Thuyết Luân Hồi

31/01/2024 744 lượt xem

Hôm nay tôi sẽ nói về đề tài rất quen thuộc, đó là “Thuyết luân hồi” của đạo Phật. Với đề tài này nhiều người còn hoang mang, nhất là giới trí thức trẻ, không biết thuyết luân hồi có đúng không, tại sao đức Phật lại nói thuyết luân hồi. Vì vậy ở đây tôi sẽ thứ tự giải thích cho quí vị hiểu.

Sở dĩ đức Phật nói thuyết luân hồi là có lý do. Trước hết chúng ta tìm hiểu ngay bản thân đức Phật. Khi còn là Thái tử dạo bốn cửa thành, thấy cảnh sanh già bệnh chết, Ngài có những thắc mắc trong lòng. Chính vì thế Thái tử không yên tâm sống trong cảnh vương giả, nên quyết chí tu hành. Thắc mắc trước kia của Ngài cũng có thể là thắc mắc của tất cả chúng ta hiện giờ, nhưng mình ít quan tâm tìm cách giải quyết.

Thắc mắc thứ nhất, Ngài nghĩ con người ai cũng bị sanh già bệnh chết khổ như nhau, vậy từ đâu chúng ta đến đây? Thắc mắc thứ hai, sau khi chết rồi ta sẽ đi về đâu? Thắc mắc thứ ba, muốn ra khỏi vòng sanh tử đó phải làm sao? Đó là ba vấn đề tối hệ trọng của kiếp con người.

Bởi thắc mắc như vậy nên Ngài không yên tâm sống trong cảnh nhung lụa, vui theo thế gian nên mới quyết tâm đi tu. Khi đã đi tu, ban đầu Ngài tìm đến những vị nổi tiếng thời đó để học đạo. Các vị thầy ấy dạy cho Ngài tu chứng từ Sơ thiền tới Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Ngài thấy cũng chưa giải quyết được vấn đề mình thắc mắc. Thế là tìm thầy khác cao hơn, Ngài tiếp tục đạt các quả vị từ Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ cho đến Phi phi tưởng xứ. Được bốn tầng định cao tột ấy rồi Ngài thấy cũng chưa giải quyết được ba vấn đề mình hằng ôm ấp trong lòng. Lúc này không còn vị thầy nào đủ sức chỉ giáo cho Ngài nổi nữa.

Ngài từ giã các vị thầy đó, tìm cách tu khác. Hồi xưa ở Ấn Độ nhiều người cho rằng tu khổ hạnh đến chỗ tột cùng sẽ ngộ đạo, nên Ngài cũng tu khổ hạnh hết sáu năm, rốt cuộc không giải quyết được ba vấn đề trên. Cuối cùng Ngài tới cội bồ-đề trải cỏ ngồi kiết-già. Khi ngồi xuống đây, Ngài thệ nguyện rằng: “Ta ngồi dưới cội cây này nếu không thành đạo, thà xương tan thịt nát quyết không rời khỏi cội cây này.” Với ý chí quyết liệt như thế, suốt bốn mươi chín ngày đêm thiền định dưới cội bồ-đề, tới đêm thứ bốn mươi chín Ngài giác ngộ thành Phật, giải quyết triệt để ba vấn đề trọng đại đã thắc mắc lâu nay.
Ngộ đạo là ngộ cái gì? Trước tiên Ngài chứng được Túc mạng minh. Chữ “túc” là đời trước, “mạng” là sanh mạng, “minh” là sáng suốt. Túc mạng minh là sáng suốt, thấu rõ tột cùng đời trước của mình, giải đáp được câu hỏi thứ nhất “ta từ đâu đến đây”. Trong kinh diễn tả Ngài thấy rõ, nhớ rõ từ vô số kiếp về trước của mình, như việc mới xảy ra hôm qua. Đời trước Ngài đã từng sanh ở đâu, làm gì… tất cả những chuyện quá khứ của Phật sau này được các thầy Tỳ-kheo kết tập lại thành kinh Bản Sanh. Ngài cũng thấy biết đời trước của các đệ tử sanh ở đâu, làm gì… được kết tập thành kinh Bản Sự. Như vậy cái nhớ của Ngài là trực tiếp nhớ chớ không qua ai kể lại, cũng không phải do suy luận mà ra. Đó là giải quyết được nghi vấn thứ nhất.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10

×