Kinh Hạnh Nguyện Phổ Hiền

22/11/2021 4.402 lượt xem

KINH HẠNH NGUYỆN PHỔ HIỀN

Pháp sư tam tạng Bát Nhã dịch từ Phạn văn ra Hán văn

Lúc bấy giờ Bồ-tát Phổ Hiền, sau khi khen ngợi công đức thù thắng của đức Như Lai,[1] bèn nói với chư vị Bồ-tát và Thiện Tài[2] rằng: Này thiện nam tử! Công đức của đức Như Lai, giả sử tất cả các đức Phật ở mười phương, trải qua số kiếp nhiều như vi trần[3], ở các cõi Phật nhiều không thể nói hết, diễn nói không ngừng về công đức ấy, cũng không thể nào nói hết được. Nếu muốn thành tựu được công đức ấy, cần phải tu tập mười hạnh nguyện rộng lớn. Mười hạnh nguyện ấy là gì?

Một là kính lễ chư Phật;
Hai là khen ngợi Như Lai;
Ba là cúng dường rộng khắp;
Bốn là sám hối nghiệp chướng;
Năm là tùy hỉ công đức;
Sáu là thỉnh Phật thuyết pháp;
Bảy là thỉnh Phật thường trụ ở đời;
Tám là tinh tấn tu học theo Phật;
Chín là hằng thuận chúng sinh;
Mười là hồi hướng đến khắp tất cả.

Thiện Tài thưa rằng: Bạch Đại Thánh! Từ hạnh nguyện “kính lễ” cho đến hạnh nguyện “hồi hướng”, ý nghĩa thế nào?

Bồ-tát Phổ Hiền bảo Thiện Tài rằng:

Này thiện nam tử! Hạnh nguyện “Kính lễ chư Phật” có nghĩa như thế này: Đối với chư Phật Thế Tôn nhiều như vi trần trong tất cả cõi Phật ở khắp mười phương ba đời, tận cùng hư không pháp giới, tôi nhờ vào sức hạnh nguyện Phổ Hiền[4], tin hiểu sâu xa, thấy chư Phật như đều đang ở trước mắt; tôi sẽ đem ba nghiệp thân miệng ý hoàn toàn thanh tịnh, thường cung kính lễ bái. Nơi chỗ ở của mỗi đức Phật đều hóa hiện vô số cõi Phật không thể nói hết, trong đó lại hóa hiện số thân tôi nhiều như vi trần; mỗi thân đó tôi đều kính lễ khắp các đức Phật nhiều như vi trần trong khắp các cõi Phật không thể nói hết. Khi nào cõi hư không hết thì hạnh kính lễ của tôi mới chấm dứt. Nhưng vì cõi hư không không bao giờ hết, nên sự kính lễ của tôi cũng không bao giờ chấm dứt. Cũng như vậy, cho đến khi nào cõi chúng sinh hết, nghiệp của chúng sinh hết, phiền não của chúng sinh hết, thì hạnh kính lễ của tôi mới chấm dứt; nhưng cõi chúng sinh, nghiệp chúng sinh và phiền não chúng sinh không bao giờ hết, cho nên hạnh kính lễ của tôi cũng không bao giờ chấm dứt. Niệm niệm nối nhau không gián đoạn, ba nghiệp thân miệng ý không nhàm chán mệt mỏi.

Lại nữa, này thiện nam tử! Hạnh nguyện “Khen ngợi Như Lai” có nghĩa như thế này: Trong mỗi một vi trần ở tất cả quốc độ trong khắp mười phương ba đời, tận cùng hư không pháp giới, đều có vô số chư Phật nhiều như vi trần trong tất cả thế gian, nơi chỗ ở của mỗi đức Phật đều có vô số Bồ-tát tụ hội vây quanh, tôi sẽ đem hết những kiến giải sâu xa hiện có, trước mỗi vị tôi đều dùng cái lưỡi vi diệu hơn cả thiên nữ Biện Tài[5], mỗi cái lưỡi đều phát ra biển âm thanh vô tận, mỗi âm thanh lại phát ra tất cả biển ngôn từ, để xưng dương tán thán tất cả biển công đức của Như Lai, trùm khắp tận cùng pháp giới, nối tiếp mãi cho đến tận cùng đời vị lai, không bao giờ gián đoạn. Cứ như thế, cho đến khi nào cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, thì hạnh khen ngợi của tôi mới chấm dứt. Nhưng vì cõi hư không, cõi chúng sinh, nghiệp chúng sinh, và phiền não chúng sinh không bao giờ hết, cho nên hạnh khen ngợi của tôi cũng không bao giờ chấm dứt. Niệm niệm nối nhau không gián đoạn, ba nghiệp thân miệng ý không nhàm chán mệt mỏi.

Lại nữa, này thiện nam tử! Hạnh nguyện “Cúng dường rộng khắp” có nghĩa như thế này: Trong tất cả các cõi Phật ở khắp mười phương ba đời, cùng tận hư không pháp giới, có bao nhiêu số vi trần cực nhỏ, trong mỗi vi trần đó lại có chư Phật nhiều như số vi trần trong tất cả thế giới, nơi chỗ ở của mỗi đức Phật đều có vô số Bồ-tát tụ hội vây quanh, tôi nhờ vào sức hạnh nguyện Phổ Hiền, phát khởi lòng tin hiểu sâu xa, thấy chư Phật như hiện đang trước mặt, đem hết những phẩm vật cúng dường thượng diệu để cúng dường chư Phật. Các phẩm vật như mây hoa, mây tràng hoa, mây âm nhạc cõi trời, mây tàn lọng cõi trời, mây y phục cõi trời, các đám mây trên đây đều lớn như núi Tu-di; lại có nhiều loại hương thơm cõi trời như hương xoa, hương đốt, hương bột; lại thắp nhiều thứ đèn như đèn mỡ, đèn dầu, các thứ đèn dầu thơm, mỗi tim đèn đều lớn như núi Tu-di, dầu trong mỗi cây đèn đều nhiều như nước trong biển lớn; tôi thường đem các phẩm vật như trên để cúng dường. Này thiện nam tử! Trong các thứ cúng dường thì “cúng dường pháp”[6] là hơn hết; như: nói việc tu hành là cúng dường, làm lợi ích cho chúng sinh là cúng dường, nhiếp thọ[7] chúng sinh là cúng dường, chịu đau khổ thay cho chúng sinh là cúng dường, siêng tu dưỡng căn lành là cúng dường, không bỏ sự nghiệp Bồ-tát là cúng dường, không xa rời tâm bồ đề là cúng dường. Này thiện nam tử! Nếu đem vô lượng công đức của sự cúng dường trên kia mà so sánh với chỉ một niệm công đức của sự cúng dường pháp này thì không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, một phần trăm ngàn câu-chi[8] na-do-tha[9], một phần ca-la[10], một phần toán, một phần số, một phần dụ, cũng không bằng một phần ưu-ba-ni-sa-đà[11]. Vì sao thế? Vì các đức Như Lai rất tôn trọng chánh pháp. Nếu y theo giáo pháp mà tu hành thì sẽ sinh ra các đức Phật. Nếu chư Bồ-tát thực hành các cách cúng dường pháp thì sẽ thành tựu được công đức cúng dường Như Lai. Tu hành như thế mới thật là cúng dường chân chính, và đó cũng là thứ cúng dường rộng lớn và thù thắng hơn hết. Khi nào cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, thì hạnh cúng dường của tôi mới chấm dứt; nhưng cõi hư không, cõi chúng sinh, nghiệp chúng sinh, và phiền não chúng sinh không bao giờ hết, cho nên hạnh cúng dường của tôi cũng không bao giờ chấm dứt. Niệm niệm nối nhau không gián đoạn, ba nghiệp thân miệng ý không nhàm chán mệt mỏi.

Lại nữa, này thiện nam tử! Hạnh nguyện “Sám hối nghiệp chướng” có nghĩa như thế này: Bồ-tát tự nghĩ: Tôi từ vô thỉ kiếp trong quá khứ, do tham sân si nên thân miệng ý đã tạo ra vô lượng vô biên nghiệp ác. Nếu những nghiệp ác này mà có hình tướng thì khắp cõi hư không cũng không thể chứa hết được. Hôm nay, đối trước tất cả chư Phật và chúng Bồ-tát ở các cõi nước nhiều như vi trần trong khắp pháp giới, tôi xin đem ba nghiệp thanh tịnh thành tâm sám hối, sau này thề không tái phạm, mà luôn luôn an trụ trong công đức của giới pháp thanh tịnh. Sám hối như thế, khi nào cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, thì hạnh sám hối của tôi mới chấm dứt; nhưng cõi hư không, cõi chúng sinh, nghiệp chúng sinh, và phiền não chúng sinh không bao giờ hết, cho nên hạnh sám hối của tôi cũng không bao giờ chấm dứt. Niệm niệm nối nhau không gián đoạn, ba nghiệp thân miệng ý không nhàm chán mệt mỏi.

Lại nữa, này thiện nam tử! Hạnh nguyện “Tùy hỉ công đức” có nghĩa như thế này: Chư Phật Như Lai nhiều như vi trần trong tất cả các cõi Phật ở khắp mười phương ba đời, tận cùng hư không pháp giới, từ khi mới phát tâm[12], vì muốn thành tựu nhất thiết trí[13] mà các Ngài chuyên cần tu phước, chẳng tiếc thân mạng; trải qua số kiếp như vi trần ở các cõi Phật nhiều không thể nói hết, trong mỗi kiếp ấy các Ngài đều thí xả đầu mắt tay chân như số vi trần ở các cõi Phật nhiều không thể nói hết. Cứ như thế các Ngài chịu cực khổ để làm tất cả những việc khó làm, viên mãn mọi pháp môn giải thoát, chứng nhập các trí địa của Bồ-tát[14], thành tựu đạo quả Bồ-đề Vô-thượng, cho đến khi nhập niết bàn và phân chia xá lợi. Tất cả căn lành ấy của chư Phật, tôi đều xin tùy hỉ. Chẳng những thế, đối với tất cả chúng sinh trong bốn loài[15], sáu nẻo[16] ở khắp cả mười phương thế giới, nếu họ có công đức, dù chỉ nhỏ như hạt bụi, tôi cũng đều tùy hỉ. Tất cả các bậc hữu học và vô học[17] trong hàng Thanh-văn, Phật Bích-chi, có bao nhiêu công đức tôi đều xin tùy hỉ. Tất cả chư vị Bồ-tát tu hành siêng năng khó nhọc, từng làm vô lượng việc khó làm, quyết chí cầu đạo Bồ-đề Vô-thượng, tích tụ công đức rộng lớn, tôi đều xin tùy hỉ. Cứ tùy hỉ như thế đó, dù cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, nhưng hạnh tùy hỉ của tôi vẫn không chấm dứt; niệm niệm nối nhau không gián đoạn, ba nghiệp thân miệng ý không nhàm chán mệt mỏi.

Trang: 1 2 3 4 5 6

×