Kinh Người Áo Trắng

23/10/2021 4.691 lượt xem

Trường hợp kinh được nói

Kinh này được Bụt nói tại tu viện Kỳ Viên cho cư sĩ Cấp Cô Độc (Anathapindika) và một số những người bạn của ông. Cư sĩ Cấp Cô Độc là người đã từng phụng sự Tam Bảo với tất cả tấm lòng của mình. Chính ông đã mua khu vườn của Thái Tử Jeta để dâng Bụt và giáo đoàn khất sĩ và đã yểm trợ giáo đoàn biến khu vườn đẹp đẽ này thành tu viện. Ông là một người có uy tín trong Giới thương gia ở thủ đô Sravasti thuộc vương quốc Kosala. Ông nổi tiếng là người bênh vực và chăm sóc cho những kẻ nghèo khổ và cô độc. Mỹ hiệu Anathapindika (tiếng Phạn là Anathapindada) có nghĩa là người cấp dưỡng cho những kẻ nghèo khổ và cô độc; mỹ hiệu này đã được dân chúng tặng cho ông, vì họ thương mến ông. Mỹ hiệu đó được dịch là Cấp Cô Độc. Tên thật của ông là Sudatta (Tu Đạt.) Niềm tin của ông nơi Tam Bảo rất vững chắc. Ông tu tập theo lời Bụt dạy, mà người bạn đời của ông, phu nhân Punnalakkhana cũng biết tu tập theo lời Bụt dạy. Ông có bốn người con, ba người đầu là gái. Ba người tên là Subhadha chị, Subhadha em, và Sumagadha. Cậu con trai tên là Rula. Cả bốn người đều có niềm tin và tu tập theo lời Bụt dạy. Gia đình có nhiều hạnh phúc.

Cố nhiên cư sĩ Cấp Cô Độc có nhiều bạn bè trong Giới thương gia và trí thức, và ông đã thường khuyến dụ các bạn đi gặp Bụt và giáo đoàn. Hôm ấy ông đã hướng dẫn các bạn tới Kỳ Viên để thăm thầy Xá Lợi Phất (Sariputta) và để nghe thầy thuyết pháp. Sau đó ông và các bạn tới viếng Bụt. Trước sự hiện diện của thầy Xá Lợi Phất, Bụt dạy cho ông Kinh này. Hôm ấy Cấp Cô Độc cùng đi với năm trăm người bạn. Kinh này đặt được nền tảng thực tập cho người đệ tử tại gia. Cả hai tụng bản Hán và Pali đều gọi người đệ tử tại gia là người áo trắng. Chỉ có người xuất gia mới không mặc áo trắng. Vì vậy Kinh này có thể gọi là Kinh Người Áo Trắng.

Liên hệ giữa thầy Xá Lợi Phất và trưởng giả Cấp Cô Độc là một liên hệ đặc biệt. Cấp Cô Độc đã được gặp Bụt lần đầu ở tu viện Trúc Lâm, ở vùng ngoại ô miền Nam của thủ đô Vương Xá nước Ma Kiệt Đà. Ông đem lòng yêu mến Bụt và cầu mong Bụt qua giảng dạy đạo tỉnh thức bên nước ông, tức là nước Câu Tát La. Bụt đả nhận lời ông. Và sau đó, Bụt đã cho thầy Xá Lợi Phất cùng đi với ông qua thủ đô Xá Vệ trước để chuẩn bị cho chuyến du hành hóa độ của Người. Về tới thủ đô Xá Vệ, Cấp cô Độc đã Giới thiệu thầy Xá Lợi Phất với gia đình, với các bạn, và đã thỉnh cầu thầy Xá Lợi Phất ở lại thủ đô để hoằng hóa trong khi ông đi tìm mua đất để làm nơi cư trú tương lai cho Bụt và giáo đoàn khất sĩ. Ông đã mua được khu vườn nghỉ mát của thái tử Kỳ Đà, một khu vườn thật đẹp. Khu vườn này trở nên tu viện Cấp Cô Độc. Trong Kinh Người Áo Trắng, ta thấy Cấp Cô Độc đưa năm trăm người bạn tới thăm thầy Xá Lợi Phất trước rồi mới tới thăm Bụt sau. Điều này cũng cho ta thấy thâm tình giữa ông Cấp Cô Độc và thầy Xá Lợi Phất. Sau này khi ông qua đời, chính thầy Xá Lợi Phất là người ngồi bên giường ông trong giờ ông hấp hối để dạy ông quán chiếu về sinh tử và giúp ông qua đời một cách nhẹ nhàng và an lạc. Bụt dạy Kinh này cho ông Cấp Cô Độc và các bạn ông, nhưng Bụt đã hướng về thầy Xá Lợi Phất để nói. Điều này cũng chứng tỏ mối liên hệ mật thiết giữa thầy Xá Lợi Phất và ông Cấp Cô Độc.

Tụng bản chữ Hán của Kinh mang tên là Kinh Ưu Bà Tắc. Ưu Bà Tắc (Upasaka) có nghĩa là người cận sự, người thân cận với Giới xuất gia để học hỏi và thực tập. Người nữ gọi là Ưu Bà Di (Upasika.) Có một Kinh đại thừa nổi danh mang tên là Kinh Ưu Bà Tắc Giới, trong đó ba phép Qui Y và Năm Giới được diễn bày theo tinh thần đại thừa. Kinh này là do Kinh Thiện Sinh (Lục Phương Lễ Kinh) trong các bộ Trung A Hàm và Trường A Hàm phát triển thành, có nói đến sự phát tâm, lập nguyện, tu học, trì Giới, thiền định, và có liên hệ đến Giới Bồ Tát của Kinh Phạm Võng. Ta đừng lầm Kinh Người Áo Trắng (Ưu Bà Tắc Kinh) với Kinh Ưu Bà Tắc Giới.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

×