Tập V – Thiên Ðại Phẩm
I. Phẩm Ðộc Cư
1. I. Ðộc Cư (1) (S.v,294)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Anuruddha trú ở Sàvatthi, tại Thắng Lâm, khu vườn ông Anàthapindika.
2) Rồi Tôn giả Anuruddha trong khi độc cư Thiền tịnh, tâm tưởng suy tư sau đây được khởi lên: “Những ai thối thất bốn niệm xứ, cũng thối thất đối với họ là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Những ai thành tựu bốn niệm xứ thì cũng thực hiện được Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau”.
3) Rồi Tôn giả Mahà Moggalàna với tâm của mình biết được tâm của Tôn giả Anuruddha. Như người lực sĩ duỗi cánh tay co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, Tôn giả Mahà Moggalàna hiện ra trước mặt Tôn giả Anuruddha.
4) Rồi Tôn giả Mahà Moggalàna nói với Tôn giả Anuruddha:
— Cho đến như thế nào, này Hiền giả Anuruddha, Tỷ-kheo thực hiện bốn niệm xứ?
5) — Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo trú, quán tánh tập khởi trên nội thân… quán tánh đoạn diệt trên nội thân, quán tánh tập khởi, tánh đoạn diệt trên nội thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
6) Vị ấy trú, quán tánh tập khởi trên ngoại thân… quán tánh đoạn diệt ngoại thân, quán tánh tập khởi, tánh đoạn diệt trên ngoại thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
7) Vị ấy trú, quán tánh tập khởi trên nội ngoại thân… trú, quán tánh đoạn diệt trên nội ngoại thân… trú, quán tánh tập khởi và tánh đoạn diệt trên nội ngoại thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
8) Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ trú với tưởng nhàm chán đối với pháp không nhàm chán”; vị ấy trú ở đây với tưởng nhàm chán. Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ trú với tưởng không nhàm chán đối với pháp nhàm chán”; vị ấy trú ở đây với tưởng không nhàm chán. Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ trú với tưởng nhàm chán đối với các pháp không nhàm chán và pháp nhàm chán”; vị ấy trú ở đây với tưởng nhàm chán. Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ trú với tưởng không nhàm chán đối với pháp nhàm chán và pháp không nhàm chán”; vị ấy trú ở đây với tưởng không nhàm chán. Nếu vị ấy muốn: “Từ bỏ cả hai, không nhàm chán và nhàm chán, ta sẽ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác”; vị ấy trú ở đây với xả, chánh niệm, tỉnh giác.
9) Vị ấy trú, quán tánh tập khởi trên các nội thọ. Vị ấy trú, quán tánh đoạn diệt trên các nội thọ. Vị ấy trú, quán tánh tập khởi và tánh đoạn diệt trên các nội thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
10) Vị ấy trú, quán tánh tập khởi trên các ngoại thọ. Vị ấy trú, quán tánh đoạn diệt trên các ngoại thọ. Vị ấy trú, quán tánh tập khởi và tánh đoạn diệt trên các ngoại thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
11) Vị ấy trú, quán tánh tập khởi trên các nội ngoại thọ. Vị ấy trú, quán tánh đoạn diệt trên các nội ngoại thọ. Vị ấy trú, quán tánh tập khởi và tánh đoạn diệt trên các nội ngoại thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
12) Nếu vị ấy muốn…
13) … trên nội tâm…
14) … trên ngoại tâm…
15) … trên nội ngoại tâm…
16) Nếu vị ấy muốn…
17) … trên nội tâm…
18) … trên ngoại tâm…
19) Vị ấy trú, quán tánh tập khởi trên các nội ngoại pháp. Vị ấy trú, quán tánh đoạn diệt trên các nội ngoại pháp. Vị ấy trú, quán tánh tập khởi và tánh đoạn diệt trên các nội ngoại pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
20) Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ trú với tưởng nhàm chán đối với pháp không nhàm chán”; vị ấy trú ở đây với tưởng nhàm chán… Ở đây, vị ấy trú xả, chánh niệm, tỉnh giác.
21) Cho đến như vậy, này Hiền giả, là Tỷ-kheo thực hiện bốn niệm xứ.
2. II. Ðộc Cư (2) (S.v,296)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Anuruddha, trong khi độc cư Thiền định, tâm tưởng, suy tư sau đây được khởi lên: “Những ai thối thất bốn niệm xứ, cũng thối thất đối với họ là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Những ai thành tựu bốn niệm xứ, cũng thành tựu đối với họ là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau”.
