164. Chư Phật quá khứ có tu khổ hạnh không?

02/10/2022 273 lượt xem

– Thưa đại đức! Đức Phật Thích Ca hành khổ hạnh sáu năm, thế các vị Phật quá khứ có trải qua giai đoạn khổ hạnh như vậy chăng?

– Có vị có, có vị không – tâu đại vương!

– Sao kỳ vậy? Hay chư Phật có ý kiến bất đồng, tâm và tuệ bất đồng?

– Tâu, quả có sự giống nhau và có sự khác nhau, nhưng cái đồng, cái dị ấy không như đại vương nghĩ đâu!

– Xin cho trẫm nghe điều đó.

– Tâu, đây là năm điểm khác nhau:

  1. Điểm thứ nhất, khác do chọn dòng họ giáng sanh: vị thì sanh vào dòng bà-la-môn, vị thì sanh vào dòng vua chúa.
  2. Điểm thứ hai, khác do thời gian hành ba-la-mật: vị hành ba-la-mật mười sáu a-tăng-kỳ cọng một ức kiếp; có vị thì tám a-tăng-kỳ cọng một ức kiếp; có vị bốn a-tăng-kỳ cọng một ức kiếp.
  3. Điểm thứ ba, khác do tuổi thọ: có vị tuổi thọ ít, giống như Đức Phật Thích Ca; có vị tuổi thọ hơn thế nhiều.
  4. Điểm thứ tư, khác do hình thể: có vị sắc thân nhỏ, có vị sắc thân rất cao lớn.
  5. Điểm thứ năm, khác nhau do khổ hạnh: có vị hành, có vị không hành.

Tâu đại vương, đấy là năm điểm khác nhau của tất cả chư Phật; nhưng khi giác ngộ thành bậc Chánh Biến Tri rồi thì quí ngài lại có những điểm giống nhau như: giác ngộ, thiền chứng, giới định tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, thập lực tuệ, mười bốn Phật tuệ, mười tám Phật pháp v.v…

– Đại đức giảng điều giống, điều khác của chư Phật như thế là rất hay, nhưng để làm gì? Có giải thích được tại sao đức Bổn Sư của chúng ta phải hành khổ hạnh đâu?

– Tâu đại vương! Có vị Phật, ba-la-mật già dặn rồi mới xuất gia còn Bồ-tát Gotama của chúng ta, khi xuất gia, ba-la-mật chưa viên dung, phải cần khổ hạnh sáu năm thì ba-lamật và trí tuệ mới đầy đủ.

– Tại sao ba-la-mật chưa viên dung và trí tuệ chưa đầy đủ, mong đại đức giảng cho nghe điều ấy.

– Tâu, vâng. Sở dĩ như vậy là vì “tuệ nhàm chán” chưa chín muồi, phải vượt qua sự cám dỗ của ma vương, và biết dựa theo truyền thống tín ngưỡng đương thời.

– Xin cho nghe rõ ba lý do ấy?

– Đại vương nên nhớ rằng, bồ tát thành lập gia thất vào năm mười sáu tuổi, đến năm hai mươi chín tuổi mới xuất gia. Suốt mười ba năm sống trong nhung lụa, với vợ đẹp, hầu xinh, món ngon, vật lạ, tiệc tùng, xướng hát… Bồ tát không đắm say sao? Nếu không đắm say thì Bồ tát đã tìm cách thoát khỏi “ngục vàng” lâu rồi! Như thế thì ở trong bồ tát có những loại trí tuệ như “trí tuệ xuất ly”, “trí tuệ nhàm chán” chưa phát sanh. Phải đợi đến khi trẻ Ràhula ra đời, đêm ấy cũng là đêm mà bồ tát mới chợt thấy: “cung nga thể nữ nằm ngủ ngỗn ngang, xiêm y lộ liễu, nước dải, nước miếng chảy ra, người mớ, người ngáy… như phơi bày ra đấy tất cả các sự thật bất tịnh của con người…” Nhờ thấy rõ như thế, “tuệ nhàm chán” mới phát sanh nơi bồ tát. “Tuệ nhàm chán” phát sanh, đồng thời, “tuệ xuất ly” phát sanh… Thế rồi, bồ tát mới cương quyết trốn đi xuất gia. Điều ấy chứng tỏ gì? Chứng tỏ ba-la-mật của bồ tát chưa viên dung và trí tuệ chưa đầy đủ, cần phải bổ sung thêm, tâu đại vương!

– Hay lắm, rõ ràng lắm. Vậy cho trẫm nghe thêm điều thứ hai.

– Tâu, vâng! Thật ra, suốt mười ba năm sống trong đời sống ngũ dục, bồ tát đã bị sự quyến rũ của ngũ dục ma vương rồi. Chí xuất ly, tuệ xuất ly, xuất gia phát sanh thì bồ tát đụng đầu ngay với một loại ma vương khác, ấy là chư thiên ma vương!

– Xin cho nghe.

– Khi bồ tát vừa ra khỏi thành, chư thiên ma vương đã biết rõ; và càng biết rõ là thời gian sau, bồ tát sẽ đắc quả Chánh Giác, sẽ thoát khỏi quyền lực của ma vương; cũng có nghĩa là vô lượng chúng sanh sẽ giác ngộ đạo quả, sẽ cắt đứt lưới nô lệ, buộc ràng mà ma vương đã giăng bẫy cùng khắp. Vì thế, đại ma vương hiện thân lơ lửng trước mặt bồ tát, dụ dỗ rằng: “Này ông Sĩ-đạt-ta! sao ông ngu dại từ bỏ vương vị, vợ đẹp, con thơ? Tại sao lại điên cuồng đâm đầu vào cái khổ, sống đời xuất gia không cửa, không nhà, thiếu cơm, thiếu áo? Ông có biết không? Chỉ bảy ngày nữa thôi, oai đức và uy lực của ông sẽ bao trùm bốn châu thiên hạ. Chỉ bảy ngày nữa thôi, ông sẽ trở thành đức Chuyển luân Thánh vương vĩ đại nhất từ xưa tới nay. Xe báu “thiên ngọc luân” có ngọc thạch mắt mèo, có vành có trục đẹp tựa mặt trăng, từ giữa hư không hiện ra, đón ông lên vương vị chí tôn. Ông sẽ cai trị một vương quốc mênh mông gồm cả bốn châu lớn, mỗi châu như thế gồm có hai ngàn châu nhỏ. Con ông cũng có sắc thân xinh đẹp, tướng mạo khôi vĩ, trí tuệ tuyệt vời; có khả năng thay ông mà coi sóc vương quốc. Ông còn đòi gì nữa. Chỉ bảy ngày nữa là mọi phước báu vinh quang thù thắng sẽ đến với ông. Xuất gia gì cho khổ!” – Đúng là lời quyến rũ khó chối từ! Thế rồi bồ tát của chúng ta trả lời ra sao?

– Tâu đại vương! Lúc ấy trí tuệ xuất ly đã phát sanh nơi bồ tát rồi thì có sự quyến rũ nào lọt vào tai được đâu? Trái lại, lời quyến rũ ấy giống như người cầm mũi
giáo bằng sắt cháy đỏ bị nó nung đốt suốt ngày đêm. Thế mà đã thôi đâu, lại còn có hai người đứng hai bên, cầm hai mũi giáo đâm vào hai bên lỗ tai trái và phải nữa. Chính bồ tát đã cảm nhận tương tợ thế khi lời quyến rũ của chư thiên ma vương lọt vào lỗ tai. Bằng không vậy thì như đống lửa lớn cháy đỏ rực đang thiêu đốt thân tâm, lại còn có kẻ dồn thêm từng đống, từng núi rác khô, bổi khô vào đấy nữa. Tâm bồ tát quả thật là đã chán ngấy, không còn chịu nỗi lời đường mật trở lại thế gian này, dù là vương vị chí tôn.

Còn nữa, thân tâm bồ tát lúc ấy tựa như mặt đất nhàm chán những trận mưa lấm láp dơ bẩn; lại còn chịu thêm một cơn mưa lớn liên miên đổ xuống bùn dơ, xú uế nữa. Trí tuệ nhàm chán và trí tuệ xuất ly nhờ vậy mà được củng cố thêm, tăng trưởng thêm.

Đức vua Mi-lan-đà gật đầu, sau đó chợt hỏi:

– Tuy nhiên, chỉ còn bảy ngày nữa thôi mà! Chỉ bảy ngày sau là “thiên ngọc luân” ngọc thạch mắt mèo, có vành có trục đẹp tựa mặt trăng, từ hư không hiện đến, thỉnh bồ tát lên làm Thánh vương! Sao Bồ tát không nán lại bảy hôm, chỉ bảy hôm thôi, xem thử thế nào cũng không muộn mà!

– Tâu đại vương! Mũi tên đã bật khỏi dây cung rồi, không thể quay trở lại, tương tự thế, trí tuệ nhàm chán và trí tuệ xuất ly đã phát sanh rồi thì bồ tát cũng sẽ không bao giờ quay lại thế gian. Chính sự quay lại mới là chuyện ngược đời!

– Xin cho nghe?

– Ví như nước tràn hồ, chảy ra sông, xuống biển. Vậy có khi nào nước từ biển cả chảy về sông rồi đổ lại vào hồ không, đại vương?

– Thật không thể.

– Bồ tát về lại cuộc đời cũng không thể như thế, tâu đại vương!

Đức vua Mi-lan-đà lắc đầu:

– Đại đức lấy một ví dụ không thể có để so sánh với tâm cương quyết, bất thổi chuyển của bồ tát, có vẻ áp đặt, kết luận, thật không thuyết phục chút nào!

– Không áp đặt kết luận đâu, đại vương! Tại sao vậy? Vì bồ tát tu tập công hạnh ba-lamật suốt bốn a tăng kỳ và gần một trăm ngàn kiếp rồi. Ba-la-mật ấy dẫu chưa viên dung tròn đủ – nhưng sức mạnh ẩn tiềm của nó mang một năng lực thật khủng khiếp. Kiếp sống chuyển tiếp của bồ tát từ cung trời Tusita, qua kiếp sống làm thái tử Sĩ-đạt-ta, đến năm hăm chín tuổi, là giai đoạn mà ba-la-mật ấy đang ẩn tiềm, chưa mở cửa để lộ diện. Hình ảnh cung nga diêm dúa, hở hang, nước dải, nước nhớt, mồ hôi nồng nặc… lồ lộ phơi bày bất tịnh… làm rung động kho tàng năng lực cũ, tạo ra một ba động đánh thức năng lực bala-mật ngủ ngầm kia! Đại vương, đại vương nghĩ thế nào, khi năng lực ba-la-mật được tích tụ từ bốn a-tăng-kỳ và gần một trăm ngàn kiếp ấy đột nhiên được mở tung?

– Dĩ nhiên sẽ tạo nên một sức bật khủng khiếp.

– Nó có thể dừng lại được chăng?

– Không thể.

– Trí tuệ nhàm chán và trí tuệ xuất ly, được tiếp sức bởi năng lực ba-la-mật được tích tụ bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp ấy, đã tạo cho bồ tát một sức bật khủng khiếp, một chí nguyện bất thối chẳng thể nào dừng lại được, dù là quả vị Chuyển luân Thánh vương, tâu đại vương!

– Cách diễn đạt có hình tượng, cụ thể ấy thật là quá hay!

– Với tâm bồ đề bất thối chuyển ấy – thì quả đất này dẫu có sụp đổ, trí tuệ xuất ly của bồ tát có vì vậy mà lung lay không đại vương?

– Không có nghĩa lý gì!

– Hằng trăm ngọn núi chớn chở cao tít tận mây xanh, đổ ập xuống, có đè bẹp được chí nguyện kiên cường do trí tuệ xuất ly mà có, của bồ tát , được không, đại vương?

– Nhằm nhò gì!

– Biển cả chứa vô lượng nước, bị một mặt trời, hai mặt trời, ba mặt trời… thiêu đốt, bốc hơi, khô cạn… khô cạn cho đến khi đọng được trên dấu chân con bò;… thử hỏi, có đốt cháy khô cạn trí tuệ xuất ly của bồ tát không đại vương?

– Chẳng thể nào!

– Ví như núi chúa Tu-di bị bể tan thành từng triệu triệu mảnh vụn, tâm xuất gia của bồ tát có bị bể được không, đại vương?

– Cái tâm lúc ấy của bồ tát làm vỡ kim cương thì có!

– Ví như hư không kia bị thu nhỏ lại bằng bàn tay, cái chí vô thượng bồ đề tuệ của bồ tát có thu nhỏ lại được như thế không, đại vương?

– Không thể!

– Ví như mặt trời, mặt trăng và cả hằng vạn tinh tú trên bầu trời kia trong một lúc đều bị rụng hết, tuệ xuất trần của bồ tát có vì vậy mà bị rơi theo không, đại vương?

– Thưa đại đức! Thế là đã rõ rồi! Tuệ xuất ly ấy là bất thối, bất khả chiến bại!

– Tâu, vâng! khi thoát ra khỏi “ngục vàng”, tìm đường xuất gia, do năng lực xuất ly đã được tạo trữ từ bốn a-tăng-kỳ và gần một trăm ngàn kiếp; bồ tát biết rằng sẽ còn vượt qua từng giai đoạn… cam go, gian nan, thử thách. Còn sáu năm nữa mới đạt thành quả vị Chánh Đẳng Giác, thì sáu năm ấy phải cắt đứt trọn vẹn tất cả mối buộc ràng từ vô thỉ, đã giam giữ bồ tát giữa cõi tử sanh luân hồi thống khổ.

– Những ràng buộc ấy là gì, đại đức?

– Tâu, ràng buộc ấy có mười, đó là: mẹ, cha, vợ, con, thân quyến, bạn, tài sản, lợi lộc, chức quyền và ngũ dục; mười ràng buộc ấy thuộc về lưu luyến, ái luyến, quyến niệm, dục niệm… hằng giam giữ chúng sanh không chịu buông tha đâu, đại vương!

– Thưa, trẫm đã thông rồi. Tất cả những cái gọi là ba-la-mật chưa viên dung, trí tuệ chưa đủ đầy, trẫm đã tỏ tường. Tuy nhiên, đại đức có nói rằng, sáu năm nữa bồ tát sẽ đạt thành Phật quả. Con số sáu năm ấy – sáu năm – là thời gian tất yếu để chín muồi công hạnh. Thế sao bồ tát không chờ sáu năm nữa hẳn ra đi?
Nếu sáu năm nữa mới xuất gia, sẽ có hai điều lợi: Thứ nhất là, trước sau gì thì trí tuệ vẫn đầy đủ; thứ hai là, khỏi mất công thời gian khổ hạnh sáu năm, mà sau này Đức Thế Tôn bảo là sáu năm lầm lạc!

Đại đức Na-tiên thấy câu hỏi hay, bèn tán thán:

– Hay lắm! ngón tay của đại vương đã chỉ thẳng vào cốt lõi của vấn đề. Bần tăng rất thú vị để cùng với đại vương đi nốt đoạn đường nạn vấn này!

– Rất vui lòng!

– Có những lý do mà ở tại vương vị không thể làm cho trí tuệ chín muồi được, tâu đại vương! Và chính nhờ sáu năm khổ hạnh lầm lạc ấy, bồ tát của chúng ta mới kiện toàn, viên dung được công hạnh, tâu đại vương!

– Xin cho nghe!

– Ở tại vương vị sáu năm là ở yên trong cạm bẫy của ma vương, là lý do thứ nhất. Không đi xuất gia ngay khi trí tuệ xuất ly đã khởi – thì sẽ bị thế gian chê bai, khinh miệt; họ sẽ ghép bồ tát vào một trong mười hạng người vô tích sự, thiếu phước… mà ai cũng khinh nhờn, thiếu tôn trọng…

– Cho trẫm nghe mười hạng người ấy?

– Tâu, vâng! Đó là:

Đàn bà góa…;

Người kém sức, mất sức, yếu đuối;

Người cô độc không có bạn bè, thân quyến;

Người ham ăn;

Người bệnh hoạn nặng;

Người có bạn ác;

Người nghèo hèn;

Người đói;

Người vô nghề nghiệp; Người già nua.

– Tại sao thế gian này gán ghép đức bồ tát vào mười hạng người ấy?

– Thật ra, bồ tát tự phản vấn chính mình, tự ghép mình vào mười hạng người ấy nếu thiếu quyết tâm lên đường xuất gia. Tại sao vậy? Vì bồ tát nghĩ rằng, sống đời hưởng thụ ngũ dục năm này sang năm nọ thì tránh sao khỏi sự lười biếng dễ duôi? Sơn hào hải vị lúc nào cũng đầy đủ, thừa mứa… không sinh ham ăn mê ngủ cũng sinh bệnh tật, ốm đau! Cứ mãi hoài bên vợ đẹp, hầu xinh, tiệc tùng, đờn ca, xướng hát… thì có khác gì kẻ vô công rỗi nghề, ăn bám tài sản, vật thực của muôn dân bá tánh nghèo khổ? Nếu không dứt khoát con đường thì quyết tâm, nỗ lực, tinh cần… sẽ càng ngày càng bị thui chột, sẽ trở nên hèn nhược yếu đuối ngay!

Tâu đại vương! Những điều suy nghĩ của bồ tát như thế có tương ứng phần nào mười hạng người kể trên không?

– Rõ là cùng một “giuộc”!

– Chính thị!

Đức vua Mi-lan-đà chậm rãi:

– Thôi được rồi! Coi như cho qua chuyện ở lại vương vị đi, sang chuyện sáu năm khổ hạnh lầm lạc. Sao biết lầm lạc mà bồ tát cũng tình nguyện bước vào? Sao sáu năm khổ hạnh ấy là nhân cho trí tuệ chín muồi? Điều ấy khó đấy, đại đức có cần khất lại câu trả lời, đợi ngày hôm sau chăng?

– Không cần thiết, cảm ơn đại vương đã tỏ dạ quan hoài, bần tăng sẽ trả lời ngay đây!

– Tâu đại vương! Đại vương còn nhớ lý do khổ hạnh là phải biết “dựa vào truyền thống của tín ngưỡng đương thời” mà chúng ta có đề cập ở phần trước không?

– Có nhớ!

– Và đại vương có biết rằng từ trí tuệ phàm nhân đã chín muồi, đã đầy đủ, đã viên dung, để bước sang Thánh tuệ, cần có bao nhiêu giai đoạn nữa không?

– Trẫm không rõ lắm đâu!

– Vậy thì đại vương hãy chú tâm nghe một lượt về tất cả những điều ấy.

– Thưa, vâng!

– Bồ tát phải hành khổ hạnh là vì truyền thống tín ngưỡng đương thời xem khổ hạnh là con đường tối thượng; khổ hạnh là phương pháp tu tập được thế gian tôn trọng, kính ngưỡng. Ai mà chưa tu khổ hạnh thì chưa được gọi là tu. Buổi đầu tiên xuất gia, bồ tát phải lựa chọn khổ hạnh, thứ nhất là vì muốn thử chí nguyện kiên cường, bất khuất của mình. Thứ hai, Đạo Phật có xuất hiện là cũng cho con người, là vì cuộc đời – nên không có lý do gì ngài lại phải đi ngược lại niềm tin và sự trọng vọng của thế gian! Vậy, đi theo con đường tinh tấn khổ hạnh như là cái gì tất yếu, phải chứng nghiệm, phải vượt qua!

– Có lý lắm, đại đức. Sau này khi hoằng pháp độ sanh, những kẻ ngoại đạo đã từng tu tập khổ hạnh đệ nhất, đệ nhị… tất phải khâm phục Đức Thế Tôn đã từng trải khổ hạnh tối thượng, đệ nhất cổ kim nữa kìa!

– Đúng thế!

– Vậy là thông suốt, thông suốt. Xin đại đức cho nghe thêm về chuyện sáu năm khổ hạnh là nguyên nhân cho trí tuệ chín muồi, cùng các giai đoạn từ phàm tuệ bước qua Thánh tuệ?

