54. Kinh Potaliya

08/06/2024 80 lượt xem

(Potaliya sutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Anguttarapa. Apana là một thị trấn của Anguttarapa.

Rồi Thế Tôn buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Apana để khất thực. Sau khi đi khất thực, ăn xong, trên con đường khất thực trở về, Thế Tôn đi đến một khu rừng để nghỉ trưa. Sau khi đi sâu vào khu rừng ấy, Ngài ngồi dưới một gốc cây.

Gia chủ Potaliya, toàn thân mặc đồ đầy đủ, mang dù, đi dép, ngao du tản bộ khắp mọi nơi, và đi đến khu rừng ấy. Sau khi đi sâu vào (khu rừng), gia chủ Potaliya, đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời hỏi thăm, sau khi nói lên những lời hỏi thăm, thân hữu rồi đứng một bên. Thế Tôn nói với Gia chủ Potaliya đang đứng một bên:

— Này Gia chủ, có các chỗ ngồi. Nếu Ông muốn, hãy ngồi xuống.

Nghe nói vậy, gia chủ Potaliya nghĩ rằng: “Sa-môn Gotama gọi ta với danh từ Gia chủ”, nên phẫn nộ không hoan hỷ và đứng im. Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Gia chủ Potaliya:

— Này Gia chủ, có các chỗ ngồi. Nếu Ông muốn, hãy ngồi xuống.

Lần thứ hai, gia chủ Potaliya nghĩ rằng: “Sa-môn Gotama gọi ta với danh từ Gia chủ”, nên phẫn nộ, không hoan hỷ và đứng im. Lần thứ ba, Thế Tôn nói với gia chủ Potaliya:

— Này Gia chủ, có các chỗ ngồi. Nếu Ông muốn, hãy ngồi xuống.

Nghe nói vậy, gia chủ Potaliya nghĩ rằng: “Sa-môn Gotama gọi ta với danh từ Gia chủ”, nên phẫn nộ, không hoan hỷ, nói với Thế Tôn:

— Tôn giả Gotama, thật không thích đáng, không hợp lẽ, Tôn giả gọi tôi là Gia chủ.

— Này Gia chủ, nhưng hình dung của Ông, tướng mạo của ông, hình tướng của Ông giống như một gia chủ.

— Nhưng Tôn giả Gotama, tất cả nghiệp vụ đã được tôi từ bỏ, tất cả tục sự đã được tôi đoạn tận.

— Nhưng này Gia chủ, như thế nào tất cả nghiệp vụ đã được Ông từ bỏ, tất cả tục sự đã được Ông đoạn tận?

— Ở đây, này Tôn giả Gotama, tài sản, ngũ cốc, hay vàng bạc, tất cả đều giao cho các con tôi thừa hưởng. Ở đây, tôi không khuyên bảo, tôi không can gián; tôi sống với tối thiểu đồ ăn, đồ mặc. Như vậy, này Tôn giả Gotama, tất cả nghiệp vụ được tôi từ bỏ, tất cả tục sự được tôi đoạn tận.

— Này Gia chủ, sự đoạn tận các tục sự mà Ông nói khác với sự đoạn tận các tục sự trong giới luật của bậc Thánh.

— Bạch Thế Tôn, như thế nào là sự đoạn tận các tục sự trong giới luật của bậc Thánh? Bạch Thế Tôn, lành thay, nếu Thế Tôn thuyết pháp cho tôi về sự đoạn tận các tục sự trong giới luật của bậc Thánh.

— Này Gia chủ, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Gia chủ Potaliya vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn thuyết giảng như sau:

— Này Gia chủ, tám pháp này đưa đến sự đoạn tận các tục sự trong giới luật bậc Thánh. Thế nào là tám? Y cứ không sát sanh, sát sanh cần phải từ bỏ. Y cứ không lấy của không cho, lấy của không cho cần phải từ bỏ. Y cứ lời chân thật, nói láo cần phải từ bỏ. Y cứ không nói hai lưỡi, nói hai lưỡi cần phải từ bỏ. Y cứ không tham dục, tham dục cần phải từ bỏ. Y cứ không hủy báng sân hận, hủy báng sân hận cần phải từ bỏ. Y cứ không phẫn não, phẫn não cần phải từ bỏ. Y cứ không quá mạn, quá mạn cần phải từ bỏ. Này Gia chủ, tám pháp này được nói một cách vắn tắt, không được giải thích rộng rãi, đưa đến sự đoạn tận các tục sự trong giới luật bậc Thánh.

