Chương IV – Bốn Pháp
XVIII. Phẩm Tư Tâm Sở
(I) (171) Với Tư Tâm Sở
– Này các Tỷ-kheo, khi nào có hành động về thân, do nhân thân tư tâm sở, khởi lên lạc khổ nội tâm. Khi nào có hành động về lời, do nhân tư tâm sở về lời, khởi lên lạc khổ nội tâm. Khi nào có hành động về ý, do nhân ý tư tâm sở , khởi lên lạc khổ nội tâm. Hay là do vô minh …
2. Hoặc này các Tỷ-kheo, do tự mình làm thân hành, do duyên này, khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, do người khác làm thân hành đối với người ấy, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, tự mình tỉnh giác làm thân hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, không có tỉnh giác làm thân hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy.
3. Hoặc này các Tỷ-kheo, do tự mình làm khẩu hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, do người khác làm khẩu hành đối với người ấy, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, tự mình tỉnh giác làm khẩu hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, không có tỉnh giác làm khẩu hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy.
4. Hoặc này các Tỷ-kheo, do tự mình làm ý hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, do người khác làm ý hành đối với người ấy, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, tự mình tỉnh giác làm ý hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, không có tỉnh giác làm ý hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy.
5. Này các Tỷ-kheo, trong những pháp này, có vô minh tháp tùng. Do sự đoạn diệt, ly tham, không có dư tàn của vô minh, thân hành ấy không có, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy; khẩu hành ấy không có, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy; ý hành không có, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Thửa ruộng không có, căn cứ không có, xứ không có, duyên sự không có, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy.
(II) (172) Ðược Ngã Tánh
1.- Này các Tỷ-kheo, có bốn cách này để được ngã tánh. Thế nào là bốn?
Có cách được ngã tánh, này các Tỷ-kheo, trong cách được ngã tánh ấy, ngã tư tâm sở hoạt động, không phải do tư tâm sở của người khác. Có cách được ngã tánh, này các Tỷ-kheo, trong cách được ngã tánh ấy, tư tâm sở của người khác hoạt động, không phải tư tâm sở của mình. Có cách được ngã tánh, này các Tỷ-kheo, trong cách được ngã tánh ấy, ngã tư tâm sở và tư tâm sở của người khác cùng hoạt động. Có cách được ngã tánh, này các Tỷ-kheo, trong cách được ngã tánh ấy, ngã tư tâm sở và tư tâm sở của người khác không hoạt động.
Này các Tỷ-kheo, có bốn cách này để được ngã tánh.
2. Khi được nói vậy, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, lời dạy tóm tắt này của Thế Tôn con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như sau: Tại đấy, bạch Thế Tôn, có cách được ngã tánh này, do cách được ngã tánh ấy, ngã tư tâm sở hoạt động, không phải do tư tâm sở của người khác. Do nhân ngã tư tâm sở, có sự mệnh chung từ bỏ thân ấy của các chúng sanh ấy. Tại đấy, bạch Thế Tôn, có các được ngã tánh này, do cách được ngã tánh ấy, tư tâm sở của người khác hoạt động, không phải ngã tư tâm sở. Do nhân tư tâm sở của người khác, có sự mệnh chung từ bỏ thân ấy của các chúng sanh ấy. Tại đấy, bạch Thế Tôn, có cách được ngã tánh này, do cách được ngã tánh ấy, ngã tư tâm sở và tư tâm sở của người khác cùng hoạt động. Do nhân ngã tư tâm sở và tư tâm sở của người khác, có sự mệnh chung, từ bỏ thân ấy của các chúng sanh ấy. Tại đấy, bạch Thế Tôn, có cách được ngã tánh này, do cách được ngã tánh ấy, ngã tư tâm sở và tư tâm sở của người khác không có hoạt động.
3. Trong trường hợp ngã tư tâm sở và tư tâm sở của người khác không có hoạt động, thời hạng chư Thiên nào cần được xem là trong trường hợp này?
– Này Sàriputta, hạng chư Thiên đi đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ cần được xem là trong trường hợp ấy.
– Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây có hạng chúng sanh, sau khi mạng chung từ bỏ thân ấy, đã trở lui lại, đã trở lui lại trong trạng thái này? Do nhân gì, do duyên gì, ở đây có hạng chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung từ bỏ thân ấy, đã trở không trở lui lại, không trở lui lại trong trạng thái này?
4. – Ở đây, này Sàriputta, đối với hạng người năm hạ phần kiết sử chưa đoạn tận, vị ấy ngay trong hiện tại, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy hưởng thọ vị ngọt ấy, có tâm ái luyến, tìm được hạnh phúc trong ấy. An trú ở đây hướng mạnh về đấy, sống nhiều với trạng thái ấy, không có thối đọa, sau khi thân hoại mạng chung được sanh cộng trú với chư Thiên ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy mệnh chung, từ bỏ (thân ái), đã trở lui lại, đã trở lui lại trạng thái này.
5. Ở đây, này Sàriputta, đối với hạng người năm hạ phần kiết sử đã được đoạn tận, vị ấy ngay trong hiện tại, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy hưởng thọ vị ngọt ấy, có tâm ái luyến, tìm được hạnh phúc trong ấy. An trú ở đây hướng mạnh về đấy, sống nhiều với trạng thái ấy, không có thối đọa, khi thân hoại mạng chung được sanh cộng trú với chư Thiên ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy mệnh chung, từ bỏ (thân ái) ấy, nhưng không trở lui lại, không trở lui lại trạng thái này.
Này Sàriputta, đây là nhân, đây là duyên, ở đây có hạng chúng sanh, sau khi mạng chung, từ bỏ thân ấy … đã không trở lui lại, không trở lui lại trạng thái này.
(III) (173) Phân Tích
Tại đây, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo:
– Thưa các Hiền giả Tỷ-kheo.
– Thưa vâng Hiền giả. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như:
– Thưa các Hiền giả, sau khi tôi thọ đại giới nửa tháng, nghĩa là vô ngại giải được chứng ngộ, vừa đặc biệt, vừa theo văn cú. Vấn đề ấy, với nhiều pháp môn, tôi nói lên, tôi thuyết giảng, tôi nêu rõ, tôi trình bày, tôi an lập, tôi mở rộng, tôi phân tích, tôi phát lộ. Nếu ai có nghi ngờ gì hay phân vân gì, nào có ích gì người ấy hỏi tôi và tôi trả lời người ấy, khi bậc Ðạo sư có mặt trước chúng ta, một bậc rất khéo thiện xảo trong các pháp.
Thưa các Hiền giả, sau khi tôi thọ đại giới nửa tháng, pháp vô ngại giải được chứng ngộ, vừa đặc biệt … tôi phát lộ. Nếu ai có nghi ngờ gì hay phân vân gì, nào có ích gì người ấy hỏi tôi và tôi trả lời người ấy, khi bậc Ðạo sư có mặt trước chúng ta, một bậc rất khéo thiện xảo trong các pháp.
Thưa các Hiền giả, sau khi tôi thọ đại giới trong nửa tháng, từ vô ngại giải được chứng ngộ, vừa đặc biệt … tôi phát lộ. Nếu ai có nghi ngờ gì hay phân vân gì, nào có ích gì người ấy hỏi tôi và tôi trả lời người ấy, khi bậc Ðạo sư có mặt trước chúng ta, một bậc rất khéo thiện xảo trong các pháp.
Thưa các Hiền giả, sau khi tôi thọ đại giới nửa tháng, biện tài vô ngại giải được chứng ngộ, vừa đặc biệt, vừa theo văn cú. Vấn đề ấy, với nhiều pháp môn, tôi nói lên, tôi thuyết giảng, tôi nêu rõ, tôi trình bày, tôi an lập, tôi mở rộng, tôi phân tích, tôi phát lộ. Nếu ai có nghi ngờ gì hay phân vân gì, nào có ích gì người ấy hỏi tôi và tôi trả lời người ấy, khi bậc Ðạo sư có mặt trước chúng ta, một bậc rất khéo thiện xảo trong các pháp.
(IV) (174) Kotthita
1. Rồi Tôn giả Mahàkotthita đi đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón thăm hỏi … ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahàkotthita thưa với Tôn giả Sàriputta:
– Thưa Hiền giả, sau sự đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, còn có một cái gì khác nữa?
– Chớ có nói vậy, thưa Hiền giả.
– Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, không còn có một cái gì khác nữa?
– Chớ có nói vậy, thưa Hiền giả.
– Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, còn có và không còn có một cái gì khác nữa?
– Chớ có nói vậy, thưa Hiền giả.
– Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, không còn có và không không còn có một cái gì khác nữa?
– Chớ có nói vậy, thưa Hiền giả.
2.- Thưa Hiền giả, khi được hỏi: “Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, còn có một cái gì khác nữa”, Hiền giả nói: “Chớ có nói vậy, thưa Hiền giả”. Khi được hỏi: “Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, không còn có một cái gì khác nữa”, Hiền giả nói: “Chớ có nói vậy, thưa Hiền giả”. Khi được hỏi: “Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, còn có và không còn có một cái gì khác nữa”, Hiền giả nói: “Chớ có nói vậy, thưa Hiền giả”. Sau khi được hỏi: “Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, không còn có và không không còn có một cái gì khác nữa”, Hiền giả nói: “Chớ có nói vậy, thưa Hiền giả”. Thưa Hiền giả, như thế nào cần phải hiểu ý nghĩa lời nói này?
3.- “Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, còn có một cái gì khác nữa !”, nói vậy là khiến trở thành hý luận một vấn đề không phải hý luận. “Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, … không có dư tàn, không có cái gì khác nữa !”, nói vậy là khiến trở thành hý luận một vấn đề không phải hý luận. “Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, … không có dư tàn, còn có và không còn có một cái gì khác nữa !”, nói vậy là khiến trở thành hý luận một vấn đề không phải hý luận. “Thưa Hiền giả, sau khi đoạn diệt, … không có dư tàn, không còn có và không không còn có một cái gì khác nữa !”, nói vậy là khiến trở thành hý luận một vấn đề không phải hý luận. Thưa Hiền giả, cho đến khi nào có sự đi đến sáu xúc xứ, cho đến khi ấy có sự đi đến hý luận. Cho đến khi nào có sự đi đến hý luận, cho đến khi ấy có sự đi đến sáu xúc xứ. Thưa Hiền giả, do sự đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, hý luận được đoạn diệt, hý luận được chỉ tịnh.
4. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Tôn giả Mahàkotthita, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Mahàkotthita những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda thưa với Tôn giả Mahàkotthita:
– Thưa Hiền giả, do sự đoạn diệt ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, có phải còn có vật gì khác?
– Chớ có nói vậy, thưa Hiền giả.
… (giống như đoạn trước, khi Sàriputta trả lời cho Mahàkotthita … cho đến… “hý luận được chỉ tịnh”).
(V) (175) Upavàna
1. Rồi Tôn giả Upavàna đi đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, nói với Tôn giả Sàriputta … ngồi xuống một bên.
– Thưa Hiền giả Sàriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) nhờ minh hay không?
– Thưa không, này Hiền giả.
– Thưa Hiền giả Sàriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) nhờ hạnh hay không?
– Thưa không, này Hiền giả.
– Thưa Hiền giả Sàriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) nhờ minh và hạnh hay không?
– Thưa không, này Hiền giả.
– Thưa Hiền giả Sàriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) ngoài minh và hạnh hay không?
– Thưa không, này Hiền giả.
2. – Khi được hỏi: “Thưa Tôn giả Sàriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) nhờ minh hay không?”, Tôn giả nói: “Thưa không, này Hiền giả”. Khi được hỏi: “Thưa Tôn giả Sàriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) nhờ hạnh hay không?”, Tôn giả nói: “Thưa không, này Hiền giả”. Khi được hỏi: “Thưa Tôn giả Sàriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) nhờ minh và hạnh hay không?”, Tôn giả nói: “Thưa không, này Hiền giả”. Khi được hỏi: “Thưa Tôn giả Sàriputta, có thể có người chấm dứt (đau khổ) ngoài minh và hạnh hay không?”, Tôn giả nói: “Thưa không, này Hiền giả”. … Như thế nào, thưa Tôn giả, (cần phải hiểu) có người chấm dứt (đau khổ)?
3.- Này Hiền giả, nếu có người chấm dứt (đau khổ) nhờ minh, thời người ấy vẫn là người chấm dứt (đau khổ) với chấp thủ. Này Hiền giả, nếu có người chấm dứt (đau khổ) nhờ hạnh, thời người ấy vẫn là người chấm dứt (đau khổ) với chấp thủ. Này Hiền giả, nếu có người chấm dứt (đau khổ) nhờ minh và hạnh, thời người ấy vẫn là người chấm dứt (đau khổ) với chấp thủ. Này Hiền giả, nếu có người chấm dứt (đau khổ) ngoài minh và hạnh, thời một người phàm phu có thể là người chấm dứt (đau khổ). Thưa Hiền giả, người phàm phu không có minh và hạnh nên không như thật thấy và biết, nhưng nếu có minh và hạnh đầy đủ như thật thấy và biết, là người chấm dứt (đau khổ).
(VI) (176) Mong Cầu
1.- Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, nếu chơn chánh mong cầu, hãy mong cầu như sau: “Mong ta sẽ được như Sàriputta, Moggallàna”.
Này các Tỷ-kheo, họ là cán cân, là đồ để đo lường các đệ tử Tỷ-kheo của ta, tức là Sàriputta, Moggallàna.
2. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni có lòng tin, nếu chơn chánh mong cầu, hãy mong cầu như sau: “Mong ta sẽ được như Khema và Tỷ-kheo-ni Uppalavannà”.
Này các Tỷ-kheo, họ là cán cân, là đồ để đo lường các đệ tử Tỷ-kheo-ni của ta, tức là Khema và Uppalavannà.
3. Này các Tỷ-kheo, nam cư sĩ có lòng tin, nếu chơn chánh mong cầu, hãy mong cầu như sau: “Mong ta sẽ được như gia chủ Citta, và Hatthaka người Alavì”.
Này các Tỷ-kheo, họ là cán cân, là đồ để đo lường các đệ tử nam cư sĩ của ta, tức là gia chủ Citta và Hatthaka người Alavì.
4. Này các Tỷ-kheo, nữ cư sĩ có lòng tin, nếu chơn chánh mong cầu, hãy mong cầu như sau: “Mong ta sẽ được như nữ cư sĩ Khujjuttarà và Velukantaki, mẹ của Nandà”.
Này các Tỷ-kheo, họ là cán cân, là đồ để đo lường các đệ tử nữ cư sĩ của ta, tức là nữ cư sĩ Khujjuttarà và Velukantaki, mẹ của Nandà.
(VII) (177) Rahula
1. Rồi Tôn giả Ràhula đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Ràhula đang ngồi xuống một bên:
– Này Ràhula, phàm có nội địa giới gì, phàm có ngoại địa giới gì, đều là địa giới này. Cần phải như thật thấy địa giới ấy với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi”. Do thấy như thật (địa giới) này với chánh trí tuệ, vị ấy nhàm chán địa giới. Với trí tuệ, vị ấy tẩy sạch tâm.
2-4. Này Ràhula, phàm có nội thủy giới gì, phàm có ngoại thủy giới gì, đều là thủy giới này…., phàm có nội hỏa giới gì, phàm có ngoại hỏa giới gì, đều là hỏa giới này…., phàm có nội phong giới gì, phàm có ngoại phong giới gì, đều là phong giới này. Cần phải như thật thấy phong giới ấy với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi”. Do thấy như thật (phong giới) này với chánh trí tuệ, vị ấy nhàm chán phong giới. Với trí tuệ, vị ấy tẩy sạch tâm.
5. Khi nào, này Ràhula, Tỷ-kheo đối với bốn giới này, không có tùy quán là tự ngã hay thuộc ngã sở, này Ràhula, vị này được gọi là Tỷ-kheo đã cắt dứt ái, đã giải tỏa các kiết sử, đã chơn chánh minh quán kiêu mạn, đã chấm dứt khổ đau.
(VIII) (178) Hồ Nước Ở Làng
1.- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được và an trú một loại an tịnh tâm giải thoát. Vị ấy tác ý có thân diệt, do vị ấy tác ý có thân diệt, tâm không phấn chấn, không có tịnh tín, không an trú, không giải thoát đối với có thân diệt. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy không có chờ đợi được có thân diệt. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người lấy tay có dính nhựa cầm một cành cây, tay của vị ấy sẽ dính vào, nắm lấy, cột vào cành cây ấy. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được và an trú một loại an tịnh tâm giải thoát. Vị ấy tác ý có thân diệt, do vị ấy tác ý có thân diệt, tâm không phấn chấn, không có tịnh tín, không an trú, không giải thoát đối với có thân diệt. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy không có chờ đợi được có thân diệt.
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chứng đạt và an trú một loại an tịnh tâm giải thoát. Vị ấy tác ý có thân diệt, do vị ấy tác ý có thân diệt, tâm vị ấy phấn chấn, tịnh tín, an trú và giải thoát đối với có thân diệt. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy được chờ đợi là có được có thân diệt. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người lấy tay sạch cầm một cành cây, tay của vị ấy không dính vào, không nắm lấy, không cột vào cành cây ấy. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được và an trú một loại an tịnh tâm giải thoát. Vị ấy tác ý có thân diệt, do vị ấy tác ý có thân diệt, tâm vị ấy phấn chấn, tịnh tín, an trú và giải thoát đối với có thân diệt. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy được chờ đợi là có được có thân diệt.
3. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được và an trú một loại an tịnh tâm giải thoát. Vị ấy tác ý phá hoại vô minh, không có phấn chấn, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát đối với phá hoại vô minh. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy không có chờ đợi được vô minh phá hoại. Ví như, này các Tỷ-kheo, một hồ nước đã được nhiều năm, có người đến bịt tất cả các lỗ nước chảy vào, mở ra tất cả các lỗ nước chảy ra, và trời lại không mưa đều đặn. Hồ nước như vậy, này các Tỷ-kheo, không có chờ đợi tức nước vỡ bờ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được và an trú một loại an tịnh tâm giải thoát. Vị ấy tác ý phá hoại vô minh. Do vị ấy tác ý phá hoại vô minh, tâm không có phấn chấn, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát đối với phá hoại vô minh. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy không có chờ đợi được vô minh phá hoại .
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được và an trú một loại an tịnh tâm giải thoát. Vị ấy tác ý phá hoại vô minh. Do vị ấy tác ý phá hoại vô minh, tâm có phấn chấn, có tịnh tín, có an trú, có giải thoát đối với phá hoại vô minh. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy có chờ đợi được vô minh phá hoại. Ví như, này các Tỷ-kheo, một hồ nước đã được nhiều năm, có người đến bịt tất cả các lỗ nước chảy ra, mở ra tất cả các lỗ nước chảy vào, và trời lại mưa đều đặn. Hồ nước như vậy, này các Tỷ-kheo, có chờ đợi tức nước vỡ bờ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được và an trú một loại an tịnh tâm giải thoát. Vị ấy tác ý phá hoại vô minh. Do vị ấy tác ý phá hoại vô minh, tâm có phấn chấn, có tịnh tín, có an trú, có giải thoát đối với phá hoại vô minh. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy có chờ đợi được phá hoại vô minh. Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.
(IX) (179) Niết Bàn
1. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Tôn giả Sàriputta. sau khi đến … ngồi xuống một bên. Tôn giả Ananda nói với Tôn giả Sàriputta:
– Do nhân dì, thưa Hiền giả Sàriputta, do duyên gì ở đây, lại có một số chúng sanh ngay trong hiện tại không có chứng nhập Niết-bàn?
– Ở đây, này Hiền giả Ananda, chúng sanh không có như thật quán tri: “Các tưởng này dự phần vào thối đọa”, không có như thật quán tri: “Các tưởng này dự phần vào an trú”, không có như thật quán tri: “Các tưởng này dự phần vào thù thắng”, không có như thật quán tri: “Các tưởng này dự phần vào thể nhập”. Này Hiền giả Ananda, đây là nhân, đây là duyên, do vậy ở đây có hạng chúng sanh ngay trong hiện tại, không chứng nhập Niết-bàn.
