III. Phẩm Mười Lực
I. Mười Lực (Tăng 46,3, Ðại 2,776a) (S.ii,27)
1). .. Trú ở Sàvatthi.
2) — Này các Tỷ-kheo, Như Lai đầy đủ mười lực, đầy đủ bốn vô sở úy, tự nhận vị trí Ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử giữa hội chúng, chuyển Pháp luân và nói rằng: “Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Ðây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ đoạn diệt. Ðây là tưởng, đây là tưởng tập khởi, đây là tưởng đoạn diệt. Ðây là hành, đây là hành tập khởi, đây là hành đoạn diệt. Ðây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt”.
Như vậy do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt.
3) Nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức… (như trên)… Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
4) Do ly tham, đoạn diệt hoàn toàn vô minh nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt… (như trên)… Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
II. Mười Lực (Tạp 14.6 Thập Lực, Ðại 2,98a) (S.ii,28)
1). .. Trú Tại Sàvatthi.
2) — Này các Tỷ-kheo, Như Lai đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy… (như trên)… Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
3-4). ..
5) Như vậy, này các Tỷ-kheo, Pháp được Ta khéo thuyết, hiển thị, khai thị, hiển lộ, các buộc ràng được cắt đoạn.
6) Như vậy, này các Tỷ-kheo, với Pháp được Ta khéo thuyết, hiển thị, khai thị, hiển lộ, các buộc ràng được cắt đoạn, thật là đủ cho Thiện nam tử do lòng tin xuất gia có thể bắt đầu tinh tấn (hành trì và nguyện). Như vậy, này các Tỷ-kheo, với Pháp được Ta khéo thuyết, hiển thị, hiển lộ các buộc ràng được cắt đoạn. Chắc chắn dầu chỉ còn lại da, gân và xương trên thân, dầu thịt, máu trở thành khô cạn, mong rằng tinh tấn lực, sẽ được kiên trì để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ trượng phu lực, nhờ trượng phu tinh tấn, nhờ trượng phu cần dõng.
7) Khổ thay, này các Tỷ-kheo, là người sống biếng nhác, dính đầy các pháp ác, bất thiện và mục đích lớn bị suy giảm! An lạc thay, này các Tỷ-kheo, là người sống tinh cần, tinh tấn, viễn ly các ác, bất thiện pháp, và mục đích lớn được viên mãn!
8) Này các Tỷ-kheo, không phải với cái hạ liệt có thể đạt được cái cao thượng. Này các Tỷ-kheo, phải với cái cao thượng mới đạt được cái cao thượng. Ðáng được tán thán, này các Tỷ-kheo, là Phạm hạnh này với sự có mặt của bậc Ðạo Sư. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy tinh tấn lên để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.
9) Có vậy, sự xuất gia này của chúng ta sẽ không phải trống không, có kết quả, có thành tích (Sa udrayà). Và những vật dụng chúng ta thọ dụng như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc trị bệnh, dầu cho những thứ này là khiêm tốn (vokàrà), đối với chúng ta sẽ có quả lớn, có lợi ích lớn.
10) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập. Này các Tỷ-kheo, thấy được tự lợi là vừa đủ để tinh tấn không phóng dật. Hay này các Tỷ-kheo, khi thấy lợi tha là vừa đủ để tinh tấn, không phóng dật. Hay này các Tỷ-kheo, thấy lợi cả hai, là vừa đủ để tinh tấn, không phóng dật.
III. Duyên (S.ii,29)
1)… Trú ở Sàvatthi.
2) — Này các Tỷ-kheo, đối với người biết, này các Tỷ-kheo, đối với người thấy, Ta nói các lậu hoặc được đoạn diệt, không phải đối với người không biết, không phải đối với người không thấy.
3) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào đối với người biết, đối với người thấy, các lậu hoặc được đoạn diệt? Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Ðây là thọ… Ðây là tưởng… Ðây là hành… Ðây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với người biết, như vậy đối với người thấy, các lậu hoặc được đoạn diệt.
4) Này các Tỷ-kheo, trong đoạn diệt ấy, trí về đoạn diệt, Ta nói rằng trí ấy có duyên, không phải không có duyên.
5) Và này các Tỷ-kheo, duyên của trí về đoạn diệt là gì? Giải thoát là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng giải thoát có duyên, không phải không có duyên.
6) Và này các Tỷ-kheo, duyên của giải thoát là gì? Ly tham là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng ly tham có duyên, không phải không có duyên.
7) Và này các Tỷ-kheo, duyên của ly tham là gì? Yếm ly là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng yếm ly có duyên, không phải không có duyên.
8) Và này các Tỷ-kheo, duyên của yếm ly là gì? Tri kiến như chân là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng tri kiến như chân có duyên, không phải không có duyên.
9) Và này các Tỷ-kheo, duyên của tri kiến như chân là gì? Ðịnh là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng định có duyên, không phải không có duyên.
10) Và này các Tỷ-kheo, duyên của định là gì? Lạc là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng lạc có duyên, không phải không có duyên.
11) Này các Tỷ-kheo, duyên của lạc là gì? Khinh an là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng khinh an có duyên, không phải không có duyên.
12) Và này các Tỷ-kheo, duyên của khinh an là gì? Hỷ là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng hỷ có duyên, không phải không có duyên.
13) Và này các Tỷ-kheo, duyên của hỷ là gì? Hân hoan là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng hân hoan có duyên, không phải không có duyên.
14) Và này các Tỷ-kheo, duyên của hân hoan là gì? Lòng tin là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng lòng tin có duyên, không phải không có duyên.
15) Và này các Tỷ-kheo, duyên của lòng tin là gì? Khổ là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng khổ có duyên, không phải không có duyên.
16) Và này các Tỷ-kheo, duyên của khổ là gì? Sanh là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng sanh có duyên, không phải không có duyên.
17) Và này các Tỷ-kheo, duyên của sanh là gì? Hữu là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng hữu có duyên, không phải không có duyên.
18) Và này các Tỷ-kheo, duyên của hữu là gì? Thủ là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng thủ có duyên, không phải không có duyên.
19) Và này các Tỷ-kheo, duyên của thủ là gì? Ái là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng ái có duyên, không phải không có duyên.
20-25) Và này các Tỷ-kheo, duyên của ái là gì? Thọ là câu trả lời… (như trên)…
Xúc là câu trả lời…
Sáu xứ là câu trả lời…
Danh sắc là câu trả lời…
Thức là câu trả lời…
Hành là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng hành có duyên, không phải không có duyên.
26) Và này các Tỷ-kheo, duyên của hành là gì? Vô minh là câu trả lời.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên khổ; khổ duyên tín; tín duyên hân hoan; hân hoan duyên hỷ; hỷ duyên khinh an; khinh an duyên lạc; lạc duyên định; định duyên tri kiến như chân; tri kiến như chân duyên yếm ly; yếm ly duyên ly tham; ly tham duyên giải thoát; giải thoát duyên trí về đoạn diệt.
27) Ví như, này các Tỷ-kheo, trên đỉnh núi trời mưa nặng hột và nước chảy theo triền thấp, tràn đầy hang núi, khe núi, thung lũng. Khi các hang núi, khe núi, thung lũng được tràn đầy, thời ao nhỏ được tràn đầy; ao nhỏ được tràn đầy thời ao lớn được tràn đầy; ao lớn tràn đầy thời sông nhỏ được tràn đầy; sông nhỏ được tràn đầy thời sông lớn được tràn đầy; sông lớn được tràn đầy thời biển lớn, đại dương được tràn đầy.
28) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên khổ; khổ duyên tín; tín duyên hân hoan; hân hoan duyên hỷ; hỷ duyên khinh an; khinh an duyên lạc; lạc duyên định; định duyên tri kiến như chân; tri kiến như chân duyên yếm ly; yếm ly duyên ly tham; ly tham duyên giải thoát; giải thoát duyên trí về đoạn diệt.
IV. Ngoại Ðạo (S.ii,32)
1)… Trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Veluvana (Trúc Lâm).
2) Tôn giả Sàriputta vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Vương Xá để khất thực.
3) Rồi Tôn giả Sàriputta suy nghĩ: “Thật là quá sớm để vào Vương Xá khất thực. Ta hãy đi đến vườn của các du sĩ ngoại đạo”.
4) Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến vườn của các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến, nói lên với những du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, Tôn giả liền ngồi xuống một bên.
