V. Phẩm Về Già
41. I. Già (S.v,216)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Pubbàràma, trong lâu đài của mẹ Migàra.
2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn, vào buổi chiều, từ chỗ độc cư đứng dậy, ngồi sưởi ấm lưng trong ánh nắng phương Tây.
3) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, với tay xoa bóp chân tay cho Thế Tôn, thưa rằng:
— Thật kinh hoàng thay, bạch Thế Tôn! Thật kỳ dị thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, màu da Thế Tôn nay không còn thanh tịnh, trong sáng, tay chân rã rời (sithilàni), nhăn nheo, thân được thấy còm về phía trước, và các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn.
4) — Sự thể là vậy, này Ananda, tánh già nằm trong tuổi trẻ; tánh bệnh ở trong sức khỏe; tánh chết ở trong sự sống. Như vậy, màu da không còn thanh tịnh, trong sáng, tay chân rã rời, nhăn nheo, thân còm về phía trước, và các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn.
5) Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
— Bất hạnh thay tuổi già! Ðáng sợ thay cuộc sống! Tuổi già làm phai nhạt sắc diện của màu da. Hình bóng trước khả ý, nay già đã phá tan! Ai sống được trăm tuổi, cuối cùng cũng phải chết, không bỏ sót ai, tất cả bị phá sập.
42. II. Bà-La-Môn Unnàbha (S.v,217)
1) Ở Sàvatthi…
2) Rồi Bà-la-môn Unnàbha đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Bà-la-môn Unnàbha thưa Thế Tôn:
3) — Có năm căn này, thưa Tôn giả Gotama, đối cảnh khác nhau (nànavisayàni), hành cảnh khác nhau (nànà – gocaràni), chúng không dung nạp (paccanubhoniti) hành cảnh đối cảnh của nhau. Thế nào là năm? Nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn. Thưa Tôn giả Goama, năm căn này, đối cảnh khác nhau, hành cảnh khác nhau, chúng không dung nạp hành cảnh đối cảnh của nhau, thời cái gì làm chỗ quy tựa cho chúng? Và cái gì dung nạp hành cảnh đối cảnh của chúng?
4) — Này Bà-la-môn, có năm căn này, đối cảnh khác nhau, hành cảnh khác nhau, chúng không dung nạp hành cảnh đối cảnh của nhau. Thế nào là năm? Nhãn căn… thân căn. Này Bà-la-môn, năm căn này, đối cảnh khác nhau, hành cảnh khác nhau, chúng không dung nạp hành cảnh đối cảnh của nhau, ý làm chỗ quy tựa cho chúng, ý dung nạp hành cảnh đối cảnh của chúng.
5) — Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cái gì làm chỗ quy tựa cho ý?
— Này Bà-la-môn, niệm là chỗ quy tựa cho ý.
6) — Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cái gì làm chỗ quy tựa cho niệm?
— Này Bà-la-môn, giải thoát là chỗ quy tựa cho niệm.
7) — Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cái gì làm chỗ quy tựa cho giải thoát?
— Này Bà-la-môn, Niết-bàn là chỗ quy tựa cho giải thoát.
8) — Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cái gì là chỗ quy tựa cho Niết-bàn?
— Này Bà-la-môn, câu hỏi đi quá xa (ajjhaparam) không thể nắm được chỗ tận cùng của câu hỏi. Này Bà-la-môn, Phạm hạnh được sống để thể nhập Niết-bàn, Phạm hạnh lấy Niết-bàn làm mục đích, lấy Niết-bàn làm cứu cánh.
9) Rồi Bà-la-môn Unnàbha hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn thuyết, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
10) Sau khi Bà-la-môn ra đi không bao lâu, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
11) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái nhà có nóc nhọn, hay một giảng đường có nóc nhọn, với cửa sổ hướng về phía Ðông, khi mặt trời mọc và các tia nắng chiếu vào ngang qua cửa sổ, chúng dựa vào chỗ nào?
— Chúng dựa trên bức tường phía Tây, bạch Thế Tôn.
12) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, lòng tin của Bà-la-môn Unnàbha hướng về, căn cứ, được an trú trên Như Lai. Lòng tin ấy kiên cố, không bị Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm thiên hay một ai ở đời có thể chiếm đoạt. Nếu trong lúc này, này các Tỷ-kheo, Bà-la-môn Unnàbha bị mệnh chung, không có một kiết sử nào có thể cột để kéo Bà-la-môn Unnàbha trở lui về đời này.
43. III. Sàketa (S.v,219)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàketa, tại rừng Anjana, vườn Lộc Uyển.
2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
— Này các Tỷ-kheo, có pháp môn nào, y theo pháp môn ấy, năm căn tức là năm lực, và năm lực trở thành năm căn?
— Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản…
3) — Này các Tỷ-kheo, có pháp môn, y theo pháp môn ấy, năm căn tức là năm lực, và năm lực trở thành năm căn. Và này các Tỷ-kheo, pháp môn ấy là gì, y theo pháp môn ấy, năm căn tức là năm lực, và năm lực trở thành năm căn?
4) Cái gì là tín căn, này các Tỷ-kheo, cái ấy là tín lực. Cái gì là tín lực, cái ấy là tín căn. Cái gì là tấn căn, cái ấy là tấn lực. Cái gì là tấn lực, cái ấy là tấn căn… Cái gì là tuệ căn, cái ấy là tuệ lực. Cái gì là tuệ lực, cái ấy là tuệ căn.
5) Ví như, này các Tỷ-kheo, một con sông thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông, và giữa con sông có hòn đảo. Này các Tỷ-kheo, có pháp môn, y theo pháp môn ấy, dòng con sông ấy được tính là một. Nhưng này các Tỷ-kheo, lại có pháp môn, y theo pháp môn ấy, dòng con sông ấy được tính là hai.
6) Và này các Tỷ-kheo, pháp môn ấy là gì, y theo pháp môn ấy, được tính là một? Này các Tỳ-kheo, nước cuối phía Ðông và nước cuối phía Tây của hòn đảo ấy được tính là một dòng. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp môn, y theo pháp môn ấy, dòng con sông ấy được tính là một.
7) Và này các Tỷ-kheo, pháp môn ấy là gì, y theo pháp môn ấy, dòng con sông ấy được tính là hai? Này các Tỷ-kheo, nước cuối phía Bắc và nước cuối phía Nam của hòn đảo ấy được tính là hai dòng. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp môn, y theo pháp môn ấy, dòng sông ấy được tính là hai.
8) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái gì là tín căn, cái ấy là tín lực. Cái gì là tín lực, cái ấy là tín căn… Cái gì là tuệ căn, cái ấy là tuệ lực. Cái gì là tuệ lực, cái ấy là tuệ căn.
9) Này các Tỷ-kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn năm căn này, Tỷ-kheo đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí tự mình chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không có lậu hoặc.
44. IV. Pubbakotthaka (Ngôi nhà phía Ðông) (S.v,220)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Pubbakotthaka.
2) Tại đấy, Thế Tôn bảo Tôn giả Sàriputta:
3) — Ông có tin không, này Sàriputta, tín căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh…? Ông có tin không, này Sàriputta, tuệ căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh?
4) — Ở đây, bạch Thế Tôn, con không đi với lòng tin của Thế Tôn, rằng tín căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh… tuệ căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh. Với những ai, bạch Thế Tôn, không chứng trí, không thấy, không hiểu, không chứng ngộ, không đạt tới với trí tuệ; họ cần đi với lòng tin của kẻ khác (tin rằng) : “Tín căn… tuệ căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh”. Còn với những ai, bạch Thế Tôn, đã chứng tri, đã thấy, đã hiểu, đã chứng ngộ, đã đạt tới với trí tuệ; những người ấy, ở đây, không có nghi ngờ, không có phân vân (tin rằng): “Tín căn… tuệ căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh”. Còn con, bạch Thế Tôn, đã chứng tri, đã thấy, đã hiểu, đã chứng ngộ, đã đạt tới với trí tuệ; con ở đây, không có nghi ngờ, không có phân vân (tin rằng): “Tín căn… tuệ căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh”.
5) — Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Với những ai, này Sàriputta, không chứng tri, không thấy, không hiểu, không chứng ngộ, không đạt tới với trí tuệ; ở đây, họ cần đi với lòng tin của kẻ khác (tin rằng): “Tín căn… tuệ căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh”. Và còn với những ai, này Sàriputta, đã chứng tri, đã thấy, đã hiểu, đã chứng ngộ, đã đạt tới với trí tuệ; những người ấy, ở đây không có nghi ngờ, không có phân vân (tin rằng): “Tín căn… tuệ căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh”.
45. V. Vườn Phía Ðông (1) (S.v, 222)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Ðông Viên, ở lầu đài của mẹ Migàra.
2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
— Bao nhiêu căn được tu tập, được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, khiến cho Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc có thể trả lời với chánh trí rằng: “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”?
— Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản…
3) — Do tu tập, do làm cho sung mãn chỉ một căn, này các Tỷ-kheo, khiến cho Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, có thể trả lời với chánh trí rằng: “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”. Một căn ấy là căn gì?
4) Với vị Thánh đệ tử có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, tất nhiên (tadanvayà) tín được an trú, tất nhiên tinh tấn được an trú, tất nhiên niệm được an trú, tất nhiên định được an trú.
5) Do tu tập, do làm cho sung mãn chỉ một căn này, này các Tỷ-kheo, khiến cho Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, có thể trả lời với chánh trí rằng: “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”.
46. VI. Vườn Phía Ðông (2) (S.v, 222)
1) Nhân duyên như trên.
2) — Bao nhiên căn được tu tập, được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, khiến cho Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc có thể trả lời với chánh trí rằng: “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”?
— Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản…
3) — Hai căn được tu tập, được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, khiến cho Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, có thể trả lời với chánh trí rằng: “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”. Thế nào là hai?
4) Thánh trí tuệ và Thánh giải thoát. Cái gì trong vị ấy, này các Tỷ-kheo, là Thánh trí tuệ, cái ấy là tuệ căn. Cái gì trong vị ấy, này các Tỷ-kheo, là Thánh giải thoát, cái ấy là định căn.
5) Hai căn này được tu tập, được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, khiến cho Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, có thể trả lời với chánh trí rằng: “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”.
47. VII. Vườn Phía Ðông (3). (S.v, 223)
1) Nhân duyên như trên.
2) — Có bao nhiêu căn được tu tập, được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, khiến cho Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc có thể trả lời với chánh trí rằng: “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”?
— Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản…
3-5) … (như trên, chỉ khác là kinh này nói đến bốn căn tức tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn…)
48. VIII. Vườn Phía Ðông (4) (S.iv,223)
… (như kinh trước, chỉ khác là đây chỉ năm căn tức tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn) …
49. IX. Pindolo (Kẻ tìm tòi các đống rác) (S.iv,224)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita.
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Pindolabhàradvàja tuyên bố với chánh trí như sau: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa. Ta rõ biết như vậy”.
3) Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
— Tôn giả Pindolabhàradvàja đã tuyên bố với chánh trí như sau: “Ta rõ biết rằng: Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”. Do thấy lý do gì (althavasam), bạch Thế Tôn, Tôn giả Pindolabhàradvàja lại tuyên bố với chánh trí rằng: “Ta rõ biết: Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”?
4) — Do tu tập, do làm cho sung mãn ba căn, này các Tỷ-kheo, khiến Tỷ-kheo Pindolabhàradvàja tuyên bố với chánh trí rằng: “Ta rõ biết: Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”. Ba căn ấy là gì?
5) Niệm căn, định căn, tuệ căn.
6) Chính do tu tập, do làm cho sung mãn ba căn này, này các Tỷ-kheo, khiến cho Tỷ-kheo Pindolabhàradvàja đã tuyên bố với chánh trí rằng: “Ta rõ biết: Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”.
7) Và này các Tỷ-kheo, ba căn này, chúng đi đến tận cùng ở đâu? Tận cùng đi đến đoạn diệt. Ði đến đoạn diệt cái gì? Ði đến đoạn diệt gì? — Sanh già và chết. Vì thấy sanh già và chết đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, nên Tỷ-kheo Pindolabhàradvàja đã tuyên bố với chánh trí rằng: “Ta rõ biết: Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.
50. X. Tín, hay Ngôi Chợ (S.v,225)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Anga, tại thị trấn của dân chúng Anga tên là Apana.
2) Tại đấy, Thế Tôn bảo Tôn giả Sàriputta:
— Này Sàriputta, có vị Thánh đệ tử nào đi đến nhứt tâm và hoàn toàn tin tưởng ở Như Lai; vị ấy có thể có phân vân hay nghi ngờ đối với Như Lai, hay đối với lời giảng dạy của Như Lai?
3) — Vị Thánh đệ tử nào, bạch Thế Tôn, đi đến nhứt tâm và hoàn toàn tin tưởng ở Như Lai; vị ấy không có thể phân vân hay nghi ngờ đối với Như Lai, hay đối với lời giảng dạy của Như Lai. Với vị Thánh đệ tử có lòng tin, được chờ đợi rằng: Vị ấy sẽ trú tinh cần, tinh tấn để đoạn tận các pháp bất thiện, để làm sanh khởi các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì, tinh tấn, không có quăng bỏ gánh nặng đối với thiện pháp.
4) Sự tinh tấn của vị ấy, bạch Thế Tôn, là tấn căn của vị ấy. Với vị Thánh đệ tử có lòng tin và tinh cần, tinh tấn, bạch Thế Tôn, được chờ đợi rằng: Vị ấy có niệm, thành tựu niệm tuệ tối thắng, ức niệm, tùy niệm những điều làm đã lâu, nói đã lâu ngày.
5) Sự niệm của vị ấy, bạch Thế Tôn, là niệm căn của vị ấy. Với vị Thánh đệ tử có lòng tin, tinh cần, tinh tấn, với niệm được an trú, bạch Thế Tôn, được chờ đợi rằng: Sau khi từ bỏ pháp sở duyên, vị ấy sẽ được định, được nhứt tâm.
6) Ðịnh của vị ấy, bạch Thế Tôn, là định căn của vị ấy. Với vị Thánh đệ tử có lòng tin, an trú chánh niệm, với tâm Thiền định, bạch Thế Tôn, được chờ đợi như sau: Vị ấy rõ biết rằng vô thỉ là luân hồi, khởi điểm đầu tiên không thể chỉ rõ. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị khát ái trói buộc, lưu chuyển luân hồi. Sự ly tham, đoạn diệt vô minh không có dư tàn, ổ nhóm u ám ấy, là tịch tịnh của vị này, là thù thắng của vị này, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn tận tham ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn.
7) Trí tuệ của vị ấy, bạch Thế Tôn, là tuệ căn của vị ấy. Vị Thánh đệ tử có lòng tin ấy, tinh tấn, tinh cần như vậy; ức niệm, ức niệm như vậy; định tĩnh, định tĩnh như vậy; rõ biết, rõ biết như vậy; lòng thâm tín như sau sanh khởi: “Những pháp này mà trước kia ta từng được nghe, nay ta trú, tự thân chứng đạt những pháp ấy. Nay với trí tuệ, ta thể nhập chúng, ta thấy chúng rõ ràng”.
8) Lòng tin của vị ấy, bạch Thế Tôn, là tín căn của vị ấy.
9) — Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Vị Thánh đệ tử nào, này Sàriputta, đi đến nhứt tâm và hoàn toàn tin tưởng ở Như Lai; vị ấy không có phân vân, không có nghi ngờ gì đối với Như Lai, hay đối với lời dạy của Như Lai. Vị Thánh đệ tử nào có lòng tin, này Sàriputta, được chờ đợi như sau: Vị ấy sẽ trú tinh cần, tinh tấn, để đoạn tận các pháp bất thiện, để làm sanh khởi các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì tinh tấn, không quăng bỏ gánh nặng đối với thiện pháp.
10-13) Sự tinh tấn của vị ấy, này Sàriputta, là tấn căn của vị ấy. Với vị Thánh đệ tử có lòng tin và tinh cần, tinh tấn, này Sàriputta… Vị Thánh đệ tử có lòng tin ấy, tinh cần, tinh tấn như vậy; rõ biết, rõ biết như vậy; lòng thâm tín như sau sanh khởi: “Những pháp này trước kia ta từng được nghe, nay ta trú, tự thân chứng đạt những pháp ấy. Nay với trí tuệ, ta thể nhập chúng, ta thấy chúng rõ ràng”.
14) Lòng tin của vị ấy, này Sàriputta, tức là tín căn của vị ấy.