Lý Và Sự Cần Phải Tương Xứng

25/03/2024 53 lượt xem

(Nếu Không thì thà thiên về sự còn hơn)

Trên bước đường tu tập, Lý và Sự phải hô ứng nhau, cùng phối hợp để hỗ tương giúp đỡ nhau mới mong đi đến thành tựu. Có Lý, Sự mới có chỗ y cứ dùng làm cương lãnh và mục tiêu để khởi tác dụng. Ngược lại, có Sự, Lý mới chánh xác và có hiệu quả. Lý soi đường cho Sự, Sự thực hiện mục tiêu của Lý. Phàm làm việc gì mà có Lý có Sự, việc mới thành tựu, ví như đã biết lộ trình mà lại còn chịu cất bước ra đi. Nếu có Lý mà không có Sự thì khác nào kẻ biết đường nhưng lại không chịu đi; cũng như có Sự mà không có Lý thì không khác kẻ muốn đi nhưng lại không biết đường. Người đã biết đường và chịu đi theo đường ấy, Lý Sự tương xứng nhau, nhất định phải thành công. Còn như hai hạng trên kia thật là khó hy vọng thành tựu, nhất là hạng không chịu đi. Hạng chịu đi, mặc dù không biết đường nhưng còn tự biết mình trình độ thấp kém, trí không kiêu căng, lòng không tự mãn, trên lộ trình chưa từng biết đích xác, hạng nầy với một ý chí cương quyết, cứ lần theo con đường mòn của người trước đã đi qua và đã vạch sẵn, một mạch thẳng tiến không chần chờ không do dự; như vậy cuối cùng rồi cũng sẽ đạt đến đích. Kinh, Luận và sách trước tác của các bậc cổ đức thuật lại các sự tích xưa đều là những mũi tên chỉ đường, người sau nên chiếu theo đó mà thật hành, quyết sẽ được thành công như người xưa không khác.

Vì các lẽ ấy cho nên mặc dù thiếu Lý soi đường, những người chịu thực hành cũng chưa lấy gì làm lo. Có lo chăng là với hạng người chỉ ngồi nói suông mà không chịu thật hành thì dù có nói suốt đời cũng không tiến bộ được nửa bước. Phê phán một cách xác thực hơn nữa thì người không có Sự, quyết nhiên cũng không thể có Lý. Ví như biết nhà gần sập mà không biết tự liệu để tránh, cứ ngồi nói suông cho khoái khẩu đến nỗi bị nhà đè chết, sao còn gọi được là biết? Vì vậy, Phật pháp có công năng độ kẻ ngu phu thất phụ không biết nửa chữ một cách dễ dàng, chứ khó độ người thế trí biện thông hoặc người không chịu thiết thiệt tu hành.

Ngày xưa, khi Phật còn tại thế, có Ngài Châu Lợi Bàn Đà Già là người rất độn căn. Khi xuất gia làm đệ tử Phật, chỉ được Phật dạy cho hai chữ là Tảo và Chửu, thế mà học mãi không thuộc. Hễ nhớ được chữ sau liền quên chữ trước, học chữ trước thì lại quên mất chữ sau. Tuy thế, Ngài vẫn không nản chí, hết lòng cố gắng, không hề xao lãng, cuối cùng vọng niệm tiêu trừ, hoặc nghiệp đoạn giải, Ngài chứng được quả A la Hán.

Đồng thời với Ngài Châu Lợi Bàn Đà Già có Ngài Đề Bà Đạt Đa, một đệ tử rất thông minh và có biện tài vô ngại, Đề Bà học đủ hết các môn thần thông, đọc làu cả sáu vạn pháp tụng, nhưng vì bản tánh kiêu căng, không chịu tu tập nên cuối cùng bị đọa địa ngục. Xem đó đủ biết, dù bác thông giáo lý, biện luận như thác nước chảy, nhưng nếu không thiết thực tu trì thì hoặc nghiệp từ vô thỉ vẫn còn nằm yên bất động, không giảm được một hào ly; thử hỏi sự hiểu biết ấy có bổ ích gì không? Công hiệu lợi ích thiết thực so với một bà già nấu bếp, mặt lem mày luốc, nửa chữ không tường, chưa chắc ai đã hơn ai, nhất là khi bà già nầy tinh tấn niệm Phật, luôn luôn một lòng tin tưởng, lúc lâm chung nhất định sẽ vãng sanh.

Hành giả nếu suốt đời vùi đầu vào các danh từ lý luận để cầu hiểu biết, những mong làm nhà bác học trong Phật giáo, nhưng không chịu hạ thủ tu hành thì luôn luôn nhớ hai ví dụ mà Phật đã từng dùng để răn bảo đệ tử; ví dụ món ăn và ví dụ đếm tiền. Người học mà không tu chẳng khác gì nói món ăn ngon mà tự mình không ăn, hoặc đếm của cho người mà tự mình không có xu nhỏ; chung quy bụng đói vẫn đói, túi rỗng vẫn rỗng.

Tóm lại, người học Phật mà thông đạt Lý và y Lý hành Sự một cách đúng đắn thì nhất định phước đức và trí huệ đều đầy đủ; phần lý giải và phần thực hành đã tương xứng, thì nhơn viên quả mãn; quả vị Phật chắc chắn mười phần bảo đảm. Do đó, Lý Sự không thể thiếu một thành công mới có phần nào khả vọng. Ai là người học Phật chân chính nên lưu ý điểm nầy.

(Trích: Chương VII: Chung Quanh Vấn Ðề Vãng Sanh – Pháp Môn Tịnh Độ)
Hòa Thượng: Thích Trí Thủ

×