Biểu lộ cái giận không phải luôn luôn là một điều tốt. Khi để nó phát hiện và duy trì nó là ta càng làm cho hạt giống giận mạnh hơn trong tiềm thức ta. Biểu lộ sự giận dữ với người làm ta giận có thể gây nhiều đổ vỡ.
Có những người chọn cách đập gối để trút cái giận ra ngoài. Họ vào phòng, đóng kín cửa lại và trút tất cả cơn giận dữ vào cái gối bằng cách đập nó túi bụi. Có người cho rằng làm như vậy là tiếp xúc với cái giận. Tôi thì không nghĩ như vậy. Làm như vậy cũng không phải là tiếp xúc với cái gối. Nếu mình hiểu cái gối là gì, mình sẽ không đánh đập nó túi bụi như vậy. Có điều sau khi đập gối một lúc thì ta mệt đừ và cảm thấy đỡ tức tối hơn. Nhưng thật ra căn nguyên cái giận vẫn còn nằm y nguyên trong ta. Sau khi ăn uống no nê, sức lực ta trở lại, và lúc đó nếu có ai tưới tầm hạt giống giận ấy trong ta, cơn giận sẽ bộc phát lại ngay và ta lại phải đi tìm cái gối để cho đỡ khổ.
Cho nên cách đập gối cho đỡ giận chỉ làm ta nguôi ngoai trong chốc lát chứ không làm ta hết giận thật sự. Ta phải nhìn sâu vào cơn giận, tìm hiểu nó tận gốc rễ, nếu không, hạt giống của cái giận sẽ mọc trở lại rất nhanh.
Trong đời sống hằng ngày, nếu ta chuyên tâm gieo trồng cho thật nhiều hạt giống tốt lành, những hạt giống này sẽ chăm sóc cho hạt giống giận của ta và dần dần chuyển hóa nó mà ta không cần phải cố gắng nhiều.
Chánh niệm của ta như mặt trời rọi ánh sáng lên mọi thứ. Mặt trời có vẻ không làm gì nhiều, thế mà khi cây cối được ánh sáng mặt trời chiếu soi là chuyển đổi không ngừng. Hoa phù dung thường khép cánh lại khi trời xụp tối, thế mà chỉ cần có ánh mặt trời chiếu xuyên qua nó trong vài giờ là nó lại hé mở, không cưỡng lại được.
Chánh niệm của ta cũng vậy, nếu được nuôi dưỡng thường xuyên, sẽ soi thấu vào lòng cái giận khiến nó phải mở tung ra để ta thấy rõ bản chất của nó. Khi ta thấy rõ được bộ mặt thật của cái giận, ta sẽ không còn bị nó khống chế nữa, ta sẽ được giải thoát.
(Trích “Phần II: Chuyển hóa và trị liệu – An Lạc Từng Bước Chân”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh