(Mahàsaccaka sutta)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở tại Vesali, rừng Ðại Lâm, tại giảng đường Trùng Các.
Lúc bấy giờ, Thế Tôn đắp y thật đầy đủ, cầm y bát, muốn vào Vesali để khất thực. Rồi Niganthaputta Saccaka tánh hay ngao du thiên hạ, trong khi đi khắp đó đây, đến tại Ðại Lâm, giảng đường Trùng Các. Tôn giả Ananda thấy Niganthaputta Saccaka từ xa đi lại, liền bạch Thế Tôn:
— Bạch Thế Tôn, Niganthaputta Saccaka đang đến, tánh ưa luận chiến, biện luận thiện xảo, được số đông tôn kính. Bạch Thế Tôn, vị này ưa chỉ trích Phật, ưa chỉ trích Pháp, ưa chỉ trích Tăng. Bạch Thế Tôn, tốt lành thay nếu Thế Tôn vì lòng từ mẫn ngồi lại một lát.
Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn. Rồi Niganthaputta Saccaka đi đến chỗ Thế Tôn ở, nói lên những lời hỏi thăm, chúc tụng, xã giao với Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Niganthaputta Saccaka nói với Thế Tôn:
— Tôn giả Gotama, có một số Sa-môn, Bà-la-môn sống chuyên lo tu tập về thân, không tu tập về tâm. Tôn giả Gotama, những vị này cảm khổ thọ về thân. Sự tình này đã xảy ra, này Tôn giả Gotama, do cảm khổ về thân, chân sẽ bị tê liệt, quả tim có thể tức bể, máu nóng có thể trào ra từ miệng, có thể bị điên cuồng loạn tâm. Tôn giả Gotama, sự tình này xảy ra đối với người mà tâm tùy thuộc thân, khi tâm chịu sự điều khiển của thân. Vì sao vậy? Vì tâm không được tu tập. Tôn giả Gotama, nhưng có một số Sa-môn, Bà-la-môn, sống chuyên lo tu tập về tâm, không tu tập về thân. Tôn giả Gotama, những vị này cảm khổ thọ về tâm. Sự tình này đã xảy ra, này Tôn giả Gotama; do cảm khổ thọ về tâm, chân sẽ bị tê liệt, quả tim có thể tức bể, máu có thể trào ra từ miệng, có thể bị điên cuồng loạn tâm. Tôn giả Gotama, sự tình này xảy ra đối với người mà thân tùy thuộc tâm, khi thân chịu sự điều khiển của tâm. Vì sao vậy? Vì thân không được tu tập. Này Tôn giả Gotama, rồi tôi suy nghĩ: “Thật sự, Thanh văn đệ tử của Tôn giả Gotama sống chuyên lo tu tập về tâm không tu tập về thân?”
— Này Aggivessana, Ông nghe tu tập về thân như thế nào?
— Như Nanda Vaccha, Kisa Sankicca, Makkhàli Gosàla, những vị này, này Tôn giả Gotama, sống lõa thể, sống phóng túng không theo lễ nghi, liếm tay cho sạch, đi khất thực không chịu bước tới, không nhận đồ ăn mang đến, không nhận đồ ăn đặc biệt nấu cho mình, không nhận mời đi ăn, không nhận đồ ăn từ nồi chảo, không nhận đồ ăn tại ngưỡng cửa, không nhận đồ ăn đặt giữa những cây gậy, không nhận đồ ăn đặt giữa những cối giã gạo, không nhận đồ ăn từ hai người, không nhận đồ ăn từ người đàn bà có thai, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang cho con bú, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang giao cấu, không nhận đồ ăn tại chỗ có chó đứng, không nhận đồ ăn tại chỗ ruồi bu, không ăn cá thịt, không uống rượu nấu, rượu men, cháo trấu. Những vị ấy chỉ nhận ăn tại một nhà, chỉ nhận ăn một miếng, hay vị ấy chỉ nhận tại hai nhà, chỉ nhận ăn hai miếng, hay vị ấy chỉ nhận ăn tại bảy nhà, vị ấy chỉ nhận ăn bảy miếng. Vị ấy nuôi sống chỉ với một bát, nuôi sống chỉ với hai bát, nuôi sống chỉ với bảy bát. Vị ấy chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa, bảy ngày một bữa. Như vậy các vị ấy sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng mới ăn một lần.
— Này Aggivessana, họ có thể tự nuôi sống với mức độ như vậy chăng?
— Không phải vậy, này Tôn giả Gotama. Thỉnh thoảng, này Tôn giả Gotama, họ ăn những món ăn thù thắng loại cứng, họ ăn những món ăn thù thắng loại mềm, họ nếm những vị ăn thù thắng, họ uống những đồ uống thù thắng. Họ nhờ các món ăn ấy gầy dựng thân lực, làm cho thân to lớn, làm cho thân béo mập.
— Này Aggivessana, như vậy những gì ban đầu họ từ bỏ, về sau họ lại thọ dụng. Như vậy có tụ, có tán (có được, có mất) cho thân này. Này Aggivessana, Ông nghe tu tập về tâm như thế nào?
