Kinh Hạnh Nguyện Phổ Hiền

22/11/2021 4.401 lượt xem

CHÚ THÍCH

[1] Cuối quyển 39 ở trước (của bộ kinh Tứ Thập Hoa Nghiêm), đức Bồ-tát Phổ Hiền đã khen ngợi công đức thù thắng của Phật bằng một bài kệ tụng gồm 380 câu.

[2] Thiện Tài: tức Thiện Tài đồng tử, vị Bồ-tát đi cầu đạo được đề cập tới trong phẩm “Nhập Pháp Giới” của kinh Hoa Nghiêm. Trên đường cầu đạo, ngài đã từng đi về phương Nam, trải qua nhiều nước, tham phỏng với 53 (hoặc 55) vị thiện tri thức gồm tì kheo, tì kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, đồng tử, thiên nữ, quốc vương, vương phi, bà la môn, trưởng giả, y sư, thần cây, thần đất, v.v…, được học nhiều pháp môn, cuối cùng đến đạo tràng của Bồ-tát Phổ Hiền thì chứng nhập được pháp giới vô sinh. Phật giáo đại thừa thường đem Thiện Tài đồng tử (giống như nàng Long nữ trong kinh Pháp Hoa) làm ví dụ điển hình để chứng minh cho thuyết “tức thân thành Phật”.

[3] Vi trần: là hạt bụi rất nhỏ. Trong không gian có vô số hạt bụi như vậy, không thể nào đếm hết được; vì vậy, nói đến vi trần cũng có nghĩa là nói đến số lượng rất nhiều, nhiều hơn cả “cát sông Hằng”.

[4] Bốn chữ “hạnh nguyện Phổ Hiền” không phải là đức Bồ-tát Phổ Hiền tự nói để đề cao mình, mà thực sự lúc bấy giờ, “hạnh nguyện Phổ Hiền” đã trở thành là tên của một pháp môn tu hành.

[5] Thiên nữ Biện Tài: đó là một vị nữ thần chủ về văn nghệ trong tín ngưỡng Ấn-độ giáo và Bà-la-môn giáo cổ đại; cũng gọi là Diệu Âm thiên, hay Mĩ Âm thiên. Trong Lê Câu Phệ Đà, đó là tên của vị thần sông, có khả năng tẩy trừ ô uế và giúp cho loài người có tính dũng cảm, giàu có và đông con cháu. Trong Phạm Thư, đó là vợ của Phạm Thiên, từng là vị nữ thần của ngôn ngữ và tri thức, đã sáng chế ra chữ Phạn, cùng chưởng quản thi ca và âm nhạc, bảo hộ cho nghệ thuật và khoa học; sau cùng thì trở thành vị nữ thần của trí tuệ và hùng biện. Trong kinh điển Phật giáo cũng có nhắc đến vị nữ thần này.

[6] Cúng dường pháp: là thực hành mọi cách nhằm mục đích truyền bá, hoằng dương và bảo tồn giáo pháp của Phật.

[7] Nhiếp thọ: thu nhận người (học trò, đệ tử) để dạy dỗ, giáo hóa.

[8] Câu-chi: số đo lường của Ấn-độ, tương đương với 1 ức (10.000.000) của Trung-quốc.

[9] Na-do-tha: cũng nói là na-do-đa, số đo lường của Ấn-độ, tương đương với 1 triệu (cũng có thuyết nói là 10 tỉ) của Trung-quốc.

[10] Một phần ca-la: tức là một phần của số lượng nhỏ nhất, một phần của cực vi.

[11] Ưu-ba-ni-sa-đà: là phần cực nhỏ. Theo sách Tuệ Uyển Âm Nghĩa, “ưu-ba-ni-sa-đà” được dịch là vi tế phần. Giả sử đem một sợi lông chẻ ra làm trăm, ngàn phần, rồi lấy một phần đó lại chẻ ra làm trăm, ngàn, vạn phần; cứ chẻ như thế cho đến khi còn gần như hư không, không thể nào chia chẻ được nữa, cái phần cuối cùng đó gọi là ưu-ba-ni-sa-đà.

[12] Từ “phát tâm” ở đây có nghĩa là phát tâm tu hành cho đến khi chứng được đạo quả Bồ-đề Vô-thượng; nói cách khác là phát tâm làm Phật.

[13] Nhất thiết trí: tức là trí tuệ của Phật, biết rõ thật tướng của tất cả các pháp, tất cả chúng sinh, tất cả thế giới, tất cả sự việc trong mười phương ba đời.

[14] Trí địa của Bồ-tát: là chỉ cho phương diện trí tuệ của Bồ-tát, còn phương diện kia là từ bi; trí tuệ là nói về tự lợi, từ bi là nói về lợi tha, tự lợi và lợi tha viên mãn thì thành Phật. Lại nữa, khi nói “Bồ-tát trí địa” là chỉ cho các bậc Bồ-tát từ Sơ-địa trở lên cho đến địa vị Đẳng-giác.

[15] Bốn loài: Các kinh điển Phật giáo thường dùng từ “bốn loài” (tứ sinh) để chỉ cho bốn cách thức, từ đó các sinh vật được sinh ra trong thế gian: 1) Sinh ra bằng bào thai (thai sinh) trong bụng mẹ, như loài người, các giống thú như bò, ngựa, nai, v.v… 2) Sinh ra từ trứng (noãn sinh), như các giống chim, rắn, rùa, v.v… 3) Sinh ra từ chỗ ẩm thấp (thấp sinh), như các giống bọ, côn trùng, v.v… 4) Sinh ra do sự chuyển hóa (hóa sinh), như các giống bướm, tằm, v.v…

[16] Sáu nẻo: là sáu cảnh giới của các loài chúng sinh (lục đạo hay lục thú) trong vòng luân hồi sinh tử, gồm có: cảnh giới Trời, cảnh giới Người, cảnh giới A-tu-la, cảnh giới Bàng-sinh (Súc-sinh), cảnh giới Ngạ-quỉ, và cảnh giới Địa-ngục.

[17] Các hành giả đang còn tu học như Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, Bồ-tát v.v… thì gọi là “hữu học” (nghĩa là còn phải tu học); quí vị đã chứng thánh quả như A-la-hán, Phật, gọi là “vô học” (nghĩa là không còn phải tu học nữa).

[18] Đẳng chánh giác: nghĩa là sự giác ngộ chân chánh, chứng nhập chân lí không có gì hơn, tức là thật trí của Phật, cũng tức là quả Phật. Có nhiều từ để gọi quả Phật, như Chánh giác, Chánh đẳng giác, Đẳng chánh giác, Chánh đẳng chánh giác, Vô thượng chánh đẳng chánh giác, Chánh tận giác. Trong các từ này, chữ “đẳng” là chỉ cho chân lí Phật đã chứng ngộ; chữ “tận” là chỉ cho sự dứt trừ vô minh phiền não một cách trọn vẹn.

[19] Về hạnh nguyện “Thỉnh Phật thuyết pháp” (thỉnh chuyển pháp luân) này, trong đời sống thực tế hiện tại của Phật tử chúng ta, đó là việc thỉnh quí vị pháp sư (chư tăng, ni và cư sĩ, vừa hiểu sâu giáo lí, có trí tuệ biện tài, vừa có nhiệt tâm hoằng pháp) thuyết pháp và giảng dạy giáo lí. Giáo pháp có được giảng dạy thường xuyên thì công phu tu hành mới có kết quả tốt, và Phật pháp mới tồn tại lâu dài ở thế gian.

[20] Về hạnh nguyện “Thỉnh Phật thường trụ ở đời” (thỉnh Phật trụ thế) này, trong đời sống thực tế hiện tại của Phật tử chúng ta, đó là việc thỉnh các bậc đạo cao đức trọng về thường trú nơi đạo tràng (chùa, niệm Phật đường v.v…) ở địa phương của chúng ta, để thường trực dạy dỗ, hướng dẫn chúng ta tu học. Bậc đạo cao đức trọng này có thể là tăng, có thể là ni, hoặc cũng có thể là cư sĩ, đạo hạnh sáng ngời, xứng đáng làm chỗ nương tựa cho mọi người.

[21] Tì Lô Giá Na: nghĩa là ánh sáng chiếu soi cùng khắp không bị chướng ngại, trong kinh điển thường dùng để chỉ cho pháp thân của Phật. Tông Pháp Tướng xưng Tì Lô Giá Na là thân tự tánh (tức pháp thân) của Phật; Lô Xá Na là thân thọ dụng (tức báo thân) của Phật; và Thích Ca Mâu Ni là hóa thân của Phật; hợp cả ba lại xưng là Tam Tôn. Tông Thiên Thai cũng lập Tam Tôn, và xưng Tì Lô Giá Na là pháp thân Phật, Lô Xá Na là báo thân Phật, Thích Ca Mâu Ni là ứng thân Phật. Đối với Mật giáo, Tì Lô Giá Na tức là Đại Nhật Như Lai, là đức Phật bổn tôn, giáo chủ của Mật giáo. Như vậy, Phật Tì Lô Giá Na cũng tức là Phật Thích Ca Mâu Ni, giáo chủ cõi Ta-bà này.

[22] Tám bộ chúng (bát bộ chúng): là từ chỉ chung cho các vị thần phát tâm bảo hộ Phật pháp; cũng gọi là “tám bộ trời rồng” (thiên long bát bộ), hay chỉ nói tắt là “tám bộ” (bát bộ), gồm có: Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà (thần âm nhạc), A-tu-la, Ca-lâu-la (chim cánh vàng), Khẩn-na-la (thần ca múa), và Ma-hầu-la-già (thần trăn).

[23] Chẳng phải người: Từ Phật học Hán Việt gọi là “phi nhân”, là tiếng chỉ chung cho các loài không phải là loài người, như Trời, Rồng, Càn-thát-bà, Ngạ-quỉ, Dạ-xoa, A-tu-la, Địa-ngục v.v… Cũng có nơi, từ này được dùng để chỉ chính xác cho chúng sinh ở bốn cảnh giới: Trời, A-tu-la, Ngạ-quỉ, và Địa-ngục.

[24] Hằng thuận: nghĩa là luôn luôn tùy thuận; ở đây là thuận theo tâm ý của người khác với mục đích tìm phương cách xứng hợp để hóa độ; chứ không phải a dua theo những thói xấu của người, làm cho họ ngày càng sa đọa thêm.

[25] Thọ lượng: là sự dài, ngắn của mạng sống.

[26] Năm nghiệp Vô-gián: tức là năm thứ tội nặng khiến phải đọa xuống địa ngục Vô-gián. Đó là các tội: giết cha, giết mẹ, giết bậc A-la-hán, phá hoại nếp sống hòa hợp của tăng đoàn, và làm cho thân Phật bị chảy máu. Chữ “vô-gián” nghĩa là không gián đoạn, không có kẽ hở, không ngừng nghỉ. Địa ngục Vô-gián là loại địa ngục có năm thứ không bao giờ gián đoạn: 1) Trải qua vô số kiếp chịu khổ hình, suốt ngày đêm không có khoảnh khắc nào gián đoạn; 2) Trong địa ngục này có giường lửa bằng sắt, mỗi bề rộng hàng vạn dặm, người thọ hình nằm trên đó tự thấy thân mình to lớn đầy khắp trên chiếc giường đó, cả vạn người thọ hình cũng nằm trên chiếc giường đó, cũng tự thấy thân mình to lớn trải khắp trên chiếc giường đó, mà giữa người này và người nọ không cảm thấy bị chướng ngại nhau, tức là cả vạn người cũng như chỉ là một người; 3) Tất cả các loại hình phạt, các loại hình cụ (như núi dao, cây kiếm, nước sôi, chảo dầu v.v…) cứ liên tiếp nhau bổ xuống tội nhân, không bao giờ gián đoạn; 4) Bất luận trời người quỉ thần, già trẻ trai gái, giàu nghèo sang hèn, hễ tạo tội địa ngục thì nhất định phải vào địa ngục để thọ quả báo đau khổ; do đó, số chúng sinh ở trong địa ngục không bao giờ gián đoạn, vì chúng sinh tạo nghiệp vô lượng; 5) Chúng sinh đã vào loại địa ngục này thì ngàn vạn kiếp khó thoát ra được; mà trong ngàn vạn kiếp đó, cứ mỗi ngày đêm lại phải trải qua vạn lần sinh ra, vạn lần chết đi, cứ sinh tử như thế, không bao giờ gián đoạn.

