Chưa Đoạn Trừ Hết Hoặc Nghiệp Mà Vẫn Được Dự Vào Hàng Thánh

11/03/2024 231 lượt xem

Tất cả chúng sanh sở dĩ bị đọa vào con đường sanh tử luân hồi là vì hoặc nghiệp (nghiệp mê lầm) gây nên từ đời vô thỉ. Hoặc nghiệp cũng tức là vô minh gồm có căn bản vô minh và chi mạt vô minh. Chính hai thứ vô minh ấy xua đuổi chúng sanh vào trong ba cõi và quanh quẩn mãi trong sáu đường, khiến chịu không biết bao nhiêu là khổ sở. Vì vô minh có công năng xô đẩy chúng sanh trôi nổi mãi, nên gọi là lưu chuyển môn (cửa lưu chuyển).

Căn cứ vào lẽ thường tu hành thì trước hết cần phải đoạn hoặc (dứt mê lầm) mới chứng đuợc chơn lý. Nếu chỉ mới phá được một phần vô minh tức là chỉ mới chứng được một phần Pháp Thân. Chứng được một phần Pháp Thân thì gọi là hoàn diệt môn (cửa đưa về đạo Tịch Diệt). Từ khi bắt đầu tu tập đoạn hoặc cho đến khi rốt ráo chứng được chơn lý, trong giai đoạn trung gian ấy, hành giả cần phải có con mắt trạch pháp tinh vi, có trình độ trí huệ minh xác, mới tránh khỏi lầm lẫn. Hơn nữa, phải trải qua ba A-tăng-kỳ kiếp (vô số kiếp) rồi sau đó mới chứng được Vô Thượng Chánh Giác. Cho dù chỉ cần chứng quả A La Hán thôi, cũng cần phải vận hết tự lực của mình để phá trừ hết 112 phẩm kiến hoặc (mê lầm về kiến thức) và 81 phẩm tư hoặc (mê lầm về tư tưởng) ở trong ba cõi nầy, rồi mới thành tựu được công phu tu chứng. Xem đó thì biết những bước khó khăn mà hành giả phải trải qua lớn lao biết là dường nào!

Trái lại, với pháp môn Tịnh Ðộ thì không cần kể sanh tiền hành động như thế nào, miễn có chuyên tâm niệm Phật là nhất định vãng sanh. Khi đã được vãng sanh, tức thời bước lên địa vị bất thoái. Như vậy là chưa đoạn hoặc nghiệp mà đã được dự vào hàng Thánh. Sau khi vãng sanh rồi, nhờ hoàn cảnh thuận tiện, tự nhiên nghiệp chướng tiêu trừ, trí huệ phát triển, công quả thành tựu viên mãn một cách dễ dàng, khác nào như thả một bè gỗ từ trên dòng nước; bè gỗ tự nhiên trôi xuôi về biển, không cần phải phí nhiều công sức. Được như vậy là nhờ tha lực hỗ trợ một cách rất đắc lực vậy. Đặc điểm ấy của pháp môn Tịnh Ðộ, ai là bậc trí giả đều có thể nhận rõ ràng và y cứ mà thực hành chín chắn, khỏi phải giới thiệu dông dài.

(Trích: Chương VII: Chung Quanh Vấn Ðề Vãng Sanh – Pháp Môn Tịnh Độ)
Hòa Thượng: Thích Trí Thủ

×