Các du sĩ ngoại đạo ấy nói với Tôn giả Sàriputta đang ngồi xuống một bên:
5) — Này Hiền giả Sàriputta, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm. Này Hiền giả Sàriputta, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do người khác làm. Này Hiền giả Sàriputta, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm và do người khác làm. Này Hiền giả Sàriputta, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh.
6) Ở đây, này Hiền giả Sàriputta, Sa-môn Gotama thuyết như thế nào, tuyên bố như thế nào? Và chúng tôi trả lời như thế nào để đáp đúng lời Sa-môn Gotama tuyên bố; chúng tôi không xuyên tạc Sa-môn Gotama không đúng sự thực. Pháp chúng tôi trả lời là thuận pháp; và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn cũng không tìm được lý do để chỉ trích.
7) Chư Hiền giả, Thế Tôn đã nói khổ do duyên mà sanh. Do duyên gì? Do duyên xúc. Nói như vậy là đáp đúng lời Thế Tôn tuyên bố, không xuyên tạc Thế Tôn không đúng sự thật, pháp được trả lời là thuận pháp, và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn cũng không tìm được lý do để chỉ trích.
8) Ở đây, này chư Hiền, những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm; khổ ấy chính do duyên xúc. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do người khác làm; khổ ấy chính do duyên xúc. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm và do người khác làm; khổ ấy chính do duyên xúc… Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh; khổ ấy chính do duyên xúc.
9) Ở đây, này chư Hiền, những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm. Họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do người khác làm. Họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra. Và những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm và do người khác làm. Họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra. Và những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm và không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh. Họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra.
10) Tôn giả Ananda nghe câu chuyện giữa Tôn giả Sàriputta với các du sĩ ngoại đạo ấy.
11) Rồi Tôn giả Ananda, đi khất thực ở Vương Xá xong, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda đem tất cả câu chuyện xảy ra giữa Tôn giả Sàriputta và các du sĩ ngoại đạo trình bày lên Thế Tôn.
12) — Lành thay, lành thay, này Ananda! Sàriputta trả lời như vậy là trả lời một cách chơn chánh. Này Ananda, Ta nói rằng khổ do duyên mà sanh. Do duyên gì? Do duyên xúc. Nói như vậy là đáp đúng lời Ta tuyên bố, không xuyên tạc Ta không đúng sự thật, và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn, cũng không tìm được lý do để chỉ trích.
13) Ở đây, này Ananda, những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm, khổ ấy chính do duyên xúc. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào… (như trên)… Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm, và không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh; khổ ấy chính do duyên xúc.
14) Ở đây, nàyAnanda, những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm, họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc, sự kiện như vậy không xảy ra. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào… (như trên)… Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh, họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra.
15) Này Ananda, một thời Ta trú ở Vương Xá, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
16) Rồi này Ananda, vào buổi sáng Ta đắp y, cầm y bát đi vào Vương Xá để khất thực.
17) Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Thật là quá sớm đi vào Vương Xá để khất thực. Vậy Ta hãy đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo”.
18) Rồi này Ananda, Ta đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến Ta nói lên với những du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, Ta ngồi xuống một bên.
Các du sĩ ngoại đạo ấy nói với Ta đang ngồi một bên:
19) “– Này Hiền giả Gotama, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm. Này Hiền giả Gotama, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do người khác làm. Này Hiền giả Gotama, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm và do người khác làm. Nay Hiền giả Gotama, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm và không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh.
20) Ở đây, Tôn giả Gotama thuyết như thế nào? Chúng tôi trả lời như thế nào để đáp đúng lời Tôn giả Gotama tuyên bố; chúng tôi không xuyên tạc Tôn giả Gotama không đúng sự thật; pháp chúng tôi trả lời là thuận pháp và một vị đồng pháp nào muốn cật vấn cũng không tìm được lý do để chỉ trích?”
21) Khi được nói vậy, này Ananda, Ta nói với các du sĩ ngoại đạo ấy:
“– Này chư Hiền, Ta đã nói khổ do duyên mà sanh. Do duyên gì? Do duyên xúc. Nói như vậy là đáp đúng lời Ta tuyên bố, không xuyên tạc Ta không đúng sự thật; pháp được trả lời là thuận pháp; và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn cũng không tìm được lý do để chỉ trích”.
