Kinh Người Áo Trắng

23/10/2021 5.595 lượt xem

Tính cách tương dung của năm giới pháp và bốn tâm cao đẹp

Hành trì Kinh này, ta thấy tính cách tương dung của các Giới pháp và của bốn tâm cao đẹp (tăng thượng tâm.) Hành trì một Giới pháp cho thật sâu sắc, ta thấy ta cũng đang hành trì tất cả các Giới khác. Khi hành trì Giới thứ nhất là không sát hại, ta thấy rằng nếu không hành trì bốn Giới còn lại thì ta không thể nào thực sự thành trì được Giới thứ nhất. Hành động trộm cắp, hành động tà dâm, hành động nói năng không trách nhiệm và sử dụng rượu và các chất ma túy cũng có thể đưa tới sự giết hại sinh mệnh. Hành trì một tâm cao đẹp cho sâu sắc, ta thấy ta cũng đăng hành trì tất cả các tâm cao đẹp khác. Khi thực tập quán niệm về Bụt, ta thấy ta cũng đang thực tập quán niệm về Pháp, về Tăng và về Giới. Một tâm cao đẹp chứa trong lòng nó những tâm cao đẹp khác. Trong Bụt có Pháp, có Tăng và có Giới; trong Pháp có Bụt, có Tăng và có Giới; Trong Giới có Bụt, có Pháp và có Tăng. Hơn thế nữa, mỗi Giới trong năm Giới đều chứa đựng chất liệu Bụt, Pháp và Tăng, và mỗi tâm cao đẹp đều chứa đựng đầy đủ năm Giới. Bản chất của năm Giới và của bốn tâm cao đẹp là chánh niệm, là tuệ giác, là từ bi, vì vậy chín pháp này dung nhiếp nhau, một là tất cả, tất cả là một. Giáo lý Hoa Nghiêm gọi sự thật này là tương tức (interbeing)

Đối tượng của niềm tin

Giờ phút thành đạo dưới cội Bồ đề, Bụt Thích Ca đã thốt lên: “Lạ thay, tất cả chúng sinh đều có chất liệu giác ngộ và từ bi ở trong tâm, vậy mà không thấy, cứ để tự mình trôi lăn trong vòng sinh tử, thật là đáng thương.” Câu nói này cho ta thấy được đối tượng đích thực của niềm tin nơi giác tính sẵn có nơi chính mình. Giác tính là khả năng giác ngộ. Đó là cái đẹp nhất, lành mạnh nhất và thật nhất. Bụt dạy chúng ta tiếp xúc với giác tính ấy. Khi ta bắt đầu tập thở có ý thức tức là ta đã tiếp xúc với chánh niệm. Khi ta quán niệm về Bụt, về Pháp, về Tăng và về Giới là ta đã tiếp xúc với chánh niệm và lấy giác tính của ta làm bản chất cho sự sống của ta. Chánh niệm đưa tới cái nhìn sáng. Cái nhìn sáng ấy chính là sự giác ngộ, mà cội nguồn của giác ngộ là giác tính trong ta. Bụt là người đã khơi mở giác tính nơi mình một cách viên mãn. Người tu học theo Bụt là người đang khơi mở giác tính nơi mình. Bụt không muốn ta tin vào một đấng thần linh hoặc một nguyên lý siêu hình trừu tượng. Đối tượng của niềm tin phải là một cái gì có thật, là một cái gì ta có thể tiếp xúc và kiểm chứng được. Chánh niệm và tuệ giác là những gì có thực. Năm Giới và bốn tâm cao đẹp cũng là những phép hành trì nhằm khơi mở và phát triển thêm chất liệu chánh niệm và tuệ giác nơi ta. Đó là đối tượng niềm tin của người Phật tử.

Niềm tin (Tín, sraddha) là nguồn năng lượng cần thiết cho sự hành đạo. Niềm tin đưa lại sự chuyên cần hăng hái (Tấn), và tiếp theo đó ta mới có chánh niệm (Niệm) để đi đến sụ chuyên chú (Định) và sự phát hiện cái thấy tuệ giác (Tuệ.) Cái thấy tuệ giác lại làm nền cho niềm tin của ta thêm lớn.

Tín, Tấn, Niệm, Định và Tuệ là năm nguồn năng lượng phải có trong ta, nếu ta muốn thành công trên con đường tu học. Kinh Người Áo Trắng đưa ra phép hành trì bốn tâm cao đẹp và năm Giới như đối tượng của niềm tin.

Con người không thể sống có hạnh phúc và không thể sống đời sống có ý nghĩa nếu không có một niền tin. Phải có một cái gì thật, lành và đẹp mà ta thấy được và hiểu được, thì ta mới có thể tin tưởng. Không có niềm tin, ta sẽ sống bừa bãi, không trách nhiệm, và do đó sẽ tàn phá cơ thể ta, tâm hồn ta, gia đình ta và xã hội ta. Thời đại chúng ta là thời đại mất niềm tin. Con người đã mất niềm tin nơi thần linh, nơi khoa học, nơi chủ nghĩa, nơi ý thức hệ, nơi hạnh phúc gia đình, nơi xã hội. Các bậc phụ huynh rất muốn cho con cháu chấp nhận niềm tin của mình, nhưng lắm khi chính họ cũng mơ hồ không nắm được đối tượng niềm tin của chính họ. Vì lý do đó, họ đã không trình bày được cho tuổi trẻ bản chất của niềm tin mà tuổi trẻ có thể hiểu, có thể thấy và có thể chấp nhận. Trong Kinh Người Áo Trắng, tụng bản Pali, Bụt nói rất rõ: Giáo pháp này có thể thấy được ngay bây giờ và ở đây, có tác dụng hướng thượng, có thể tới để chiêm nghiệm trực tiếp, người có trí tuệ nhận xét có thể tự mình nghe mà hiểu được. Kinh Người Áo Trắng không có gì thần bí và mơ hồ. Những điều Kinh dạy đều có tính cách thiết thực, khoa học, có thể tiếp xúc và trắc nghiệm. Học hỏi, tu tập và giảng giải Kinh này có thể giúp tuổi trẻ thấy được giác tính của mình và lấy đó làm đối tượng của một niềm tin. Niềm tin đó phát khởi từ tâm ta. Giáo lý của Bụt chỉ giúp ta phát hiện niềm tin ấy. Một khi niềm tin được phát hiện, ta sẽ có trong ta một nguồn năng lượng mới. Ta sẽ sống vui tươi và hạnh phúc ngay trong hiện tại, ta sẽ biết bảo vệ thân thể ta, tâm hồn ta, và ta sẽ cây dựng lại được gia đình và xã hội. Đời sống của ta bắt đầu có một ý nghĩa.

Các truyền thống tâm linh và tôn giáo trên thế Giới đều có bổn phận khai thị và khơi mở lại niềm tin nơi con người. Nếu ta cứ bám víu vào nhận thức cũ thì ta không thể nào làm được việc ấy. Thời đại chúng ta là thời đại khoa học, ta không thể cứ ép tuổi trẻ và người trí thức tin vào những ý niệm mơ hồ và trừu tượng mà họ không thể kiểm chứng. Ta phải trở về chiều sâu của truyền thống để khám phá lại những giá trị đã bị chôn lấp dưới bao nhiêu lớp vỏ hình thức khô cứng.

Đạo Bụt là một thực tại sống động, như một cây Bồ đề đang lớn, và vì vậy đạo Bụt đang tiếp tục phát triển. Năm Giới là niềm Tin vẫn còn đang sống động, chúng ta có thể tiếp xúc và hết lòng thực tập ngay trong thời đại, cũng như trong đời sống hằng ngày của mình.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

×