47. Chương III: Tương Ưng Niệm Xứ

29/06/2024 433 lượt xem

II. Phẩm Nàlanda

11. I. Ðại Nhân (Tạp 24,12, Ðại 2,172a) (S.v,158)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn… Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:

3) — “Ðại nhân, đại nhân”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là đại nhân?

— Với tâm giải thoát, này Sàriputta, Ta gọi là đại nhân. Không có tâm giải thoát, Ta không gọi là đại nhân. Và này Sàriputta, thế nào là tâm giải thoát?

4) Ở đây, này Sàriputta, một Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Khi vị ấy trú, quán thân trên thân, tâm được ly tham, được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ;… trú, quán thọ trên các thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Khi vị ấy trú, quán pháp trên các pháp, tâm được ly tham, được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

5) Như vậy, này Sàriputta, là tâm giải thoát. Với tâm giải thoát, này Sàriputta, Ta gọi là đại nhân. Không có tâm giải thoát, Ta không gọi là đại nhân.

12. II. Nàlanda (Tạp 18,9 Ðại 2,130c) (S.v,159)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Nàlanda, tại rừng Pavàrikamba.

2) Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn… Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:

3) — Như vậy, bạch Thế Tôn, là lòng tịnh tín của con đối với Thế Tôn. Không thể đã có, không thể sẽ có, không thể hiện có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác có thể vĩ đại hơn, thắng trí hơn Thế Tôn về Chánh giác.

— Thật là đại ngôn (ulàra), này Sàriputta, là lời tuyên bố như con ngưu vương này của Ông, lời tuyên bố một chiều, tiếng rống của con sư tử: “Như vậy là lòng tịnh tín của con đối với Thế Tôn. Không thể đã có, không thể sẽ có, không thể hiện có một Sa-môn hay một Bà-la-môn nào khác, có thể vĩ đại hơn, thắng trí hơn Thế Tôn về Chánh giác”.

4) Này Sàriputta, đối với các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong thời quá khứ, tất cả các vị Thế Tôn ấy, Ông có thể biết rõ tâm niệm với tâm của Ông rằng: “Các bậc Thế Tôn ấy đã có giới đức như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy đã có pháp như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy đã có tuệ như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy đã có hạnh trú như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy đã giải thoát như vậy”?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

5) — Này Sàriputta, đối với các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong thời vị lai, tất cả các vị Thế Tôn ấy, Ông có thể biết rõ tâm niệm với tâm của Ông: “Các bậc Thế Tôn ấy sẽ có giới đức như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy sẽ có pháp như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy sẽ có tuệ như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy sẽ có hạnh trú như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy sẽ giải thoát như vậy”?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

6) — Này Sàriputta, đối với các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong thời hiện tại, tất cả các bậc Thế Tôn ấy, Ông có thể biết rõ tâm niệm với tâm của Ông rằng: “Các bậc Thế Tôn ấy hiện có giới đức như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy hiện có pháp như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy hiện có tuệ như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy hiện có hạnh trú như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy hiện có giải thoát như vậy”?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

7) — Và này Sàriputta, ở đây, Ông không có chánh trí với tâm của Ông biết được tâm của các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, quá khứ, vị lai, hiện tại; thời này Sàriputta, do ý nghĩa gì Ông lại thốt ra lời đại ngôn, lời tuyên bố như con ngưu vương, lời tuyên bố một chiều, tiếng rống tiếng con sư tử của Ông rằng: “Như vậy là lòng tịnh tín của con đối với Thế Tôn. Không thể đã có, không thể sẽ có, không thể hiện có một Sa-môn, hay Bà-la-môn nào khác, có thể vĩ đại hơn, thắng trí hơn Thế Tôn về Chánh giác”?

— Bạch Thế Tôn, con không có chánh trí với tâm của con biết được tâm các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, quá khứ, vị lai, hiện tại, nhưng bạch Thế Tôn, con biết được pháp truyền thống (dhammanvayo).

8) Ví như, bạch Thế Tôn, tại một thành ở biên giới, với những hào lũy kiên cố, vững chắc, với những thành quách, tháp canh kiên cố và chỉ có một cửa ra vào. Tại đấy, có một người gác cửa sáng suốt, thông minh, có trí, không cho vào những người lạ mặt, chỉ cho vào những người quen mặt. Trong khi người ấy đi tuần đến con đường xung quanh thành trì ấy để xem, không thấy có một khe hở ở tường nào, hay lỗ hổng ở tường nào, cho đến một con mèo có thể lọt qua được. Và người ấy suy nghĩ rằng: “Có những sinh loại thô lớn nào đi vào hay đi ra ngôi thành này, tất cả phải đi vào hay đi ra cửa này”. Như vậy, bạch Thế Tôn, là pháp truyền thống mà con được biết.

9) Bạch Thế Tôn, phàm có những bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nào trong thời quá khứ, tất cả bậc Thế Tôn ấy, sau khi đoạn tận năm triền cái, những pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu kém trí tuệ, sau khi khéo an trú tâm trên bốn niệm xứ, sau khi như thật tu tập bảy giác chi, đã chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bạch Thế Tôn, phàm có những bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nào trong thời vị lai, tất cả các bậc Thế Tôn ấy, sau khi đoạn tận năm triền cái, các pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ, sau khi khéo an trú tâm trên bốn niệm xứ, sau khi như thật tu tập bảy giác chi, sẽ chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Còn Thế Tôn, bạch Thế Tôn, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, sau khi đoạn tận năm triền cái, những pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu kém trí tuệ, sau khi khéo an trú tâm trên bốn niệm xứ, sau khi như thật tu tập bảy giác chi, chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng giác.

10) — Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Ông hãy luôn luôn thuyết pháp thoại này cho các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, các nam cư sĩ, các nữ cư sĩ. Này Sàriputta, nếu có những người ngu si nào còn có những nghi ngờ, hay những do dự đối với Như Lai sau khi nghe pháp thoại này của Ta, sự nghi ngờ, do dự ấy của họ đối với Như Lai sẽ trừ diệt.

13. III. Cunda (Tạp 24,39, Ðại 2,176b) (S.v,161)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Thắng Lâm, khu vườn của ông Cấp Cô Ðộc.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta trú ở Magadha, tại làng Nàla, bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh. Và Sa-di Cunda là thị giả của Tôn giả Sàriputta.

3) Tôn giả nhập Niết-bàn vì bệnh ấy.

4) Rồi Sa-di Cunda cầm lấy y bát của Tôn giả Sàriputta đi đến Sàvatthi, Thắng Lâm, tại khu vườn của ông Cấp Cô Ðộc, đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda, rồi ngồi xuống một bên. .. Ngồi một bên, Sa-di Cunda nói với Tôn giả Ananda:

— Bạch Thượng tọa, Tôn giả Sàriputta đã mệnh chung. Ðây là y bát của vị ấy.

5) — Này Hiền giả Cunda, đây là lý do để đến yết kiến Thế Tôn. Này Hiền giả Cunda, chúng ta hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, chúng ta hãy báo tin này cho Thế Tôn.

— Thưa vâng, Thượng tọa.

Sa-di Cunda vâng đáp Tôn giả Ananda.

6) Rồi Tôn giả Ananda và Sa-di Cunda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, Sa-di Cunda này thưa như sau: “Bạch Thượng tọa, Tôn giả Sàriputta đã mệnh chung. Ðây là y và bát của vị ấy”. Bạch Thế Tôn, thân con cảm thấy yếu ớt như lau sậy (bàng hoàng) (madhurakajato). Các phương hướng không hiện ra rõ ràng đối với con. Pháp sẽ không được giảng cho con, khi con nghe tin Tôn giả Sàriputta đã mệnh chung.

7) — Này Ananda, Sàriputta có đem theo giới uẩn khi mệnh chung? Có đem theo định uẩn khi mệnh chung? Có đem theo tuệ uẩn khi mệnh chung? Có đem theo giải thoát uẩn khi mệnh chung? Có đem theo giải thoát tri kiến khi mệnh chung không?

— Bạch Thế Tôn, Tôn giả Sàriputta không đem theo giới uẩn khi mệnh chung, không đem theo định uẩn khi mệnh chung, không đem theo tuệ uẩn khi mệnh chung, không đem theo giải thoát uẩn khi mệnh chung, không đem theo giải thoát tri kiến khi mệnh chung. Nhưng bạch Thế Tôn, Tôn giả Sàriputta là vị giáo giới cho con, là vị đã vượt qua (bộc lưu), là bậc giáo thọ, là vị khai thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, là vị thuyết pháp không biết mệt mỏi, là vị hộ trì cho các đồng Phạm hạnh. Chúng con đều ức niệm rằng Tôn giả Sàriputta là tinh ba của pháp (dhammojam), là tài sản của pháp (dhammabhogam), là hộ trì của pháp.

