta không tùy hỷ, Ta không bài xích Ông. Thành tựu với bốn pháp này, này Bà-la-môn, Ta tuyên bố là bậc Ðại tuệ, là bậc Ðại nhân.

4. – Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Gotama! Cho đến như vậy, Tôn giả Gotama đã khéo nói. Chúng con thọ trì rằng Tôn giả Gotama đã thành tựu bốn pháp này, Tôn giả Gotama đã thực hành, hướng đến hạnh phúc cho nhiều người, hướng đến an lạc cho nhiều người, đã an lập nhiều người trên Thánh lý, tức là hiền thiện pháp tánh, thiện pháp tánh. Tôn giả Gotama là vị, với tầm tư nào, vị ấy nghĩ cần phải tầm tư, vị ấy tầm tư tầm tư ấy; với tầm tư nào, vị ấy nghĩ không cần phải tầm tư, vị ấy không tầm tư tầm tư ấy; với tư duy nào, vị ấy nghĩ cần phải tư duy, vị ấy tư duy tư duy ấy; với tư duy nào, vị ấy nghĩ không cần phải tư duy, vị ấy không tư duy tư duy ấy. Tôn giả Gotama đạt được tâm tự tại trong các đường hướng tầm tư, Tôn giả Gotama đối với bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Tôn giả Gotama, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

5. – Thật vậy, này Bà-la-môn, lời tuyên bố của Ông là một thách thức cho Ta và Ta sẽ trả lời cho Ông. Này Bà-la-môn, Ta đã thực hành, hướng đến hạnh phúc cho nhiều người, hướng đến an lạc cho nhiều người, đã an lập nhiều người trên Thánh lý, tức là hiền thiện pháp tánh, thiện pháp tánh. Ta là vị, với tầm tư nào Ta nghĩ cần phải tầm tư, Ta tầm tư tầm tư ấy. Với tầm tư nào Ta nghĩ không cần phải tầm tư, Ta không tầm tư tầm tư ấy. Với tư duy nào Ta nghĩ cần phải tư duy, Ta tư duy tư duy ấy, Với tư duy nào Ta nghĩ không cần phải tư duy, Ta không tư duy tư duy ấy. Này Bà-la-môn, Ta đạt được tâm tự tại trong các đường hướng tầm tư. Này Bà-la-môn đối với bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, Ta có được không khó khăn, Ta có được không mệt nhọc, Ta có được không phí sức. Này Bà-la-môn, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí, Ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

6.

Ai trong mọi chúng sanh,
Hiểu rõ được giải thoát,
Khỏi cạm bẫy thần chết,
Vì hạnh phúc nhân thiên,
Tuyên bố về chánh lý,
Tuyên bố về Chánh pháp.
Quần chúng thấy nghe vậy,
Liền hoan hỷ tịnh tín,
Thiện xảo đạo, phi đạo,
Việc nên làm đã làm,
Vô lậu bậc Giác ngộ,
Với thân này thân cuối,
Ngài được gọi tôn xưng,
Bậc Ðại tuệ, Ðại nhân.

(VI) (36) Tùy Thuộc Thế Giới

1. Một thời, Thế Tôn đang đi trên con đường giữa Ukkatthà và Setabbya. Bà-la-môn Dona cũng đang đi trên con đường giữa Ukkatthà và Setabbya. Bà-la-môn Dona thấy trên những dấu chân của Thế Tôn có dấu bánh xe một ngàn cọng, với vành xe, trục xe và đầy đủ tất cả các tướng khác. Thấy vậy, vị ấy suy nghĩ như sau: “Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Những dấu chân này không phải là của loài Người!”.

2. Rồi Thế Tôn từ trên đường bước xuống, đến ngồi dưới một gốc cây, ngồi kiết-già, thân thẳng, đặt niệm trước mặt. Bà-la-môn Dona theo dấu chân của Thế Tôn, thấy Thế Tôn đang ngồi dưới một gốc cây đẹp đẽ, khởi lên tịnh tín, các căn tịch tịnh, tâm ý tịch tịnh, đạt được tịnh chỉ do điều phục tối thượng, giống như một con voi được điều phục, được phòng hộ với căn tịch tịnh. Thấy vậy Bà-la-môn Dona liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, thưa với Thế Tôn:

– Có phải thưa Tôn giả, Ngài là vị tiên?

– Hỡi này Bà-la-môn, Ta không là tiên.

– Có phải thưa Tôn giả, Ngài là Càn-thát-bà?

– Hỡi này Bà-la-môn, Ta không là Càn-thát-bà,

– Có phải thưa Tôn giả, Ngài là Dạ-xoa?

– Hỡi này Bà-la-môn, Ta không là Dạ-xoa.

– Có phải thưa Tôn giả, Ngài là loài Người?

– Hỡi này Bà-la-môn, Ta không là Người.

– Hỏi “Ngài có phải là tiên không?”, Ngài trả lời: “Này Bà-la-môn, Ta không phải là tiên”. Hỏi “Ngài có phải là Càn-thát-bà không?”, Ngài trả lời: “Này Bà-la-môn, Ta không phải là Càn-thát-bà”. Hỏi “Ngài có phải là Dạ-xoa không?” Ngài trả lời: “Này Bà-la-môn, Ta không phải là Dạ-xoa”. Hỏi “Ngài có phải là loài Người không?”, Ngài trả lời: “Ta không phải là loài Người”. Vậy sở hành của Ngài là gì và Tôn giả là gì?

3. – Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là chư Thiên, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là Càn-thát-bà, Ta có thể là Dạ-xoa, Ta có thể là Người, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt dứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Ví như, này Bà-la-môn, bông sen xanh, hay bông sen hồng, hay bông sen trắng, sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước thấm ướt. Cũng vậy, này Bà-la-môn sanh ta trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà-la-môn, Ta là Phật, hãy như vậy thọ trì.

4.

Với lậu hoặc chưa đoạn,
Ta có thể là tiên,
Có thể Càn-thát-bà,
Có thể là loài chim
Hay đi đến Dạ-xoa,
Hay vào trong thai người,
Với Ta lậu hoặc tận,
Bị phá hủy, trừ khử
Như sen trắng tươi đẹp
Không bị nước thấm ướt,
Ðời không thấm ướt Ta,
Do vậy Ta được gọi,
Ta là Phật Chánh giác,
Hỡi này Bà-la-môn.

(VII) (37) Không Thể Rơi Xuống

1. – Thành tựu bốn pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có thể bị thối đọa, vị ấy gần Niết-bàn. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ giới, hộ trì các căn, biết tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ giới? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo hộ trì các căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, làm cho nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thật hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng… khi mũi ngửi hương… khi lưỡi nếm vị… khi thân cảm xúc… khi ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, làm cho ý căn không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hộ trì các căn.

4. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo biết tiết độ trong ăn uống?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh giác sát thọ dụng món ăn khất thực, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: “Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn.”

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết tiết độ trong ăn uống.

5. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo chú tâm cảnh giác?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ban ngày đi kinh hành, hay trong lúc ngồi, tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm, canh một, vị ấy đi kinh hành hay trong lúc ngồi tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm, canh giữa, vị ấy nằm dáng nằm con sư tử bên hông tay phải, một chân đặt trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tâm nghĩ đến thức dậy lại. Ban đêm, canh cuối, vị ấy thức dậy đi kinh hành hay trong lúc ngồi, tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chú tâm cảnh giác.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không thể thối đọa, tiến gần đến Niết-bàn.

6.

Tỷ-kheo an trú giới,
Sống chế ngự các căn,
Biết tiết độ ăn uống,
Và chú tâm cảnh giác,
Sống an trú như vậy,
Ngày đêm không mệt mỏi
Tu tập các thiện pháp,
Ðạt an ổn ách nạn,
Ưa thích không phóng dật,
Thấy sợ hãi phóng dật,
Không có thể thối đọa,
Tỷ-kheo gần Niết-bàn.

(VIII) (38) Tránh Né

1. – Tỷ-kheo trừ khử sự thật cá nhân, này các Tỷ-kheo, đã từ bỏ hoàn toàn các tầm cầu hay thân hành được khinh an, vị ấy được gọi là vị độc hành.

Và này các Tỷ-kheo thế nào là Tỷ-kheo đã trừ khử sự thật cá nhân?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với các sự thật cá nhân phổ thông của các Sa-môn, Bà-la-môn nói chung, ví như thế giới là thường còn, hay thế giới là không thường còn, hay thế giới là có giới hạn, hay thế giới là không giới hạn, sinh mạng và thân này là một, hay sinh mạng và thân này là khác, Như Lai sau khi chết có tồn tại, hay Như Lai sau khi chết không tồn tại, hay Như Lai sau khi chết có tồn tại và không tồn tại, hay Như Lai sau khi chết không có tồn tại và không không tồn tại. Tỷ-kheo đối với tất cả các sự thật cá nhân ấy đã trừ khử, đã xả bỏ, đã nhổ ra, đã giải thoát, đã đoạn tận, đã từ bỏ.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo trừ khử sự thật cá nhân.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đã từ bỏ hoàn toàn các tầm cầu?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo, dục tầm cầu được đoạn tận, hữu tầm cầu được đoạn tận, Phạm hạnh tầm cầu được khinh an. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đã từ bỏ hoàn toàn các tầm cầu.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo thân hành được khinh an?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Như vậy này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo thân hành được khinh an.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo độc cư?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo ngã mạn được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm như thân cây ta-la, được khiến cho không thể hiện hữu, khiến cho không thể sanh khởi trong tương lai.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo độc cư, Tỷ-kheo trừ khử sự thật cá nhân, này các Tỷ-kheo, đã từ bỏ hoàn toàn các tầm cầu, hay thân hành được khinh an, vị ấy được gọi là vị độc hành.

5.

Dục và hữu tầm cầu,
Cùng Phạm hạnh tầm cầu,
Chấp thủ sự thật này,
Chỗ kiến xứ chất chứa,
Ai không thích mọi tham,
Giải thoát được ái diệt,
Các tầm cầu từ bỏ,
Kiến xứ được nhổ lên,
Tỷ kheo ấy an tịnh,
Thật chánh niệm khinh an,
Không bị ai chiến bại,
Minh kiến được kiêu mạn,
Vị ấy được danh xưng,
Bậc Giác ngộ độc cư.

(IX) (39) Ujjaya

1. Rồi Bà-la-môn Ujjaya đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Ujjaya bạch Thế Tôn:

– Có phải Tôn giả Gotama không tán thán tế đàn?

2. – Này Bà-la-môn, Ta không tán thán tất cả loại tế đàn. Nhưng này Bà-la-môn, Ta không phải không tán thán tất cả loại tế đàn. Trong loại tế đàn nào, này Bà-la-môn, bò bị giết, dê cừu bị giết, gia cầm, heo bị giết, các loài sinh vật khác đi đến bị giết hại, loại tế đàn ấy, này Bà-la-môn, liên hệ đến sát sanh; Ta không tán thán loại tế đàn ấy. Vì cớ sao? Tế đàn có sát sanh như vậy, này Bà-la-môn, các A-la-hán, và những ai đã đi trên con đường hướng đến A-la-hán không có đi đến. Tại tế đàn nào, này Bà-la-môn, trong ấy không có bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có gia cầm, heo bị giết, không có các sinh vật khác bị giết, này Bà-la-môn, Ta tán thán tế đàn không có sát sanh như vậy, tức là bố thí thường làm từ lâu, tế đàn cầu hạnh phúc cho gia đình. Vì cớ sao? Tế đàn không có sát sanh như vậy, này Bà-la-môn các A-la-hán và những ai đã đi trên con đường hướng đến A-la-hán có đi đến.

3.

Lễ tế ngựa, tế người,
Lễ uống nước thắng trận,
Lễ ném cầu may rủi,
Lễ rút lui khóa cửa,
Lễ ấy nhiều sát sanh,
Không đem lại quả lớn.
Chỗ nào giết dê cừu,
Bò và sinh vật khác,
Các bậc theo Chánh đạo,
Các bậc Ðại ẩn sĩ,
Tại tế đàn như vậy
Họ không có đi tới.
Tế đàn không sát sanh,
Thường cầu phước gia đình,
Không giết dê, cừu, bò,
Không giết sinh vật khác,
Các bậc theo Chánh đạo,
Các bậc Ðại ẩn sĩ,
Tại tế đàn như vậy,
Họ đến tế đàn ấy,
Lễ ấy bậc trí làm,
Tế đàn ấy quả lớn,
Tế đàn vậy tốt lành,
Không đem đến ác hại,
Tế đàn càng to lớn,
Chư Thiên càng hoan hỷ.

(X) (40) Udayi

1. Rồi Bà-la-môn Udàyi đi đến Thế Tôn; sau khi đến… Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Udàyi bạch Thế Tôn:

– Có phải Tôn giả Gotama không tán thán tế đàn?

2. – Này Bà-la-môn, Ta không tán thán tất cả tế đàn. Nhưng này Bà-la-môn, Ta không phải không tán thán tất cả loại tế đàn. Trong loại tế đàn nào, này Bà-la-môn, bò bị giết, dê cừu bị giết, gà heo bị giết, các loài sinh vật khác đi đến bị giết hại, loại tế đàn ấy, này Bà-la-môn, liên hệ đến sát sanh; Ta không tán thán loại tế đàn ấy. Vì cớ sao? Tế đàn có sát sanh như vậy, này Bà-la-môn, các A-la-hán, và những ai đã đi trên con đường hướng đến A-la-hán không có đi đến. Tại tế đàn nào, này Bà-la-môn, trong ấy không có bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có gia cầm, heo bị giết, không có các sinh vật khác bị giết, này Bà-la-môn, Ta tán thán tế đàn không có sát sanh như vậy, tức là bố thí thường làm từ lâu, tế đàn cầu hạnh phúc cho gia đình. Vì cớ sao? Tế đàn không có sát sanh như vậy, này Bà-la-môn, các A-la-hán và những ai đã đi trên con đường hướng đến A-la-hán có đi đến.

3.

Tế đàn không sát sanh,
Làm đúng thời thích hợp,
Tế đàn vậy, các bậc,
Phạm hạnh khéo chế ngự,
Ðã vén rộng bức màn,
Khi còn ở trên đời,
Các bậc vượt thời gian,
Ði đến tế đàn ấy.
Bậc Giác ngộ thiện xảo,
Tán thán tế đàn ấy,
Hoặc tại lễ tế đàn,
Hoặc tín thí vong linh,
Tế vật cúng xứng đáng,
Tế lễ tâm hoan hỷ,
Hướng đến ruộng phước lành,
Ðối các vị Phạm hạnh,
Khéo cúng, khéo tế lễ,
Khéo dâng bậc đáng cúng,
Tế đàn vậy rộng lớn,
Chư Thiên đều tán thán,
Bậc Trí sau khi lễ,
Tín thành tâm giải thoát.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

×