3) Rồi Tôn giả Mahà Moggalàna với tâm của mình biết tâm tư suy tưởng của Tôn giả Anuruddha. Như một nhà lực sĩ… hiện ra trước mặt Tôn giả Anuruddha.
4) Rồi Tôn giả Mahà Moggalàna nói với Tôn giả Anuruddha:
— Cho đến như thế nào, thưa Hiền giả Anuruddha, là Tỷ-kheo thực hiện bốn niệm xứ?
5) — Ở đây, thưa Hiền giả, Tỷ-kheo trú, quán thân trên nội thân, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo trú, quán thân trên ngoại thân, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo trú, quán thân trên nội ngoại thân, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
6) Tỷ-kheo trú, quán thọ trên các nội thọ…
7) Tỷ-kheo trú, quán tâm trên nội tâm…
8) Tỷ-kheo trú, quán pháp trên các nội pháp, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo trú, quán pháp trên các ngoại pháp, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo trú, quán pháp trên các nội ngoại pháp, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
9) Cho đến như vậy, này Hiền giả, là Tỷ-kheo thành tựu bốn niệm xứ.
3. III. Sutanu (S.v,297)
1) Một thời Tôn giả Anuruddha trú ở Sàvatthi, trên bờ sông Sutanu.
2) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Tôn giả Anuruddha; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Anuruddha những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy thưa với Tôn giả Anuruddha:
— Tôn giả Anuruddha tu tập, làm cho sung mãn những pháp nào đạt được đại thắng trí?
4) — Thưa các Hiền giả, do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ nên tôi đạt được đại thắng trí. Ở đây, này chư Hiền, tôi trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này chư Hiền, chính do tu tập, làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi được đại thắng trí.
5) Và thưa chư Hiền, chính do tu tập, làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi chứng tri liệt pháp là liệt pháp, trung pháp là trung pháp, thắng pháp là thắng pháp.
4. IV. Katakì (1) (S.v,298)
1) Một thời Tôn giả Anuruddha, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Moggalàna trú ở Sàketa, tại rừng Kantakii.
2) Rồi Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Moggalàna, vào buổi chiều, từ độc cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Anuruddha; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Anuruddha những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta thưa với Tôn giả Anuruddha:
— Thưa Hiền giả Anuruddha, Tỷ-kheo hữu học, sau khi đạt pháp gì, phải an trú pháp ấy?
— Thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo hữu học, sau khi đạt bốn niệm xứ, phải an trú pháp ấy. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, thưa Hiền giả, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo trú, quán thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo trú, quán tâm trên tâm… Tỷ-kheo trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo hữu học, sau khi chứng đạt bốn niệm xứ này, phải an trú pháp ấy.
5. V. Kantakì (2) (S.v,299)
1-2) Nhân duyên ở Sàketa… Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Anuruddha:
3) — Thưa Hiền giả Anuruddha, Tỷ-kheo vô học, sau khi chứng đạt pháp gì, phải an trú pháp ấy?
— Thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo vô học, sau khi chứng đạt bốn niệm xứ, phải an trú pháp ấy. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, thưa Hiền giả, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo vô học, sau khi chứng đạt bốn niệm xứ này, phải an trú pháp ấy.
6. VI. Kantakì (3) (S.v,299)
1-2) Tại Sàketa, ngồi xuống một bên, vị ấy nói như sau:
3) — Tôn giả Anuruddha do tu tập, làm cho sung mãn những pháp gì, đã đạt được đại thắng trí?
— Thưa Hiền giả, do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ, tôi chứng đạt được đại thắng trí. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, thưa Hiền giả, tôi trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Thưa Hiền giả, do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi chứng đạt đại thắng trí.
5) Thưa Hiền giả, do tu tập, làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi thắng tri được một ngàn thế giới.
7. VII. Ái Tận (S.v,300)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi…
2) Tại đây, Tôn giả Anuruddha nói với các Tỷ-kheo:
3) — Bốn niệm xứ này, thưa chư Hiền, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận khát ái. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, thưa chư Hiền, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Thưa chư Hiền, bốn niệm xứ này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận khát ái.
8. VIII. Nhà Bằng Cây Sàla (S.v,300)
1) Một thời, Tôn giả Anuruddha trú ở Sàvatthi, tại nhà làm bằng cây sàla.
2) Tại đây, Tôn giả Anuruddha gọi các Tỷ-kheo… nói như sau:
3) — Ví như, này chư Hiền, sông Hằng thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông. Rồi một số đông quần chúng đến, cầm cuốc, thúng và nói: “Chúng ta sẽ làm cho sông Hằng này thiên về phương Tây, hướng về phương Tây, xuôi về phương Tây”. Thưa chư Hiền, chư Hiền nghĩ thế nào, số đông quần chúng này có thể làm cho sông Hằng thiên về phương Tây, hướng về phương Tây, xuôi về phương Tây không?
— Thưa không, Hiền giả. Vì sao? Thưa Hiền giả, vì sông Hằng thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông, không dễ gì khiến cho thiên về phương Tây, hướng về phương Tây, xuôi về phương Tây được. Và quần chúng ấy chỉ mệt nhọc và tổn não mà thôi.
4) — Cũng vậy, này chư Hiền, Tỷ-kheo tu tập bốn niệm xứ, làm cho sung mãn bốn niệm xứ. Dầu cho vua chúa, hay đại thần, hay thân hữu, hay bạn bè, hay bà con huyết thống có thể đến dâng các tài vật và mời: “Hãy đến, này Người tốt kia, sao để các áo vàng này hành hạ Ông? Sao lại đi biểu diễn với đầu trọc và bình bát? Hãy hoàn tục, thọ hưởng các tài vật và làm các phước đức!”; Tỷ-kheo ấy, thưa chư Hiền, được tu tập bốn niệm xứ, được làm cho sung mãn bốn niệm xứ, có thể từ bỏ giới trở lui hoàn tục; sự kiện như vậy không xảy ra. Vì sao? Vì này chư Hiền, tâm người ấy đã lâu ngày thiên về viễn ly, hướng về viễn ly, xuôi về viễn ly, lại trở lại hoàn tục, sự kiện như vậy không xảy ra.
5) Và này chư Hiền, Tỷ-kheo tu tập bốn niệm xứ như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào? Ở đây, này chư Hiền, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; như vậy, thưa chư Hiền, Tỷ-kheo tu tập bốn niệm xứ, làm cho sung mãn bốn niệm xứ.
9. IX. Tất Cả, hay Ambapàla (S.v,301)
1) Một thời Tôn giả Anuruddha và Tôn giả Sàriputta trú ở Vesàli, tại rừng Ambapàla.
2) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi chiều, từ chỗ độc cư đứng dậy…
3) Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta thưa với Tôn giả Anuruddha:
— Thưa Hiền giả Anuruddha, các căn của Hiền giả trong sáng, thanh tịnh, sắc mặt được sáng suốt. Tôn giả Anuruddha nay trú nhiều sự an trú gì?
— Thưa Hiền giả, nay tôi an trú nhiều với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, thưa Hiền giả, tôi trú, quán thân trên thân… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Thưa Hiền giả, nay tôi an trú nhiều với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ.
5) Thưa Hiền giả, Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã đạt tới, hữu kiết sử đã đoạn tận, chánh trí, giải thoát; vị ấy an trú nhiều với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ này.
6) — Thật lợi ích cho chúng tôi, thưa Hiền giả! Thật khéo lợi ích cho chúng tôi, thưa Hiền giả! Chúng tôi đối mặt với Tôn giả Anuruddha, đã được nghe tiếng nói như ngưu vương.
10. X. Bị Trọng Bệnh, hay Bệnh (S.v,302)
1) Một thời, Tôn giả Anuruddha trú ở Sàvatthi, tại rừng Andha, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh.
2) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Tôn giả Anuruddha và nói với Tôn giả Anuruddha:
— Tôn giả Anuruddha an trú với sự an trú gì, khiến cho khổ thọ về thân khởi lên, lại không có ảnh hưởng gì đến tâm?
— Thưa chư Hiền, do tôi trú với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ, nên các khổ thọ về thân khởi lên không có ảnh hưởng gì đến tâm. Thế nào là bốn?
3) Ở đây, thưa chư Hiền, tôi trú, quán thân trên thân… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Thưa chư Hiền, do tôi trú với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ, nên các khổ thọ về thân khởi lên không có ảnh hưởng đến tâm.