III. Phẩm Kiếm (S.I,13)
… (Nhân duyên ở Sàvatthi). Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
I. Kiếm:
Như kiếm đã chạm da,
Như lửa cháy trên đầu,
Tỷ-kheo hãy chánh niệm,
Xuất gia bỏ ái dục.
(Thế Tôn):
Như kiếm đã chạm da,
Như lửa cháy trên đầu,
Tỷ-kheo hãy chánh niệm,
Xuất gia bỏ thân kiến.
II. Xúc Chạm
Không xúc, không có chạm,
Có xúc, thời có chạm,
Nên hại người không hại,
Tức có xúc, có chạm,
Ai hại người không hại,
Người tịnh, không ô nhiễm,
Kẻ ngu hái quả ác,
Như ngược gió tung bụi.
III. Triền Phược
Nội triền và ngoại triền,
Chúng sanh bị triền phược,
Con hỏi Gotama,
Ai thoát khỏi triền này?
(Thế Tôn):
Người trú giới có trí,
Tu tập tâm và tuệ,
Nhiệt tâm và thận trọng,
Tỷ-kheo ấy thoát triền.
Với ai, đã từ bỏ
Tham, sân và vô minh,
Bậc Lậu tận, Ứng cúng,
Vị ấy thoát triền phược.
Chỗ nào danh và sắc,
Ðược đoạn tận, vô dư,
Ðoạn chướng ngại, sắc tưởng,
Chỗ ấy triền phược đoạn.
IV. Chế Ngự Tâm (S.i,14)
Chỗ nào ý chế ngự,
Chỗ ấy đau khổ tận.
Ý chế ngự hoàn toàn,
Thoát đau khổ hoàn toàn.
(Thế Tôn):
Không nên chế ngự ý,
Hoàn toàn về mọi mặt,
Chớ có chế ngự ý,
Nếu tự chủ đạt được.
Chỗ nào ác pháp khởi,
Chỗ ấy chế ngự ý.
V. Vị A-La-Hán (Tạp 22.6 – 7, La-hán, Ðại 2,154b (S.i,14) ( Biệt Tạp 9.6, Ðại 2,435c)
Vị Tỷ-kheo La-hán,
Ðã làm điều phải làm,
Các lậu được đoạn tận,
Thân này, thân tối hậu.
Vị ấy có thể nói:
“Chính tôi vừa nói lên”
Vị ấy có thể nói:
“Họ nói là của tôi”.
(Thế Tôn):
Vị Tỷ-kheo La-hán,
Ðã làm điều phải làm,
Các lậu được đoạn tận,
Thân này, thân tối hậu.
Vị ấy có thể nói:
“Chính tôi vừa nói lên”,
Vị ấy có thể nói:
“Họ nói là của tôi”.
Vị ấy khéo biết rõ,
Danh xưng ở thế gian,
Vì chỉ là danh xưng,
Vị ấy cũng danh xưng.
(Vị Thiên):
Vị Tỷ-kheo La-hán,
Ðã làm điều phải làm,
Các lậu được đoạn tận,
Thân này, thân tối hậu.
Có phải Tỷ-kheo ấy,
Ði gần đến kiêu mạn,
Khi vị ấy có nói:
“Chính tôi vừa nói lên”.
Khi vị ấy có nói:
“Họ nói là của tôi”?
(Thế Tôn):
Ai đoạn tận kiêu mạn,
Không còn những buộc ràng,
Mọi hệ phược kiêu mạn,
Ðược hoàn toàn đoạn tận.
Vị có trí sáng suốt,
Vượt khỏi mọi hư tưởng,
Vị ấy có thể nói:
“Chính tôi vừa nói lên”,
Vị ấy có thể nói:
“Họ nói là của tôi”.
Vị ấy khéo biết rõ,
Danh xưng ở thế gian,
Vì chỉ là danh xưng,
Vị ấy cũng danh xưng.
VI. Ánh Sáng (Tạp, Ðại 2,360b) (S.i,15) (Biệt Tạp 15.12, Ðại 2,478c)
Vật gì chiếu sáng đời,
Do chúng, đời chói sáng?
Con đến hỏi Thế Tôn,
Muốn biết lời giải đáp.
(Thế Tôn):
Bốn vật chiếu sáng đời,
Thứ năm, đây không có.
Ngày, mặt trời sáng chói,
Ðêm, mặt trăng tỏ rạng,
Lửa cháy đỏ đêm ngày,
Chói sáng khắp mọi nơi.
Chánh giác sáng tối thắng,
Sáng này, sáng vô thượng.
VII. Nước Chảy (S.i,15)
Chỗ nào nước chảy ngược?
Chỗ nào nước xoáy dừng?
Chỗ nào danh và sắc,
Ðược đoạn diệt, không dư?
Chỗ nào nước và đất,
Lửa, gió không vững trú,
Do vậy nước chảy ngược,
Chỗ ấy nước xoáy dừng,
Chỗ ấy danh và sắc,
Ðược đoạn diệt, không dư.
VIII. Giàu Lớn (S.i,15)
Sát-đế-lỵ giàu lớn,
Tài sản, quốc độ lớn,
Luôn luôn ganh tị nhau,
Hưởng dục không biết ngán,
Giữa người sống dao động,
Trôi theo dòng tái sanh.
Ai bỏ tật và ái,
Không dao động giữa đời.
(Thế Tôn):
Vị xuất gia bỏ nhà,
Bỏ con, gia súc, thân,
Bỏ tham và bỏ sân,
Và từ bỏ vô minh,
Bậc Lậu tận, La-hán,
Không dao động giữa đời.
IX. Bốn Bánh Xe (S.i,16)
Bốn bánh xe, chín cửa,
Ðầy uế, hệ lụy tham,
Chìm đắm trong bùn nhơ,
Ôi, thưa bậc Ðại Hùng,
Sanh thú người như vậy,
Tương lai sẽ thế nào?
(Thế Tôn):
Cắt hỷ và buộc ràng,
Dục tham và tà ác,
Ái căn được đoạn tận,
Sanh thú sẽ như vậy.
X. Con Sơn Dương (S.i,16)
Chân như chân sơn dương,
Vừa thon lại vừa mạnh,
Ăn uống có chừng mực,
Không tham lam, say đắm,
Như sư tử, voi rừng,
Ðộc hành, không dục vọng.
Sau khi đến, con hỏi,
Làm sao thoát khổ đau?
(Thế Tôn):
Có năm dục ở đời,
Ý căn là thứ sáu,
Ở đây, từ ước muốn,
Như vậy thoát khổ đau.