Khổ đau là chất liệu nuôi dưỡng tình thương

04/06/2024 167 lượt xem

Ở Việt Nam, trong bốn mươi năm qua, đạo Phật đã đi vào cuộc đời. Trong chiến tranh, chúng tôi không thể chỉ ngồi thực sự thực tập thiền tọa và tụng kinh trong chùa. Chúng tôi thực tập thiền ở khắp nơi, nhất là những nơi có khổ đau, chết chóc. Tiếp xúc với những khổ đau trong chiến tranh, ta có thể chữa lành những khổ đau riêng mình, những khổ đau từ một đời sống hời hợt, thiếu ý nghĩa. Khi phải đối diện với chết chóc, với thương tích, với máu chảy, ta nhận ra rằng ta có thể là nguồn an ủi cho những kẻ đang khổ đau, ta có thể giúp họ bằng tình thương, bằng niềm vui, ta không phải là một kẻ vô ích. Cho nên ngay giữa những khổ đau tột cùng, giữa những gian lao nguy hiểm, ta vẫn thấy có một niềm vui lớn khi hiểu được rằng thế nào là thực tập tình thương.

Một mùa đông kia, tôi đã cùng một vài người bạn đi thăm một trại tỵ nạn ở Hồng Kông. Ở đó chúng tôi chứng kiến rất nhiều điều thương tâm. Có những em bé mới một hay hai tuổi đã phải theo cha mẹ vượt biển ra đi, trong chuyến đi các em đều mất cả cha lẫn mẹ. Thế mà bây giờ người ta sắp sửa trả các em về nước vì người ta cho là các em đã ra đi một cách bất hợp pháp. Khi chính mình tai nghe mắt thấy những cảnh tượng thương tâm này, ta thấy những đau khổ của bạn bè ta ở Âu Châu hay Mỹ Châu thật chẳng đáng kể.

Sau mỗi chuyến cứu trợ về, tôi thấy thành phố Paris thật là xa lạ, như ở trong mơ. Tôi thấy hai thế giới sao mà cách biệt nhau quá, một bên khổ đau tràn ngập, một bên phù phiếm xa hoa. Tôi tự hỏi tại sao ở đây người ta có thể sống được như vậy trong khi tình trạng bên kia quá thê thảm?

Nếu bạn chỉ ở Paris suốt mười năm không tiếp xúc gì hết với thế giới bên ngoài thì bạn sẽ thấy ở Paris người ta sống như vậy là điều tự nhiên.

Thực tập thiền là để tiếp xúc. Đôi khi không cần phải đến tận nơi có khổ đau mới tiếp xúc được. Ta chỉ cần ngồi yên một chỗ, theo dõi tình hình đang xảy ra khắp nơi trên thế giới là ta có thể hiểu và thấy được tất cả. Ta để tâm đến mọi việc xảy ra chung quanh, nên ta có thêm hiểu biết, thêm yêu thương và ta bắt tay hành động ngay tại nơi ta ở mà chẳng cần phải đi đâu xa.

(Trích “Phần III: An Lạc Từng Bước Chân – An Lạc Từng Bước Chân”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

×