Quán chiếu

11/10/2021 3.138 lượt xem

Công phu thiền tập gồm có hai phần: chỉ và quán. Chỉ tức là dừng lại. Dừng lại sự tán loạn, dừng lại sự quên lãng. Dừng lại để tập trung tâm ý vào một đối tượng (để mà xét nghiệm đối tượng đó). Như vậy chỉ đưa tới định. Khi tâm ý đã được tập trung vào đối tượng, hành giả quán chiếu đối tượng đó, quán chiếu để thấy được thực tánh của đối tượng đó. Đây là công phu quán. Quán chiếu cho bền bỉ và sâu xa, hành giả thấy được bản chất đích thực của đối tượng quán sát. Cái thấy này là Tuệ. Tuệ là sự hiểu biết, là cái thấy chính xác về sự vật. Nếu chỉ đưa tới định thì quán đưa tới tuệ.

Để thực hiện sự tập trung tâm ý, hành giả thực tập phép đếm hơi thở hay theo dõi hơi thở. (xem chương hai). Có chỉ là bắt đầu có quán, và khi đã có quán tức là đã có chỉ. Trong chương vừa rồi, chúng ta đã nói tới cảm giác (thọ) như một đối tượng quán chiếu. Nhưng đối tượng quán chiếu đó không phải chỉ là cảm giác. Cảm giác chỉ là một trong năm dòng hiện tượng gọi là ngũ uẩn.

Ngoài cảm giác (thọ), ta còn cơ thể (sắc), tri giác (tưởng), tâm tư (hành) và nhận thức (thức) nữa. Tâm Kinh Bát Nhã cho biết đức Bồ Tát Quán Tự Tại nhờ quán chiếu cả năm uẩn cho nên vượt thoát khỏi mọi khổ ách ràng buộc.

Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm (Satipatthānaasutra) dạy ta quán niệm về thân thể, cảm giác, tâm ý và đối tượng tâm ý. Tâm ý ở đây bao gồm cả tri giác, tâm tư và nhận thức. Như vậy bốn đối tượng quán niệm cũng hàm chứa cả năm uẩn.

Sau đây là sơ lược những đối tượng quán niệm theo Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm (Tứ Niệm Xứ Kinh)

Trang: 1 2 3 4 5

×