Kinh Pháp Cú (Lời Phật Dạy)

16/07/2022 9.788 lượt xem

KINH PHÁP CÚ (DHAMMAPADA)

Dịch Việt: Hòa thượng Thích Thiện Siêu, 1959, 1998
TỊNH MINH dịch Việt / thể kệ – Sài Gòn, PL. 2539 – TL. 1995
Sưu tập và hiệu đính: Nguyên Định, Mùa Phật Đản PL.2550- 2006; bổ sung, Mùa Vu Lan PL.2555- 2011

LỜI PHẬT DẠY
(Pháp cú – Dhammapada) THÍCH THIỆN SIÊU dịch

Lời dịch giả

KINH PHÁP CÚ là cuốn Kinh chọn lọc những lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế. Suốt trong 45 năm thuyết pháp, đức Phật đã nói rất nhiều Pháp ngữ, bao gồm nghĩa lý thâm thiết để cởi mở nghiệp khổ cho chúng sanh mà đưa họ đến Niết bàn an lạc. Những giáo pháp ấy, ngay ba tháng sau khi Phật diệt độ, các vị Cao đồ đã hội họp kết tập thành Tam tạng để truyền lại cho hậu thế noi theo. Đồng thời, những câu dạy ngắn gọn đầy ý nghĩa của Phật trong ba trăm trường hợp giáo hóa khác nhau, cũng được kết tập thành kinh Pháp cú này và lưu truyền mãi cho đến ngày nay.

Thường thường chúng ta thấy trong báo chí, sách vở của các nhà nghiên cứu Phật học hay trích dẫn những câu nói ngắn gọn nhưng rất có giá trị của đức Phật, là phần nhiều ở Kinh này mà ra.
Cuốn Kinh này gồm 26 Phẩm, 423 câu (bài kệ), là cuốn thứ hai trong 15 cuốn thuộc Kinh Tiểu Bộ (Khuddaka-Nikaya) trong Kinh tạng Pali và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng ở Á Châu và Âu Mỹ.
Theo chỗ chúng tôi được biết, có bản chữ Anh của Giáo sư C.R. Lanman, do Đại học đường Havard tại Mỹ quốc xuất bản, bản chữ Nhật của Phước đảo Trực tứ lang, xuất bản tại Nhật, và các bản Hán dịch rất cổ với danh đề Pháp cú kinh, Pháp tập yếu tụng v.v…

Xưa nay các nước Phật giáo Nam truyền như Tích Lan, Miến Điện v.v…đều đặc biệt tôn bộ Kinh này làm bộ Kinh nhật tụng quý báu, hàng Tăng giới ít ai không biết, không thuộc, không hành trì, và hàng Cư sĩ cũng lấy đó phụng hành để sống một đời sống an lành thanh khiết.

Riêng tại Việt Nam, lâu nay thấy có trích dẫn, nhưng chưa ai dịch hết toàn bộ. Nay nhân dịp may, tôi gặp được bản kinh Pháp cú do Pháp sư Liễu Tham vừa dịch từ nguyên bản Pali ra Hán văn, với sự tham khảo chú thích rạch ròi, có thể giúp chúng ta đọc như đọc thẳng bản văn Pali, nên tôi kính cẩn dịch ra để góp vào kho Phật kinh tiếng Việt, mà chúng ta hy vọng một ngày nào đó sẽ được thực hiện đầy đủ.

Gần đây Hoà Thượng Thích Minh Châu cũng đã dịch toàn văn kinh Pháp cú từ bản Pali và in song song cả hai thứ chữ Việt – Pali, tạo thuận lợi rất nhiều cho việc học hỏi thêm chính xác và sâu sắc hơn đối với lời Phật dạy.

Đọc xong kinh Pháp cú, độc giả sẽ thấy trong đó gồm những lời dạy về triết lý cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Những lời dạy cho hàng xuất gia tất nhiên không bao hàm tại gia, nhưng những lời dạy cho hàng tại gia đương nhiên trùm cả hàng xuất gia. Do đó dù ở hạng nào, đọc cuốn kinh này, cũng thu thập được nhiều ích lợi thanh cao.
Tôi tin rằng những lời dạy giản dị mà thâm thúy trong kinh Pháp cú có thể làm cho chúng ta mỗi khi đọc đến thấy một niềm siêu thoát lâng lâng tràn ngập tâm hồn, và những đức tính từ bi hỉ xả, bình tĩnh, lạc quan vươn lên tỏa rộng giữa những ngang trái, hẹp hòi, khổ đau, điên đảo của cuộc thế vô thường.

Bản dịch này tôi đã xuất bản lần đầu tiên năm 1959 (*) và sau đó đã nhiều lần tái bản. Nay, lại có thiện duyên, bản dịch này được tái bản để pháp bảo lưu thông rộng rãi.

Phật Lịch 2542-1998

Ngày Phật Thành Đạo THÍCH THIỆN SIÊU


I. PHẨM SONG YẾU (1)
(YAMAKAVAGGO)

1. Trong các pháp(2), tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo(3).

2. Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm thanh tịnh, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình.

3. “Nó lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt tôi”, ai còn ôm ấp tâm niệm ấy, thì sự oán hận không thể dứt.

4. “Nó lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt tôi”, ai bỏ được tâm niệm ấy, thì sự oán hận tự dứt.

5. Ở thế gian này, chẳng phải hận thù trừ được hận thù, chỉ có từ bi trừ được hận thù. Đó là định luật ngàn thu (4).

6. Người kia(5) không hiểu rằng: ”Chúng ta săp bị hủy diệt(6)” (mới phí sức tranh luận hơn thua). Nếu họ hiểu rõ điều đó thì chẳng còn tranh luận nữa.

7. Người chỉ muốn sống khoái lạc(7), không nhiếp hộ các căn, ăn uống vô độ, biếng nhác chẳng tinh cần, người ấy thật dễ bị ma(8) nhiếp phục, như cành mềm trước cơn gió lốc.

8. Người nguyện ở trong cảnh chẳng khoái lạc (9), khéo nhiếp hộ các căn, ăn uống tiết độ, vững tin và siêng năng, ma không dễ gì thắng họ, như gió thổi núi đá.

9. Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế (10), không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.

10. Rời bỏ các cấu uế, khéo giữ gìn giới luật, khắc kỷ và chân thành, người như thế đáng mặc ao cà sa.

11. Phi chơn(11) tưởng là chân thật, chơn thật(12) lại thấy là phi chơn, cứ tư duy một cách tà vạy, người như thế không thể đạt đến chân thật.

12. Chơn thật nghĩ là chơn thật, phi chơn biết là phi chơn, cứ tư duy một cách đúng đắn, người như thế mau đạt đến chân thật.

13. Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột, cũng vậy, người tâm không khéo tu ắt bị tham dục lọt vào.

14. Nhà khéo lợp kín ắt không bị mưa dột, cũng vậy, người tâm khéo tu ắt không bị tham dục lọt vào.

15. Đời này chỗ này buồn, chết rồi chỗ khác buồn, kẻ làm điều ác nghiệp, cả hai nơi đều lo buồn , vì thấy ác nghiệp mình gây ra, kẻ kia sinh buồn than khổ não.

16. Đời này chỗ này vui, chết rồi chỗ khác vui, kẻ làm điều thiện nghiệp, cả hai nơi đều vui, vì thấy thiện nghiệp mình đã làm, kẻ kia sinh ra an vui, cực vui.

17. Đời này chổ này khổ, chết rồi chỗ khác khổ, kẻ gây điều ác nghiệp, cả hai nơi đều khổ, buồn rằng “ta đã tạo ác” phải đọa vào ác thú khổ hơn(13).

18. Đời này chỗ này hoan hỷ, chết rồi chỗ khác hoan hỷ, kẻ tu hành phước nghiệp, cả hai nơi đều hoan hỷ, mừng rằng “ta đã tạo phước” được sinh vào cõi lành hoan hỷ hơn.

19. Dù tụng nhiều kinh mà buông lung không thực hành thì chẳng huởng được phần ích lợi của Sa môn, khác nào kẻ chăn bò thuê, lo đếm bò cho người (14).

20. Tuy tụng ít kinh mà thường y giáo hành trì, hiểu biết chân chánh, từ bỏ tham sân, si, tâm hiền lành, thanh tịnh, giải thoát, xa bỏ thế dục, thì dù ở cõi này hay cõi khác, người kia vẫn hưởng phần ích lợi của Sa môn.


CHÚ THÍCH

  • 1. Những pháp yếu được diễn nói theo cách song đối.
  • 2. Pháp tức là Dhamma. Ở đây chỉ về pháp bất thiện, ở câu thứ hai chỉ về pháp thiện.
  • 3. Nguyên văn: Cakkam va vahato padam, nên dịch là: “Như bánh xe lăn theo chân con thú kéo xe”.
  • 4. Nguyên văn: Sanantano, có nghĩa là đời xưa. Cổ pháp (Sanantano Dhamma, hoặc Paranako Dham-ma) tức chỉ cho tất cả pháp tắc vĩnh cửu bất dịch mà chư Phật và đệ tử quá khứ đã gìn giữ và truyền dạy.
  • 5. Chỉ người tranh luận. Nhân khi Phật ở Kỳ đà lâm, đối với các vị Tỷ kheo ưa tranh luận tại Câu sanh bì (Kosambi)ù mà nói kinh này, nên có sự xưng hô đó.
  • 6. Nguyên văn: Mayametthayamamasa, ý nói thẳng thì “chúng ta sắp bị diệt vong vì luật vô thường”. 7. Tự cho thân mình trong sạch rồi đắm ưa hoài
  • 8. Ma vương (Ma ra) ở đây chỉ tình dục.
  • 9. Chẳng khoái lạc (asubha) chỉ phép bất tịnh quán, như quán thân với 32 điều bất tịnh v.v…
  • 10. Chỉ tham dục v.v…
  • 11. Như bốn thứ tư cụ là áo, cơm, thuốc uống, nhà ở và mười thứ tà kiến v.v…
  • 12. Như giới, định, huệ và chánh kiến v.v…
  • 13. Do tạo ác nghiệp mà đưa đến sự bi ai trong đời này gọi là “Buồn tôi đã tạo ác”. Nhưng mà nỗi bi ai này còn có hạn chứ tương lai đọa vào ác đạo thọ báo lâu dài, cái khổ này mới vô cùng.
  • 14. Kẻ chăn bò thuê cứ sáng sớm dắt bò ra đồng, tối lại lùa bò về chuồng giao cho chủ, ngày ngày chỉ đếm bò mà đổi lấy ít tiền công, còn sữa, lạc, sanh tô, đề hồ của bò thì anh ta không hưởng được. Tụng kinh mà không tu hành theo kinh thì chẳng hưởng được lợi ích của kinh, của kẻ tu hành.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26

×