– Tâu, vâng!

Đại vương có biết rằng, ngay chính thiền định, định tâm, là cái mốc, là cái cơ bản, từ đó quán chiếu để phát sanh Thánh tuệ, phải chế ngự bao nhiêu trạng thái tâm trần luân, cấu uế chăng?

– Có biết, trẫm có biết nhưng không cách chi mà biết hết đâu.

– Vậy thì bần tăng xin làm con vẹt, đọc hầu cho đại vương nghe! Nó có hai mươi lăm pháp trầm luân, trở ngại sau đây:

  1. Một, nóng giận, nóng nảy.
  2. Hai, cừu oán, hận thù.
  3. Ba, quên ơn, bạc nghĩa.
  4. Bốn, tự cao, tự đại.
  5. Năm, ganh tỵ, tật đố .
  6. Sáu, bỏn xẻn, rít róng.
  7. Bảy, xảo trá, phỉnh gạt.
  8. Tám, khoe khoang, điệu bộ.
  9. Chín, cứng đầu, ương ngạnh.
  10. Mười, tranh tài, hiếu thắng.
  11. Mười một, say đắm, sa ngã.
  12. Mười hai, khinh người.
  13. Mười ba, ngã chấp.
  14. Mười bốn, dễ duôi, buông thả.
  15. Mười lăm, hôn trầm, giải đãi.
  16. Mười sáu, uể oải, lừ đừ.
  17. Mười bảy, lười biếng, nhác nhớm.
  18. Mười tám, yếu đuối, khiếp nhược.
  19. Mười chín, thân cận bạn ác, bạn xấu.
  20. Hai mươi, mê sắc, háo sắc.
  21. Hai mươi mốt, đắm thanh.
  22. Hai mươi hai, đắm hương.
  23. Hai mươi ba, đắm vị.
  24. Hai mươi bốn, đắm xúc.
  25. Hai mươi lăm, đói cơm, khát nước.

Nếu có một trong hai mươi lăm trạng thái tâm trầm luân, cấu uế này thì khó mà trú định được, huống hồ là được Thánh tuệ, đắc được tuệ lậu tận.

– Vâng, trẫm nghe rõ rồi, giờ đại vương giải tỏa cho sự nghi nan sau cùng: tại sao lại nhờ sự khổ hạnh?

– Tâu đại vương! Trong sáu năm lầm lạc ấy, với sự đại tinh tấn khổ hạnh, Thánh tuệ vẫn không thấy phát sanh. Tất cả mười pháp ràng buộc dường như ngài đã cắt đứt hết rồi. Tất cả mọi loại thiền định ngài cũng đã tu tập hết rồi. Rà soát lại mười ba-la-mật thì không có ba-la-mật nào mà ngài còn khiếm khuyết!

Dường như càng nhịn thở, nhịn ăn, cho đến tuyệt thực, chấm dứt cả hơi thở thì cơ thể ngài càng suy yếu, có thể đưa đến chấm dứt mạng sống chứ không phải phát sanh tuệ giác!

Sau ngài nhớ lại, thuở còn ấu thơ, lúc bảy tuổi được bà nhủ mẫu ẵm bồng theo vua cha đi xem lễ hạ điền. Lúc ở dưới cội cây trâm, ngài đã dễ dàng trú định sơ thiền, quả thật không phải gắng sức quá lắm.

Chính nhờ tất cả những điều ấy, từng trải qua sáu năm, chiêm nghiệm tự thân, thực hành mọi phương pháp tu tập khó khăn; phàm tuệ nơi ngài mới quãng bác, thâm sâu, vi tế; nhờ vậy, khi ăn uống trở lại bình thường; ngài dễ dàng chứng quả vô lậu tận, tựu thành Thánh tuê, thấy rõ Tứ diệu đế, Vô sanh Niết bàn, tâu đại vương!

Đức vua xoa tay hoan hỷ nói:

– Làm phiền đại đức quá nhiều!

– Không có chi, tâu đại vương!

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×