22) Ở đây, chư Hiền giả, có những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm; khổ ấy chính do duyên xúc. Có những Sa-môn, Bà-la-môn nào… (như trên)… Có những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm và không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh; khổ ấy chính do duyên xúc.
23) Ở đây, chư Hiền giả, những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp tuyên bố khổ do tự mình làm; họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc, sự kiện như vậy không xảy ra. Những Sa-môn, Bà-la-môn… (như trên)… Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp tuyên bố khổ không do tự mình làm, không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh. Họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra.
24) — Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Làm sao tất cả nghĩa được nói chỉ trong một câu. Bạch Thế Tôn, nếu nghĩa này được nói rộng ra, nghĩa này sẽ sâu thẳm và có vẻ được xem là sâu thẳm.
25) — Vậy này Ananda, Ông hãy trình bày nghĩa ấy ở đây.
26) — Bạch Thế Tôn, nếu họ hỏi con: “Này Hiền giả Ananda, già, chết lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?” Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời như sau: “Già, chết, thưa các Tôn giả, lấy sanh làm nhân, lấy sanh tập khởi, lấy sanh tác sanh, lấy sanh làm hiện hữu”. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
27) Bạch Thế Tôn, nếu họ hỏi con: “Này Hiền giả Ananda, sanh lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?”. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời: “Sanh, thưa các Tôn giả, lấy hữu làm nhân, lấy hữu tập khởi, lấy hữu tác sanh, lấy hữu làm hiện hữu”. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
28) Bạch Thế Tôn, nếu họ hỏi con: “Này Hiền giả Ananda, hữu lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?”. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời như sau: “Hữu, thưa các Tôn giả, lấy thủ làm nhân, lấy thủ tập khởi, lấy thủ tác sanh, lấy thủ làm hiện hữu”. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
29-31) Bạch Thế Tôn, nếu họ hỏi con: “Này Hiền giả Ananda, thủ lấy gì làm nhân… ái lấy gì làm nhân… thọ lấy gì làm nhân… (như trên)..”. Bạch Thế Tôn, nếu họ hỏi con: “Này Hiền giả Ananda, xúc lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?”. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời như sau: “Xúc, thưa các Hiền giả, lấy sáu xứ làm nhân, lấy sáu xứ tập khởi, lấy sáu xứ tác sanh, lấy sáu xứ làm hiện hữu. Thưa các Hiền giả, do sự ly tham, đoạn diệt hoàn toàn các xúc xứ, xúc được đoạn diệt. Do xúc diệt, thọ diệt; do thọ diệt, ái diệt; do ái diệt, thủ diệt; do thủ diệt, hữu diệt; do hữu diệt, sanh diệt; do sanh diệt, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này”. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
V- Bhùmija (Tạp 14.1 Phù di, Ðại 2.95b) (S.ii,37)
1)…Trú ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Bhùmija, vào buổi chiều, từ chỗ độc cư Thiền tịnh đứng đậy, đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Bhùmija thưa Tôn giả Sàriputta:
3) — Hiền giả Sàruputta, có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ lạc do tự mình làm. Hiền giả Sàruputta, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ lạc do người khác làm. Hiền giả Sariputta, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ lạc do tự mình làm và do người khác làm. Hiền giả Sàriputta, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ lạc không do tự mình làm, không do người khác làm, khổ lạc do tự nhiên sanh.
4) Ở đây, này Hiền giả Sàriputta, Thế Tôn thuyết như thế nào, tuyên bố như thế nào? Và chúng tôi trả lời như thế nào để đáp đúng lời Thế Tôn tuyên bố; chúng tôi không xuyên tạc Thế Tôn không đúng sự thật; pháp chúng tôi trả lời là thuận pháp; và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn không tìm được lý do để chỉ trích?
5) — Này Hiền giả, Thế Tôn đã nói lạc khổ do duyên mà sanh. Do duyên gì? Do duyên xúc. Nói như vậy là đáp đúng lời Thế Tôn tuyên bố, không xuyên tạc Thế Tôn không đúng sự thật; pháp được trả lời là thuận pháp, và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn cũng không tìm được lý do để chỉ trích.
6) Ở đây, này Hiền giả, các vị Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố lạc khổ do tự mình làm; lạc khổ ấy chính do duyên xúc. Các vị Sa-môn, Bà-la-môn nào… (như trên)… Các Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố là lạc khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, lạc khổ do tự nhiên sanh; lạc khổ ấy chính do duyên xúc.
7) Ở đây, này Hiền giả, các Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố lạc khổ do tự mình làm, họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra. Các Sa-môn, Bà-la-môn nào…(như trên)… Các Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố lạc khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, lạc khổ do tự nhiên sanh, họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra.
8) Tôn giả Ananda được nghe chuyện này giữa Tôn giả Sàriputta với Tôn giả Bhùmija.
9) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda đem tất cả câu chuyện xảy ra như thế nào giữa Tôn giả Sàriputta với Tôn giả Bhùmija bạch lên Thế Tôn.
10) — Lành thay, lành thay! Này Ananda, Sàriputta trả lời như vậy là trả lời một cách chơn chánh. Này Ananda, Ta nói rằng khổ là do duyên mà sanh. Do duyên gì? Do duyên xúc. Nói như vậy là đáp đúng lời Ta tuyên bố, không xuyên tạc Ta không đúng sự thật; pháp được trả lời là thuận pháp và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn cũng không có thể tìm được lý do để chỉ trích.
11) Ở đây, này Ananda, những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố lạc khổ do tự mình làm, lạc khổ ấy chính do duyên xúc. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào… (như trên)… Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố lạc khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, khổ lạc do tự nhiên sanh; khổ lạc ấy chính do duyên xúc.
12) Ở đây, này Ananda, những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố lạc khổ do tự mình làm, họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện ấy không xảy ra. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào… (như trên)… Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố lạc khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, lạc khổ do tự nhiên sanh, họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện ấy không xảy ra.
13) Này Ananda, chỗ nào có thân, do nhân thân tư niệm, thời nội thân khởi lên lạc khổ. Chỗ nào có lời nói, này Ananda, do nhân khẩu tư niệm, thời nội thân khởi lên lạc khổ. Chỗ nào có ý, này Ananda, do nhân ý tư niệm, thời nội thân khởi lên lạc khổ.
14) Do duyên vô minh, hoặc tự chúng ta, này Ananda, làm các thân hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ. Hoặc những người khác, này Ananda, làm các thân hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ. Hoặc với ý thức rõ ràng, này Ananda, làm các thân hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ. Hoặc không với ý thức rõ ràng, này Ananda, làm các thân hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ.
15) Hoặc tự chúng ta, này Ananda, làm các khẩu hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ. Hoặc những người khác, này Ananda, làm các khẩu hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ.
16) Hoặc với ý thức rõ ràng, này Ananda… (như trên)… Hoặc không với ý thức rõ ràng, này Ananda, làm các khẩu hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ.
17) Hoặc tự mình, này Ananda, làm các ý hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ. Hoặc những người khác, này Ananda, làm các ý hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ.
18) Hoặc với ý thức rõ ràng, này Ananda… (như trên)… Hoặc không với ý thức rõ ràng, này Ananda làm các ý hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ.
19) Này Ananda, trong sáu pháp này, đều bị vô minh chi phối. Này Ananda, với ly tham, đoạn diệt hoàn toàn vô minh, thân ấy không có; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ. Khẩu ấy không có; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ. Ý ấy không có; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ. Chúng không phải là đồng ruộng, chúng không phải là căn cứ, chúng không phải là xứ, chúng không phải là luận sự; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ.
VI. Upavàna (Ưu-ba-ma-na) (S.ii,41)
1). .. Trú ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Upavàna đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Upavàna bạch Thế Tôn:
3) — Bạch Thế Tôn, có những Sa-môn, Bà-la-môn tuyên bố khổ do tự mình làm. Bạch Thế Tôn lại có những Sa-môn, Bà-la-môn tuyên bố khổ do người khác làm. Bạch Thế Tôn, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn tuyên bố khổ do tự mình làm và do người khác làm. Bạch Thế Tôn, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn tuyên bố khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh.
4) Ở đây, bạch Thế Tôn, Thế Tôn thuyết như thế nào, tuyên bố như thế nào? Và chúng con trả lời như thế nào để đáp đúng lời Thế Tôn tuyên bố; chúng con không xuyên tạc Thế Tôn không đúng sự thực; pháp chúng con trả lời là thuận pháp và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn cũng không tìm được lý do để chỉ trích?.
