PHẦN CHÚ THÍCH
(1) Tụng giới trước chư Tăng, hỏi thời gọi “Chư Đại Đức”. Nếu trước hàng Sa di Bồ tát hay trước hàng Tại gia Bồ tát, thời đổi lại “Chư Đại Chúng”, hay “Chư Phật Tử”. Dưới đây, trong đoạn tiền phương tiện và đoạn bài tựa cũng vậy.
(2) Theo chánh pháp, một năm 12 tháng chia làm 3 mùa Xuân, Hạ và Đông. Từ 16 tháng chạp đến 15 tháng 4 là mùa Xuân. Từ 16 tháng 4 đến 15 tháng tám là mùa Hạ. Từ 16 tháng 8 đến 15 tháng chạp là mùa Đông. Nếu ngày tụng giới nhằm mùa Hạ hay mùa Đông thời tụng là “Hạ phần” hay “Đông phần”.
Như ngày 30 tháng chạp tụng giới thời xướng: “Phần mùa Xuân, bốn tháng làm một mùa, nửa tháng đã qua, thiếu một đêm, thừa một đêm, còn ba tháng rưỡi.”
Rằm tháng giêng thời xướng: “Phần mùa Xuân, bốn tháng làm một mùa, một tháng đã qua, thiếu một đêm, thừa một đêm, còn ba tháng.” Cho đến rằm tháng tư thời xướng: “Phần mùa Xuân, bốn tháng làm một mùa, bốn tháng đã qua, thiếu một đêm, còn thừa một đêm.” v.v…
(3) Hoặc tụng “Một tháng, một tháng rưỡi, hai tháng, hai tháng rưỡi, ba tháng, ba tháng rưỡi, bốn tháng”.
(4) Lời xướng đây là tụng giới trong ngày ba mươi tháng chạp: Từ 16 đến 30 là đã qua nửa tháng mùa Xuân, nên nói “nửa tháng đã qua”, nhưng đến sáng mùng một mới mãn ngày 30, nên nói “còn thiếu một đêm”, và nói “thừa một đêm” là vì ba tháng rưỡi còn lại của mùa Xuân, còn dư đêm ba mươi vậy.
(5) Hoặc tụng “Còn ba tháng, còn hai tháng rưỡi, còn hai tháng, còn một tháng rưỡi, còn một tháng, còn nửa tháng”. Hoặc chỉ tụng “Còn thừa một đêm”, nếu đã qua bốn tháng.
(6) Tiếng Phạn “Ba la đề mộc xoa”, Trung Hoa dịch là “Bảo giải thoát”: Giới pháp này bảo đảm sự giải thoát cho người tôn kính thọ trì.
(7) Tháng thiếu, ngày 14 tức là ngày 29 cuối tháng. Ngày Rằm thời nói ngày thứ 15 “có trăng”, nếu ngày 29 hay 30 thời nói là ngày 14 hay 15 “không trăng”.
(8) Tiếng Phạn, dịch là Trưởng tịnh ( trưởng dưỡng thiện căn, tịnh trừ nghiệp chướng).
(9) Phẩm “Bồ Tát Tâm Địa” có hai phần:
Phần trên: Đức Lô Xá Na Phật giảng về Quả vị của Bồ tát có bốn mươi bậc: Thập Phát Thú, Thập Trưởng Dưỡng, Thập Kim Cương, Thập
Địa.
Phần dưới: Đức Thích Ca Mâu Ni Phật kiết giới Bồ tát: 10 điều trọng và 48 điều khinh.
(10) Kinh văn trong phần trên nói: Lúc ấy, đức Thích Ca liền đem đại chúng nơi thế giới này về đến nơi Liên Hoa Đài Tạng thế giới, trong cung Bá Vạn Ức Tử Kim Cương Quang Minh, thấy đức Lô Xá Na Phật ngự trên tòa Bá Vạn Ức Liên Hoa chói sáng rực rỡ.
(11) Kinh văn trong phần trên, đức Lô Xá Na phán: “Ta đã tu hành tâm địa trong trăm A tăng kỳ kiếp, dùng đó làm nhân, bỏ hẳn phàm phu, thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hiệu là Lô Xá Na, ngự nơi Liên Hoa Đài Tạng thế giới”.
“A tăng kỳ” Phạn ngữ, Trung Hoa dịch là vô số.
(12) Kinh văn trong phần trên nói: “Liên Hoa đài ấy có nghìn cánh, mỗi cánh là một thế giới, thành một nghìn thế giới. Đức Lô Xá Na phán: “Ta hóa làm một nghìn Thích Ca ngự nơi nghìn thế giới ấy. Về sau cứ mỗi thế giới trên mỗi cánh hoa lại có trăm ức núi Tu Di, trăm ức mặt nhựt, mặt nguyệt, trăm ức Nam Diêm Phù Đề, trăm ức Bồ tát Thích Ca ngồi dưới trăm ức cội Bồ Đề, v.v…
Trong bộ Hiệp Chú giải: một ức là một nghìn vạn, tức là mười triệu (10,000,000) — Một Tu Di, một Thái dương hệ là một tiểu thế giới. — Một nghìn Thái dương hệ là một Tiểu thiên thế giới — Một nghìn tiểu thiên (1,000,000) là một Trung thiên thế giới. — Một nghìn Trung thiên thế giới (1,000,000,000) là một Đại thiên thế giới. Đài hoa có nghìn cánh, thành tất cả có một nghìn Đại thiên thế giới, hay là một nghìn tỷ Tiểu thế giới (1,000,000,000,000). — Mỗi Tiểu thế giới (Một Thái dương hệ), một đức Thích Ca, thành tất cả là một nghìn tỷ Thích Ca, hay là thiên bá ức Thích Ca (nghìn trăm ức).
(13) Tòa Kim Cương Hoa Quang ở tại cội Bồ Đề nơi đức Thích Ca thành đạo.
Diệu Quang Đường là cung của trời Tứ Thiên Vương, từng trời thứ nhất trong sáu cõi trời dục giới.
(14) Thập Trụ: (1) Phát tâm trụ, (2) Trị địa trụ, (3) Tu hành trụ, (4) Sanh quý trụ, (5) Phương tiện cụ túc trụ, (6) Chánh tâm trụ, (7) Bất thối trụ, (8) Đồng chơn trụ, (9) Pháp vương tử trụ, (10) Quán đảnh trụ. Thập trụ đây có thể hiệp với Thập Phát Thú.
(15) Thập Hạnh: (1) Hoan hỷ hạnh, (2) Nhiêu ích hạnh, (3) Vô sân hận hạnh, (4) Vô tận hạnh, (5) Ly si loạn hạnh, (6) Thiện hiện hạnh, (7) Vô trước hạnh, (8) Tôn trọng hạnh, (9) Thiện pháp hạnh, (10) Chơn thiệt hạnh. Thập Hạnh đây có thể hiệp với Thập Trưởng Dưỡng.
(16) Thập Hồi Hướng: (1) Cứu hộ chúng sanh ly chúng sanh tướng hồi hướng, (2) Bất hoại hồi hướng, (3) Đẳng nhất thiết Phật hồi hướng, (4) Chí nhất thiết xứ hồi huớng, (5) Vô tận công đức tạng hồi hướng, (6) Tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng, (7) Tùy thuận đẳng quán nhất thiết chúng sanh hồi hướng, (8) Chơn như tướng hồi hướng, (9) Vô phược giải thoát hồi hướng, (10) Pháp giới vô lượng hồi hướng. Thập Hồi Hướng đây có thể hiệp với Thập Kim Cương.
(17) Thập Địa: (1) Hoan hỷ địa, (2) Ly cấu địa, (3) Phát quang địa, (4) Diệm huệ địa, (5) Nan thắng địa, (6) Hiện tiền địa, (7) Viễn hành địa, (8) Bất động địa, (9) Thiện huệ địa, (10) Pháp vân địa.
(18) Tịch Diệt là Niết Bàn: Đức Phật dùng Đại Bồ Đề trí chứng Đại Niết Bàn lý. Đạo Tràng Tịch Diệt chính là Bồ Đề Đạo Tràng.
(19) Phạm là Đại Phạm Thiên Vương, tức là vua cõi trời Tứ Thiền, cũng gọi là Đại Tự Tại Thiên Vương. Nhân vì trong hội thuyết pháp này, đức Phật dùng bửu võng của Đại Phạm Thiên Vương làm tỉ dụ, nên gọi là Kinh Phạm Võng. Bửu võng là bức mành kết bằng bửu châu treo trước điện Thiên Vương.
(20) Về giới của Bồ Tát có ba phần:
(a) Nhiếp luật nghi giới (những điều ngăn cấm thân, khẩu, ý, không cho phạm tội lỗi).
(b) Nhiếp thiện pháp giới (những điều lành, điều tốt mà thân, khẩu, ý phải thực hành).
(c) Nhiêu ích hữu tình giới (những điều cứu khổ ban vui cho chúng sanh).
Nhiếp luật nghi giới đưa Bồ Tát đến quả Đoạn Đức (Đại Niết Bàn), chứng Thanh tịnh pháp thân.
Nhiếp thiện pháp giới đưa Bồ Tát đến quả Trí Đức (Đại Bồ Đề), chứng Viên mãn báo thân.
Nhiêu ích hữu tình giới đưa Bồ Tát đến quả Ân Đức (Đại Từ Bi), chứng Ứng hóa thân.
“Kim Cương” thể chất bền chắc trong sạch, dùng dụ cho Đại Niết Bàn, “Quang Minh” chiếu sáng khắp nơi, dùng dụ cho Đại Bồ Đề, “Bửu” có năng lực làm cho người khỏi nghèo khổ, được vui sướng, dùng dụ cho Đại Từ Bi.
Vì những ý nghĩa trên nên dùng danh từ “Quang Minh Kim Cương Bửu Giới” để gọi ba phần giới Bồ Tát.
Và vì ba phần giới Bồ Tát có năng lực đưa hành giả đến Phật quả, nên giới này là chủng tử của Phật tánh, là bổn nguyện của Bồ Tát và của chư Phật. Do đây mà biết rằng nếu không có giới pháp này, chúng sanh không thể thành Bồ Tát, không thể thành Phật được.
(21) Như đoạn trên nói giới pháp này là chủng tử của Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, thành ra giới pháp này là giới phẩm của tất cả chúng sanh.
“Bổn nguyên tự tánh thanh tịnh” là thể tánh thanh tịnh bổn hữu của tất cả chúng sanh, tức Phật tánh.
(22) Người trì giới này sẽ được dứt hẳn tất cả tâm bệnh, và chứng chơn thường, chơn lạc, chơn ngã, chơn tịnh của quả Đại Niết Bàn, tỉ dụ như Cam lộ, người uống nó sẽ khỏi bệnh khổ mà được an vui và trường sanh.
(23) Mặt trời, mặt trăng và châu ngọc có những đức tính: trừ tối tăm, chói sáng, có lợi ích cho sinh vật.
“Trừ tối”, tức là năng lực phá ác của Nhiếp luật nghi giới.
“Chói sáng”, tức là năng lực thành thiện của Nhiếp thiện pháp giới.
“Lợi ích”, tức là năng lực lợi sanh của Nhiêu ích hữu tình giới.
(24) Chơn thiệt Phật tử.
(25) Sư tăng trong đây chỉ cho Hòa thượng và A xà lê. Còn chư Tăng, thời là Tăng bảo trong phẩm vị Tam Bảo (lời giải trong bộ Hiệp Chú).
Hiếu thuận với cha mẹ thời những điều ác về thế gian dứt, mà những điều lành về thế gian sanh trưởng. Hiếu thuận với Sư tăng, Tam Bảo, thời những điều ác của thế gian và xuất thế gian dứt diệt, những điều lành về thế gian và xuất thế gian phát sanh cho đến viên mãn thành tựu.
Vì ý nghĩa ấy, nên hiếu thuận là cốt tủy của Bồ Tát giới, và là chí đạo.
(26) Các Bồ tát đây là chỉ cho chư Bồ tát trong 40 vị: Thập Phát Thú, Thập Trưởng Dưỡng, Thập Kim Cương và Thập Địa.
