Không Nên Ngộ Nhận Lý Luận: Tự Tánh Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ

23/03/2024 256 lượt xem

Có người vì quá thiên trọng lý thuyết nên khinh lờn thực hành. Lý họ thường viện ra câu: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Ðộ”, rồi liền lầm cho rằng Tịnh Ðộ chỉ ở trong tâm, làm gì có cõi Tây phương mà hằng mong về! Thế là, họ phủ nhận tất cả 48 đại nguyện của đức A Di Đà và thế giới Cực Lạc trang nghiêm.

Có sự chấp nệ tai hại ấy, nguyên do chỉ vì họ lầm lẫn hai hiện tượng Chân Ðế và Tục Ðế mà họ vô tình đem trộn lại làm một. Vì lấy thể làm dụng nên thể dụng hỗn loạn, chân tục bất phân. Đã là người học Phật, ít nhất cũng đã từng đọc qua bài Bát Nhã Tâm Kinh. Trong tâm kinh có dạy rằng: “Vô trí diệc vô đắc” (không có trí mà cũng không có sở đắc). Nhưng liền sau đoạn ấy, Tâm kinh lại dạy: “Dĩ vô sở đắc cố… đắc a nậu đa la tam miệu tam Bồ Ðề” (Vì vô sở đắc cố… được quả Vô Thượng Bồ Ðề). Qua hai đoạn kinh ấy, ta thấy rằng: Nếu y vào Chân Ðế thì nói rằng không có “sở đắc” (chỗ đạt được), nhưng nếu y vào Tục Ðế thì phải nói rằng có sở đắc. Nếu lầm lẫn Chân Ðế và Tục Ðế, tức là tự mâu thuẫn rồi vậy.

Các câu như trên, không riêng gì Tâm Kinh mới có, trong các kinh khác thường cũng nói đến. Đó là y cứ vào hai phương diện chân và tục bất đồng mà khai thị cho rõ khía cạnh, xin các học giả đừng ngộ nhận khiến sai lạc hết ý nghĩa uẩn áo của kinh văn. Còn như Ngài Lục Tổ, khi Ngài phủ nhận cảnh giới Tây Phương, chính là lúc Ngài đương y vào chân lý thường trú để thuyết minh chân tâm, chứ không phải y vào tục lý để nói về các cảnh giới.

Vì duy chân thì hết thảy đều không, nhưng duy tục thì vạn hữu đều có.

Chúng ta không nên tuyệt đối nhận lầm rồi chấp trước ý Tổ, khiến sinh tâm mạt sát pháp môn Tịnh Ðộ. Có hiểu được như vậy thì mới thật là biết cách đọc sách cổ nhân một cách thiện xảo và thâm hiểu ý cổ nhân một cách tinh vi.

Vì các lý do trên, một lần nữa, ta phải cân nhắc lại thật kỹ để định lại một cách chân xác giá trị và phạm vi của câu danh ngôn “Tự tánh Di Đà, Duy tâm Tịnh Ðộ”. Nếu đứng về phương diện Chân Ðế mà nói thì không một pháp gì tồn tại (nhất pháp bất lập), ngay đến Phật cũng không còn được trú trước, huống nữa là Cực Lạc và niệm Phật cầu vãng sanh! Vì thế mà nói ngoài bản tánh không có Di Đà (tự tánh Di Dà) và ngoài tâm không có Tịnh Ðộ (duy tâm tịnh độ).

Cảnh giới ấy là cảnh giới tuyệt đối của Ðệ Nhất Nghĩa Không, cho nên đem “dụng” quy về “thể” thì không một pháp nào được gọi là pháp sở đắc cả.

Ngược lại, khi chưa đạt được Ðệ Nhất Nghĩa Không thì phải trú trên “dụng” mà nói và phải nương theo từng tầng bậc tu chứng để làm bàn đạp và tiến lên, do đó mỗi tầng bậc đều có những pháp sở đắc riêng biệt. Đối với công phu nội chứng của hành giả chưa đạt đến trình độ tuyệt đối thì không thể bảo rằng tâm cảnh đều không, thọ tưởng đều tịch. Tâm cảnh chưa không, thọ tưởng chưa tịch thì hiển nhiên năng và sở còn tồn tại, y báo và chánh báo đều phân minh. Một sắc, một hương, một cành hoa, một ngọn lá của cảnh giới Cực Lạc trang nghiêm, thảy đều là đối tượng của ta và ta cần phải mong cầu đạt đến chứ không thể bỏ qua. Nếu không tự lượng sức, chỉ nhắm mắt học thuộc luận điệu của kẻ khác, có thể rất xác thực với kẻ ấy, nhưng chỉ là lý suông đối với mình – thì có khác nào kẻ điên rồ chưa qua khỏi sông đã toan bỏ thuyền bè!

Ta hãy xem lại trong ba bộ kinh thuyết minh Tịnh Ðộ, khi nói đến tướng tốt của Phật thì không một mảy lông nào, một chân tóc nào, một hào quang nào, một sắc đẹp nào mà không diễn ra một cách tuyệt trần vi diệu; khi nói đến cảnh giới trang nghiêm của Tịnh Ðộ thì nào là hoa thơm, quả báu, hồ ngọc, cây vàng v.v… không một cảnh nào mà không phải là cảnh hy hữu trên thế gian? Tướng ấy, cảnh ấy toàn là sự thật mà Phật đã thân chứng, chứ đâu phải vẽ vời đặt để ra cho thêm hoa mỹ. Ta không nên có tà kiến cho các cảnh ấy là không có mà bị đọa vào “không vọng ngoại đạo” rất là nguy hiểm.

(Trích: Chương VII: Chung Quanh Vấn Ðề Vãng Sanh – Pháp Môn Tịnh Độ)
Hòa Thượng: Thích Trí Thủ

×