Năm giới pháp
Giới cũng là Pháp, cho nên có khi ta gọi là Giới Pháp. Hành trì năm Giới, ta phải tin vào hiệu lực của năm Giới. Giới là nghệ thuật sống đem lại an lạc và hạnh phúc, nhưng Giới cũng là niềm tin của chúng ta. Ta phải tin vào năm Giới như hiện thân của chân, thiện và mỹ, nghĩa là cái thật nhất, cái lành nhất và cái đẹp nhất mà ta có thể kính ngưỡng và tôn thờ. Giới đưa đường chỉ lối cho ta trong cuộc đời. Giới bảo hộ ta, giữ gìn cho ta để ta không sa vào hầm hố của tà kiến và tà hạnh. Giới bảo vệ gia đình ta, xã hội ta, củng cố được nền tảng hạnh phúc của gia đình và xã hội ta. Vì vậy Giới là đối tượng của niềm tin ta. Đức tin đây không phải là một đức tin mù quáng. Thực tập Giới, ta phải học hỏi về bản chất của Giới, hình tướng của Giới và công dụng của Giới. Nhờ học hỏi và hành trì Giới mà càng ngày ta càng có kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về Giới. Đây là một niềm tin có kiểm chứng chứ không phải một niềm tin vu vơ.
Nhờ học hỏi và thực tập năm Giới pháp mà ta thấy rằng năm Giới cần thiết cho ta, cho gia đình ta và cho xã hội ta như ánh sáng mặt trời cần thiết cho các loài thảo mộc, như dưỡng khí cần thiết cho sự hô hấp của con người. Năm Giới đã được chế tác từ kinh nghiệm của Bụt và kinh nghiệm hành trì của nhiều thế hệ Phật tử. Nhờ sống có chánh niệm, có tỉnh thức, nhờ kinh nghiệm khổ đau mà ta thấy được rằng nếu không thực hành theo năm Giới thì ta sẽ đi vào con đường khổ đau và sa đọa, gia đình và xã hội ta cũng sẽ đi vào con đường khổ đau và sa đọa. Cho nên năm Giới vừa là nghệ thuật sống của chúng ta mà cũng là niềm tin của chúng ta.
Bụt dạy nếu biết thực tập năm Giới pháp thì ta sẽ đạt tới khả năng an trú hạnh phúc trong hiện tại. Vậy năm Giới là gì?
1. Thứ nhất là Giới không giết hại
“Vị đệ tử áo trắng xa lìa sự giết hại, chấm dứt sự giết hại, buông bỏ khí Giới, biết hổ thẹn, tập từ, tập bi, bảo hộ cho mọi loài sinh vật, kể cả các loài côn trùng. Vị ấy diệt trừ tận gốc tâm niệm giết hại.”
Giới thứ nhất biểu lộ lý tưởng bảo vệ sự sống của người Phật tử. Sự sống ở đây không phải là chỉ là sự sống của con người mà là sự sống của mọi loài, trong đó có các loài động vật và thực vật, kể cả các loài nhỏ bé nhất. Sự thực tập ở đây không phải chỉ được Giới hạn trong phạm vi hình thức. Lời Bụt dạy rất rõ ràng: “Vị ấy diệt trừ tận gốc tâm giếi hại.” Chúng ta thấy rằng Giới không giết hại ở đây trước hết là một tâm Giới. Ta có thể bảo hộ sinh mạng bằng thân thể và bằng lời nói nhưng sự hành trì Giới này trước hết là sự hành trì bằng tâm niệm. Muốn diệt trừ tận gốc tâm niệm giết hại, ta cần thực tập bốn niệm hổ, thẹn, từ và bi. Hổ là tự mình biết xấu hổ (Tiếng Hán Việt là Tàm, tiếng Phạn là hri) khi xâm phạm tới đời sống của một sinh vật khác, hoặc khi thấy mình không bảo vệ được cho sự sống của một sinh vật khác. Thẹn là mắc cỡ khi so sánh với người (tiếng Hán Việt là Quý, tiếng Phạn là apatrapa), khi thấy kẻ kia hành trì và bảo vệ được sự sống trong khi mình không làm được như họ. Từ (tiếng Phạn là maitri) là hiến tặng niềm vui cho kẻ khác, mà niềm vui căn bản là được sống an lành, không bị đe dọa đến tính mạng. Bi (tiếng Phạn là Karuna) là làm vơi đi nỗi khổ đau của người, mà nỗi khổ đau căn bản là sống trong lo sợ phập phồng không biết tính mạng của mình có được bảo đảm hay không. Bốn tâm niệm này là bốn tâm lớn của một vị bồ tát. Hành trì bốn tâm niệm này thì tự khắc ta diệt trừ được tận gốc tâm niệm giết hại, và kết quả là ta sẽ quyết tâm bảo hộ cho mọi loài, buông bỏ mọi thứ khí Giới và xa lìa mọi hình thức giết hại.
Tiếp nhận và hành trì Giới này, người Phật tử sẽ làm phát sinh được rất nhiều năng lượng trong bản thân để có thể độ người và giúp đời. Năng lượng ấy pháp sinh từ các tâm niệm hổ, thẹn, từ và bi.
Sự sống không có tính cách cục bộ. Sự sống của người này liên quan tới sự sống của người khác. Sự sống của loài này có liên quan tới sự sống của loài khác. Sự sống của con người có liên hệ tới sự sống của mọi loài động vật, thực vật và khoáng vật. Chúng ta đã biết rằng bảo vệ thiên nhiên cũng là bảo vệ con người. Bảo vệ sự sống, ta phải bảo vệ cả đất, nước, không khí, rừng núi, sông hồ và biển cả. Ta phải bảo vệ sinh môi, ta phải bảo vệ cả trái đất. Bụt dạy ta quán nhân duyên để thấy được rằng cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt. Nhờ vào cái thấy đó, ta mới có thể bảo vệ sự sống một cách thông minh. Các loài mà ta gọi là hữu tình sẽ không thể nào tồn tại được nếu ta làm ô nhiễm các loài mà ta gọi là vô tình. Kinh Kim Cương nói đến chúng sinh tướng như một ý niệm không được chính xác về thực tại. Chúng sinh tức là loài hữu tình. Loài hữu tình không thể tồn tại nếu không có các loài vô tình. Không thể có các loài hữu tình ngoài các loài vô tình. Theo cái thấy của Kinh Kim Cương, ranh Giới giữa loài hữu tình và loài vô tình là ranh Giới do ý niệm phân biệt vạch ra, không phù hợp với thực tại.
Nếu sống biết quán sát và biết suy xét, ta không thể nào không hành trì Giới thứ nhất. Chỉ khi ta hành trì Giới thứ nhất thì trái đất và muôn loài mới có được một tương lai, và an lạc của mọi loài mới có thể trở thành một sự thật.
2. Thứ hai là Giới không xâm phạm vào tư hữu của kẻ khác
“Vị đệ tử áo trắng xa lìa sự không cho mà lấy, chấm dứt sự không cho mà lấy, thường ưa bố thí, tìm niềm vui trong sự bố thí và bố thí mà không cầu đền đáp. Vị này không bị tâm trạng tham lam che lấp, luôn luôn bảo hộ sự liêm khiết của mình và diệt trừ tận gốc sự không cho mà lấy.”
Giới này biểu lộ lý tưởng liêm khiết và ý nguyện thực hiện công bình xã hội của người Phật tử. Cũng như Giới thứ nhất, Giới này lấy tâm làm gốc. Căn bản của sự hành trì là diệt trừ tận gốc sự không cho mà lấy, nghĩa là sự diệt trừ tâm trạng tham lam, không để cho tâm trạng này phát sinh và che lấp trí tuệ mình và cuối cùng chuyển hóa hạt giống của tâm trạng ấy trong chiều sâu tâm thức.
Nguyên tắc và phương pháp hành trì của Giới này là lý tưởng công bình xã hội. Bụt dạy người Phật tử hành trì phép bố thí, nghĩa là phép thứ nhất của sáu phép Ba La Mật (tiếng Hán Việt là lục Ba La Mật, tiếng Phạn là paramita.) Ba La Mật có nghĩa là có công năng đưa sang bờ bên kia, tức là bờ an lạc và giải thoát khổ đau. Vị đệ tử áo trắng thường ưa bố thí, tìm niềm vui trong sự bố thí và bố thí mà không cầu đền đáp. Tinh thần vô tướng và đại thừa được tiềm ẩn trong câu nói này. Bố thí ở đây là hiến tặng niềm vui cho kẻ khác, và sự thực tập này không có tính cách hình thức, không có tính cách khoe khoang, bởi vì sự thực tập này bất nguồn từ tâm niệm từ bi. Từ bi là nguồn lăng lượng làm động lực cho hành động bố thí. Người hành trì như vậy đã có chất liệu bồ tát trong tự thân. Cũng như trong sự hành trì Giới thứ nhất là bảo vệ sự sống, trong sự hành trì Giới thứ hai là bố thí, động lực của sự hành trì là niềm vui, niềm vui được phục vụ lý tưởng mình. Đó là ý nghĩa của câu tìm niềm vui trong sự bố thí và bố thí mà không cầu đền đáp.
Cố nhiên Giới là trong sự hành trì Giới thứ hai này, đối tượng của sự hành trì không phải chỉ là con người mà còn là các loài sinh vật khác, trong đó có cả các loài thảo mộc và đất đá. Đối tượng của sự hành trì không phải chỉ là công bình trong xã hội loài người mà còn là sự an vui của tất cả mọi loài trên trái đất.
3. Thứ ba là không tà dâm
“Vị đệ tử áo trắng xa lìa tà dâm, chấm dứt sự tà dâm, bảo vệ cho bất cứ ai, dù người ấy nằm trong sự bảo hộ của cha, mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ, hoặc chị em, hoặc anh em, hoặc cha mẹ bên sui gia, hoặc gia đình sui gia, hoặc bởi người đồng tính, hoặc là vợ con hay chồng con kẻ khác, kể cả kẻ bị cuồng dâm khủng bố, hoặc kẻ bán phấn buôn hương. Vị này diệt trừ tận gốc tâm niệm tà dâm.”
Giới này nhằm bảo vệ tiết hạnh của cá nhân, đời sống lứa đôi và nền tảng gia đình. Cũng như trong hai Giới đầu, Giới này trước hết là một tâm Giới, đó là sự hành trì để diệt trừ tận gốc tâm niệm tà dâm. Sự hành trì này không còn là một sự cố gắng mệt nhọc khi lý tưởng bảo vệ hạnh phúc cho kẻ khác đã phát sinh trong lòng người hành trì. Biết bao thảm kịch đã xảy ra vì hành động tà dâm, vì nếp sống thiếu trách nhiệm. Biết bao gia đình đã ly tán vì nạn tà dâm và biết bao trẻ em đã là nạn nhân trực tiếp của sự lợi dụng và cưỡng bức của những người lớn không có tinh thần trách nhiệm. Nếu ta thực sự nghĩ tới hạnh phúc và tương lai của kẻ khác, nếu ta muốn bảo vệ cho họ, ý niệm tà dâm sẽ không phát sinh và làm mờ ám tâm ta. Đó là bản chất của Giới này.
4. Thứ tư là Giới không nói dối
“Vị đệ tử áo trắng xa lìa nói dối, chấm dứt sự nói dối, chỉ nói sự thật, tìm niềm vui trong sự nói lên sự thật, an trú nơi sự thật không lúc nào đổi dời, có thể được tin cậy hòn toàn và không bao giờ dám miệt thị kẻ khác. Vị ấy diệt trừ tận gốc sự nói dối.”
Diệt trừ tận gốc sự nói dối theo định nghĩa của Kinh văn là phát tâm an trú nơi sự thật không lúc nào đổi dời. Một người an trú vững chãi nơi sự thật bao giờ cũng được kẻ khác tin cậy và vì vậy có thể thực hiện được việc độ sinh một cách lớn lao. Người hành trì Giới này không những xa lìa sự nói dối, chấm dứt sự nói dối, chỉ nói sự thật, mà còn tìm niềm vui nơi sự nói lên sự thật. Sự thật là đối tượng của một niềm tin sáng suốt và vững chãi. Sự thật là chánh pháp, là ánh sáng soi đường, vì vậy người hành trì Giới này không những an trú và hành trì sự thật mà còn tìm cách tuyên dương sự thật nữa. Tuy nhiên, người hành trì Giới này không phải là người tự hào và tự thị. Người ấy không cho mình là kẻ duy nhất nắm được chân lý và vì vậy biết lắng nghe kẻ khác với một tâm niệm khát khao học hỏi và luôn luôn có thái độ khiêm cung. Vì vậy Kinh nói rằng người ấy không bao giờ dám miệt thị kẻ khác.
Lời nói có thể đem lại hạnh phúc và niềm tin cho kẻ khác mà cũng có thể gây khổ đau và đổ vỡ chung quanh. Người thực tập Giới này có thể tránh được sự gây khổ đau và đổ vỡ và đồng thời có thể tạo dựng niềm tin và ban phát rất nhiều hạnh phúc cho nhiều người. Không những người ấy biết nói lời xây dựng mà cũng biết lắng nghe. Lắng nghe để làm vơi bớt nỗi khổ của người. Nói và nghe là hai phép thực tập quan trọng liên hệ tới Giới thứ tư.
5. Thứ năm là Giới không sử dụng các chất ma túy trong đó có rượu
“Vị đệ tử áo trắng xa lìa rượu, chấm dứt sự uống rượu, diệt trừ tận gốc thói quen uống rượu.”
Rượu tàn phá thân thể, tâm hồn, làm tan vỡ gia đình và gây thương tích trong lòng những người trẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình có người nghiện ngập. Vào thời Bụt, rượu là chất ma túy căn bản. Vào thời đại chúng ta còn có nhiều thứ ma túy khác mà khả năng phá hoại cũng rất lớn lao. Ta phải phát tâm diệt trừ tận gốc thói quen sử dụng ma túy.
Rượu và các chất ma túy đã làm tan nát rất nhiều gia đình, gây ra xáo trộn trong tâm hồn nhiều thế hệ và tạo ra nhiều hỗn độn trong xã hội. Thực tập Giới thứ năm, người hành giả bảo vệ cho mình, cho gia đình mình và dấn thân vào xã hội để giúp những kẻ khác vượt khỏi vòng nghiện ngập. Hiện thời Giới thanh niên vướng vào vòng ma túy rất đông đảo, và quốc gia nào cũng đang cố gắng chận đứng sự lưu hành của các chất ma túy. Tuy nhiên, nguồn gốc của sự nghiện ngập là ở lòng người. Khi con người sống không lý tưởng, khi con người cảm thấy bị ruồng bỏ bởi gia đình và xã hội, con người thường đi tìm những lãng quên trong các chất ma túy. Vì vậy chận đứng sự lưu hành ma túy không phải là giải pháp căn bản để bài trừ nạn ma túy. Giải pháp căn bản là tạo lại niềm tin, xây dựng lại cơ sở gia đình, giúp con người tìm lại được gốc rễ tâm linh và văn hóa. Và vì vậy cho nên trong Kinh Người Áo Trắng, Bụt dạy về sự thực tập bốn tâm cao đẹp như là sự vun trồng một niềm tin làm ánh sáng chỉ đạo cho cuộc đời.