(27) Mười tám Phạm Thiên là 18 cõi trời ở sắc giới.
Trời Sơ Thiền có 3 cõi: (1) Phạm Chúng thiên, (2) Phạm Phụ thiên, (3) Phạm Vương thiên.
Trời Nhị Thiền có 3 cõi: (4) Thiểu Quang thiên, (5) Vô Lượng Quang thiên, (6) Quang Âm Thiên.
Trời Tam Thiền có 3 cõi: (7) Thiểu Tịnh thiên, (8) Vô Lượng Tịnh thiên, (9) Biến Tịnh thiên.
Trời Tứ Thiền có 9 cõi: (10) Phước Sanh thiên, (11) Phước Ái thiên, (12) Quảng Quả thiên, (13) Vô Tưởng thiên, (14) Vô Phiền thiên, (15) Vô Nhiệt thiên, (16) Thiện Kiến thiên, (17) Thiện Hiện thiên, (18) Sắc Cứu Cánh thiên.
(28) Trong Dục giới có 6 từng trời: (1) Trời Tứ thiên vương, (2) Trời Đao lợi, (3) Trời Dạ ma, (4) Trời Đâu suất (đức Di Lặc ngự nơi nội viện), (5) Trời Hóa lạc, (6) Trời Tha hóa (chỗ Ma vương ngự).
(29) Thời ấy Tây Vực chia ra nhiều nước, và đây là 16 đại quốc: (1) nước Sử Già, (2) nước Ma Kiệt, (3) nước Ca Thi, (4) nước Câu Tát La, (5) nước Bạt Kỳ, (6) nước Mạt La, (7) nước Chi Đề, (8) nước Bạt Sa, (9) nước Ni Lâu, (10) nước Bàn Xà La, (11) nước A Thấp Ba, (12) nước Bà Ta, (13) nước Tô La, (14) nước Càn Đà La, (15) nước Kiếm Phù Sa, (16) nước A Bàn Đề (theo bộ Hiệp Chú).
(30) Mười bậc Phát Thú Bồ Tát: (1) Xả tâm, (2) Giới tâm, (3) Nhẫn tâm, (4) Tấn tâm, (5) Định tâm, (6) Huệ tâm, (7) Nguyện tâm, (8) Hộ tâm, (9) Hỉ tâm, (10) Đảnh tâm. Có thể hiệp với Thập Trụ Bồ Tát.
Mười bậc Trưởng Dưỡng Bồ Tát: (1) Từ tâm, (2) Bi tâm, (3) Hỉ tâm, (4) Xả tâm, (5) Thí tâm, (6) Hảo ngữ tâm, (7) Ích tâm, (8) Đồng tâm, (9) Định tâm, (10) Huệ tâm. Có thể hiệp với Thập Hạnh Bồ Tát.
Mười bậc Kim Cương Bồ Tát: (1) Tín tâm, (2) Niệm tâm, (3) Hồi hướng tâm, (4) Đạt tâm, (5) Trực tâm, (6) Bất thối tâm, (7) Đại thừa tâm, (8) Vô tụng tâm, (9) Huệ tâm, (10) Bất hoại tâm. Có thể hiệp với Thập Hồi Hướng Bồ Tát.
Mười bậc Thể Tánh Địa Bồ Tát: (1) Thể tánh Bình Đẳng địa, (2) Thể tánh Thiện Huệ địa, (3) Thể tánh Quang Minh địa, (4) Thể tánh Nhĩ Diệm địa, (5) Thể tánh Huệ Chiếu địa, (6) Thể tánh Hoa Quang địa, (7) Thể tánh Mãn Túc địa, (8) Thể tánh Phật Hống địa, (9) Thể tánh Hoa Nghiêm địa, (10) Thể tánh Nhập Pháp Giới địa. Có thể hiệp với Thập Địa Bồ Tát.
(31) Huỳnh môn là người không phải nam không phải nữ (kẻ bộ nắp).
Tám bộ quỷ thần: (1) Thiên thần, (2) Long thần, (3) Dạ xoa, (4) Càn thát bà (nhạc thần), (5) A tu la, (6) Ca lâu la (kim xí điểu), (7) Khẩn na la (ca thần), (8) Ma hầu la già (thần rắn).
Thần Kim cương là vị thần cầm chày kim cương, trong phẩm Phổ Môn gọi là Chấp kim cương thần.
Kẻ biến hóa, như rồng hóa làm người, v.v…
(32) Phương tiện giết là những phương thế trước khi giết, như bắt, trói, nhốt, đè, chỉ đường cho người rượt, cho người bắt, v.v…
Khen ngợi sự giết là người ấy không có tâm giết, tự mình đến khuyến khích cho người ấy giết, hay tự tử.
Thấy giết tùy hỷ là thấy người giết, rồi tự tán thành, ưng ý sự giết ấy.
Phàm tội sát sanh do đủ bốn điều. Như tội sát sanh đây, tất cả những tội khác cũng đều như vậy.
(a) “Nhơn giết” là cố tâm muốn giết, điều này là trụ cột của tội.
(b) “Duyên giết” là loài hữu tình (người, thú, v.v…) cùng những khí cụ, nơi chỗ, v.v…
(c) “Cách thức giết” như đâm, chém, đập, đánh, bắn, nhận nước, thiêu đốt, thắt cổ, đổ thuốc độc, v.v…
(d) “Nghiệp giết”, khi người hay thú, v.v… tắt thở (chết) thời nghiệp giết thành. Chính nơi thế gian này mà kết tội.
Ba La Di tội, Tàu dịch là Khí tội; khí là vứt bỏ. Người phạm tội này thời bỏ hẳn ra ngoài phạm vi Phật pháp, không còn phải là Bồ tát, không còn phải là Phật tử, là Thích tử nữa.
Cứ theo cảnh mà luận tội thời có ba hạng: nơi cha mẹ, Hòa thượng, A xà lê, Phật và Thánh nhân mà giết thời phạm “tội nghịch”, cũng gọi là “vô gián tội”, cũng gọi là giá tội (giá là ngăn chướng, trọn đời quyết không được thọ giới lại).
Nơi loài người và tất cả loài khác, những ai có thể nhận hiểu lời nói của Giới sư mà giết thời phạm tội “Ba la di”, mất giới. Người phạm tội này phải sám hối thấy hảo tướng mới được thọ giới lại.
Nơi loài súc sanh, v.v… không hiểu lời nói của giới sư mà giết thì phạm tội trọng, không mất giới. Đối thú sám hối thì thanh tịnh. Ngoài ra còn theo tâm mà luận tội nặng nhẹ, v.v…
(33) Vật sở hữu của kẻ khác, có tâm gian lén lấy gọi là trộm, đoạt lấy gọi là cướp, cùng dối lấy, gạt lấy, gian lận mà lấy, v.v… đều thuộc về trộm cướp cả.
Lấy năm tiền hay nhiều hơn năm tiền (đồ vật thì cứ tính giá mà định) phạm Ba la di, mất giới. Lấy dưới năm tiền, phạm trọng, không mất giới.
(34) Phật tử tại gia thì trừ vợ chồng chính thức; Phật tử xuất gia thời với tất cả nam nữ, nếu hành dâm, phạm Ba la di, mất giới.
Phật tử tại gia, ngày thọ Bát quan trai cũng đồng như người xuất gia.
Phật tử tại gia, nơi vợ chồng chánh thức mà hành dâm trái thời, trái nơi thì phạm tội khinh, phải đối thú sám hối.
Trái thời là ban ngày, ngày lễ Phật, Bồ tát, ngày trai.
Trái chỗ là trừ năm căn, nữ căn.
Trái nơi là chỗ không phải phòng ngủ riêng của vợ chồng.
Phi đạo: đối với người nữ, đạo tức là miệng, nữ căn và hậu môn, còn đối với người nam, đạo tức là miệng và hậu môn. Phi đạo hành dâm, nghĩa là hành dâm ở những chỗ khác trên thân thể, ngoài ba chỗ này.
(35) Khi nói vọng mà người khác nhận hiểu lời nói ấy thời thành tội. Thân vọng ngữ là ra dấu, lắc đầu, gật đầu, đưa tay, v.v… Tâm vọng ngữ như khi Tăng hỏi, tự biết mình có tội mà vẫn yên lặng, v.v… Vọng ngữ cho người khác nhận lầm mình là bực siêu phàm, đắc thiền, đắc định, chứng Thánh, v.v… thời phạm Ba la di, mất giới. Những vọng ngữ khác thuộc tội khinh, phải đối thú sám hối.
(36) Về Bồ tát giới lấy tích cực lợi tha làm chủ, nên bán rượu phạm tội trọng, còn tự uống rượu phạm tội khinh.
(37) Theo bộ Hiệp Chú, trong mười giới trọng đây, nếu phạm sáu điều sau (từ Bán rượu đến Hủy báng) thì phạm trọng, không mất giới, phải đối thú sám hối, vì là giá giới.
Nhưng nếu không hổ thẹn chừa bỏ, cứ để tâm tương tục thì cũng mất giới.
(38) Đối với mười giới trọng trên, nên 48 điều này gọi là giới khinh, cũng gọi là “đọa” (theo ý của Thanh văn giới, vì nếu phạm mà không như pháp sám hối, thế lực của tội có thể làm cho người phạm phải sa đọa.)
(39) Ngũ tân là năm loại rau tanh nồng. Hưng cừ chưa biết là rau gì, các bộ sớ Tàu cho rằng phương này ( xứ Tàu) không có. Phàm thứ nào có tánh chất tanh nồng và hình thức tương tợ đều thuộc về các loại này, đều không ăn được, không được dùng gia vị. Như loại hành, thời hành tây, hành tàu, v.v… cũng đều cấm, chớ chẳng phải chỉ cấm hành ta thôi.
Người ăn ngũ tân có các điều tổn: ăn sống thêm lòng nóng giận, ăn chín thêm lòng dâm dục, miệng và mồ hôi tanh, các thiên thần xa tránh, các ác quỷ ưa gần, tụng kinh trì chú không linh, không phước…
(40) Tám Phước Điền: (1) Phật, (2) Thánh nhơn, (3) chư Tăng, (4) Hòa thượng, (5) A xà lê, (6) cha, (7) mẹ, (8) người bệnh.
(41) Người bán quan tài, bán đồ đụng thây chết, v.v… ắt muốn bán được chạy, được nhiều, không khỏi có quan niệm trông cho nhiều người chết nên thành tội. Trái lại, nếu bố thí quan tài, v.v… thời đưọc phước rất lớn.
(42) Từ tháng tư đến tháng chín, giống sanh vật nhỏ như kiến, trùng, v.v… sanh sản rất nhiều, nên không cho thiêu đốt cỏ cây. Trong đây cháy lan đến của người khác trong trường hợp tình cờ vô ý nên thuộc tội khinh. Nếu cố ý thời thuộc tội trọng thứ hai. Cố ý cho chết sanh vật thời thuộc tội trọng thứ nhứt.
(43) Đem giáo pháp Tiểu thừa, v.v… dạy cho người với tâm ác, tâm giận đó là muốn hại người cho mất lợi ích về Đại thừa, nên phạm tội. Nếu vì theo tiểu cơ mà truyền tiểu giáo thì không phạm.
(44) Trong giới này, nương quyền cậy thế bức người lấy của, v.v… chỉ trong phạm vi thâu thuế nặng, cho vay nặng lời, tiền đất tiền nhà quá cao, v.v… Nếu thật bức người mà sang đoạt thì thuộc tội trọng thứ hai.
(45) Tất cả các kinh của đức Phật thuyết giáo, chia ra từng loại thì có 12 phần:
1. “Trường hàng” (văn xuôi).
2. “Trùng tụng” (văn vần lặp lại những điều đã giảng).
3. “Cô khởi” (văn vần đi riêng).
4. “Nhân duyên” (gợi Phật thuyết pháp, cũng gọi là Duyên khởi).
5. “Bổn sanh” (những đời trước của Phật, của Bồ tát).
6. “Bổn sự” (những việc trong đời quá khứ của Phật, Bồ tát).
7. “Vị tằng hữu” ( sự hay lý nghĩa làm chúng ngạc nhiên vì thuở giờ chưa từng có).
8. “Tỉ dụ” (mượn dụ để chỉ Pháp).
9. “Luận nghị” (biện luận chánh nghĩa).
10. “Tự thuyết” (không ai thưa thỉnh, Phật tự giảng nói.
11. “Phương quảng” (giáo lý Đại thừa).
12. “Thọ ký” (Phật thọ ký cho chư Bồ tát, hay đệ tử bao giờ thành Phật, hiệu gì, ở đâu, v.v…)
Trong 12 phần, 3 phần Trường hàng, Trùng tụng và Cô khởi là thể tài của kinh văn, ngoài ra chín phần kia là những điều, những sự trong kinh văn mà phân loại ra.
46. Đây là tội lưỡng thiệt do thấy người tinh tấn tu hành mà sanh lòng tật đố. Trong đây kể một hạnh dâng hương để tỉ dụ cho bao nhiêu hạnh Bồ Tát khác.
47. Tội không cứu vớt chúng sanh có bốn duyên thành tội:
a) chúng sanh bị khổ,
b) nhận biết là chúng sanh bị khổ,
c) không có từ tâm,
d) ngồi nhìn không cứu vớt.
Nếu vì không đủ sức để cứu, thời phải niệm Phật chú nguyện cho nó. Đó là không cứu được xác thân nó, thời cứu huệ mạng nó.
48. Câu “Giết sanh mạng để báo thù sanh mạng, đó là việc không thuận với hiếu đạo”, có hai ý:
a) Như cha mình bị người giết, đó hoặc là do túc nghiệp vay trả nhau, nếu mình giết người để báo thù cho cha, thời túc nghiệp của cha không dứt mà gây thêm oan trái cho cha; hoặc không phải do túc nghiệp, thời cũng kết thêm oan trái cho cha. Thành ra sự báo thù của mình, không lợi ích cho người cha đã bị giết, mà còn làm cho người cha thêm khổ ở tương lai, nên gọi là không thuận với hiếu đạo.
b) Phóng xa tầm đạo nhãn, nhưng trong giới phóng sanh trên, đức Phật nhấn mạnh rằng: Tất cả nam nữ đều là cha mẹ của ta trong nhiều đời, vì ta đã có vô lượng thân vê thuở quá khứ. Giết người để báo thù cho cha, chính là vì báo thù cho cha đời này mà đi giết cha ở đời trước, thế cũng là không thuận với hiếu đạo.
Trong giới này căn cứ nơi phạm vi cố báo thù mà kết thêm tội khinh, còn giết sanh mạng thời tự thuộc về giới trọng thứ nhứt.
49. Thọ giới này có ba phẩm đắc giới:
a) Đối trước Phật cùng Bồ tát mà thọ giới thời thuộc thượng phẩm đắc giới.
b) Thọ với Bồ Tát Giới Pháp Sư thời thuộc trung phẩm đắc giới.
c) Đối trước tượng Phật, tượng Bồ Tát mà tự nguyện thọ thời thuộc hạ phẩm đắc giới.
Trong phần tự nguyện thọ giới này phải đủ hai điều kiện mới đắc giới: (1) Trong nghìn dặm không có Pháp Sư truyền giới, (2) Phải thấy hảo tướng. Nếu có Pháp Sư có thể truyền giới mà không đến xin thọ, lại tự nguyện thọ giới, thời dầu có thấy hảo tướng cũng không đắc giới, vì có tâm khinh mạn vậy.
50. Đây là giới cấm bỏ giáo lý Đại thừa đi học tiểu giáo cùng sách ngoại đạo. Bỏ bảy báu có hai ý:
a) Giáo lý Đại thừa như châu báu, vàng ngọc, tiểu giáo và sách ngoại đạo như đá, đất. Theo học tiểu giáo, v.v… đó là vất bỏ châu báu Đại thừa vậy.
b) Không tiếc châu báu, không sợ tổn phí mà đi học tiểu giáo, v.v… đó là tỏ ra quá ham thích, quá chuộng.
51. Tài vật của Tam Bảo, người có phận sự quản lý, khi muốn chi tiêu phải đúng luật đúng pháp, không được theo ý riêng. Nếu tự ý riêng, chi tiêu không đúng luật đúng pháp, thì phạm tội. Trong đây vì chi tiêu sái phép nên thuộc tội khinh, còn nếu tự lấy tiêu riêng, dùng riêng, thời thuộc tội trọng thứ hai.
52. Nơi lợi dưỡng nếu khách Tăng có phần, mà chủ Tăng không cho cùng hưởng, thời trái với điều: Lợi hòa đồng quân”, nên phạm tội.
53. Đây là cố ý tìm cách cho thí chủ đem cúng riêng cho mình nên phạm tội khinh. Nếu đã thuộc về chư Tăng, Tam Bảo, mà đi dành riêng về phần mình, thời thuộc về tội trọng thứ hai.
54. Phàm là Bồ Tát, hay Phật tử phải có tâm từ bi bình đẳng, nếu thỉnh riêng, thời trái với đức bình đẳng nên phạm tội.
Trong đây thỉnh riêng năm trăm La Hán Bồ Tát tăng, đức Phật cho rằng không bằng theo thứ tự mà thỉnh một vị Tăng phàm phu, là vì nơi sự cúng dường bố thí, phước đức nhiều hay ít, chẳng phải chỉ do nới cảnh (người thọ), nơi vật (của tiền).
55. Cấm đến cả vì tài lợi mà nấu ăn, xay giã, nghề nghiệp, v.v… thuộc riêng về phần Bồ tát xuất gia. Còn Bồ tát tại gia tự có nghề nghiệp chơn chánh, lợi mình lợi người. Nhưng không được vì ác tâm mà làm, cũng không được ham tài lợi mà làm, vì bổn phận Phật tử phải xa danh lợi.
Sâu cổ, là loài sâu độc, phẩn nó có thể giết chết người.
56. Trong những ngày trai mà đi phạm giới tạo tội, nên kết thêm tội khinh, còn sự phạm giới thời cứ phạm giới nào luận tội về giới ấy.
Sáu ngày trai trong mỗi tháng: — Mồng tám, mười bốn, rằm, hai mươi ba, hai mươi chín, ba mươi (tháng thiếu thời hai mươi tám, hai mươi chín).
Ba tháng trường trai mỗi năm: tháng giêng, tháng năm và tháng chín (tục ta thời là tháng giêng, tháng bảy và tháng mười).
Câu “làm quản lý cho người bạch y”, là nói người xuất gia lại đi gánh vác công việc thế tục giùm cho người tại gia. Chữ “trai” trong luật của Phật là nói “không ăn phi thời” ( từ mặt trời chính về hướng tây, cho đến sáng sớm ngày mai là phi thời, không phải giờ ăn). Vì thế nên người tu tại gia trong các ngày trai và những tháng trai nên thọ Bát quan trai.
57. Nương thế lực lấy của người, đây là trên tội trọng thứ hai mà kết thêm tội khinh về phần lấn hiếp vậy.
Chứa cất cân non, giạ thiếu phạm tội khinh. Nếu dùng cân non, giạ thiếu mà lường gian của người thời thuộc về tội trọng thứ hai, cứ theo giá đồ vật về phần gian lận mà định tội.
Mèo, chồn, chó, v.v… là những thứ săn thịt nên cấm nuôi, nếu chó chỉ để giữ nhà thì không phạm.
Heo chỉ để ăn thịt, hay bán thịt nên cấm nuôi, nếu mua, thuộc phóng sanh mà nuôi thời không phạm.
Trong giới này ở nơi sự nuôi chứa mà kết tội khinh. Còn xúi mèo, chồn, chó, v.v… săn thịt, bắt chuột, v.v… thời người xúi sai phạm tội trọng thứ nhất, nếu mèo, chồn, chó theo lịnh giết chết con thịt.
58. Phật tử lấy từ bi làm chủ, lấy hòa thuận làm tông, đâu nên an lòng nhìn xem người đánh nhau, chiến nhau, dầu là võ sĩ đấu võ, cho đến đá gà, đá cá, đá dế, v.v… cũng không được xem (nên chú ý hai chữ “Ác tâm”).
Đây là điều cấm tà giác tà quán. Trong văn cấm năm điều: (1) xem đấu chiến, (2) mua vui, (3) chơi bời, (4) bói quẻ, (5) làm sứ mạng cho giặc cướp. Năm điều này là những duyên chướng đạo giải thoát, làm tăng thêm phóng vật loạn tâm.
Trong Địa Trì Giới Bổn có nói: “Nếu Bồ Tát lười biếng trễ nải, thích ngủ nghỉ, nếu là không phải giờ, hay thái quá thời phạm tội nhiễm ô (Khinh cấu). Trừ khi có nhơn duyên, như bệnh, yếu, quá mệt nhọc, v.v…
59. Nhị thừa là Tiểu thừa, cũng gọi là Thanh văn thừa, A la hán là tột đích, và Trung thừa, tức là Duyên giác thừa, Bích chi phật là đạo quả cuối cùng.
Đại thừa là con đường duy nhất của Phật quả. Là Phật tử phải nhắm quả Phật mà tiến, nếu xu hướng theo Nhị thừa, thời là sái nẻo, đâu còn phải thật là Phật tử, nên phạm tội
60. Hai điều giới thứ 35 cùng 36 đây rất chí thiết cho hàng Phật tử trên con đường hành đạo. Là Phật tử không thể thiếu.
Trong điều giới 36, có thể gom lại thành 5 điều nguyện:
a) Nguyện lìa hẳn dâm dục.
b) Nguyện giữ giới thanh tịnh để xứng đáng thọ tứ sự cúng dường.
c) Nguyện giữ giới thanh tịnh để xứng đáng thọ sự cung kính của người.
d) Nguyện trừ tâm nhiễm ô đối với ngũ trần.
e) Nguyện tất cả chúng sanh đều thành Phật.
Toàn cả năm điều chuyên thuộc Bồ tát xuất gia, nếu là Bồ tát tại gia, thời nơi điều (a) là lìa tà dâm, còn điều (b) là sự cung cấp của xã hội, điều (c) thời là danh dự cá nhân.
61. Đầu đà có nghĩa là phủi sạch trần cấu của thân tâm. Trong mười tám món, nhành dương dùng nhăn cho tưa ra để chà răng vì thời ấy không dùng bàn chải. Nước tro dùng như xà bông bây giờ. Ba y: y năm điều, bảy điểu, và đại y (chín điều xấp lên cho đến hai mươi lăm điều). Bình dùng đựng nước. Bát (Bát đa la) dùng đựng cơm và đồ ăn. Lư hương để dâng hương cúng Phật.
Đãy lược nước dùng hộ mạng cho sanh linh.
Con dao để cạo râu tóc, cắt móng tay. Cái nhíp để nhổ lông mũi.
Ba y là y phước điền, đức Phật chế riêng cho Tỳ kheo và Tỳ kheo ni mặc, người chưa thọ giới không nên lạm dụng. Nếu là Thức xoa, Sa di ni thời tự có mạn y, còn hàng tại gia thời chỉ mặc y phục hoại sắc.
Những xứ, những nơi hiểm nạn có nhiều sự cảnh hại thân, chướng đạo, nên cấm đển ở. Trong Giới Kinh (Đại Luật) lại còn cấm những nơi nhiều kiến, nhiều muỗi.
62. Trong Phật pháp thời trọng đức hạnh, nên y cứ nơi ngày thọ giới trước sau mà phân ngôi thứ, chớ không theo tuổi đời, cũng không theo tước vị.
Nếu khi tụng giới có đủ hạng Phật tử, thời nên phân riêng từng đoàn thể mà ngồi; người xuất gia ngồi theo nhóm xuất gia; người tại gia ngồi theo nhóm tại gia.
Trong hàng tại gia nếu có ngại, thời nên chia ra nhiều nhóm có quan tước, cùng nhóm bình dân. Rồi từ mỗi nhóm cứ y theo giới đức mà phân ngôi thứ.
