07. Phẩm Lớn

28/09/2024 357 lượt xem

4.- Với sự thảo luận, này các Tỷ-kheo, một người có thể biết được là có khả năng thảo luận hay không có khả năng thảo luận?

Nếu một người, này các Tỷ-kheo, khi được hỏi một câu, tránh câu hỏi ấy với một câu hỏi khác, hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, bày tỏ sự phẫn nộ, sân, hận, bất mãn. Nếu là như vậy, này các Tỷ-kheo, người này không có khả năng thảo luận.

Nếu một người, này các Tỷ-kheo, khi được hỏi một câu, không tránh câu hỏi ấy với một câu hỏi khác, không hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, không bày tỏ sự phẫn nộ, sân, hận, bất mãn. Nếu là như vậy, này các Tỷ-kheo, người này có khả năng thảo luận.

5.-Với sự thảo luận, này các Tỷ-kheo, một người có thể biết được là có khả năng thảo luận hay không có khả năng thảo luận?

Nếu một người, này các Tỷ-kheo, khi được hỏi một câu, lại mắng chửi, đánh đập, nhạo báng, chụp lấy chỗ sơ hở. Nếu là như vậy, này các Tỷ-kheo, người này không có khả năng thảo luận.

Nếu một người, này các Tỷ-kheo, khi được hỏi một câu, không mắng chửi, không đánh đập, không nhạo báng, không chụp lấy chỗ sơ hở. Nếu là như vậy, này các Tỷ-kheo, người này có khả năng thảo luận.

6.- Với sự thảo luận, này các Tỷ-kheo, có thể biết được một người có duyên hay không có duyên.

Không có lóng tai, này các Tỷ-kheo, là không có duyên. Có lóng tai là có duyên. Người có duyên thắng tri một pháp, biến tri một pháp, từ bỏ một pháp, chứng đắc một pháp. Do thắng tri một pháp, liễu tri một pháp, từ bỏ một pháp, chứng đắc một pháp, vị ấy cảm thấy chánh giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là lợi ích của thảo luận, như vậy là lợi ích của đàm luận, như vậy là lợi ích có duyên, như vậy là lợi ích nghe lời khuyên, tức là tâm giải thoát không có chấp thủ.

7.

Nói chuyện với hiềm thù
Thiên chấp và kiêu mạn
Nghịch lại đức bậc Thánh
Bới móc lỗi lầm nhau
Thích nghe nói xấu người
Người lầm, người bối rối
Người bị thua, bị hại
Bậc Thánh không làm vậy.
Nếu muốn cùng đàm luận
Bậc hiền biết thời gian
Câu chuyện của bậc Thánh
Liên hệ pháp, pháp nghĩa
Người có trí nói chuyện
Không hiềm thù kiêu mạn
Với tâm không chấp trước
Không hiềm hận độc đoán
Không để tâm lơ đãng
Nói lên với chánh trí
Hoan hỷ lời khéo nói
Không vui lời vụng về
Không học cách chỉ trích,
Không chụp sơ hở người
Không nhiếc mắng đánh đập
Không nói lời vu vơ
Lời nói của bậc Thánh
Vừa dạy vừa hoan hỷ
Như vầy bậc Thánh nói
Như vầy bậc Thánh luận đàm
Bậc trí biết rõ vậy
Nói lời thật khiêm tốn

68. Du Sĩ Ngoại Ðạo.

1. – Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi như sau: “Có ba pháp này, này các Hiền giả. Thế nào là ba? Tham, sân, si. Những pháp này, này các Hiền giả, là ba pháp. Trong ba pháp này, này các Hiền giả, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là khác biệt? “Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông trả lời như thế nào với các du sĩ ngoại đạo ấy?

– Ðối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làn căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm nương tựa. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết ý nghĩa lời nói này cho chúng con. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

– Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo tác ý, ta sẽ nói!

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

Thế Tôn nói như sau:

– Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi như sau: “Có ba pháp này, này các Hiền giả. Thế nào là ba? Tham, sân, si. Những pháp này, này các Hiền giả, là ba pháp. Trong ba pháp này, này các Hiền giả, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là khác biệt? “Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Tham, thưa các Hiền giả, là tội nhỏ, nhưng ly tham là chậm chạp. Sân là tội lớn, nhưng ly sân là mau chóng. Si là tội lớn, và ly si là chậm chạp.”

2.- “Do nhân gì, này chư Hiền, do duyên gì tham chưa sanh được sanh khởi, và tham sanh rồi đưa đến tăng trưởng, quảng đại?”

Cần phải trả lời là “Tịnh tướng”. “Với ai không như lý tác ý tịnh tướng, thời tham chưa sanh được sanh khởi, và tham đã sanh được tăng trưởng quảng đại. Ðây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên, tham chưa sanh được sanh khởi, và tham đã sanh được tăng trưởng quảng đại”.

3. “Do nhân gì, này các chư Hiền, do duyên gì sân chưa sanh được sanh khởi, và sân đã sanh được tăng trưởng, quảng đại?”

Cần phải trả lời là “Chướng ngại tướng”. “Với ai không như lý tác ý chướng ngại tướng, thời sân chưa sanh được sanh khởi, sân sanh rồi được tăng trưởng quảng đại. Ðây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên, khiến sân chưa sanh được sanh khởi, và sân đã sanh được tăng trưởng quảng đại”.

4. “Do nhân gì, này các chư Hiền, do duyên gì si chưa sanh được sanh khởi, và si đã sanh được tăng trưởng, quảng đại?”

Cần phải trả lời là “Không như lý tác ý”. “Với ai không như lý tác ý, thời si chưa sanh được sanh khởi, và si đã sanh được tăng trưởng quảng đại. Ðây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên, khiến si chưa sanh được sanh khởi, và si đã sanh được tăng trưởng quảng đại”.

5.-“Do nhân gì, này các chư Hiền, do duyên gì tham chưa sanh không sanh khởi, hay tham đã sanh được đoạn tận?”

Cần phải trả lời là “Tướng bất tịnh”. “Với ai như lý tác ý tướng bất tịnh, thời tham chưa sanh không sanh khởi, hay tham đã sanh được đoạn tận. Ðây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên khiến tham chưa sanh không sanh khởi, hay tham đã sanh được đoạn tận.”

6. “Do nhân gì, này các chư Hiền, do duyên gì sân chưa sanh không sanh khởi, hay sân đã sanh được đoạn tận?”

Cần phải trả lời là “Từ tâm giải thoát”. “Với ai như lý tác ý từ tâm giải thoát, thời sân chưa sanh không sanh khởi, hay sân đã sanh được đoạn tận. Ðây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên khiến sân chưa sanh không sanh khởi, hay sân đã sanh được đoạn tận.”

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17

×