25 Đại Nguyện của Đức Phật Bất Động Tôn Giáo Chủ cõi Diệu Hỷ

17/07/2016 1.632 lượt xem

Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí-Tịnh
Anh dịch: Quảng Định / Quảng Hiếu hiệu đính

1- Bạch đức Thế Tôn! Từ hôm nay con phát tâm Vô thượng Bồ đề, dùng lòng không dua dối, lời nói chơn thiệt chẳng đổi khác để cầu nhứt thiết chủng trí. Từ nay cho đến chừng nào chưa được Vô thượng Bồ đề, đối với tất cả chúng sanh nếu con sanh lòng sân hại thì chính là trái bỏ chư Phật Như Lai hiện đương thuyết pháp trong vô lượng vô số vô biên thế giới.

2- Bạch đức Thế Tôn! Nay phát tâm nhứt thiết chủng trí này hồi hướng như vậy. Nếu giữa chừng con lại phải phát tâm Thanh văn, Duyên Giác thì là khi dối tất cả chư Phật.

3- Bạch đức Thế Tôn! Nay con phát tâm nhứt thiết chủng trí này hồi hướng như vậy, nhẫn đến chừng nào chưa đươc Vô thượng Bồ Đề, đối với tất cả chúng sanh nếu con sanh lòng ái dục sân hại ngu si, hoặc tương ưng với hôn trầm cống cao ác tác, là khi dối tất cả Như Lai.

4- Bạch đức Thế Tôn! Nay con phát tâm nhứt thiết chủng trí này hồi hướng như vậy, nhẫn đến chừng nào chưa được Vô thượng Bồ Đề, nếu con sanh lòng nghi hoặc lòng sát hại, lòng trộm cắp, hoặc khởi tà kiến, phi phạm hạnh, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, tổn hại, thì là khi dối tất cả chư Phật.

5- Bạch đức Thế Tôn! Nay con phát tâm nhứt thiết chủng trí hồi hướng Vô thượng Bồ đề như vậy. Nhẫn đến chừng nào chưa chứng Vô thượng Bồ đề, chỗ tu hành nếu trái lời ấy thì là khi dối chư Phật Như Lai hiện đương thuyết pháp tại vô lượng vô số thế giới.

6- Bạch đức Thế Tôn! Nay con phát đại tâm hồi hướng Vô thượng Bồ Đề như vậy. Nhẫn đến chừng nào chưa được Vô thượng Bồ đề nếu ở mỗi lời nói chẳng tương ưng với niệm Phật và nhứt thiết chủng trí thì là khi dối tất cả chư Phật.

7- Bạch Đức Thế Tôn! Nay con phát tâm hồi hướng như vậy, nhẫn đến chừng nào chưa chứng Vô thượng Bồ Đề, nếu đời đời làm người tại gia mà chẳng xuất gia thì là khi dối tất cả chư Phật.

8- Bạch đức Thế Tôn! Nay con phát đại tâm hồi hướng như vậy, nhẫn đến chừng nào chưa chứng Vô thượng Bồ đề, đời đời xuất gia nếu chẳng khất thực, chẳng một lần ngồi ăn, chẳng ăn tiết giảm, chẳng trì ba y, chẳng đắp y phấn tảo, chẳng theo chỗ mà ngồi, chẳng thường ngồi, chẳng ở A Lan Nhã, chẳng ở dưới cây, chẳng ngồi chỗ trống, chẳng ở gò mả thì là khi dối tất cả chư Phật.

9- Bạch đức Thế Tôn! Nay con phát tâm đại Bồ đề nầy hồi hướng như vậy, nhẫn đến chừng nào chưa được nhứt thiết chủng trí, nếu con chẳng thành tựu biện tài và ngại thuyết các diệu pháp, thì là khi dối tất cả chư Phật.

10- Bạch đức Thế Tôn! Nay con phát tâm như vậy, nhẫn đến chừng nào chưa được Vô thượng Bồ đề, nếu con chẳng an trụ ba oai nghi hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc kinh hành, thì là khi dối vô lượng chư Phật.

11- Bạch đức Thế Tôn! Nay con phát tâm vô thượng nhẫn đến chừng nào được nhứt thiết chủng trí, nếu đối với chúng sanh con phạm tội căn bổn, hoặc nói vọng ngữ và những lời huyên náo thế lực khác hoặc khởi lòng tồi phục luận thuyết của người khác, thì là khi dối vô số chư Phật.