Những người đồng thọ một đàn giới thời cứ theo tên hiệu đứng
63. Là Phật tử phải nhận chơn những tai nạn, họa phước và sự lợi ích. Họa hay phước là do nghiệp ác hay thiện chiêu cảm. Nghiệp từ nơi tâm mà phát khởi. Kinh luật Đại thừa có năng lực chuyển tâm ô trược thành thanh tịnh, chuyển tâm ác thành tâm thiện, chuyển tâm si mê thành tâm giác ngộ. Đọc tụng giảng thuyết kinh luật Đại thừa là một thiện nghiệp cao quý. Vì thế nên có thể làm cho người chết, vong linh được siêu sanh, ngưòi gặp tai nạn được qua khỏi. Có thể ngừa những sự không may và đem hạnh phúc đến.
Phật tử bao giờ cũng phải có tín tâm sâu mạnh nơi năng lực của giáo pháp Đại thừa, bao giờ cũng lấy sự giải nguy, cứu khổ làm phận sự, nên bổn phận của Phật tử phải giảng kinh luật Đại thừa trong những trường hợp có tai biến xảy đến cho người hay cho mình.
64. Trong nghi Giới Đàn: Giới sư dạy cho người cầu giới Bồ Tát thỉnh Thích Ca Mâu Ni Phật làm Hòa Thượng, thỉnh đức Văn Thù và đức Di Lặc làm A Xà Lê. Sám hối có ba cách:
a) Tác pháp sám hối: người có tội đối truớc chư Tăng, hoặc hai mươi vị, bốn vị, ba vị, một vị mà phát lồ sám hối, tùy theo tội lớn nhỏ;
b) Thủ tướng sám hối: tức là sám hối cho được thấy hảo tướng;
c) Vô sanh sám hối: quán chơn lý thật tướng, chứng ngộ vô sanh thời tội diệt.
Vô sanh sám hối có thể diệt tất cả tội, dầu là tội thất nghịch; Thủ tướng sám có thể diệt tội thập trọng và tất cả tội khinh; Tác pháp sám hối chỉ trừ được tội khinh. Đối thú sám hối tức là Tác pháp sám hối.
Đệ nhất nghĩa đế là thể tánh của giới pháp, là chánh nhơn của tâm địa, là lý cảnh của chơn trí. Tập chủng tánh, trưởng dưỡng tánh, là do nghiên cứu tu tập không quán lần lần tăng trưởng, tức là Thập phát thu tâm.
Tánh chủng tánh, bất khả hoại tánh là do phân biệt giả tánh (giả quán) mà tục đế kiến lập nên không thể hoại, tức là Thập trưởng dưỡng tâm.
Đạo chủng tánh là trung đạo Thập kim cương tâm. Chánh pháp tánh là chứng nhập chánh vị (chơn như) tức là Thập địa, Đẳng giác và Diệu giác.
Những quán hạnh đa, thiểu, xuất, nhập trong các pháp đó: nghĩa là Phát thu tâm thời từ giả nhập không quán; Trưởng dưỡng tâm thời xuất không quán nhập giả quán; Kim cương tâm thời xuất không giả nhập trung đạo quán; Thập địa thời nhập Thánh. Tập chủng tánh thời không quán thiểu (ít); Trưởng dưỡng tánh thời không quán đa (nhiều); Tánh chủng tánh thời giả quán thiểu; Bất khả hoại tánh thời giả quán đa; Đạo chủng tánh thời trung quán thiểu; Chánh pháp tánh thời trung quán đa. Lai tam quán (không giả trung) theo tuần tự mà tu thời là thiểu, còn tu tập cả trong nhất tâm thời là đa.
Mười chi thiền. Sơ thiền có 5 chi: 1) giác, 2) quán, 3) hỉ, 4) lạc, 5) nhứt tâm.
Nhị thiền có 4 chi: 1) Hỉ, 2) lạc, 3) nhất tâm, 4) nội tịnh.
Tam thiền có 5 chi: 1) lạc, 2) nhứt tâm, 3) xả, 4) niệm, 5) huệ.
Tứ thiền có 4 chi: 1) nhứt tâm, 2) xả, 3) niệm, 4) bất khổ bất lạc.
Nói tổng quát thời có mười chi thiền: 1) giác, 2) quán, 3) hỉ, 4) lạc, 5) nhứt tâm, 6) nội tịnh, 7) xả, 8) niệm, 9) huệ, 10) bất khổ bất lạc.
Trong văn, không hiểu giới khinh, trọng, thị, phi, thời mù mờ nơi giới tướng, không thể quyết nghi xuất tội.
Không hiểu đệ nhất nghĩa đế, thời mù mờ nơi giới lý (thể tánh của tất cả giới), không thể phát khởi chơn thiệt tín giải.
Không hiểu tập chủng tánh, v.v… thời mù mờ nơi định cộng giới, không thể tu chứng quả vị.
Không thông hiểu như thế mà lại làm tuồng là thông hiểu để được cúng dường nhiều, đệ tử đông, thành tội khi dối.
65. Trừ Quốc vương, vì Phật đem chánh pháp phó chúc cho Quốc vương hộ trì.
Nếu đem giới này giảng cho người chưa thọ thời có hai điều bất lợi:
a) Hạng căn khí tiểu thừa và ngoại đạo, người ác sẽ sanh niệm bất kính;
b) Về sau lúc thọ giới tâm trân trọng kém. Trong điều giới 39 , bảo phải giảng thuyết kinh luật Đại thừa cho tất cả chúng sanh, bất luận lúc nào và chỗ nào (luật Đại thừa là Bồ Tát giới). Trong điều giới thứ 42 này lại không cho giảng thuyết giới Bồ Tát trước những người chưa thọ giới Bồ Tát, vậy có chỗ nào mâu thuẫn chăng?
Xét ra nới điều giới 39 ở trong phạm vi giải nạn cứu khổ nên bảo giảng thuyết với tất cả. Còn trong điều giới 42 này thời vì ngừa tội lỗi nên cấm giảng cho người chưa thọ giới. Cứ theo đây mà suy cứu thời Bồ Tát giới chỉ cấm người chưa thọ dự nghe trong thời bố tát mỗi nửa thánh, nên khi bố tát, trước khi tụng giới phải bảo người chưa thọ ra ngoài, còn những lúc khác thì không kể. Không đồng như tiểu thừa giới (tỳ kheo, tỳ kheo ni giới) thì cấm hẳn, vì người chưa thọ cụ túc giới mà dự biết danh nghĩa những giới điều của tỳ kheo hay của tỳ kheo ni, thời thành chướng nạn, đời này không được thọ cụ túc giới. Ý trên đây là thể theo bộ Hiệp Chú.