Niganthaputta Saccaka, được Thế Tôn hỏi tu tập về tâm, không có thể trả lời được. Rồi Thế Tôn nói với Niganthaputta Saccaka:
— Này Aggivessana, thân tu tập mà Ông vừa mới nói đầu tiên ấy không phải là thân tu tập đúng pháp trong giới luật của bậc Thánh. Này Aggivessana, Ông còn không hiểu thân tu tập, làm sao Ông có thể hiểu tâm tu tập. Và này Aggivessana, như thế nào là thân không tu tập, tâm không tu tập; như thế nào là thân tu tập, tâm tu tập? Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.
— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Niganthaputta Saccaka trả lời Thế Tôn. Thế Tôn thuyết giảng như sau:
— Này Aggivessana, thế nào là thân không tu tập và thế nào là tâm không tu tập? Ở đây, này Aggivessana, kẻ vô văn phàm phu khởi lên lạc thọ. Người này được cảm giác lạc thọ, liền tham đắm lạc thọ và rơi vào sự tham đắm lạc thọ. Nếu lạc thọ ấy bị diệt mất, do lạc thọ đoạn diệt, khởi lên khổ thọ. Người ấy, do cảm giác khổ thọ, nên sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, đưa đến bất tỉnh. Này Aggivessana, lạc thọ ấy khởi lên cho người kia, chi phối tâm và an trú, do thân không tu tập. Khổ thọ ấy khởi lên chi phối tâm và an trú, do tâm không tu tập. Này Aggivessana, không luận người nào mà cả hai phương tiện đều có lạc thọ khởi lên, chi phối tâm và an trú, do thân không tu tập; khổ thọ khởi lên, chi phối tâm và an trú, do tâm không tu tập. Như vậy, này Aggivessana, người ấy là người có thân không tu tập và tâm không tu tập.
Và này Aggivessana, thế nào là thân tu tập và tâm tu tập? Ở đây, này Aggivessana, lạc thọ khởi lên cho vị Thánh đệ tử nghe nhiều. Vị này được cảm giác lạc thọ, nhưng không tham đắm lạc thọ, không rơi vào sự tham đắm lạc thọ. Nếu lạc thọ ấy bị diệt mất, do lạc thọ đoạn diệt, khởi lên khổ thọ, vị ấy cảm giác khổ thọ nhưng không sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, đưa đến bất tỉnh. Này Aggivessana, lạc thọ ấy khởi lên cho vị kia, không chi phối tâm và không an trú, do thân có tu tập; khổ thọ ấy khởi lên cho vị kia, không chi phối tâm và không an trú, do tâm có tu tập. Này Aggivessana, không luận người nào mà cả hai phương tiện đều có lạc thọ khởi lên, không chi phối tâm và không an trú, do thân có tu tập; khổ thọ khởi lên, không chi phối tâm và không an trú, do tâm có tu tập, như vậy này Aggivessana, người ấy là người có thân tu tập, có tâm tu tập.
— Như vậy, tôi có lòng tin tưởng với Tôn giả Gotama. Tôn giả Gotama là vị có thân tu tập và có tâm tu tập.
— Này Aggivessana, dầu cho lời nói của Ông có vẻ trịch thượng và khiêu khích, nhưng Ta sẽ trả lời cho Ông. Này Aggivessana, vì Ta đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lạc thọ thật sự khởi lên nơi Ta, chi phối tâm và an trú, hay khổ thọ thật sự khởi lên nơi Ta, chi phối tâm và an trú, sự tình như vậy không thể xảy ra.
— Phải chăng, một lạc thọ không khởi lên nơi Tôn giả Gotama một cách khiến cho lạc thọ ấy không thể chi phối tâm và an trú, phải chăng một khổ thọ khởi lên nơi Tôn giả Gotama một cách khiến cho khổ thọ ấy không thể chi phối tâm và an trú?
— Này Aggivessana, sao có thể không như vậy được? Ở đây, này Aggivessana, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: “Ðời sống gia đình bị gò bó, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia như sống giữa hư không. Thật rất khó sống tại gia đình mà có thể sống hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh đời sống phạm hạnh thuần tịnh. Hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”.
Rồi này Aggivessana, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ. Ta đến chỗ Alara Kalama ở, khi đến xong liền thưa với Alara Kalama: “Hiền giả Kalama, tôi muốn sống phạm hạnh trong pháp luật này”. Này Aggivessana, được nghe nói vậy, Alara Kalama nói với Ta: “Này Tôn giả, hãy sống (và an trú). Pháp này là như vậy, khiến kẻ có trí, không bao lâu như vị Bổn sư của mình (chỉ dạy), tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú”. Này Aggivessana, và không bao lâu Ta đã thông suốt pháp ấy một cách mau chóng. Và này Aggivessana, cho đến vấn đề khua môi và vấn đề phát ngôn mà nói, thời Ta nói giáo lý của kẻ trí và giáo lý của bậc Trưởng lão (Thượng tọa), và Ta tự cho rằng Ta như kẻ khác cũng vậy, Ta biết và Ta thấy.