5) — Này Upavàna, Ta đã nói khổ do duyên mà sanh. Do duyên gì? Do duyên xúc. Nói như vậy là đáp đúng lời Ta tuyên bố, không xuyên tạc Ta không đúng sự thực; pháp được trả lời là thuận pháp và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn cũng không tìm được lý do để chỉ trích.
6) Ở đây, này Upavàna, những Sa-môn, Bà-la-môn tuyên bố khổ do tự mình làm ra; khổ ấy chính do duyên xúc. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào… (như trên)… Những Sa-môn, Bà-la-môn tuyên bố khổ không do mình làm ra, không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh; khổ ấy chính do duyên xúc.
7) Ở đây, này Upavàna, những Sa-môn, Bà-la-môn tuyên bố khổ do tự mình làm, họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra. Những Sa-môn, Bà-la-môn… (như trên)… Những Sa-môn, Bà-la-môn tuyên bố khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh. Họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra.
VII. Duyên (S.ii,42)
1)… Trú ở Sàvatthi.
2) — Này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành, hành duyên thức… (như trên)… Như vậy là tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
3) Này các Tỷ-kheo, thế nào là già, chết? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị già yếu, suy nhược, hủ bại, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ đồi bại, các căn chín muồi; đây gọi là già. Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị hủy diệt, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn tàn lụn, thân thể hoại diệt, vứt bỏ; đây gọi là chết. Như vậy, đây là già, đây là chết. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là già, chết.
4) Do sanh khởi, già, chết khởi. Do sanh diệt, già, chết diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành đưa đến già, chết đoạn diệt tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sanh?…
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu?…
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thủ?…
8) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ái?…
9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thọ?…
10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xúc?…
11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu xứ?…
12) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là danh sắc?…
13) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức?… (xem như trên, chương Một, phẩm Một, II. 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13)
14) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Này các Tỷ-kheo, có ba hành này: thân hành, khẩu hành, ý hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hành.
Do vô minh khởi, hành khởi. Do vô minh diệt, hành diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành đưa đến sự đoạn diệt các hành. Tức là chánh tri kiến… chánh định.
15) Này các Tỷ-kheo, do vị Thánh đệ tử biết duyên như vậy, duyên tập khởi như vậy, duyên đoạn diệt như vậy; biết rõ con đường đưa đến đoạn diệt như vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ấy được gọi là đạt tri kiến, đạt kiến, đã đạt đến diệu pháp này, thấy được diệu pháp này, đã đầy đủ hữu học trí, đã đầy đủ hữu học minh, đã nhập được pháp lưu, là bậc Thánh minh đạt tuệ, đã đứng gõ vào cửa bất tử.
VIII. Vị Tỷ Kheo (Tạp 14.14, Lão Tử, Ðại 2,99c) (S.ii.43)
1). .. Trú ở Sàvatthi.
2) Tại đây…
3) — Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hiểu rõ già, chết, hiểu rõ già, chết tập khởi, hiểu rõ già, chết đoạn diệt, hiểu rõ con đường đưa đến già, chết đoạn diệt…(như trên)…
4)… Hiểu rõ sanh…
5)… Hiểu rõ hữu…
6)… Hiểu rõ thủ…
7)… Hiểu rõ ái…
8)… Hiểu rõ thọ…
9)… Hiểu rõ xúc…
10)… Hiểu rõ sáu xứ…
11)… Hiểu rõ danh sắc…
12)… Hiểu rõ thức…
13)… Hiểu rõ hành, hiểu rõ hành tập khởi, hiểu rõ hành đoạn diệt.
14) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là già, chết? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị già yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ đồi bại, các căn chín muồi; đây gọi là già. Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị hủy diệt, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn tàn lụn, thân thể hoại diệt, vứt bỏ; đây gọi là chết. Như vậy đây là già, đây là chết. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là già, chết.
15) Do sanh khởi, già, chết khởi. Do sanh diệt, già, chết diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành đưa đến già, chết đoạn diệt, tức là chánh tri kiến… chánh định.
16-24) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sanh… (như trên)… Này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu… Này các Tỷ-kheo, thế nào là thủ… Này các Tỷ-kheo, thế nào là ái… là thọ… là xúc… là sáu xứ… là danh sắc… là thức?…
25) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Có ba hành này, này các Tỷ-kheo: thân hành, khẩu hành, ý hành. Ba hành này, này các Tỷ-kheo, được gọi là hành.
Do vô minh khởi nên hành khởi. Do vô minh diệt nên hành diệt. Ðây chính là Thánh đạo tám ngành đưa đến hành đoạn diệt. Tức là chánh tri kiến…(như trên)…chánh định.
26) Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo biết rõ già, chết như vậy, biết rõ già, chết tập khởi như vậy, biết rõ già, chết đoạn diệt như vậy, biết rõ con đường đưa đến già, chết đoạn diệt như vậy.
27-36) Do biết rõ sanh như vậy… hữu… thủ…ái…thọ…xúc…sáu xứ…danh sắc… thức… Do biết rõ hành như vậy, biết rõ hành tập khởi như vậy, biết rõ hành đoạn diệt như vậy, do biết rõ con đường đưa đến hành đoạn diệt như vậy.
37) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy được gọi là đạt tri kiến, đạt kiến, đã đi đến diệu pháp này, thấy được diệu pháp này, đã đầy đủ hữu học trí, đã đầy đủ hữu học minh, đã nhập được pháp lưu, là bậc Thánh minh đạt tuệ, đã đứng gõ vào cửa bất tử.
IX. Sa Môn, Bà La Môn (Tạp 14,12-3, Sa-môn, Bà-la-môn, Ðại 2,99b) (S.ii,42)
1)…Trú ở Sàvatthi.
2-12) — Ở đây, này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không hiểu rõ già, chết, không hiểu rõ già, chết tập khởi, không hiểu rõ già, chết đoạn diệt, không hiểu rõ con đường đưa đến già, chết đoạn diệt, không hiểu rõ sanh…(như trên)… Hữu…thủ…ái…thọ…xúc…sáu xứ…danh sắc…thức… không hiểu rõ hành, không hiểu rõ hành tập khởi, không hiểu rõ hành đoạn diệt, không hiểu rõ con đường đưa đến hành đoạn diệt.
13) Những Sa-môn hay Bà-la-môn ấy không được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn. Và những Tôn giả ấy cũng không có thể ngay trong đời sống hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn hạnh hay mục đích Bà-la-môn hạnh.
14-24) Và này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào hiểu rõ già, chết, hiểu rõ già, chết tập khởi, hiểu rõ già, chết đoạn diệt, hiểu rõ con đường đưa đến già, chết đoạn diệt, hiểu rõ sanh… hữu… thủ… ái… thọ… xúc… sáu xứ… danh sắc… thức… hiểu rõ hành, hiểu rõ hành tập khởi, hiểu rõ hành đoạn diệt, hiểu rõ con đường đưa đến hành đoạn diệt.
25) Những Sa-môn hay Bà-la-môn ấy được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn. Và những Tôn giả ấy ngay trong đời sống hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn hạnh hay mục đích Bà-la-môn hạnh.
X. Sa Môn , Bà La Môn (như trên) (S.ii,46)
1)… Trú ở Sàvatthi.
2) Ở đây…
3) — Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không biết già, chết, không biết già, chết tập khởi, không biết già, chết đoạn diệt, không biết con đường đưa đến già, chết đoạn diệt; họ chắc chắn vượt qua già, chết và an trú; sự kiện như vậy không xảy ra.
4-12) Không biết sanh… hữu… thủ… ái… thọ… xúc… sáu xứ… danh sắc… thức…
13) Không biết hành, không biết hành tập khởi, không biết hành đoạn diệt, không biết con đường đưa đến hành đoạn diệt, họ chắc chắn vượt qua các hành và an trú; sự kiện như vậy không xảy ra.
14) Và này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào biết già, chết, biết già, chết tập khởi, biết già, chết đoạn diệt, biết con đường đưa đến già, chết đoạn diệt; họ chắc chắn vượt qua già, chết và an trú, sự kiện như vậy có xảy ra.
15-23) Biết sanh… hữu… thủ… ái… thọ… xúc… sáu xứ… danh sắc… thức… biết hành, biết hành tập khởi, biết hành đoạn diệt; biết con đường đưa đến hành đoạn diệt; họ chắc chắn vượt qua các hành và an trú; sự kiện như vậy có xảy ra.