Ðây là những điều tôi được nghe một thời hồi Bụt còn cư trú với những người thuộc bộ tộc Kuru trong làng Kalmasadamya. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các vị khất sĩ: “Bây giờ tôi muốn nói cho các thầy nghe về một giáo pháp mà nghĩa lý cũng như khí vị được xem như là tốt đẹp từ chặng đầu, qua chặng giữa, tới chặng cuối; một giáo pháp thuần nhất và thanh tịnh có thể giúp các thầy thực tập được cuộc sống phạm hạnh thanh tịnh của người tu. Các thầy hãy lắng tai nghe và chiêm nghiệm cho khéo léo, tôi sẽ nói.
“Này các thầy, thế nào gọi là Nghĩa Lý Siêu Việt về Không? Khi con mắt phát sanh, nó không từ đâu tới cả, và khi hoại diệt, nó không đi về đâu cả. Như vậy con mắt phát sanh không phải như một thực thể chắc thật, và khi đã phát sanh thì phải hoại diệt sau đó. Có nghiệp, có báo mà không có tác giả. Uẩn này diệt thì nhường chỗ cho uẩn khác tiếp tục, nhìn kỹ thì các pháp chỉ là những cái giả danh mà thôi. Ðối với tai, mũi, lưỡi, thân và ý, sự thật cũng như thế. Chúng không phải là những thực tại chắc thật mà chỉ là những giả danh.
“Thế nào là giả danh. Giả danh nghĩa là vì cái này có nên cái kia có, vì cái này sanh nên cái kia sanh. Như vô minh mà có hành, do hành mà có thức, v.v…, cho đến khi cả khối khổ đau phát hiện. Giả danh cũng có nghĩa là vì cái này không nên cái kia không, vì cái này diệt nên cái kia diệt. Như do vô minh diệt mà hành diệt, do hành diệt mà thức diệt, v.v…, cho đến khi cả khối khổ đau hoại diệt.
“Này các thầy, đó gọi là Nghĩa Lý Siêu Việt về Không.”
Bụt nói kinh này xong, các thầy nghe Bụt lòng rất hoan hỷ, đem áp dụng liền lời dạy của Ngài vào sự thực tập.
(Tạp A Hàm, Kinh số 335)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch