- Do giả lập nên nói có ngã và pháp, Từ đó biến hiện ra đủ loại hình tướng. Tất cả đều từ thức mà biến hiện ra. Thức năng biến có ba loại.
- Đó là Dị thục và Tư lương Cùng với Liễu biệt cảnh. Trước hết là thức A lại da, Còn gọi là Dị thục hay Nhất thiết chủng.
- Đặc tính nó bất khả tri: chấp và duy trì. Khi tiếp xúc các xứ nó thường biểu hiện cùng với xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư và chỉ tương ưng với xả thọ.
- Thức này và tâm sở của nó như xúc, v.v, đều vô phú, vô ký. Nó trôi chảy như dòng sông, đến quả A la hán thì xả.
- Thức năng biến thứ hai Tên gọi là Mạt na,
phát khởi từ A lại da và duyên A lại da. Tánh tướng của nó là suy lường. - Nó thường biểu hiện với 4 phiền não: ngã si, ngã kiến, ngã mạn và ngã ái, cũng như cùng với xúc, v,v …
- Tánh của Mạt na là hữu phú vô ký, (Alaya) sinh ở đâu thì nó chấp ngã ở đó. Đến quả A la hán, diệt tận định và đạo xuất thế thì nó không còn.
- Thức năng biến thứ ba có sáu loại sai khác. Tánh tướng là nhận biết trần cảnh, thiện, bất thiện, và vô ký.
- Kế đến là các tâm sở: biến hành, biệt cảnh, thiện, phiền não, tùy phiền não, bất định. Tất cả đều tương ưng với ba thọ.
- Trước hết, tâm sở biến hành: xúc v,v… rồi đến tâm sở biệt cảnh là: dục, thắng giải, niệm, định và tuệ. Các cảnh bị duyên không giống nhau.
- Thiện tâm sở là: tín, tàm, quí, vô tham, vô sân, vô si, tinh cần, khinh an, bất phóng dật, hành xả và bất hại.
- Phiền não là: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Tùy phiền não là: phẫn, hận, phú, não, tật, xan.
- Cuống, siễm và hại, kiêu, vô tàm và vô quí, trạo cử và hôn trầm, bất tín và giải đãi.
- Phóng dật và thất niệm, tán loạn, bất chánh tri. Bất định là: hối, miên, tầm, từ, mỗi thứ hai loại.
- Nương vào Căn bản thức, năm thức tùy duyên biến hiện, hoặc chung hoặc không chung, như sóng nương vào nước.
- Ý thức thường hiện khởi, trừ sinh vô tưởng thiên, và hai định vô tâm, ngủ mê hoặc chết giả.
- Các thức này chuyển biến thành phân biệt và sở phân biệt; vì cả hai đều là không nên nói tất cả là duy thức.
- Do tất cả hạt giống trong Tàng thức, biến chuyển như vậy, như vậy. Do lực biến chuyển đó mà sinh ra đủ loại hiện tượng khác nhau.
- Do các tập khí của nghiệp và hai loại chấp thủ (năng, sở), nên (thân) dị thục trước vừa dứt thì tái hiện dị thục sau.
- Do mọi người biến kế, biến kế đủ thứ vật. Tánh biến kế chấp này, tự nó không có thật.
- Tự tánh y tha khởi, do nhân duyên mà sinh ra. Tánh của viên thành và y tha thường xa lìa tánh trước (biến kế).
- Tánh viên thành và y tha, vừa khác vừa không khác, như tánh vô thường, vô ngã, không thể thấy đây và kia.
- Nương vào ba tánh này mà lập ra ba vô tánh. Cho nên mật ý của Phật nói, tất cả các pháp là vô tánh.
- Trước hết là “tướng vô tánh”, thứ hai là “vô tự nhiên tánh”, sau cùng là xa lìa tánh chấp ngã và chấp pháp.
- Đây là “thắng nghĩa” của các pháp, cũng gọi là “chân như”, vì tánh thường như vậy, nên gọi là Duy thức thật tánh.
- Từ khi thức chưa hiện khởi, đến khi khởi và cầu trụ Duy thức tánh, (trong thời gian đó) chưa thể diệt trừ hai sự chấp thủ còn ngủ yên.
- Hiện tiền được một chút gì, cho là chứng Duy thức tánh; do còn thấy sở đắc, nên chưa thực sự trụ Duy thức.
- Chừng nào đối cảnh sở duyên, trí (năng duyên) không thấy sở đắc, đó mới thực sự trụ duy thức, vì xa lìa hai sự chấp thủ.
- Không sở đắc vượt mọi nghĩ bàn, đó là trí xuất thế gian; xa lìa thô và trọng, nên chứng được chuyển y.
- Đây là cảnh giới vô lậu, bất tư nghì, thiện, thường, an lạc, giải thoát thân, Đại mâu ni danh pháp.
Hòa Thượng Thích Trí Siêu dịch