[27] Ma quân: Ma cũng gọi là ác ma, có nghĩa là giết hại, phá hoại, chướng ngại, cướp đoạt mạng sống, là từ dùng để chỉ chung cho các loài hung ác, chuyên cản trở các việc lành, phá hoại chánh pháp. Đó là những loại hung thần, ác quỉ, loại người tàn bạo, nham hiểm, đầy tham lam, hận thù, ngu si, là những thế lực độc ác, những phiền não, mê luyến, nghi ngờ v.v… thường nhiễu hại chúng sinh. Nói chung, ma là tất cả các thế lực vô minh, luôn luôn tìm mọi cách cản trở người tu hành, làm gián đoạn con đường tiến đến giác ngộ giải thoát.

[28] Dạ-xoa: là một loại ác quỉ, cực kì hung hãn, chuyên ăn thịt người, thân thể nhẹ nhàng, có thể phi hành trên không.

[29] La-sát: cũng là một loại ác quỉ, gần giống như Dạ-xoa.

[30] Cưu-bàn-trà: là loại ác quỉ chuyên uống máu người.

[31] Tì-xá-xà: là loại ác quỉ chuyên hút tinh khí của người.

[32] Bộ-đa: là loại ác quỉ xuất hiện bằng cách hóa sinh, không có cha mẹ.

[33] 32 tướng đại trượng phu: tức là 32 tướng tốt của Phật.

[34] Các căn: ở đây chỉ cho sáu căn, tức toàn thể xác thân và tinh thần của con người, gồm có: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

[35] Ở đây có ý nói, dù là bậc vua chúa thì cũng thế mà thôi.

[36] Thọ kí: tức là đức Phật ấn chứng cho một người trong đời vị lai sẽ được thành Phật.

[37] Hai thừa: ở đây là chỉ cho thừa Thanh-văn và thừa Duyên-giác.

[38] Không rơi lọt: tức không rơi lọt vào vòng luân hồi sinh tử.

[39] Như huyễn, giải thoát và uy lực là ba đặc tính của cảnh giới Phật. Cảnh giới Phật là một cảnh giới thị hiện, đầy biến hóa mầu nhiệm, cho nên nói là “như huyễn”; cảnh giới Phật hoàn toàn không có phiền não, lầm lỗi, cho nên nói là “giải thoát”; cảnh giới Phật thật uy nghiêm và đầy đủ công đức, cho nên nói là “uy lực”.

[40] Trưởng tử: tức là vị đệ tử có công phu tu tập viên mãn nhất, có đạo hạnh cao thượng nhất của Phật.

[41] Hành nghiệp: tức sự nghiệp tu hành.

[42] Phật Vô Lượng Quang: tức đức Phật A Di Đà.

[43] Một đời thành Phật (nhất sinh bổ xứ): Từ “nhất sinh bổ xứ”, gọi tắt là “bổ xứ” nguyên có nghĩa là kiếp luân hồi cuối cùng; tức là, chỉ một đời này là còn thuộc trong vòng luân hồi sinh tử, đời sau sẽ thành Phật ở thế gian, vĩnh viễn giải thoát khỏi vòng luân hồi. Đó là quả vị cao tột của hàng Bồ-tát, gọi là “Bồ-tát Đẳng-giác”, hoặc “Bồ-tát Bổ-xứ”. Đức Bồ-tát Di Lặc được xem là điển hình cho quả vị này. Đời hiện tại, Bồ-tát Di Lặc đang ngự tại cung trời Đâu-suất, cho đến hết đời này, đời sau Ngài sẽ hạ sinh ở nhân gian để thành Phật, nối tiếp pháp vận của Phật Thích Ca Mâu Ni.

[44] Địa vị Quán-đảnh (Quán-đảnh vị): cũng tức là Đẳng-giác, địa vị cao nhất của hàng Bồ-tát trước khi thành Phật

Trang: 1 2 3 4 5 6

×