— Bạch Thế Tôn, tám pháp này được Thế Tôn nói một cách vắn tắt, không được giải thích rộng rãi, đưa đến sự đoạn tận các tục sự trong giới luật bậc Thánh. Bạch Thế Tôn, lành thay, nếu Thế Tôn vì lòng thương tưởng, giải thích rộng rãi tám pháp này.

— Này Gia chủ, vậy Ông hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Gia chủ Potaliya vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn thuyết giảng như sau:

— Khi được nói: “Y cứ không sát sanh, sát sanh cần phải từ bỏ”, do duyên gì, lời nói như vậy được nói lên? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Do nhơn những kiết sử nào ta có thể sát sanh, ta đoạn tận, thành tựu sự từ bỏ của các kiết sử ấy. Nếu ta sát sanh, không những ta tự trách mắng ta vì duyên sát sanh, các bậc có trí, sau khi tìm hiểu, cũng sẽ khiển trách ta vì duyên sát sanh; và sau khi thân hoại mạng chung, ác thú sẽ chờ đợi ta, vì duyên sát sanh. Thật là một kiết sử, thật là một triền cái, chính sự sát sanh này. Những lậu hoặc, phiền lao nhiệt não nào có thể khởi lên, do duyên sát sanh, đối với vị đã từ bỏ sát sanh, những lậu hoặc, phiền lao nhiệt não như vậy không còn nữa”. “Y cứ không sát sanh, sát sanh cần phải từ bỏ”, do duyên như vậy, lời nói như vậy được nói lên.

Khi được nói: “Y cứ không lấy của không cho, lấy của không cho cần phải từ bỏ”, do duyên gì, lời nói như vậy được nói lên? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Do nhơn những kiết sử nào ta có thể lấy của không cho, ta đoạn tận, thành tựu sự từ bỏ các kiết sử ấy. Nếu ta lấy của không cho, không những ta tự trách mắng ta vì duyên lấy của không cho, các bậc có trí, sau khi tìm hiểu, cũng sẽ khiển trách ta vì duyên lấy của không cho; và sau khi thân hoại mạng chung, ác thú sẽ chờ đợi ta, vì duyên lấy của không cho. Thật là một kiết sử, thật là một triền cái, chính sự lấy của không cho này. Những lậu hoặc, phiền lao nhiệt não nào có thể khởi lên do duyên lấy của không cho, đối với vị đã từ bỏ lấy của không cho, những lậu hoặc, phiền lao nhiệt não như vậy không còn nữa”. “Y cứ không lấy của không cho, lấy của không cho cần phải từ bỏ”, do duyên như vậy, lời nói như vậy được nói lên.

Khi được nói: “Y cứ lời chân thật, nói láo cần phải từ bỏ”, do duyên gì, lời nói như vậy được nói lên? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Do nhơn những kiết sử nào, ta có thể nói láo, ta đoạn tận, thành tựu sự từ bỏ các kiết sử ấy. Nếu ta nói láo, không những ta tự trách mắng ta vì duyên nói láo, các bậc có trí, sau khi tìm hiểu, cũng sẽ khiển trách ta vì duyên nói láo; và sau khi thân hoại mạng chung, ác thú sẽ chờ đợi ta, vì duyên nói láo. Thật là một kiết sử, thật là một triền cái, chính nói láo này. Những lậu hoặc, phiền lao nhiệt não có thể khởi lên, do duyên nói láo, đối với vị đã từ bỏ nói láo, những lậu hoặc, phiền lao nhiệt não như vậy không còn nữa”. “Y cứ lời chân thật, nói láo cần phải từ bỏ”, do duyên như vậy, lời nói như vậy được nói lên.

Khi được nói: “Y cứ không nói hai lưỡi, nói hai lưỡi cần phải từ bỏ”, do duyên gì, lời nói như vậy được nói lên? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Do nhơn những kiết sử nào, ta có thể nói hai lưỡi, ta đoạn tận, thành tựu sự từ bỏ các kiết sử ấy. Nếu ta nói hai lưỡi, không những ta tự trách mắng ta vì duyên nói hai lưỡi, các bậc có trí, sau khi tìm hiểu cũng khiển trách ta vì duyên nói hai lưỡi, và sau khi thân hoại mạng chung, ác thú sẽ chờ đợi ta vì duyên nói hai lưỡi. Thật là một kiết sử, thật là một triền cái, chính sự nói hai lưỡi này. Những lậu hoặc, phiền lao nhiệt não có thể khởi lên do duyên nói hai lưỡi, đối với vị đã từ bỏ nói hai lưỡi, những lậu hoặc, phiền lao nhiệt não như vậy không còn nữa”. “Y cứ không nói hai lưỡi, nói hai lưỡi cần phải từ bỏ”, do duyên như vậy, lời nói như vậy được nói lên.

Khi được nói: “Y cứ không tham dục, tham dục cần phải từ bỏ”, do duyên gì, lời nói như vậy được nói lên? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Do nhơn những kiết sử nào, ta có thể có tham dục, ta đoạn tận, thành tựu sự từ bỏ các kiết sử ấy. Nếu ta tham dục, không những ta tự trách mắng ta vì duyên tham dục, các bậc có trí, sau khi tìm hiểu cũng khiển trách ta vì duyên tham dục; và sau khi thân hoại mạng chung, ác thú sẽ chờ đợi ta vì duyên tham dục. Thật là một kiết sử, thật là một triền cái, chính sự tham dục này. Những lậu hoặc, phiền lao nhiệt não có thể khởi lên do duyên tham dục, đối với vị đã từ bỏ tham dục, các lậu hoặc, phiền lao nhiệt não như vậy không còn nữa”. “Y cứ không tham dục, tham dục cần phải từ bỏ”, do duyên như vậy, lời nói như vậy được nói lên.

Khi được nói: “Y cứ không hủy báng sân hận, hủy báng sân hận cần được từ bỏ”, do duyên gì, lời nói như vậy được nói lên? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Do nhơn những kiết sử nào ta có thể hủy báng sân hận, ta đoạn tận, thành tựu sự từ bỏ các kiết sử ấy. Nếu ta hủy báng sân hận, không những ta tự trách mắng ta vì duyên hủy báng, các bậc có trí, sau khi tìm hiểu, cũng khiển trách ta vì duyên hủy báng sân hận; và sau khi thân hoại mạng chung, ác thú sẽ chờ đợi ta vì duyên hủy báng sân hận. Thật là một kiết sử, thật là một triền cái, chính sự hủy báng sân hận này. Những lậu hoặc, phiền lao nhiệt não có thể khởi lên do duyên hủy báng sân hận, đối với vị đã từ bỏ hủy báng sân hận, các lậu hoặc, phiền lao nhiệt não như vậy không còn nữa”. “Y cứ không hủy báng sân hận, hủy báng sân hận cần phải từ bỏ”, do duyên như vậy, lời nói như vậy được nói lên.

Khi được nói: “Y cứ không phẫn não, phẫn não cần được từ bỏ”, do duyên gì, lời nói như vậy được nói lên? Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Do nhơn những kiết sử nào ta có thể có phẫn não, ta đoạn tận, thành tựu sự từ bỏ các kiết sử ấy. Nếu ta có phẫn não, không những ta tự trách mắng ta vì duyên phẫn não, các bậc có trí, sau khi tìm hiểu, cũng khiển trách ta vì duyên phẫn não; và sau khi thân hoại mạng chung, ác thú sẽ chờ đợi ta vì duyên phẫn não. Thật là một kiết sử, thật là một triền cái, chính sự phẫn nào này. Những lậu hoặc, phiền lao nhiệt não có thể khởi lên do duyên phẫn não, đối với vị đã từ bỏ phẫn não, các lậu hoặc, phiền lao nhiệt não như vậy không còn nữa”. “Y cứ không phẫn não, phẫn não cần được từ bỏ”, do duyên như vậy, lời nói như vậy được nói lên.

Khi được nói: “Y cứ không quá mạn, quá mạn cần được từ bỏ”, do duyên gì, lời nói như vậy được nói lên? Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Do nhơn những kiết sử nào ta có quá mạn, ta đoạn tận, thành tựu sự từ bỏ các kiết sử ấy. Nếu ta có quá mạn, không những ta tự trách mắng ta vì duyên quá mạn, các bậc có trí sau khi tìm hiểu, cũng khiển trách ta vì duyên quá mạn; và sau khi thân hoại mạng chung, ác thú sẽ chờ đợi ta, vì duyên quá mạn. Thật là một kiết sử, thật là một triền cái, chính sự quá mạn này. Những lậu hoặc, phiền lao nhiệt não có thể khởi lên do duyên quá mạn, đối với vị đã từ bỏ quá mạn, các lậu hoặc, phiền lao nhiệt não như vậy không còn nữa”. “Y cứ không quá mạn, quá mạn cần phải từ bỏ”, do duyên như vậy, lời nói như vậy được nói lên.

Này Gia chủ, tám pháp được nói lên vắn tắt và được giải thích rộng rãi này, đưa đến sự đoạn tận các tục sự trong giới luật bậc Thánh, nhưng thật sự chưa phải là sự đoạn tận toàn diện, toàn bộ và toàn mặt tất cả tục sự trong giới luật bậc Thánh.

— Bạch Thế Tôn, như thế nào là sự đoạn tận toàn diện, toàn bộ và toàn mặt tất cả tục sự trong giới luật bậc Thánh? Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp cho con như thế nào là sự đoạn tận toàn diện, toàn bộ, toàn mặt tất cả tục sự trong giới luật bậc Thánh.

— Này Gia chủ, vậy Ông hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Gia chủ Potaliya vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn thuyết giảng như sau:

— Này Gia chủ, ví như có con chó đói lả, suy nhược, đi đến một lò thịt giết bò. Ở đây, có người giết bò thiện xảo hay người đệ tử quăng cho nó một khúc xương, khéo lóc, tận lóc, không có thịt, chỉ có dính máu. Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào? Con chó ấy, khi gặm khúc xương ấy, khéo lóc, tận lóc, không có thịt, chỉ có dính máu có thể đoạn trừ được đói lả suy nhược của nó không?

— Bạch Thế Tôn, không. Vì sao vậy? Với khúc xương khéo lóc, tận lóc, không có thịt, chỉ có dính máu ấy, bạch Thế Tôn, con chó kia chỉ có mệt nhọc khốn khổ mà thôi.

— Cũng vậy, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã nói, dục được ví như khúc xương, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn”. Sau khi thấy như chân như vậy với chánh trí tuệ, sau khi từ bỏ loại xả thuộc loại đa chủng, y cứ đa chủng, đối với loại xả thuộc loại nhứt chủng, y cứ nhất chủng, ở đây, mọi chấp thủ đối với thế vật được đoạn trừ hoàn toàn, không có dư tàn, vị ấy tu tập loại xả như vậy.

Này Gia chủ, ví như con chim kên, con chim diều hâu, hay con chim ưng giành được miếng thịt liền bay bổng lên; các con chim kên khác, chim diều hâu khác, hay chim ưng khác bay đuổi theo, đuổi sát theo giành giựt xé nát miếng thịt ấy. Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào? Nếu con chim kên, chim diều hâu hay chim ưng ấy không vứt bỏ ngay miếng thịt ấy, nó có thể do nhân duyên ấy, đi đến chết hay đi đến khổ gần như chết không?

— Thưa có, bạch Thế Tôn.

— Cũng vậy, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã nói, dục được ví như miếng thịt, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn”. Sau khi thấy như chân như vậy với chánh trí tuệ, sau khi từ bỏ loại xả thuộc loại đa chủng, y cứ đa chủng, đối với loại xả thuộc loại nhứt chủng, y cứ nhứt chủng, ở đây mọi chấp thủ đối với thế vật được đoạn trừ hoàn toàn, không có dư tàn, vị ấy tu tập loại xả như vậy.