66. Người thọ giới mà có tâm hộ trì thời từ người cho đến thiên thần đều kính trọng, còn mống tâm phá giới thời tất cả đều khinh khi. Đây là từ lúc mống tâm phá giới mà kết tội khinh, vì người đã thọ giới phải có bổn phận hộ trì, mống tâm muốn phá là thiếu bổn phận nên thành lỗi. Nếu đã phá giới thời tùy giới mà luận tội.
67. Theo văn, cúng dường kinh luật có 5 điều: 1) thọ trì, 2) đọc, 3) tụng (thuộc lòng), 4) biên chép, 5) hương hoa châu báu vàng bạc để đựng, để trang nghiêm.
Lột da, chích máu, chẻ xương là cử trọng để lệ cho khinh. Như tiền thân của đức Bổn Sư đã thật hành để cầu Pháp.
68. Thuyết pháp cho loài súc sanh cũng có lợi ích, vì ảnh hưởng của tâm lực (tư tưởng), nên trong văn có câu: “Tâm nghĩ miệng nói (nên chú ý hai chữ “tâm nghĩ”), và hoặc giả, có loài nhận được lời, hay hiểu ý của người.
Lưu Thủy trưởng giả với mười nghìn con cá mắc cạn, tôn giả Xá Lợi Phất với con chó bị chặt chưn, v.v… là những bằng cớ cho vấn đề này.
69. Bốn bộ đệ tử: 1) cư sĩ, 2) vợ cư sĩ, 3) đồng nam, 4) đồng nữ.
Không cho xuất gia thời là đoạn Tăng bảo; không cho tạo hình tượng, tháp thời là đoạn Phật bảo; không cho tạo kinh luật thời là đoạn Pháp bảo.
70. Người xuất gia được giảng thuyết Bồ Tát giới cho Quốc vương và các quan đã thọ giới, nhưng không được ở trước quan chức trị phạt phi pháp. Nếu đệ tử có lỗi chỉ nên theo luật mà trị phạt, không nên gông, trói như ngục tù, làm thương tổn thể thống người xuất gia.
Lại lấy sự ấp yêu con một của mẹ hiền và sự thờ kính cha mẹ của con thảo để tỷ dụ lòng của Phật tử hết sức kính mến giới luật.
71. Trì giới này đại lược có ba điều lợi ích:
1) Lìa khổ (đời đời không bị đọa ác đạo, bát nạn).
2) Được vui (thường sanh trong người trời hưởng phước).
3) Được gặp Phật gần Phật.
72. Ba nghìn học sĩ (Hán: tam thiên học sĩ): là những hàng đồng thọ trì Bồ Tát giới trong tam thiên đại thiên thế giới.
73. Tâm tạng chỉ cho ba mươi tâm (Thập phát thu tâm, Thập trưởng dưỡng tâm, Thập kim cương tâm). Địa tạng chỉ cho Thập địa. Giới tạng chỉ cho 10 giới trọng và 48 giới khinh. Vô lượng hạnh nguyện tạng là lục độ vạn hạnh của Đại thừa. Nhơn quả Phật tánh thường trụ tạng: Phật tánh tức là thật tướng, là nhơn của Đại thừa mà cũng là quả của Đại thừa.
74. Tức là phàm phu.
75. Tức là tiểu thừa
76. Trong đoạn kệ văn này vạch rõ sự lợi ích lớn của người trí giữ giới khi chưa thành Phật được hưởng 5 điều:
a) Được tất cả chư Phật trong mười phương thương tưởng hộ niệm luôn.
b) Vì giữ giới nên không tội không lỗi, lúc lâm chung tâm không loạn động, chánh niệm hiện tiền, sẽ được báo thân tốt hơn nên lòng an vui thơi thới.
c) Thọ trì giới Bồ Tát là đi trên đường của Phật, là bạn đồng học của Bồ Tát, nên thọ sanh nơi nào cũng được gần chư Bồ Tát cả.
d) Giới là nền tảng của tất cả công đức, thọ trì giới pháp thời có thể thành tựu nhiều công đức lớn, và lần được viên mãn Giới Ba la mật (giới độ).
e) Do trì giới nên xuất sanh định huệ, đạt tánh thể của giới, y tánh khởi tu nên phước được viên mãn, toàn tu tại tánh nên huệ được viên mãn. Phước và Huệ đều viên mãn là bực Vô thượng Chánh giác. Trong văn nói “Đời này và đời sau đủ giới và phước tuệ” là từ vị quán hạnh nhẫn đến đủ giới (đạt giới tánh) đủ phước huệ (phước trí viên mãn) chứng vị cứu cánh (Phật quả).
Đạt được thật tướng chơn tánh nên trong nhứt tâm đủ cả vạn hạnh. Toàn tánh khởi tu là vô học mà luôn học. Toàn tu tại tánh là luôn học mà vẫn vô học. Vì thế nên văn nói: “Nơi học nơi vô học, chớ mống tưởng phân biệt”. Vì phân biệt tức là sai với tánh thể thật tướng vậy.
Trì giới như minh châu, có ba nghĩa:
a) Giữ giới tròn vẹn không sai phạm như viên minh châu tròn trịa không tỳ vết.
b) Giữ giới thanh tịnh không ô nhiễm như viên minh châu trong suốt.
c) Giữ giới với tâm trí sáng suốt, nhờ sự trì phát huệ đạt tánh thể thành lý trì, như viên minh châu chói sáng.
Nhứt thế trí, nói đủ là “Nhứt thế trí trí” hay “Nhứt thế chủng trí”, là trí huệ vô thượng của Phật.
Dịch Giả: HT. THÍCH TRÍ TỊNH
ĐẠO TRÀNG LIÊN HOA