Này các Tỷ-kheo, nói như vậy, Ta không thấy một câu trả lời hợp lý nào giữa các vị Nigantha. Và lại nữa, này các Tỷ-kheo, Ta nói với các vị Nigantha ấy như sau:
“– Chư Hiền Nigantha, các ông nghĩ thế nào? Có thể được chăng: “Mong rằng nghiệp được thọ quả hiện tại này, do tinh tấn, hay do tinh cần có thể khiến được thọ quả tương lai?”
“– Thưa không vậy, Hiền giả.
“– Có thể được chăng: “Mong rằng nghiệp được thọ quả tương lai này do tinh tấn hay do tinh cần có thể khiến được thọ quả hiện tại?”
“– Thưa không vậy, Hiền giả.
“– Chư Hiền Nigantha, các Ông nghĩ thế nào? Có thể được chăng: “Mong rằng nghiệp được lãnh lạc thọ này, do tinh tấn hay tinh cần có thể được lãnh khổ thọ?”
“– Thưa không vậy, Hiền giả.
“– Có thể được chăng: “Mong rằng nghiệp được lãnh khổ thọ này, do tinh tấn hay tinh cần có thể được lãnh lạc thọ?”
“– Thưa không vậy, Hiền giả.
“– Chư Hiền Nigantha, các Ông nghĩ thế nào? Có thể được chăng: “Mong rằng nghiệp mà quả lãnh thọ đã được thuần thục này do tinh tấn hay tinh cần, có thể trở thành không thuần thục?”
“– Thưa không vậy, Hiền giả.
“– Có thể được chăng: “Mong rằng nghiệp mà quả lãnh thọ chưa được thuần thục này, do tinh tấn hay tinh cần, có thể trở thành thuần thục?”
“– Thưa không vậy, Hiền giả.
“– Chư Hiền Nigantha, các Ông nghĩ thế nào? Có thể được chăng: “Mong rằng nghiệp đa sở thọ này do tinh tấn hay tinh cần trở thành thiểu sở thọ?”
“– Thưa không vậy, Hiền giả.
“– Có thể nói được chăng: “Mong rằng nghiệp thiểu sở thọ này do tinh tấn hay do tinh cần trở thành đã sở thọ?”
“– Thưa không vậy, Hiền giả.
“– Chư Hiền Nigantha, các Ông nghĩ thế nào? Có thể được chăng: “Mong rằng nghiệp có sở thọ này do tinh tấn hay tinh cần trở thành nghiệp không có sở thọ?”
“– Thưa không vậy, Hiền giả.
“– Có thể được chăng: “Mong rằng nghiệp không có sở thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành nghiệp có sở thọ?”
“– Thưa không vậy, Hiền giả.
“– Như vậy, này chư Hiền Nigantha, không thể được: “Mong rằng nghiệp được thọ quả hiện tại này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành nghiệp được thọ quả tương lai”. Không thể được: “Mong rằng nghiệp được thọ quả tương lai này, do tinh tấn hay do tinh cần, trở thành nghiệp được thọ quả hiện tại”. Không thể được: “Mong rằng nghiệp được lãnh lạc thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành nghiệp được lãnh khổ thọ”. Không thể được: “Mong rằng nghiệp được lãnh khổ thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành nghiệp được lãnh lạc thọ”. Không thể được: “Mong rằng nghiệp mà quả lãnh thọ đã được thành thục này, do tinh tấn hay tinh cần có thể trở thành không thành thục”. Không thể được: “Mong rằng nghiệp mà quả lãnh thọ không thành thục này, do tinh tấn hay tinh cần có trở thành thành thục”. Không thể được: “Mong rằng nghiệp đa sở thọ này do tinh tấn hay tinh cần, trở thành thiểu sở thọ”. Không thể được: “Mong rằng nghiệp thiểu sở thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành đa sở thọ”. Không thể được: “Mong rằng nghiệp không có sở thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành có sở thọ”. Không thể được: “Mong rằng nghiệp có sở thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành không có sở thọ”. Sự tình là như vậy, thời sự tinh tấn của các Tôn giả Nigantha là không có kết quả, sự tinh cần của họ là không có kết quả”.