Này Gia chủ, ví như một người cầm một bó đuốc cỏ đang cháy rực đi ngược gió. Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào, nếu người ấy không vứt bỏ ngay bó đuốc ấy, bó đuốc cỏ đang cháy rực ấy có thể đốt cháy tay, hay đốt cháy cánh tay, hay đốt cháy một thân phần của người ấy, người ấy có thể do nhân duyên ấy, đi đến chết, hay đi đến khổ gần như chết không?

— Thưa có, bạch Thế Tôn.

— Cũng vậy, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã nói, dục được ví như bó đuốc cỏ, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn”. Sau khi thấy như chân như vậy với chánh trí tuệ … (như trên)… vị ấy tu tập loại xả như vậy.

Này Gia chủ, ví như một hố than hừng, sâu hơn thân người, đầy những than hừng, cháy không thành ngọn, cháy không thành khói, và một người đi đến muốn sống, muốn không chết, muốn lạc, né tránh khổ. Nhưng có hai nhà lực sĩ, nắm chặt hai cánh tay người ấy và lôi người ấy đến hố than hừng. Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào? Người ấy có co rúm thân, vật qua vật lại phía này phía kia không?

— Bạch Thế Tôn, có. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì người ấy biết: “Nếu ta rơi vào hố than hừng này, do nhân duyên này, ta sẽ đi đến chết hay đau khổ gần như chết.

— Cũng vậy, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã nói, dục được ví như hố than hừng, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn”. Sau khi thấy như chân như vậy với chánh trí tuệ… (như trên)… vị ấy tu tập loại xả như vậy.

Này Gia chủ, ví như có người nằm mộng, thấy vườn khả ái, rừng núi khả ái, đất đai khả ái, ao hồ khả ái; khi tỉnh dậy, người ấy không thấy gì cả. Cũng vậy, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã nói, dục được ví như một cơn mộng, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn”. Sau khi thấy như chân như vậy với chánh trí tuệ,… (như trên)… vị ấy tu tập loại xả như vậy.

Này Gia chủ, ví như có người mượn tài vật cho mượn như xe cộ xứng đáng bậc sang trọng, các đồ châu báu trang sức mỹ diệu, và với những đồ vật vay mượn ấy, người ấy đi vào chợ phố, được (tôn trọng) đi trước, được nhiều người vây quanh, và quần chúng thấy người ấy bèn nói: “Người này thật sự giàu sang, và người giàu sang hưởng thọ tài vật như vậy”. Nhưng những người chủ thấy người kia ở chỗ nào liền lấy lui những vật sở hữu của mình. Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào? Có phải sự (trá hình) dị tính của người kia được chấm dứt ở đây?

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì những người chủ lấy lui những vật sở hữu của mình.

— Cũng vậy, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã nói, dục được ví như tài vật vay mượn, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn”. Sau khi thấy như chân như vậy với chánh trí tuệ… (như trên)… vị ấy tu tập loại xả như vậy.

Này Gia chủ, ví như gần thôn làng hay gần thị tứ có một nhóm rừng, ở đấy, có một cây đầy những trái chín, nhưng không có trái nào rơi xuống đất. Rồi một người đi đến, ước mong trái cây, tìm cầu trái cây, đi khắp đó đây để tìm trái cây. Người ấy đi sâu vào ngôi rừng ấy, thấy cây ấy đầy những trái chín. Người ấy có thể nghĩ như sau: “Cây này đầy những trái chín nhưng không có trái nào rơi xuống đất, nhưng ta biết leo cây. Vậy ta hãy leo lên cây ấy ăn cho thỏa thích và bọc đầy áo (để đem về). Rồi người ấy leo lên cây ấy, ăn cho thỏa thích và bọc đầy áo (để đem về). Rồi một người thứ hai đi đến, ước mong trái cây, tìm cầu trái cây, đi khắp đó đây để tìm trái cây, và tay mang một búa sắc bén. Người này đi sâu vào ngôi rừng ấy, thấy cây ấy đầy những trái chín. Người này có thể nghĩ như sau: “Cây này đầy những trái chín, nhưng không có trái nào rơi xuống đất. Nhưng ta không biết leo cây. Vậy ta hãy chặt cây này tận gốc, ăn cho thỏa thích, và bọc đầy áo (để đem về)”. Rồi người này chặt cây ấy tận gốc. Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào? Nếu người kia không leo xuống thật mau, thời cây ấy khi rơi đổ xuống, sẽ làm cho người thứ nhất, hoặc bị gãy tay, hoặc bị gãy chân, hoặc bị gãy một phần thân nào. Và do nhân duyên ấy, sẽ bị chết hay đi đến đau khổ gần như chết?