2. – Thưa Hiền giả Sàriputta, do nhân gì, do duyên gì, ở đây có hạng chúng sanh ngay trong hiện tại chứng nhập được Niết-bàn?
– Ở đây, này Hiền giả Ananda, chúng sanh như thật quán tri: “Các tưởng này dự phần vào thối đọa”, như thật quán tri: “Các tưởng này dự phần vào an trú”, như thật quán tri: “Các tưởng này dự phần vào thù thắng”, như thật quán tri: “Các tưởng này dự phần vào thể nhập”. Do nhân này, do duyên này, này Hiền giả Ananda, ở đây có các chúng sanh ngay trong hiện tại, chứng nhập Niết-bàn.
(X) (180) Căn Cứ Ðịa
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Bhoganagara, tại điện Ananda. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế tôn nói như sau:
– Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về bốn đại căn cứ địa này. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế tôn nói như sau:
– Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bốn đại căn cứ địa?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo nói như sau: “Này Hiền giả, đối diện với Thế Tôn, tôi nghe như vậy, đối diện với Thế Tôn, tôi lãnh thọ như vậy: “Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư”. Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật. Nếu chúng không phù hợp với kinh, không tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy từ bỏ chúng.
3. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo nói như sau: “Này Hiền giả, đối diện với Thế Tôn, tôi nghe như vậy, đối diện với Thế Tôn, tôi lãnh thọ như vậy: “Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư””. Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật. Nếu chúng phù hợp với kinh, tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này là lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo tốt đẹp”. Này các Tỷ-kheo, đây là đại căn cứ địa thứ nhất các Thầy cần phải thọ trì.
4. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo nói như sau: “Tại trú xứ kia có Tăng chúng ở với vị thượng tọa, với vị thủ chúng. Ðối diện Tăng chúng, tôi nghe như vậy, đối diện với Tăng chúng, tôi lãnh thọ như vậy: “Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư””. Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với luật và nếu chúng không phù hợp với kinh, không tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy từ bỏ chúng.
5. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nói như sau: “Tại trú xứ kia có Tăng chúng ở với vị thượng tọa, với vị thủ chúng. Ðối diện với Tăng chúng, tôi nghe như vậy, đối diện với Tăng chúng ấy, tôi lãnh thọ như vậy: “Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư””. Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với luật và nếu chúng phù hợp với kinh, tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này là lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vây là đại căn cứ địa thứ hai các Thầy cần phải thọ trì.
6. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nói như sau: “Tại trú xứ kia có nhiều Tỷ-kheo trưởng lão ở, những vị này là bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Ðối diện với các trưởng lão ấy, tôi nghe như vậy, đối diện với các trưởng lão ấy, tôi lãnh thọ như vậy: “Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư””. Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với luật và nếu chúng không phù hợp với kinh, không tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy từ bỏ chúng.
7. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nói như sau: “Tại trú xứ kia có nhiều Tỷ-kheo trưởng lão ở, những vị này là bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Ðối diện với các trưởng lão ấy, tôi nghe như vậy, đối diện với các trưởng lão ấy, tôi lãnh thọ như vậy: “Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư””. Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với luật và nếu chúng phù hợp với kinh, tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: “Chắc chắn những lời ấy là lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là đại căn cứ địa thứ ba các Thầy cần phải thọ trì.
8. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nói như sau: “Tại trú xứ kia có vị trưởng lão, vị này là bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Ðối diện với vị trưởng lão ấy, tôi nghe như vậy, đối diện với vị trưởng lão ấy, tôi lãnh thọ như vậy: “Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư””. Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật. Nếu chúng không phù hợp với kinh, không tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Và này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy từ bỏ chúng.
9. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nói như sau: “Tại trú xứ kia có vị trưởng lão, vị này là bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Ðối diện với vị trưởng lão ấy, tôi nghe như vậy, đối diện với vị trưởng lão ấy, tôi lãnh thọ như vậy: “Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư””. Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật. Nếu chúng phù hợp với kinh, tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này là lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Trưởng lão ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là đại căn cứ địa thứ tư các Thầy cần phải thọ trì.
Này các Tỷ-kheo, có bốn đại căn cứ địa này.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt