So Với Thiền
Phép Niệm Phật, khi chưa đạt được Nhất Tâm Bất Loạn, so với phép tu Thiền Ðịnh hai bên khác nhau rất xa:
Buổi sơ phát tâm, với phép tu thiền định, hành giả không có tâm ưa, chán, thủ, xả; với phép tu niệm Phật, hành giả lại phải ưa thủ cảnh giới Cực Lạcvà mong xả cảnh Sa bà. Với phép tu thiền định, tâm không được trú trước vào cảnh giới, nếu còn trước tức là sai lạc; với phép tu niệm Phật, tâm lấy cảnh làm đối tượng, tâm năng duyên và cảnh sở duyên phải rõ ràng. Với phép tu thiền định, tâm phải xa lìa pháp chấp; với phép tu niệm Phật, hành giả cần phải lợi dụng pháp chấp. Với phép tu thiền định, hành giả phải thể nhận được pháp tánh thân ngay trong thế gian nầy; với phép tu niệm Phật, hành giả khởi tưởng sẽ chết ở thế gian nầy và sẽ sanh về thế giới bên kia.
Vì các lý do trên, Thiền tông và niệm Phật có chỗ bất đồng.
Nhưng khi niệm Phật đã đến chỗ nhất tâm bất loạn, nghĩa là đã đắc định rồi, thì lại là việc khác. Đạt được cảnh giới tam muội, tức thời hư không tan rã, đại địa lấp bằng, hiện tiền một niệm dung hợp được với Pháp Thân chư Phật trong mười phương như trăm ngàn ngọn đèn cùng dung hợp ánh sáng và cùng chiếu chung trong một căn nhà, không tan mất không lẫn lộn. Lúc ấy, ý thức phân biệt ly khai. Cảnh giới nầy so với cảnh giới chân như tam muội của Thiền tông không hai không khác. Xem thế thì đủ biết rằng Tịnh Ðộ tức là Thiền tông, kết quả của hai bên nào có khác gì nhau?
So Với Luật.
Tác dụng của Giới luật là giữ gìn ba nghiệp, thân, khẩu, ý được trong sạch. Mục đích là làm điều lành, tránh điều dữ. Khi tu theo pháp môn Tịnh Ðộ, thân lễ Phật, miệng niệm Phật, ý tưởng nghĩ đến Phật, cả ba nghiệp đều tập trung, hết thảy sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều thâu nhiếp. Nếu nói làm lành thì chẳng có lành nào hơn. Nếu nói bỏ ác thì thử hỏi khi ba nghiệp đã tập trung hết vào Phật, đâu còn có chỗ nào hở nữa để làm ác? Như thế vì sao không nói được rằng tu Tịnh Ðộ tức là tu Giới luật?
So Với Giáo
Còn nói đến Giáo, nghĩa là tuy câu “Nam Mô A Di Đà Phật” chỉ có sáu chữ mà thôi, nhưng nếu bàn đến tác dụng thì 3 tạng 12 Bộ giáo lý của đức Phật thuyết pháp suốt trong 45 năm đều hàm chứa trong đó cả.
Vả lại, mục đích nghiên cứu giáo lý là cốt để hiểu rõ lý nghĩa mà phát lòng chánh tín, thiết thật tu trì để thật chứng quả Phật. Mục đích của pháp môn niệm Phật là cắt đứt vọng tâm, duy trì chánh niệm, vãng sanh Cực Lạc, lên bậc bất thoái rồi cuối cùng cũng chứng quả Vô thượng Bồ Ðề. Vì thế nếu hành giả phát tâm thành thật tu niệm thì không cần phải nhọc công nghiên cứu giáo lý mà tựu trung tất cả giáo lý đều đã đầy đủ. Như vậy, vì sao không nói được rằng tu Tịnh Ðộ tức là tu theo Giáo nghĩa?
So Với Mật
Phép tu của Mật tông chú trọng về “Tam Mật gia trì”. Tam mật gia trì nghĩa là giữ gìn thân mật (thân bắt ấn), khẩu mật (miệng niệm chú), và ý mật (ý quán tưởng tự mẫu). Nếu tinh tấn hành trì đúng ba phép mật ấy thì “tức thân thành Phật” và chứng được sáu thứ vô úy. Đó là điểm đặc sắc của Mật tông. Nhưng với pháp môn Tịnh Ðộ thì khi ba nghiệp đã tập trung, kết quả thật tế so với tam mật gia trì của Mật tông không khác nhau mấy. Vả lại, tác dụng của pháp môn Niệm Phật có công năng khiến tâm ta và tâm Phật dung hợp làm một, liền chứng được Niệm Phật Tam Muội. Trong lúc tam muội hiện tiền, Phật và ta không hai không khác, không thể phân biệt rằng đó là ta hay là Phật. Vì vậy, trong lúc đương niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, tự thân ta chính là A Di Đà rồi vậy. Như thế cũng có thể nói là “tức thân thành Phật”. Dù cho chưa đạt được niệm Phật, được sự cảm ứng đạo giao và được hào quang Phật nhiếp thọ, thì bản thân hành giả có uy lực thần thông của Phật gia bị, có cái gì đáng sợ hãi nữa đâu? Như vậy, vì sao lại không nói được rằng Tịnh Ðộ tức là Mật tông?
Tóm lại căn cứ vào các ý nghĩa như trên, ta có thể thấy lý do vì sao xưa nay các bậc cao tăng đại đức, các hàng cư sĩ đại nhơn khi tu học Phật pháp đều đề xướng pháp môn Tịnh Ðộ. Phạm Cổ Nông tiên sanh cũng nói: “Học thì nên theo Duy Thức, Hành thì nên quy về Tịnh Ðộ”. Vì vậy, nên hễ hành giả càng thâm nhập kinh tạng chừng nào thì lại càng tán dương pháp môn Tịnh Ðộ chừng ấy. Chỉ có những ai còn đứng ngoài cửa nhìn vào mới xem thường Tịnh Ðộ. Phải có con mắt tinh vi mới phân biệt được ngọc và đá; biết được ngọc Biện Hòa dễ mấy ai?
(Trích: Chương VII: Chung Quanh Vấn Ðề Vãng Sanh – Pháp Môn Tịnh Độ)
Hòa Thượng: Thích Trí Thủ