Lại nữa, này thiện nam tử! Hạnh nguyện “Thỉnh Phật thuyết pháp” có nghĩa như thế này: Trong số vi trần ở tất cả các cõi Phật khắp mười phương ba đời, tận cùng hư không pháp giới, mỗi vi trần đều có các cõi Phật rộng lớn nhiều không thể nói hết, trong mỗi cõi Phật đó, mỗi niệm mỗi niệm đều có chư Phật thành Đẳng-chánh-giác[18] nhiều như số vi trần ở các cõi Phật không thể nói hết, với chúng Bồ-tát đông như biển nhóm họp vây quanh; đối trước chư Phật nhiều như thế, tôi xin đem ba nghiệp thân miệng ý, dùng mọi phương tiện, ân cần thỉnh cầu chư Phật tuyên thuyết chánh pháp nhiệm mầu. Cứ thỉnh cầu như thế đó, dù cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, nhưng hạnh thỉnh cầu tất cả chư Phật thuyết pháp của tôi không bao giờ chấm dứt; niệm niệm nối nhau không gián đoạn, ba nghiệp thân miệng ý không nhàm chán mệt mỏi.[19]
Lại nữa, này thiện nam tử! Hạnh nguyện “Thỉnh Phật thường trụ ở đời” có nghĩa như thế này: Có bao nhiêu chư Phật Như Lai nhiều như số vi trần trong tất cả cõi Phật ở mười phương ba đời, tận cùng hư không pháp giới, sắp thị hiện nhập niết bàn, và các bậc hữu học, vô học trong hàng Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, cho đến tất cả các bậc thiện tri thức, tôi đều thỉnh cầu đừng nhập niết bàn, xin hãy trụ thế trải qua số kiếp nhiều như vi trần tại tất cả các cõi Phật, để làm lợi lạc cho chúng sinh. Tôi cứ thỉnh cầu như thế, dù cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, nhưng hạnh thỉnh Phật thường trụ ở đời của tôi không bao giờ chấm dứt; niệm niệm nối nhau không gián đoạn, ba nghiệp thân miệng ý không nhàm chán mệt mỏi.[20]
Lại nữa, này thiện nam tử! Hạnh nguyện “Tinh tấn tu học theo Phật” có nghĩa như thế này: Như đức Phật Tì Lô Giá Na[21] ở thế giới Ta-bà này, từ khi mới phát tâm đã tinh tấn không lùi, từng đem vô số thân mạng thực hành hạnh bố thí; từng lột da làm giấy, chẻ xương làm bút, chích máu làm mực, để biên chép kinh điển, chất cao như núi Tu-di. Vì tôn trọng chánh pháp mà thân mạng cũng còn không tiếc, huống chi là ngôi vua, cùng những thứ tùy thuộc khác như cung điện, vườn rừng, hay thành ấp, xóm làng! Đã thế, Ngài còn chịu đựng khó nhọc để làm những việc khó làm, cho đến thành đạo ở cội cây bồ đề, thị hiện nhiều thứ thần thông, nhiều sự biến hóa, nhiều thân Phật, ở nhiều chúng hội như ở đạo tràng của chúng hội gồm tất cả chư vị Bồ-tát lớn, hoặc ở đạo tràng của chúng hội gồm hàng Thanh-văn và Duyên-giác, hoặc ở đạo tràng của chúng hội gồm Chuyển luân thánh vương, các tiểu vương và quyến thuộc, hoặc ở đạo tràng của chúng hội gồm sát đế lợi, bà la môn, trưởng giả và cư sĩ, cho đến ở đạo tràng của chúng hội gồm tám bộ chúng[22], người và chẳng phải người[23], vân vân. Ở nơi nhiều chúng hội như thế, đức Phật dùng âm thanh viên mãn như sấm vang, tùy theo chúng sinh vui thích pháp gì, Ngài đều làm cho họ đều được thành thục, cho đến khi Ngài thị hiện nhập niết bàn. Ở tất cả những đạo tràng như thế, tôi đều xin theo Phật tu học. Trước đức Thế Tôn Tì Lô Giá Na hôm nay như vậy, mà trước tất cả các đức Như Lai nhiều như số vi trần trong tất cả các cõi Phật ở khắp mười phương ba đời, tận cùng hư không pháp giới cũng đều như vậy, trong mỗi niệm tôi đều xin theo chư Phật tu học; dù cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, nhưng hạnh tinh tấn tu học theo Phật của tôi không bao giờ chấm dứt, niệm niệm nối nhau không gián đoạn, ba nghiệp thân miệng ý không nhàm chán mệt mỏi.
Lại nữa, này thiện nam tử! Hạnh nguyện “Hằng thuận[24] chúng sinh” có nghĩa như thế này: Trong tất cả các cõi ở khắp mười phương, tận cùng hư không pháp giới, có các loài chúng sinh sai khác nhau như noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, và hóa sinh; hoặc có các loài nương nơi đất nước gió lửa mà sinh sống, hoặc có các loài nương nơi hư không và cây cỏ mà sinh sống; rất nhiều chủng loại, rất nhiều sắc thân, rất nhiều hình trạng, rất nhiều tướng mạo, rất nhiều thọ lượng[25], rất nhiều tộc loại, rất nhiều danh hiệu, rất nhiều tâm tính, rất nhiều tri kiến, rất nhiều ham thích, rất nhiều tư tưởng, rất nhiều oai nghi, rất nhiều thứ y phục, rất nhiều thức ăn uống; cư trú ở rất nhiều xóm làng, thành ấp, cung điện, cho đến tám bộ chúng, người và chẳng phải người; hoặc không có chân, hoặc có hai chân, bốn chân, nhiều chân; có hình sắc hay không có hình sắc, có tư tưởng hay không có tư tưởng, chẳng phải có tư tưởng hay chẳng phải không có tư tưởng; đối với tất cả các loài khác nhau như thế tôi đều uyển chuyển tùy thuận để phụng sự và cung dưỡng, như kính cha mẹ, như thờ sư trưởng, cho đến các bậc A-la-hán hay các đức Như Lai, không có gì khác biệt. Đối với người bệnh tôi sẽ là lương y, người bị lạc lối tôi sẽ chỉ cho con đường ngay chính, ở trong đêm tối tôi sẽ là ánh sáng, người nghèo khổ tôi sẽ giúp cho được của báu. Bồ-tát làm lợi ích cho chúng sinh một cách bình đẳng như thế đó. Vì sao? Vì Bồ-tát nếu tùy thuận chúng sinh thì tức là tùy thuận cúng dường chư Phật, nếu tôn trọng và phụng sự chúng sinh thì tức là tôn trọng và phụng sự chư Phật, nếu làm cho chúng sinh hoan hỉ tức là làm cho chư Phật hoan hỉ. Vì sao? Vì chư Phật lấy tâm đại bi làm thể tánh, bởi có chúng sinh mà phát khởi tâm đại bi, bởi có tâm đại bi mà phát sinh tâm bồ đề, bởi có tâm bồ đề mà thành bậc Đẳng-chánh-giác. Ví như giữa vùng sa mạc mênh mông có một cây đại thọ, nếu rễ hút được nước thì cành lá hoa trái sẽ tươi tốt sum sê. Cây bồ đề ở trong biển sinh tử mênh mông cũng giống như vậy. Tất cả chúng sinh là rễ của cây; chư Phật và chư Bồ-tát là hoa trái của cây. Lấy nước đại bi làm lợi ích cho chúng sinh thì sẽ thành tựu được hoa trái trí tuệ của chư Phật và Bồ-tát. Vì sao? Vì Bồ-tát dùng nước đại bi làm lợi ích cho chúng sinh thì sẽ thành tựu quả vị Bồ-đề Vô-thượng. Bởi vậy, Bồ-đề là thuộc về chúng sinh. Nếu không có chúng sinh thì tất cả Bồ-tát đều không thể thành tựu quả vị Bồ-đề Vô-thượng. Này thiện nam tử! Về ý nghĩa của hạnh “Hằng thuận chúng sinh” này, ông nên hiểu như vầy: Đem tâm bình đẳng đối với chúng sinh thì thành tựu được tâm đại bi một cách viên mãn; đem tâm đại bi tùy thuận chúng sinh thì thành tựu được công đức cúng dường chư Phật. Cứ như thế đó mà Bồ-tát tùy thuận chúng sinh, dù cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, nhưng hạnh tùy thuận của tôi không bao giờ chấm dứt, niệm niệm nối nhau không gián đoạn, ba nghiệp thân miệng ý không nhàm chán mệt mỏi.