Trong thân thể con người 70% là nước. Theo giáo sư Masaru Emoto thì nước chịu ảnh hưởng và biến thái theo tình cảm và ý nghĩ của con người. Thí dụ một người cầm trong tay một ly nước lọc và nghĩ tưởng đến “tình thương” (love), sau đó giáo sư Emoto đem ly nước đó ra làm đông đặc và chụp hình thì thấy nó cho ra những tinh thể nước (water crystal) rất đẹp với cấu trúc cân đối, màu sắc trong sáng. Cũng cùng một ly nước đó, nhưng người cầm khởi lên ý nghĩ xấu ác như thù ghét, ganh tị thì tinh thể biến dạng trở nên méo mó hỗn độn, màu sắc u ám. Thí dụ khác, không cần phải có người cầm ly nước với ý nghĩ mà chỉ cần viết xuống mảnh giấy một câu tốt lành như “tình thương” rồi để ly nước lên trên, cũng cho ra kết quả chẳng khác gì người cầm ly nước. Từ đó cho thấy những tư tưởng, ý niệm dù dưới hình thức nào, trong ý nghĩ hay chữ viết cũng đều tỏa ra năng lượng (energy) và rung động (vibration) ảnh hưởng đến tính chất của nước. Giáo sư Emoto đã gia công thử nghiệm và chụp hàng trăm tấm hình tinh thể nước với nhiều ý tưởng và cảm xúc khác nhau.
Một ly nước với những tinh thể tươi đẹp, cân đối thì khi uống vào chắc chắn sẽ nuôi dưỡng và truyền năng lượng tốt vào cơ thể. Một ly nước với những tinh thể hỗn độn, méo mó thì chắc chắn sẽ làm cho cơ thể bệnh hoạn. Thuở xưa, trong các Thiền Viện ở Nhật Bản, người nấu ăn cho đại chúng là người đứng hàng thứ hai sau vị trụ trì. Bởi vì nấu ăn cho đại chúng là một việc rất quan trọng, phải là người có nhiều lòng từ bi, biết lo lắng cho sức khỏe của họ, chứ không cần phải là người biết nấu ăn ngon. Bởi vì nấu ăn ngon mà tâm toát ra nhiều phiền não, tham, sân, ngã mạn, ganh tị thì những tư tưởng xấu ác này sẽ thấm vào nước, vào đồ ăn, và sẽ làm hại sức khỏe của đại chúng.
Trên đây là nói về nước và thức ăn từ bên ngoài. Nhưng nước bên trong cơ thể con người như máu, đờm, dãi, mật, tủy, v.v… cũng chịu ảnh hưởng của ý nghĩ, và tình cảm của đương sự. Như ta thấy, chỉ cần khởi nghĩ một tâm niệm xấu ác đã làm biến chất một ly nước bên ngoài, huống chi là nước ngay bên trong cơ thể của người nghĩ. Vậy thì khi mình khởi lên những ý nghĩ xấu ác như tức giận, lo âu, sợ hãi, thù ghét, ganh tị, v.v… có phải là mình đang tự đầu độc mình không?
Cổ nhân thường nói “Ngậm máu phun người, trước dơ miệng mình”. Ý đó cũng nói khi muốn làm dơ kẻ khác thì mình đã tự làm dơ mình trước. Khi nổi sân, mắng chửi người khác, lúc đó trong người ta tim đập mạnh, huyết áp tăng, mặt mày xây xẩm. Nếu chẳng may ta có bệnh cao huyết áp thì có thể bị đứt mạch máu. Do đó mới có câu “tức hộc máu mà chết”. Nếu không chết hộc máu vì sân thì từ từ tim mạch cũng bị hư hoại dần và sẽ có ngày trụy tim mà chết.
Nếu chúng ta biết thương mình thì hãy tập giữ gìn tâm ý, đừng nghĩ xấu ác đối với kẻ khác. Vì nghĩ xấu kẻ khác chính là tự hại mình, tự đầu độc mình. Nếu có lỡ nghĩ xấu thì phải nhanh trí sửa lại, vì ta là chủ của sự suy nghĩ kia mà!
Chú giải:
Masaru Emoto: Tiến sĩ Nhật, tác giả sách “The hidden messages in water“.
(Trích “Dòng Đời Vô Tận”)
Hòa thượng Thích Trí Siêu