8) — Này Ananda, có phải trước đây Ta đã từng tuyên bố với Ông rằng mọi pháp khả ái, khả ý đều có tánh chất khác biệt, có tánh chất ly tán, có tánh chất đổi khác? Làm sao, này Ananda, ở đây, lời ước nguyền này có thể thành tựu được: “Mong rằng cái gì được sanh, được thành, là pháp hữu vi, là pháp bị diệt hoại, lại có thể không bị diệt hoại!”? Sự kiện như vậy không xảy ra.

9) Ví như, này Ananda, từ một cây lớn mọc thẳng, có lõi cây, một cành cây lớn bị gãy đổ. Cũng vậy, này Ananda, từ nơi chúng Tỷ-kheo đứng thẳng, có lõi cây, Sàriputta bị mệnh chung. Làm sao, này Ananda, ở đây, lời ước nguyền này có thể thành tựu được: “Mong sao cái gì được sanh, được thành, là pháp hữu vi, là pháp bị diệt hoại, lại có thể không bị diệt hoại!”? Sự kiện như vậy không xảy ra.

10) Do vậy, này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một điều gì khác. Này Ananda, thế nào là Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác?

11) Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… trú, quán thọ trên các thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này Ananda, Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác.

12) Này Ananda, những ai hiện nay, hay sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác; những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi.

14. IV. Celam (Tạp 24, 40, Ðại 2,177a) (S.v,163)

1) Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Vajjii, tại Ukkacelà, trên bờ sông Hằng, với đại chúng Tỷ-kheo, sau khi Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Moggalàna mệnh chung không bao lâu.

2) Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, xung quanh có chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Rồi Thế Tôn, sau khi nhìn quanh chúng Tỷ-kheo im lặng, liền nói với các Tỷ-kheo:

3) — Này các Tỷ-kheo, chúng này của Ta được xem hình như trống không. Nay Sàriputta và Moggalàna đã mệnh chung, này các Tỷ-kheo, chúng của Ta thành trống không. Phương hướng nào Sàriputta và Moggalàna trú, phương hướng ấy không còn có ước vọng gì (anapekkhà).

4) Này các Tỷ-kheo, các bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong thời quá khứ, các vị Thế Tôn ấy đã có một cặp đệ tử tối thắng như Ta có Sàriputta và Moggalàna. Này các Tỷ-kheo, các bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nào trong đời vị lai, những bậc Thế Tôn ấy sẽ có một cặp đệ tử tối thắng như Ta có Sàriputta và Moggalàna.

5) Thật là vi diệu thay về các đệ tử, này các Tỷ-kheo! Thật hy hữu thay về các đệ tử, này các Tỷ-kheo! Họ thực hành những lời dạy của đức Bổn sư. Họ làm trách nhiệm giáo giới. Họ được bốn chúng ái kính, khả ý, khả kính, quý mến. Thật vi diệu thay, này các Tỷ-kheo, về Như Lai! Thật hy hữu thay, này các Tỷ-kheo, về Như Lai! Trong khi cặp đệ tử như vậy mệnh chung, Như Lai không có sầu buồn, hay không có than khóc. Làm sao, này Ananda, lời ước nguyền này có thể thành tựu được: “Mong sao cái gì được sanh, được thành, là pháp hữu vi, là pháp bị diệt hoại, lại có thể không bị diệt hoại!”? Sự kiện như vậy không xảy ra.

6) Ví như, này các Tỷ-kheo, từ một cây lớn mọc thẳng, có lõi cây, những cành cây lớn hơn bị gãy đỗ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, từ nơi đại chúng Tỷ-kheo đứng thẳng, có lõi cây, Sàriputta và Moggalàna bị mệnh chung. Làm sao, này các Tỷ-kheo, ở đây, lời ước nguyền này có thể thành tựu được: “Mong sao cái gì được sanh, được thành, là pháp hữu vi, là pháp bị diệt hoại, lại có thể không bị diệt hoại!”? Sự kiện như vậy không thể xảy ra.

7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình… (như trên số 10, kinh trước)…

8) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… không nương tựa một ai khác.

