Chơn Nghĩa Của Pháp Môn Tịnh Độ Chỉ Có Phật Mới Biết Hết

21/03/2024 69 lượt xem

Ba bộ kinh Phật dạy về pháp môn Tịnh Ðộ không hề có trình bày một luận lý nào thâm diệu, trái lại, từ lời văn cho đến ý nghĩa, hết thảy rất bình dị đơn giản; do đó một số người lầm tưởng rằng phương pháp Niệm Phật không có học lý. Họ cho rằng đó chỉ là một phương pháp để an ủi các ông già bà lão mà thôi, chứ không phải phương pháp dành cho các bậc thức giả triết sĩ tu tập. Họ nghĩ rằng nếu những người như họ mà cũng làm theo thì nào có khác gì ông già bà lão hay kẻ ngu phu! Họ sẽ làm trò cười cho thiên hạ. Nhưng không, chính họ đã lầm to!

Trong các kinh nói về Tịnh Ðộ, sở dĩ Phật không dùng lý để lập luận một cách chặt chẽ mà chỉ chuyên khuyên phát tín tâm và thực hành, không phải vì pháp môn Tịnh Ðộ không có lý nghĩa vững chãi chẳng qua vì nghĩa lý ấy quá thâm diệu và “bất khả tư nghị”, lại thêm ngữ ngôn chỉ hữu hạn, không thể nào nói đầy đủ được, dù cho có nói nhiều đến đâu cũng chỉ diễn tả được một khía cạnh nào đó thôi, không sao tránh được thiếu sót, không sót bên nọ cũng sót bên kia, hoặc nói được một lại sót đến mười. Đó là các lý do khiến Phật không lý luận mà chỉ chuyên khuyên tu trì, thật hành phép Niệm Phật. Nếu hành giả quyết tâm tu trì, một cách chơn chánh và thiết thực thì tất cả nền giáo lý Phật Đà đều đã hàm chứa trong đó rồi. Tu theo pháp môn Tịnh Ðộ ví như tắm nước biển, trong nước biển vốn đã có cả nước trăm sông ngàn hồ quy tụ về.

Còn nói đến ý nghĩa và cảnh giới của pháp môn ấy thì duy chỉ có Phật mới liễu ngộ được hết cái tinh vi, uẩn áo, cái cao thâm diệu vợi của nó mà thôi, dù cho với trí tuệ của các bậc Đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí v.v… cũng chưa hiểu biết đến chỗ cùng tận

Chúng ta thử nghĩ, nếu phương pháp trì danh niệm Phật không phải thật có nghĩa cao siêu và công đức bất khả tư nghị thì tại sao trong kinh “Phật thuyết A Di Đà”, Phật dạy rằng khi Phật nói kinh đó thì hết thảy chư Phật trong sáu phương đều tán thán và hộ niệm? Như vậy, thì biết rằng pháp môn ấy đặc biệt và nhiệm mầu như thế nào?

Vả lại, trong kinh nói: “Không thể nhờ một ít nhơn duyên phước đức thiện căn mà có thể vãng sanh được”. Tiếp đó, Ngài lại dạy: “Bảy ngày chấp trì danh hiệu, đạt được nhất tâm bất loạn thì liền được vãng sanh”. Như thế thì thiện căn phước đức nhơn duyên của sự chấp trì danh hiệu quả không phải nhỏ vậy.

(Trích: Chương VII: Chung Quanh Vấn Ðề Vãng Sanh – Pháp Môn Tịnh Độ)
Hòa Thượng: Thích Trí Thủ

×