Thế giới Ta Bà – thế giới Hoa Tạng – Thế giới Cực Lạc

12/11/2021 6.228 lượt xem

Thế giới này gọi là thế giới Ta Bà và có một vị Phật làm giáo chủ là đức Tỳ Lô Giá Na Phật (giáo chủ: vị Phật chủ việc giáo hóa phổ độ chúng sanh của một thế giới). Tỳ Lô Giá Na Phật là Thanh Tịnh Pháp Thân Phật; Lô Xá Na Phật là Viên Mãn Báo Thân Phật; Thích Ca Mâu Ni Phật là Ứng Hóa Thân Phật, có vô lượng vô biên ứng hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật khắp hư không pháp giới, trong đó có một ứng thân ở địa cầu này. Bất kỳ vị Phật nào cũng có đủ 3 thân là Pháp Thân, Báo Thân và Ứng Hóa Thân giáo hóa phổ độ chúng sanh từ Đẳng Giác Bồ-tát đến A-tỳ địa ngục.

Chú thích: Ta Bà là tiếng Phạn, dịch là Kham Nhẫn, cõi này có Ngũ trược Ác thế nhưng chúng sanh có thể kham nhẫn chịu được và vui thích sống trong trược ác, rất là cang cường khó hóa độ. Thích Ca Mâu Ni Phật thì “Thích Ca” dịch là Năng Nhân (Năng là khả năng hóa độ chúng sanh, Nhân là tâm đại từ đại bi) và “Mâu Ni” dịch là Tịch Mặc (thanh tịnh tịch diệt). Danh hiệu của chư Phật chư Đại Bồ-tát không phải do các Ngài nghĩ ra rồi tự đặt cho mình mà vì để đối trị với tập khí nghiệp chướng ác của chúng sanh ở thế giới đó. Ví dụ: chúng sanh Ta Bà thế giới tâm địa chỉ biết tự tư tự lợi không nghĩ đến lợi ích của chúng sanh khác, không có tâm từ bi; tâm lúc nào cũng tán loạn nghĩ tưởng xằng bậy từ sáng đến tối như khỉ leo cây, như ngựa chạy không ngừng, không thể an định được nên Phật dùng danh hiệu Thích Ca Mâu Ni.

Trong bộ Kinh Hoa Nghiêm, những thế giới khác gần thế giới Ta Bà nhất gồm 19 thế giới, trong đó có 7 thế giới nằm phía trên thế giới Ta Bà và 12 thế giới nằm phía dưới thế giới Ta Bà, mỗi thế giới đều có một đức Phật giáo hóa chúng sanh.

Tầng 20 Thế giới Diệu Bảo Diễm
Phật Phước Đức Tướng Quang Minh
Tầng 19 Thế giới Thanh Tịnh Quang Phổ Chiếu
Phật Phổ Chiếu Pháp Giới Hư Không Quang
Tầng 18 Thế giới Ly Trần
Phật Vô Lượng Phương Tiện Tối Thắng Tràng
Tầng 17 Thế giới Bảo Trang Nghiêm Tạng
Phật Vô Ngại Trí Quang Minh Biến Chiếu Thập Phương
Tầng 16 Thế giới Thanh Tịnh Quang Biến Chiếu
Phật Thanh Tịnh Nhật Công Đức Nhãn
Tầng 15 Thế giới Chúng Diệu Quang Đăng
Phật Bất Khả Tồi Phục Lực Phổ Chiếu Tràng
Tầng 14 Thế giới Tịch Tĩnh Ly Trần Quang
Phật Biến Pháp Giới Thắng Âm
Tầng 13 Thế giới Ta Bà
Phật Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na
Tầng 12 Thế giới Quang Minh Chiếu Diệu
Phật Siêu Thích Phạm
Tầng 11 Thế giới Hằng Xuất Hiện Đế Thanh Bảo Quang Minh
Phật Vô Lượng Công Đức Pháp
Tầng 10 Thế giới Kim Cang Tràng
Phật Nhất Thiết Pháp Hải Tối Thắng Vương
Tầng 9 Thế giới Xuất Diệu Âm Thanh
Phật Thanh Tịnh Nguyệt Quang Minh Tướng Vô Năng Tồi Phục
Tầng 8 Thế giới Xuất Sanh Oai Lực Địa
Phật Quảng Đại Danh Xưng Trí Hải Tràng
Tầng 7 Thế giới Chúng Hoa Diễm Trang Nghiêm
Phật Hoan Hỷ Hải Công Đức Danh Xưng Tự Tại Quang
Tầng 6 Thế giới Tịnh Diệu Quang Minh
Phật Phổ Quang Tự Tại Tràng
Tầng 5 Thế giới Phổ Phóng Diệu Hoa Quang
Phật Hương Quang Thiện Lực Hải
Tầng 4 Thế giới Chủng Chủng Quang Minh Hoa Trang Nghiêm
Phật Kim Cang Quang Minh Vô Lượng Tinh Tấn Lực
Tầng 3 Thế giới Nhất Thiết Bảo Trang Nghiêm Phổ Chiếu Quang
Phật Tịnh Quang Trí Thắng Tràng
Tầng 2 Thế giới Chủng Chủng Hương Liên Hoa Diệu Trang Nghiêm
Phật Sư Tử Quang Biến Chiếu
Tầng 1 Thế giới Tối Thắng Quang Biến Chiếu
Phật Tịnh Nhãn Ly Cấu Đăng

Mỗi một tầng thế giới có vô lượng vô biên thế giới chư Phật khác nhau, thế giới Ta Bà và 19 thế giới đã kể tên chỉ là trung tâm của mỗi tầng. 20 tầng thế giới này nằm trên một hoa sen (hoa sen vũ trụ) tên là Nhất Thiết Hương Ma Ni Vương Trang Nghiêm ở chính giữa biển nước thơm (biển vũ trụ) tên là Vô Biên Diệu Hoa Quang. Vì các thế giới chư Phật nhiều đến vô lượng vô biên đều nằm trong hoa sen Nhất Thiết Hương Ma Ni Vương Trang Nghiêm nên gọi là thế giới Hoa Tạng (tạng nghĩa là tàng chứa, ẩn tàng). Một đại đơn vị thế giới như thế gọi là Thế giới chủng; trong hư không pháp giới vô cùng vô tận có vô lượng vô biên Thế giới chủng như vậy.

Thế giới Ta Bà – thế giới Hoa Tạng – Thế giới Cực Lạc

Thế giới Ta Bà nằm ở tầng thứ 13 của thế giới Hoa Tạng. Thế giới Cực Lạc và thế giới Ta Bà nằm cùng một tầng trong thế giới Hoa Tạng. Thế giới Cực Lạc nằm ở phương tây của thế giới Ta Bà và giáo chủ là Pháp Giới Tạng Thân A Mi Đà Phật. Thế giới Cực Lạc do A Mi Đà Phật dùng công đức nguyện lực tu hành trong vô lượng kiếp tạo thành; đây là nơi tinh hoa thù thắng nhất của thế giới Hoa Tạng, cũng là nơi tinh hoa thù thắng nhất của tất cả thế giới chư Phật.

Xung quanh biển nước thơm Vô Biên Diệu Hoa Quang lại có vô lượng vô biên biển nước thơm khác, như ở phía đông biển nước thơm Vô Biên Diệu Hoa Quang gần nhất có biển nước thơm Ly Cấu Diễm Tạng, v.v…

Vô Biên Diệu Hoa Quang

Nếu nói theo Sự pháp giới thì Sự Tướng là rộng lớn vô lượng vô biên như thế, gọi là Hoa Tạng Thế Giới Hải. Nếu nói theo Lý pháp giới (Lý là Tự Tánh Lý Thể) thì chỉ do Nhất Thể Tự Tánh biến hiện ra. Thế giới Cực Lạc rộng lớn vô lượng vô biên không nơi nào không hiển hiện, chúng sanh hữu tình chỉ cần có tâm tương ưng với công đức nguyện lực của A Mi Đà Phật thì cõi Cực Lạc liền hiện ra.

Thế giới Cực Lạc của A Mi Đà Phật tối thắng siêu vượt hơn tất cả thế giới chư Phật. Thế giới Cực Lạc có rất nhiều đặc điểm do nguyện lực của A Mi Đà Phật gia trì mà tất cả thế giới chư Phật khác đều không có được, như:

1. Tất cả thế giới chư Phật thì Phàm Thánh Đồng Cư Độ là uế độ; Thánh và phàm tuy ở chung nhưng chỉ là tạm thời ở chung (khi duyên độ chúng sanh của các vị Thánh nhân đã hết thì liền nhập diệt); Thánh và phàm rất khó gặp nhau (như Bồ-tát Văn Thù ở núi Ngũ Đài nhưng phàm phu không thể gặp được); số lượng thánh nhân rất ít; việc làm của Thánh và phàm khác nhau (Thánh nhân ở cảnh Thánh còn phàm phu trôi lăn trong luân hồi đau khổ). Phàm Thánh Đồng Cư Độ của Cực Lạc là tịnh độ; Thánh nhân và phàm phu đều ở chung một chỗ; phàm và Thánh giống như bạn bè học chung một lớp, A Mi Đà Phật và chư Phật là thầy; Đại Thánh như bậc Đẳng Giác Bồ-tát số lượng nhiều đến không thể tính đếm; phàm và Thánh việc làm đều giống như nhau là cùng đoạn sạch vô minh, cùng tiến lên địa vị Diệu Giác.

2. Phàm phu ở Phàm Thánh Đồng Cư Độ của tất cả thế giới chư Phật khác muốn tiến lên Phương Tiện Hữu Dư Độ thì phải đoạn sạch kiến tư phiền não, điều này vô cùng vô cùng khó, từ Phương Tiện Hữu Dư Độ muốn tiến lên Thật Báo Trang Nghiêm Độ phải phá được ít nhất 01 phẩm vô minh, từ Thật Báo Trang Nghiêm Độ muốn tiến lên Thường Tịch Quang Tịnh Độ phải dứt sạch tập khí vô minh; đây là tiến lên theo chiều dọc, vô cùng vô cùng gian nan vất vả, tiến thì ít mà thoái thì nhiều nên trải qua.

vô lượng kiếp tu hành cũng có thể vẫn chỉ là phàm phu trong Lục đạo luân hồi. Ở cõi Cực Lạc thì Phàm Thánh Đồng Cư Độ, Phương Tiện Hữu Dư Độ, Thật Báo Trang Nghiêm Độ và Thường Tịch Quang Tịnh Độ đều nhập chung thành một chỗ. Cho nên, phàm phu dù chỉ được sanh về Phàm Thánh Đồng Cư Độ cũng là đã sanh trọn vẹn bốn cõi Tịnh Độ, đây là vượt sanh tử theo chiều ngang.

3. Ở tất cả thế giới chư Phật, hành giả tu hành đa số bị thoái chuyển vì gặp duyên thoái chuyển quá nhiều cho nên dù trải qua vô lượng vô biên kiếp cũng không biết đến lúc nào mới chứng được sơ quả Tiểu-thừa là Tu-đà-hoàn. Ở thế giới Cực Lạc chỉ có duyên tiến tu chứ không hề có một chút duyên thoái chuyển, cứ tiến tu mãi cho đến khi thành Diệu Giác, đảm bảo một đời thành Phật. Tu-đà-hoàn đã chắc chắn thoát khỏi Lục đạo luân hồi, chứng Tu-đà-hoàn là tu hành xem như đã có thành tựu. Ân sư Thích Tịnh Không giảng rằng một đời tu hành được tính là thành tựu hay không thành tựu thì xem ở chỗ có thoát được sanh tử hay không, nếu không thể thoát sanh tử thì dù tu hành như thế nào đi nữa cũng chỉ là uổng phí một đời tu; vượt thoát Lục đạo luân hồi là tiểu thành tựu, thành Tiểu Thánh nhân; vượt thoát Mười pháp giới là đại thành tựu, thành Đại Thánh nhân. Ở cõi Cực Lạc, đức Phật A Mi Đà nguyện rằng tất cả chúng sanh hữu tình sanh đến thế giới Cực Lạc đều làm bậc A-duy-việt-trí Bồ-tát (Kinh văn của Kinh Vô Lượng Thọ nói chữ “làm” chứ không nói chữ “chứng”) nghĩa là dù phàm phu ở A-tỳ địa ngục tuy một phẩm phiền não cũng chưa đoạn nhưng nếu được vãng sanh về Cực Lạc thì sẽ có Trí-huệ – thần thông – đức năng – tướng hảo ngang bằng bậc Bát Địa Bồ-tát trong Viên giáo trở lên, ngay lập tức làm bạn đồng hành với các vị Quán Thế Âm Bồ-tát, Đại Thế Chí Bồ-tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát, v.v…; ngay lập tức vượt thoát Lục đạo luân hồi; ngay lập tức vượt thoát Mười pháp giới; ngay lập tức vượt qua những địa vị A-la-hán, Bích-chi-Phật, Bồ-tát và Phật trong Mười pháp giới; v.v…

4. Ở các thế giới chư Phật khác, địa vị Sơ Trụ Bồ-tát trong Viên giáo phải tu hành trải qua 3 đại a-tăng-kỳ kiếp (3 đại a-tăng-kỳ kiếp là chỉ cho vô lượng vô biên kiếp) cứ tiến tiến thoái thoái mới thành Thập Địa Bồ-tát. A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất tu từ Sơ Trụ đến Sơ Địa; a-tăng-kỳ kiếp thứ hai tu từ Sơ Địa đến Thất Địa; a-tăng-kỳ kiếp thứ ba tu 3 địa vị Bát Địa, Cửu Địa và Thập Địa. Sơ Trụ Bồ-tát trong Viên giáo vãng sanh về Cực Lạc là Thượng phẩm Thượng sanh cõi Thật Báo Trang Nghiêm Độ, lập tức thành Thập Địa Bồ-tát, nhanh đến mức không thể nghĩ bàn, đem 3 đại a-tăng-kỳ kiếp gom lại thành một sát-na. Vì lý do này nên Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện sau cùng trong Kinh Hoa Nghiêm, Phồ Hiền Bồ-tát dùng Thập Đại Nguyện Vương dẫn toàn bộ Hải Hội Hoa Nghiêm gồm 41 bậc Pháp Thân Đại sĩ đồng cầu sanh về thế giới Cực Lạc thân cận đức Phật A Mi Đà để có thể nhanh chóng chứng được quả Phật viên mãn (số lượng Pháp Thân Bồ-tát này nhiều vô lượng vô biên).

5. Ở cõi Cực Lạc, dù địa vị thấp nhất là Hạ phẩm Hạ sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư cũng có năng lực phổ độ chúng sanh gần giống như đức Phật A Mi Đà.

Đạo tràng Tịnh Độ tông Chúng Cư Sĩ Diệu Âm

×