04. Phẩm Sứ Giả Của Trời

28/09/2024 145 lượt xem

Chương III – Ba Pháp

IV. Phẩm Sứ Giả Của Trời

31. Ngang Bằng Với Phạm Thiên

– Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Ðạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường.

Phạm Thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Các Ðạo sư thời xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Ðáng được cúng dường, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỷ-kheo, là cha mẹ đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời.

Mẹ cha gọi Phạm Thiên,
Bậc Ðạo sư thời trước
Xứng đáng được cúng dường
Vì thương đến con cháu
Do vậy, bậc Hiền triết
Ðảnh lễ và tôn trọng
Dâng đồ ăn đồ uống
Vải mặc và giường nằm
Thoa bóp (cả thân mình)
Tắm rửa cả tay chân
Với sở hành như vậy,
Ðối với mẹ cha
Ðời này người Hiền khen
Ðời sau hưởng Thiên lạc

32. Ananda

1. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên; ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Rất có thể, bạch Thế Tôn, một Tỷ-kheo được định như vậy, trong cái thân có thức này, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên; đối với tất cả tướng ở ngoài, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên; và do chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên; vị ấy có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy.

– Rất có thể, này, Ananda, một Tỷ-kheo được định như vậy … có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy.

– Như thế nào, bạch Thế Tôn, rất có thể, một Tỷ-kheo được định như vậy … có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy?

– Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Ðây là an tịnh, đây là thù diệu, tức là chỉ tức tất cả hành, từ bỏ tất cả sanh y, đoạn tận tham, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Như vậy, này Ananda, rất có thể Tỷ-kheo được định như vậy, … có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát .

Lại nữa, này Ananda, liên hệ đến vấn đề này, Ta đã nói như sau trong kinh tên là “Những câu hỏi của Punnaka”, chương về Pàràyana.

Do phân tích ở đời
Những vật cao và thấp
Với vị không dao động
Bởi vật gì ở đời,
An tịnh, không tối mù,
Không phiền muộn, không cầu
Ta nói người như vậy,
Ðã vượt khỏi sanh già.

Sàriputta

2. – Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sàriputta đang ngồi xuống một bên:

– Này Sàriputta, Ta có thể thuyết pháp một cách tóm lược. Này, Sàriputta, ta có thể thuyết pháp một cách rộng rãi. Này Sàriputta, ta có thể thuyết pháp một cách tóm lược và rộng rãi. Và những người hiểu được thật là khó tìm!

– Nay đã đến thời, bạch Thế Tôn, nay đã đến thời, bạch Thế Tôn, để Thế Tôn thuyết pháp một cách tóm lược, thuyết pháp một cách rộng rãi, và thuyết pháp một cách tóm lược và rộng rãi. Sẽ có những người có thể hiểu rõ Chánh pháp.

– Vậy này Sàriputta, hãy học tập như sau: “Trong cái thân có thức này, sẽ không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; đối với tất cả tướng ở ngoài, sẽ không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; và do chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên, chúng tôi sẽ chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy!”. Như vậy, này Sàriputta, các Ông cần phải học tập. Khi nào Tỷ-kheo đối với thân có thức này, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; đối với tất cả các tướng ở ngoài, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; và do chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; vị ấy chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy. Người như vậy, này Sàriputta, được gọi là Tỷ-kheo đã chặt đứt khát ái, đã cởi mở kiết sử, với chơn chánh hiện quán kiêu mạn, đã đoạn tận khổ đau.

– Lại nữa, này Sàriputta, liên hệ đến vấn đề này, ta đã nói như sau trong kinh tên là “Những câu hỏi của Udaya” trong chương Pàràyana.

Ðoạn tận cả hai pháp
Dục tham và sân hận
Và từ bỏ hôn trầm
Chận đứng mọi trạo hối
Với xả niệm thanh tịnh
Chạy trước pháp tư duy?
Ta nói trí giải thoát
Vô minh được phá tận.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8

×