9) Này các Tỷ-kheo, những ai hiện nay, hay sau khi Ta diệt độ… nếu những vị ấy thiết tha học hỏi.

15. V. Bàhiya, hay Bàhika (Tạp 24,24, Ðại 2,175a) (S.v,165)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi Tôn giả Bàhiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến… Ngồi một bên, Tôn giả Bàhiya bạch Thế Tôn:

— Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp vắn tắt cho con. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

— Như vậy, này Bàhiya, hãy làm cho thanh tịnh các pháp căn bản trong các thiện pháp. Thế nào là các pháp căn bản trong các thiện pháp? — Giới khéo thanh tịnh và tri kiến chánh trực.

3) Và này Bàhiya, khi nào Ông có giới khéo thanh tịnh, và tri kiến chánh trực; rồi này Bàhiya, y cứ vào giới, an trú vào giới, Ông hãy tu tập bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, này Bàhiya, Ông hãy trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Hãy trú, quán thọ trên các thọ… Hãy trú, quán tâm trên tâm… Hãy trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Khi nào, này Bàhiya, y cứ vào giới, an trú vào giới, Ông tu tập như vậy bốn niệm xứ này. Do vậy, này Bàhiya, ban đêm hay bàn ngày, chờ đợi là các thiện pháp tăng trưởng, không phải tổn giảm.

5) Rồi Tôn giả Bàhiya hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

6) Rồi Tôn giả Bàhiya sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu chứng được mục đích mà người thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: Chính là vô thượng Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, vị ấy tự mình chứng ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú. Vị ấy rõ biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

7) Rồi Tôn giả Bàhiya trở thành một vị A-la-hán nữa.

16. VI. Uttiya (Tạp 24,22, Ðại 2,174c) (S.v,166)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2-4) Rồi Tôn giả Uttiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến…

–. .. Do vậy, này Uttiya, Ông sẽ vượt khỏi giới vức của tử ma.

5-7) Rồi Tôn giả Uttiya trở thành một vị A-la-hán nữa.

17. VII. Bậc Thánh (Tạp 24,23, Ðại 2,176a) (S.v,166)

1) Ở Sàvatthi…

2) — Này các Tỷ-kheo, có bốn niệm xứ này được tu tập, được làm cho sung mãn, là những Thánh dẫn đạo, dắt dẫn những ai thực hành theo, đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… trú, quán thọ trên các thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

4) Này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ này được tu tập, được làm cho sung mãn, là những Thánh dẫn đạo, dắt dẫn những ai thực hành theo, đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau.

18. VIII. Phạm Thiên (Tạp 44,12, Ðại 2,322a; 24.3,171a; 410b; 494a) (S.v,167)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, tại cây bàng ajapàla, sau khi mới giác ngộ.

2) Trong khi Thế Tôn độc cư Thiền tịnh, tâm niệm tư tưởng như sau được khởi lên: “Ðây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho các chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ đau, chứng đạt chánh lý (nàya), chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ”. Thế nào là bốn?

3) — Này Tỷ-kheo, hãy trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… trú, quán thọ trên các thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ở đời. Ðây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho các chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ.

4) Rồi Phạm thiên Sahampati với tâm của mình biết được tâm ý Thế Tôn, ví như nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy, vị ấy biến mất ở Phạm thiên giới, hiện ra trước mặt Thế Tôn. Rồi Phạm thiên Sahampati đắp thượng y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

5) — Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Bạch Thế Tôn, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho các chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn? Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Tỷ-kheo trú, quán thọ trên các cảm thọ… Tỷ-kheo trú, quán tâm trên tâm… Tỷ-kheo trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Bạch Thế Tôn, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho các chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ.

6) Phạm thiên Sahampati thuyết như vậy. Nói như vậy xong, Phạm thiên Sahampati lại nói thêm:

Thấy con đường độc nhất,
Ðưa đến đoạn tận sanh.
Bậc lân mẫn chúng sanh,
Biết được con đường ấy.
Chính với con đường này,
Trước đã từng vượt qua,
Tương lai sẽ vượt qua,
Nay vượt khỏi bộc lưu.

19. IX. Sedaka, hay Ekantaka (Tạp 24,17, Ðại 2,173b) (S.v,168)

1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Sumbha, tại Desakà, một thị trấn của dân chúng Sumbhà.

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo và bảo:

— Thuở trước, này các Tỷ-kheo, một người nhào lộn với cây tre, sau khi dựng lên một cây tre, liền bảo người đệ tử tên là Medakathàlikà: “Này Medakathàlikà, hãy đến, leo lên cây tre và đứng trên vai ta” — “Thưa thầy, vâng”. Này các Tỷ-kheo, đệ tử Medakathàlikà vâng đáp người nhào lộn trên cây tre, leo lên cây tre và đứng trên vai của thầy.

3) Rồi này các Tỷ-kheo, người nhào lộn trên cây tre nói với đệ tử Medakathàlikà: “Này Medakathàlikà, Ông hộ trì cho ta và ta sẽ hộ trì cho Ông. Như vậy, chúng ta nhờ che chở cho nhau, nhờ hộ trì cho nhau, trình bày các tiết mục, thâu hoạch được lợi tức và leo xuống cây tre một cách an toàn”.

4) Khi được nghe nói vậy, này các Tỷ-kheo, đệ tử Medakathàlikà nói với người nhào lộn trên cây tre: “Thưa thầy, không nên như vậy. Thưa thầy, nên như vầy: Thầy nên hộ trì tự ngã thầy và con sẽ hộ trì tự ngã con. Như vậy, chúng ta tự che chở cho mình, tự hộ trì cho mình, trình bày các tiết mục, thâu hoạch được lợi ích, và leo xuống cây tre một cách an toàn. Ðây là chánh lý (nàyo) cần phải làm”.

5) Thế Tôn nói:

— Này các Tỷ-kheo, như đệ tử Medakathàlikà đã nói với thầy của ông ấy: “Tôi sẽ hộ trì cho mình”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Này các Tỷ-kheo, “Chúng ta sẽ hộ trì người khác”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Trong khi hộ trì cho mình, này các Tỷ-kheo, là hộ trì người khác. Trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào trong khi hộ trì cho mình, là hộ trì người khác? Chính do sự thực hành (àsevanàya), do sự tu tập (bhàvanàya), do sự làm cho sung mãn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi hộ trì cho mình, là hộ trì người khác.

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình? Chính do sự kham nhẫn, do sự vô hại, do lòng từ, do lòng ai mẫn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.

8) Này các Tỷ-kheo, “Tôi sẽ hộ trì cho mình”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Này các Tỷ-kheo, “Tôi sẽ hộ trì người khác”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Trong khi hộ trì cho mình, này các Tỷ-kheo, là hộ trì người khác. Trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.

20. X. Quốc Ðộ (hay Ekantaka) (Tạp 24,21, Ðại 2,174b) (S.v,169)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Sumbha, tại một thị trấn của dân chúng Sumbha tên là Sedaka.

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo…

3) — Ví như một số đông quần chúng, này các Tỷ-kheo, tụ họp lại và nói: “Cô gái hoa hậu của quốc độ. Cô gái hoa hậu của quốc độ!”. Và người con gái hoa hậu quốc độ ấy với tất cả sự quyến rủ của mình, múa cho họ xem, với tất cả sự quyến rủ của mình, hát cho họ nghe. Và một số quần chúng còn đông hơn tụ họp lại và nói: “Cô gái hoa hậu của quốc độ múa và hát”. Rồi một người đến, muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, họ nói với người ấy như sau: “Này Ông, hãy xem đây. Ðây là cái bát đầy dầu. Ông hãy mang bát dầu ấy và đi vòng quanh đám quần chúng lớn và người con gái hoa hậu của quốc độ. Và một người với cây kiếm giơ cao sẽ đi theo sau lưng Ông. Tại chỗ nào làm đổ một ít dầu, tại chỗ ấy, đầu Ông bị rơi xuống”. Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, người ấy có thể không tác ý đến bát dầu, phóng tâm hướng ngoại không?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

4) — Ví dụ này, này các Tỷ-kheo, Ta nói ra để nêu rõ ý nghĩa. Và đây là ý nghĩa của nó. Này các Tỷ-kheo, cái bát đầy dầu là đồng nghĩa với thân hành niệm.

5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, làm cho như thành cỗ xe, làm cho như thành đất nền, làm cho tiếp tục an trú, làm cho tích tập, làm cho khéo có hiệu năng (susamàraddhà)”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7

×