Giữ gìn và nuôi dưỡng những hạt giống tốt

06/05/2024 209 lượt xem

Tâm ta có hai phần: phần tàng thức là nơi cất giữ những hạt giống, và phần ý thức là nơi mà các hạt giống biểu hiện. Ví dụ trong tàng thức ta có một hạt giống của cái giận. Khi nhân duyên đầy đủ thì hạt giống đó phát hiện thành một năng lực gọi là cơn giận. Nó đốt cháy ta và làm ta đau đớn. Ta không còn vui khi hạt giống đó phát hiện trên phần ý thức ta.

Mỗi khi xuất hiện, cái giận lại nuôi dưỡng thêm những hạt giống giận hờn trong tàng thức của ta. Nếu cái giận kéo dài trong năm phút thì biết bao nhiêu hạt giống chứa đựng cái giận lại được sinh sôi trong suốt thời gian năm phút đó.

Vì vậy ta phải hết sức cẩn thận để lựa chọn lối sống cũng như những cảm xúc của ta. Khi ta nở một nụ cười thì hạt giống hạnh phúc được biểu lộ. Khi biểu lộ, nó gieo thêm những hạt giống tươi vui xuống tàng thức. Nếu ta không thực tập cười trong nhiều năm, hạt giống đó sẽ yếu đi và ta sẽ không còn có khả năng để cười được nữa.

Tàng thức ta chứa đựng mọi hạt giống, tốt cũng như xấu. Một số do ta gieo trồng trong đời sống hằng ngày, một số do ông bà cha mẹ và xã hội trao truyền. Một hạt lúa nhỏ xíu chứa đựng cái biết của bao nhiêu thế hệ cây lúa về cách thức đâm chồi, trổ lá, ra hoa và hình thành bông lúa. Thân thể và tâm thức ta cũng vậy, được trao truyền cho ta từ bao nhiêu thế hệ, ông bà cha mẹ đã gieo trồng trong ta biết bao hạt giống an vui, hạnh phúc và cả những hạt giống khổ đau, buồn giận.

Mỗi khi ta thực tập chánh niệm là ta gieo trồng và củng cố những hạt giống lành mạnh đã có sẵn trong ta. Những hạt giống này cũng như những kháng thể. Khi có một con vi khuẩn chạy vào máu ta, lập tức thân thể ta có phản ứng, những kháng thể chạy tới bao quanh con vi khuẩn bắt nó phải biến dạng.

Cũng vậy, nếu trong ta có những hạt giống tươi mát lành mạnh, những hạt giống này sẽ biết cách đối phó với những hạt giống không tốt mà không cần đợi ta ra lệnh. Do đó, điều ta cần làm là dự trữ cho thật nhiều những hạt giống tốt.

Một ngày nọ, chúng tôi được tin ông bạn láng giềng của chúng tôi, ông Mounet, qua đời. Ông là người Pháp và sống ở cạnh Làng Hồng. Ông là một người rất hiền hòa, dễ mến, ông đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc xây dựng Làng. Ông chết trong đêm vì bệnh tim, và sáng hôm sau chúng tôi mới được tin. Nghe qua chúng tôi rất bàng hoàng, vừa cảm thấy hối hận đã không để nhiều thì giờ tiếp xúc và sinh hoạt với ông.

Tối hôm đó tôi khó ngủ. Mất một người bạn như ông là một điều đau đớn. Sáng hôm sau tôi phải nói pháp thoại nên đêm đó tôi cố gắng dỗ giấc ngũ bằng cách niệm hơi thở. Trời mùa đông rất lạnh. Nằm trong chăn ấm, tôi nghĩ đến ba cây tùng loại Hy Mã Lạp Sơn tôi trồng trong sân của sơn cốc cách đó đã tám năm.

Bây giờ cả ba cây đều lớn và rất đẹp. Mỗi khi đi thiền hành tôi đều dừng lại để vừa ôm cây vừa theo dõi hơi thở. Tôi tin rằng mấy cái cây cũng đáp ứng lại cái ôm của tôi. Nằm trong chăn, tôi tập thở và thấy mình vừa là ba cây tùng vừa là hơi thở. Tôi thấy dễ chịu hơn nhưng vẫn chưa ngủ được. Cuối cùng tôi nghĩ đến bé Trúc. Bé đến làng lúc hai tuổi, bé rất kháo khỉnh nên ai cũng muốn bồng, muốn ẵm, nhất là các em nhỏ. Bây giờ bé đã sáu tuổi. Ẳm bé trên tay ai cũng thấy mình tươi mát như bé. Cho nên tôi đã mời em hiện lên trong ý thức của tôi. Tôi thở và mỉm cười với bé. Một lúc sau thì tôi thiếp đi.

Mỗi người chúng ta nên có một kho dự trữ những hạt giống lành, đẹp và mạnh để khi ta gặp khó khăn, chúng có thể giúp ta. Đôi khi niềm đau quá lớn nên dù có bông hoa trước mắt ta cũng không thưởng thức được. Nhưng nếu ta có một cái kho dự trữ những hạt giống lành mạnh, ta có thể mời chúng đến giúp ta. Cũng như khi mình có một người bạn thân biết, hiểu và thương mình, được ngồi gần người đó, dù không nói tiếng nào, mình vẫn cảm thấy khỏe khoắn. Và những lúc khó khăn mình thường nghĩ về người đó để “cả hai” cùng im lặng thở và mình thấy dễ chịu hơn.

Nếu lâu ngày ta không gặp người bạn kia thì hình ảnh về người ấy có thể phai mờ. Mà nếu người ấy là người duy nhất có thể giúp ta thì ta chỉ còn cách mua vé xe lửa đến gặp người ấy. Người ấy sẽ hiện ra bằng xương bằng thịt chứ không phải chỉ là một hạt giống trong tiềm thức. Thời gian được ở gần người ấy, ta phải biết sống cho tỉnh thức, đừng để phí một giây phút nào, bởi ta đâu có được ở lâu với người ấy, lý do là ta còn phải về nhà. Người ấy giúp ta lấy lại sự quân bình nhưng chính ta cũng phải tạo cho ta sự vững chãi bên trong, nếu không thì lúc trở về một mình, ta lại cảm thấy chới với. Cho nên lúc gần gũi người đó ta đừng nên kể lể than vãn nhiều, hãy chia sẽ niềm vui được có nhau, được ngồi bên nhau, hãy đi dạo với nhau. Để khi trở về nhà, ta sẽ có nhiều kỷ niệm đẹp, nhiều hạt giống tươi mát tốt lành, để khi hữu sự, gặp chuyện buồn phiền, chúng có thể giúp ta vượt qua những khó khăn.

(Trích “Phần II: Chuyển hóa và trị liệu – An Lạc Từng Bước Chân”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

×