45. Chương I: Tương Ưng Ðạo

29/06/2024 537 lượt xem

II. Phẩm Trú

11.I. Trú (1) (S.v,12)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) — Này các Tỷ-kheo, Ta muốn sống Thiền định trong nửa tháng, không có ai đến yết kiến Ta, trừ độc nhất người mang đồ ăn khất thực.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Như vậy, không một ai đến yết kiến Thế Tôn, trừ một người người mang đồ ăn khất thực lại.

3) Rồi Thế Tôn sau nửa tháng, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy và gọi các Tỷ-kheo:

— Với sự an trú, Ta đã trú khi Ta mới chứng Chánh đẳng Chánh giác, nhưng Ta chỉ trú một phần thôi.

4) Như vậy, Ta rõ biết những gì được cảm thọ do duyên tà kiến, những gì được cảm thọ do duyên chánh kiến… những gì được cảm thọ do duyên tà định, những gì được cảm thọ do duyên chánh định, những gì được cảm thọ do duyên ước muốn (chanda), những gì được cảm thọ do duyên tầm (vitakka), những gì được cảm thọ do duyên tưởng (sannà).

5) Khi ước muốn không tịnh chỉ, thời tầm không tịnh chỉ, tưởng không tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, nhưng tầm chưa được tịnh chỉ, tưởng chưa được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, nhưng tưởng chưa được tịnh chỉ, do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, tưởng được tịnh chỉ, do duyên như vậy, có được những cảm thọ.

6) Ðối với người chưa chứng đạt, cần phải tinh tấn để được chứng đạt. Trong trường hợp đã được chứng đạt; do duyên như vậy, có được những cảm thọ.

12.II. Trú (2) (S.v,13)

1-2) Ở Sàvatthi…

— Này các Tỷ-kheo, Ta muốn sống Thiền tịnh trong ba tháng…

3) Sau ba tháng, Thế Tôn từ Thiền tịnh đứng dậy, gọi các Tỷ-kheo:

— Với sự an trú, Ta đã trú khi Ta mới chứng Chánh đẳng Chánh giác. Nhưng Ta chỉ trú một phần thôi.

4) Như vậy, Ta rõ biết (pajànàmi) những gì được cảm thọ do duyên tà kiến, những gì được cảm thọ do duyên tà kiến được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên chánh kiến, những gì được cảm thọ do duyên chánh kiến được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên tà định, những gì được cảm thọ do duyên tà định được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên chánh định, những gì được cảm thọ do duyên chánh định được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên ước muốn (chanda), những gì được cảm thọ do duyên ước muốn được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên tầm, những gì được cảm thọ do duyên tầm được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên tưởng, những gì được cảm thọ do duyên tưởng được tịnh chỉ.

5) Khi ước muốn không tịnh chỉ, tầm không tịnh chỉ, tưởng không tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, nhưng tầm chưa được tịnh chỉ, tưởng chưa được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, nhưng tưởng chưa được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, tưởng được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ.

6) Ðối với người chưa chứng đạt, cần phải tinh tấn để chứng đạt. Trong trường hợp đã được chứng đạt; do duyên như vậy, có được những cảm thọ.

13.III. Hữu Học (S.v,14)

1) Ở Sàvatthi.

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn…

3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

— “Hữu học, hữu học”, bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là bậc hữu học?

4) — Ở đây, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ chánh kiến của bậc hữu học… đầy đủ chánh định của bậc hữu học. Cho đến như vậy, Tỷ-kheo ấy được gọi là bậc hữu học.

14. IV. Sanh Khởi (1)

1) Ở Sàvatthi…

2) — Có tám pháp này được tu tập, được làm cho viên mãn, chưa được sanh khởi, có thể sanh khởi, nhưng chỉ khi nào Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện.

3) Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến… chánh định. Tám pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho viên mãn, chưa được sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ khi nào Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện.

15. V. Sanh Khởi (2) (S.v,14)

1) Ở Sàvatthi…

2) — Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho viên mãn, nếu chưa sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ trong giới luật của bậc Thiện Thệ.

3) Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến… chánh định. Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho viên mãn, nếu chưa được sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ trong giới luật của bậc Thiện Thệ.

16. VI. Thanh Tịnh (1) (S.v,15)

1-2) Tại Sàvatthi…

Thế Tôn nói như sau:

3) — Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, thanh tịnh, trong sáng, không cấu uế, ly các phiền não, nếu chưa sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ khi nào Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện.

4) Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến… chánh định. Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, thanh tịnh, trong sáng, không có cấu uế, ly các phiền não, nếu chưa sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ khi nào Như Lai, bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác xuất hiện.

17. VII. Thanh Tịnh (2) (S.v,15)

1-2) Tại Sàvatthi…

Thế Tôn nói như sau:

3) — Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, thanh tịnh, trong sáng… có thể sanh khởi, nhưng chỉ trong giới luật của bậc Thiện Thệ.

4) Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến… chánh định. Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, thanh tịnh, trong sáng, không có cấu uế, ly các phiền não, nếu chưa sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ trong giới luật của bậc Thiện Thệ.

18. VIII. Vườn Gà (1) (Kukkutàràma) (S.v,15)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Tôn giả Ananda, Tôn giả Bhadda trú tại Vườn Gà, tại Pàtaliputta.

2) Rồi Tôn giả Bhadda, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

3) Ngồi một bên, Tôn giả Bhadda nói với Tôn giả Ananda:

— “Phi Phạm hạnh, phi Phạm hạnh”, này Hiền giả Ananda, được nói đến như vậy. Thế nào, thưa Hiền giả, là phi Phạm hạnh?

— Lành thay, lành thay, Hiền giả Bhadda! Hiền thiện thay, này Hiền giả Bhadda, là đường hầm (ummagga) của Hiền giả! Hiền thiện thay, là lời biện tài! Tốt đẹp thay, là câu hỏi!

4) Này Hiền giả Bhadda, có phải như vầy là câu hỏi của Hiền giả: “Phi Phạm hạnh, phi Phạm hạnh, này Hiền giả Ananda, được nói đến như vậy. Thế nào, thưa Hiền giả, là phi Phạm hạnh?” chăng?

— Thưa vâng, Hiền giả.

5) — Này Hiền giả, con đường tà đạo tám ngành này là phi Phạm hạnh. Tức là tà tri kiến… tà định.

19. IX. Vườn Gà (2) (S.v,16)

1-2) Nhân duyên ở Pàtaliputta…

3)– “Phạm hạnh, Phạm hạnh”, này Hiền giả Ananda, được nói đến như vậy. Này Hiền giả, thế nào là Phạm hạnh, thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?

— Lành thay, lành thay, này Hiền giả Bhadda! Hiền thiện thay, này Hiền giả Bhadda, là đường hầm của Hiền giả! Hiền thiện thay, là lời biện tài! Tốt đẹp thay, là câu hỏi!

4) Này Hiền giả Bhadda, có phải như vầy là câu hỏi của Hiền giả: “Phạm hạnh, Phạm hạnh, này Hiền giả Ananda, như vậy được nói đến. Này Hiền giả, thế nào là Phạm hạnh, thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?” chăng?

— Thưa phải, Hiền giả.

5) — Này Hiền giả, con đường Thánh đạo Tám ngành này là Phạm hạnh. Tức là chánh tri kiến… chánh định. Này Hiền giả, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si là cứu cánh Phạm hạnh này.

20. X. Vườn Gà (3) (S.v,16)

1-2) Nhân duyên tại Pàtaliputta…

3)– “Phạm hạnh, Phạm hạnh”, thưa Hiền giả, như vậy được nói đến. Thưa Hiền giả, thế nào là Phạm hạnh? Thế nào là người hành Phạm hạnh? Thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?

4) — Lành thay, lành thay, Hiền giả Bhadda! Hiền thiện thay, này Hiền giả Bhadda, là đường hầm của Hiền giả! Hiền thiện thay là lời biện tài! Tốt đẹp thay, là câu hỏi!

5) Này Hiền giả Bhadda, có phải như vầy là câu hỏi của Hiền giả: “Phạm hạnh, Phạm hạnh, này Hiền giả Ananda, như vậy được nói đến. Này Hiền giả, thế nào là Phạm hạnh? Thế nào là người hành Phạm hạnh? Thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?” chăng?

— Thưa phải, Hiền giả.

6) — Này Hiền giả, con đường Thánh đạo Tám ngành này là Phạm hạnh, tức là chánh tri kiến… chánh định. Này Hiền giả, ai đầy đủ Thánh đạo Tám ngành này, người ấy được gọi là người hành Phạm hạnh. Này Hiền giả, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây là cứu cánh Phạm hạnh.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10

×