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

— Cũng vậy, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã nói, dục được ví như cây có trái, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn”. Sau khi thấy như chân như vậy với chánh trí tuệ, sau khi từ bỏ loại xả thuộc loại đa chủng, y cứ đa chủng, đối với loại xả thuộc loại nhứt chủng, y cứ nhứt chủng, ở đây mọi chấp thủ đối với thế vật được đoạn trừ hoàn toàn, không có dư tàn, vị ấy tu tập loại xả như vậy.

Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử ấy, sau khi thành tựu xả niệm thanh tịnh vô thượng này, nhớ đến các đời sống trước, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, hai mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử ấy sau khi thành tựu xả niệm thanh tịnh vô thượng này, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Vị ấy nghĩ rằng: “Thật sự những vị chúng sanh này thành tựu những ác hạnh về thân, thành tựu những ác hạnh về lời nói, thành tựu những ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những vị chúng sanh này thành tựu những thiện hạnh về thân, thành tựu những thiện hạnh về lời nói, thành tựu những thiện hạnh về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, Thiên giới, trên đời này. Như vậy, vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy tuệ tri rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.

Này Gia chủ vị Thánh đệ tử ấy, sau khi thành tựu xả niệm thanh tịnh vô thượng này, và với các lậu hoặc được đoạn trừ, vị này với thượng trí, tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Này Gia chủ, cho đến như vậy là sự đoạn tận toàn diện, toàn bộ và toàn mặt tất cả sự tục sự trong giới luật bậc Thánh. Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào? Ông có thấy ở nơi Ông một sự đoạn tận tục sự như vậy, giống như sự đoạn tận toàn diện, toàn bộ và toàn mặt tất cả tục sự trong giới luật bậc Thánh?

— Bạch Thế Tôn, con là ai mà có thể có sự đoạn tận toàn diện, toàn bộ và toàn mặt tất cả tục sự trong giới luật bậc Thánh? Bạch Thế Tôn, con còn rất xa với sự đoạn tận toàn diện, toàn bộ và toàn mặt, tất cả tục sự trong giới luật bậc Thánh. Bạch Thế Tôn, xưa kia, đối với các vị Du sĩ không phải thù thắng, chúng con xem là thù thắng; dầu họ không thù thắng, chúng con cúng dường các món ăn thù thắng; dầu họ không thù thắng, chúng con mời họ ở trong những trú xứ thù thắng. Bạch Thế Tôn, còn đối với các Tỷ-kheo thù thắng, chúng con xem là không thù thắng; dầu các vị ấy thù thắng, chúng con cúng dường các món ăn không thù thắng; dầu các vị ấy thù thắng, chúng con mời các vị ấy ở trong các trú xứ không thù thắng. Nhưng nay, bạch Thế Tôn, đối với các Du sĩ không thù thắng, chúng con sẽ biết là không thù thắng; vì họ không thù thắng, chúng con sẽ cúng dường các món ăn không thù thắng,; vì họ không thù thắng chúng con sẽ mời họ ở trong các trú xứ không thù thắng. Còn đối với các Tỷ-kheo thù thắng, chúng con sẽ biết các vị ấy là thù thắng; vì các vị ấy thù thắng, chúng con sẽ cúng dường các món ăn thù thắng; vì các vị ấy thù thắng, chúng con sẽ mời các vị ấy ở trong các trú xứ thù thắng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn thật sự đã gợi ở nơi con lòng ái kính Sa-môn đối với các vị Sa-môn, lòng tịnh tín Sa-môn đối với các Sa-môn, lòng tôn kính Sa-môn đối với các Sa-môn.

Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn ! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn ! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử; từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

×