Này các Tỷ-kheo, các Nigantha nói như vậy. Này các Tỷ-kheo, mười thuyết tùy thuyết (Tùy thuận thuyết Vadanuvada) hợp pháp do các Nigantha đã nói như vậy đưa đến sự chỉ trích:
(1) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân các việc làm quá khứ, lãnh thọ lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, các Nigantha thật sự đã làm những ác hạnh trong thời quá khứ, nên nay họ phải lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy.
(2) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân một vị Tạo hóa tạo ra lãnh thọ những cảm giác lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, các Nigantha thật sự được tạo ra bởi một vị Tạo hóa ác độc, vì rằng nay họ lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ.
(3) Như vậy, này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân kết hợp các điều kiện (sangatibhava), thọ lãnh lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, các Nigantha thật sự bị ác kết hợp, vì rằng nay họ lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy.
(4) Này các Tỷ-kheo, nếu các loài hữu tình do nhân sanh loại (ahbijati) lãnh thọ những cảm giác lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, các Nigantha thật sự bị ác sinh loại, vì rằng nay họ lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy.
(5) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân tinh tấn hiện tại, thọ lãnh lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, các Nigantha thật sự đã tạo ác tinh tấn hiện tại, vì rằng nay họ lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ.
(6) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân việc làm quá khứ thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích. Nếu các hữu tình không do nhân việc làm quá khứ thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích.
(7) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân được một vị Tạo hóa tạo ra thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích. Nếu các hữu tình không do nhân được một vị Tạo hóa tạo ra thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích.
(8) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân kết hợp các điều kiện thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích. Nếu các hữu tình không do nhân kết hợp các điều kiện thọ lãnh lạc khổ các Nigantha đáng bị chỉ trích.
(9) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân sanh loại thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích. Nếu các hữu tình không do nhân sanh loại thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích.
(10) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân tinh cần hiện tại thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích. Nếu các hữu tình không do nhân tinh cần hiện tại thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích.
Này các Tỷ-kheo, các Nigantha nói như vậy. Này các Tỷ-kheo, mười thuyết tùy thuyết hợp pháp các Nigantha đã nói như vậy đưa đến sự chỉ trích. Như vậy, này các Tỷ-kheo, sự tinh tấn của các Nigantha là không có kết quả, sự tinh cần của họ là không có kết quả.
— Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự tinh tấn có kết quả? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo không để cho tự ngã chưa bị nhiếp phục, bị đau khổ nhiếp phục và không từ bỏ lạc thọ hợp pháp, và không để lạc thọ ấy chi phối. Vị ấy biết như sau: “Trong khi ta tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ này, do chống lại nguyên nhân đau khổ, ta không có tham dục. Nhưng trong khi ta xả đối với nguyên nhân đau khổ này, trong khi tu tập xả, ta không có tham dục”. Khi vị Tỷ-kheo tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ, do tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ, vị ấy không có tham dục. Do vậy, ở đây, vị ấy tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ. Nhưng trong khi vị ấy xả đối với nguyên nhân đau khổ, trong khi tu tập xả, vị ấy không có tham dục. Do vậy, ở đây, vị ấy tu tập xả. Trong khi vị ấy tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ ấy, do tinh cần chống lại nguyên nhân, vị ấy không có tham dục. Như vậy sự đau khổ ấy đối với vị ấy được diệt tận. Trong khi vị ấy xả đối với nguyên nhân đau khổ ấy, trong khi tu tập xả, vị ấy không có tham dục. Như vậy sự đau khổ ấy đối với vị ấy được diệt tận.
Này các Tỷ-kheo, ví như một người luyến ái một nữ nhân, tâm tư say đắm, nhiệt tình ái mộ, nhiệt tình luyến mộ. Người ấy thấy nữ nhân này đứng với một người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt. Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy, khi thấy nữ nhân này đứng với một người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt, có sanh sầu, bi, khổ, ưu, não không?
— Thưa có vậy, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy? Vì rằng người ấy luyến ái nữ nhân kia, tâm tư say đắm, nhiệt tình ái mộ, nhiệt tình luyến mộ. Do vậy, người ấy khi thấy nữ nhân kia đứng với một người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt, nên sanh sầu, bi, khổ, ưu, não.