12- Bạch đức Thế Tôn! Nay con phát tâm nhứt thiết chủng trí nầy an trụ hồi hướngVô thượng Bồ đề, hoặc có lúc thuyết pháp cho hàng phụ nữ, nếu con chẳng khởi cảm tưởng vô thường khổ không vô ngã mà lại nghĩ đến tướng người nữ và nhe răng cười, thì là khi dối tất cả chư Phật.

13- Bạch đức Thế Tôn! Nay con phát tâm nhứt thiết chủng trí hồi hướng vô thượng Bồ đề, nếu trong khi thuyết pháp nhìn ngó chỉ trỏ khinh tháo hoặc thấy các Bồ Tát khác mà chẳng nghĩ tưởng là bực đại sư, thì là khi dối vô số chư Phật.

14- Bạch đức Thế Tôn! Nay con phát tâm nhứt thiết chủng trí hồi hướng Vô thượng Bồ đề, trừ Sa Môn đệ tử của chư Phật, nếu tội ngồi nghe pháp và lễ Sa Môn, Bà La Môn ngoại đạo, thì là khi dối tất cả chư Phật.

15- Bạch đức Thế Tôn! Nay con phát đại tâm nầy nhẫn đến Vô thượng Bồ đề, lúc thật hành tài thí, pháp thí, nếu lòng con còn có bỉ thử, với chỗ đáng cúng dường lại sanh lòng giản dị thì khi dối tất cả chư Phật.

16- Bạch đức Thế Tôn! Nay con phát tâm nhứt thiết chủng trí, nhẫn đến Vô thượng Bồ đề, nếu thấy các người tội sắp bị hình phạt mà chẳng xả thân mạng để cứu hộ họ, thì là khi dối tất cả chư Phật.

17- Bạch đức Thế Tôn! Nay con phát tâm nhứt thiết chủng trí này, nhẫn đến chừng nào chưa chứng Vô thượng Bồ đề, giữa chừng nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di nào phạm tội, mà con đi nói tội phạm của họ thì là trái bỏ chư Phật Như Lai.

18- Bạch Đức Thế Tôn! Con tu công hạnh ấy nguyện thành Vô thượng Bồ đề, làm cho cõi nước con rộng lớn thanh tịnh, chúng Thanh Văn đều không có lầm lỗi.

19- Bạch đức Thế Tôn! Nay con phát tâm nhứt thiết chủng trí, nhẫn đến chừng nào con chưa chứng Vô thượng Bồ đề, nếu sanh tưởng niệm dâm dục tiết ra bất tịnh, cho đến trong lúc chiêm bao, thì là trái bỏ chư Phật Như Lai vậy.

20- Bạch đức Thế Tôn! Con nay phát nguyện như vầy: Con tu đại hạnh này chứng vô thượng Chánh Giác, khiến trong nước tôi, những Bồ Tát xuất gia trong lúc chiêm bao cũng không tưởng dục tiết ra bất tịnh.

21- Bạch đức Thế Tôn! Nay con phát tâm nhất thiết chủng trí nhẫn đến chứng được Vô thượng Bồ đề, trong nước tôi, nếu hàng nữ nhân còn có lỗi lầm của người nữ như các nước khác thì con chẳng ở ngôi Chánh Giác. Nếu ở nơi chánh giác là khi dối tất cả chư Phật.

22- Bạch đức Thế Tôn! Con nay phát nguyện như vầy: Lúc con thành Phật, tất cả Bồ Tát trong nước tôi, do oai lực của Phật, nghe con thuyết pháp đều thọ trì đọc tụng hay phụng sự chư Phật Như Lai, từ một cõi Phật đến một cõi Phật, nhẫn đến chừng nào chưa chứng Vô thượng Bồ đề, thường chẳng xa rời chư Phật Thế Tôn, cũng như con vậy, chỉ trừ người đến cung trời Đâu Suất ở ngôi bổ xứ.

23- Bạch đức Thế Tôn! Con nay phát nguyện như vầy: Nếu con thành Phật, trong nước con những người hành Bồ Tát thừa và những người hành Thanh Văn thừa đều dứt hết ma nghiệp. Các ma chúng chẳng có được dịp dễ, như con lúc hành Bồ Tát đạo dứt tất cả ma nghiệp, chư Bồ Tát ấy nhẫn đến chưa thành những công đức lớn, thường siêng nhiếp thọ tu hành Bồ đề hạnh.

24- Bạch đức Thế Tôn! Con nay phát nguyện như vầy: Lúc con thành Phật, trong nước tôi, chư Bồ Tát đều được pháp thân viên mãn như con không khác.

25- Bạch đức Thế Tôn! Con nay phát nguyện như vầy:Giả sử hư không có đổi khác, hoằng thệ của con trọn chẳng thối chuyển.

×