Nếu bạn có tâm hồn thi sĩ khi nhìn vào một tờ giấy, bạn sẽ thấy một đám mây bay trong ấy. Không có mây thì không có mưa, không có mưa thì cây cối không mọc được, và nếu không có cây thì làm sao có tờ giấy này trong tay bạn? Cho nên tờ giấy có mặt là vì đám mây có mặt, không có mây thì không có tờ giấy. Đám mây và tờ giấy phải nương vào nhau để hiện hữu, cái đó gọi là tương tức. Chữ này tiếng Anh tôi dịch là inter-being, chưa có trong tự điển.
Nếu nhìn tờ giấy kỹ hơn, sâu hơn, ta cũng sẽ thấy ánh nắng mặt trời lấp lánh trong đó. Bởi vì nếu không có ánh mặt trời, làm sao rừng cây mọc được. Dĩ nhiên không có gì mọc được nếu không có mặt trời. Cho nên trong tờ giấy cũng có ánh mặt trời. Tờ giấy và ánh mặt trời phải nương vào nhau mà có. Nếu ta tiếp tục quán chiếu, ta sẽ thấy bác tiều phu đang cưa cây và đem cây đến nhà máy để cây được chế biến làm ra bột giấy.
Ta cũng sẽ thấy đồng lúa vì nếu không có lúa bác tiều phu đâu có cơm để ăn mỗi ngày. Rồi ta thấy cả hai người đã sinh ra bác tiều phu. Do đó ta thấy nếu không có tất cả các điều kiện kể trên, tờ giấy không thể nào có mặt được. Nhìn sâu hơn nữa ta cũng sẽ thấy ta có mặt trong tờ giấy. Cái này không có gì khó hiểu, vì khi ta nhìn tờ giấy, tờ giấy là một phần của trí giác ta. Cho nên bạn và tôi đều có mặt trong tờ giấy. Có thể nói rằng tờ giấy chứa đựng tất cả, không có gì mà không có mặt trong tờ giấy; không gian, thời gian, đất nước, khoáng chất, ánh mặt trời, đám mây, dòng sông, hơi nóng…
Mọi thứ nương nhau mà có trong tờ giấy này. Mọi thứ có mặt trong nhau, vì vậy tôi mới dịch tương tức là “inter-be”. Giả sử ta gửi trả ánh nắng lại cho mặt trời thì tờ giấy này còn hiện hữu được không? Không có ánh mặt trời, không còn gì có thể tồn tại. Cũng vậy, nếu ta gửi trả bác tiều phu lại cho bố mẹ bác thì tờ giấy này cũng không thể có mặt.
Vì vậy tờ giấy này được làm ra bởi những yếu tố “không phải giấy”, như là tâm thức của ta, bác tiều phu, ánh nắng mặt trời…, tờ giấy không thể nào được tạo tác ra. Do đó, tờ giấy tuy rất mỏng nhưng chứa đựng cả vũ trụ trong lòng nó.
(Trích “Phần III: An Lạc Từng Bước Chân – An Lạc Từng Bước Chân”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh