2/ Lai Tinh Hải:
Lai Tinh Hải ngoại danh Lai Phục, người ở Tam Nguyên xứ Hiệp Tây. Ông thi đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Vạn Lịch, cha ông là Lai Thiếu Sâm, tánh tình điềm đạm khiêm nhường, cũng là một bậc Tiến sĩ.
Khi Tinh Hải chưa sanh, trong làng có một vị Tăng pháp danh Lai Phục, dốt chữ, chỉ nhờ người dạy học thuộc lòng được phẩm Phổ Môn và Bát Nhã tâm kinh, ngoài ra không biết chi cả. Cách làng hơn mười dặm, có khoảng sông cạn đầy cát, đến mùa mưa nước tràn ngập, người đi lại rất lấy làm khổ sở. Sư Lai Phục không nề nhọc nhằn, tự thân đứng ra đắp đường làm cầu, có ai quyên trợ cũng đều từ tạ. Do đấy, xa gần đều gọi sư là Phật Hòa thượng. Có người thấy sư khổ hạnh, dốt nát, gọi là Chuyết Hòa thượng (Hòa thượng quê vụng). Cũng có kẻ hiềm sư không chịu đi đám tụng Kinh, nên gọi là Lại Hòa thượng (Hòa thượng làm biếng). Duy Tiến sĩ Lai Thiếu Sâm kính trọng sư, nên gọi là Hữu Hạnh Hòa thượng.
Sư tánh không thích cầu cạnh người, Lai Công biết ý, thỉnh thoảng đến chùa nghe sư tụng hai thứ kinh và cúng dường vải gạo cùng các thức ăn.
Một hôm, Lai Công đang ngồi ở thính đường xử việc chợt thấy Lai Phục đi qua. Công vội vã đứng lên đón rước, nhưng sư không đoái đến, đi thẳng vào nhà trong; kêu hỏi cũng chẳng đáp. Công đang lấy làm lạ thì giây lát có tin truyền ra là Phu nhân sinh được một đứa bé trai. Thiếu Sâm vội sai người đến chùa hỏi thăm, mới hay sư vừa tọa hóa. Công biết sư đã thác sanh làm con mình, nên đặt ký danh là Lai Phục.
Thuở thiếu niên, Phục cực thông minh, đọc rất nhiều sách, tinh cả nghề thuốc và bách công kỹ nghệ.
Lớn lên thi đỗ đi làm quan các nơi, kẻ nghe biết đến cầu trị bịnh, cứu được rất nhiều người. Khi tuổi lớn, ông cáo bệnh về quê, thường bảo người rằng: “Ta vốn là kẻ xuất gia, đi trên đường hoạn lộ đã lâu; e quên mất tánh bản lai, biết làm sao?”
Lúc sắp chết ông lại nói: “Nay ta muốn trở về để nối thành công nhiệp cũ”.
Nói xong liền qua đời.