10 SẮC ẤM
A. TRẠNG THÁI TÂM LÝ THANH TỊNH
TRƯỚC KHI VÀO CẢNH GIỚI SẮC ẤM
A-Nan nên biết, ông ngồi nơi đạo tràng, phải dứt sạch các vọng niệm. Khi vọng niệm đã dứt sạch, thì các ly niệm sáng tỏ rõ ràng. Động tịnh không đổi đời, nhớ quên đều như một.
PHẠM VI SẮC ẤM
Khi an trụ trong trạng thái đó mà vào được chánh định, như người sáng mắt ở nơi tối tăm. Dù chân tánh nhiệm mầu thanh tịnh, nhưng tâm chưa tỏa phát được trí huệ sáng suốt. Đây gọi là phạm vi của Sắc ấm.
KHI VƯỢT QUA SẮC ẤM, THẤY ĐƯỢC CỘI GỐC CỦA SẮC ẤM
Như mắt sáng tỏ, rõ thấu mười phương, không còn tối tăm, gọi là dứt sạch sắc ấm. Người ấy có thể vượt ra khỏi kiếp trược. Xem kỹ nguyên do của sắc ấm, nhận ra vọng tưởng kiên cố chính là cội gốc.
MƯỜI CẢNH GIỚI SAI BIỆT CỦA SẮC ẤM
1. TÂM THOÁT NGẠ
A-Nan, ngay trong định ấy, quán xét thật kỹ bản tánh diệu minh, thấy tứ đại không còn đan dệt với nhau nữa. Trong chốc lát, thân thoát ra khỏi sự ngăn ngại. Trạng thái này gọi là tinh minh trôi vào tiền cảnh. Đó chỉ là trạng thái nhất thời do dụng công, không phải là biểu hiện sự chứng quả thánh. Nếu không khởi tâm chứng thánh thì đó là cảnh giới tốt. Nhưng nếu nghĩ mình chứng thánh, liền rơi vào tà kiến.
2. NHẶT TRÙNG SÁN TRONG THÂN
Lại nữa, A-Nan, nếu dùng tâm ấy cứu xét tánh diệu minh, thấy rõ suốt khắp thân. Bỗng nhiên có thể lượm ra những con trùng, con sán từ trong thân mình, mà thân thể vẫn nguyên vẹn, không bị tổn thương. Trạng thái này gọi là tinh minh tràn ra hình thể. Đây chỉ là trạng thái nhất thời do tinh tấn công phu, chẳng phải là chứng thánh. Nếu người ấy không nghĩ mình chứng thánh thì đó là trạng thái tốt. Nhưng nếu nghĩ mình chứng thánh thì liền rơi vào tà kiến.
3. NGHE TIẾNG THUYẾT PHÁP GIỮA HƯ KHÔNG
Lại nữa, nếu đem tâm ấy quán xét tinh tường cả trong lẫn ngoài. Khi ấy hồn phách, ý chí, tinh thần, trừ ra sắc thân, đều giao tiếp lẫn nhau thay phiên làm khách chủ. Rồi bỗng dưng nghe giữa hư không có tiếng thuyết pháp, hoặc nghe mười phương đồng diễn bày nghĩa lý thâm mật. Cảnh giới này gọi là: “Tinh thần hồn phách thay phiên nhau khi rời xa, khi kết hợp để cùng nhau thành tựu những hạt giống tốt.” Nhưng đó chỉ là trạng thái nhất thời, chẳng phải là chứng thánh. Nếu chẳng nghĩ mình đã chứng thánh thì đó là cảnh giới tốt. Nếu nghĩ mình đã chứng thánh thì liền rơi vào tà kiến.
4. PHẬT HIỆN THÂN
Lại đem tâm ấy lóng sạch, thấu triệt, bên trong hào quang toả chiếu sáng ngời. Mười phương biến thành sắc diêm-phù-đàn. Tất cả loài hữu tình đều hóa làm Như Lai, Lúc ấy bỗng thấy Đức Phật Tỳ-lô-giá-na ngồi trên đài thiên quang, có ngàn Đức Phật nhiễu quanh trăm ức cõi nước, cùng với hoa sen đồng thời hiện ra. Cảnh giới này gọi là tâm hồn được truyền dẫn bởi sự lĩnh ngộ, khi tập trung tham cứu đến tận nguồn tâm thì ánh sáng từ trong tâm chiếu khắp cõi nước. Đây chỉ là trạng thái tạm thời, không phải là chứng thánh. Nếu không nghĩ mình chứng thánh gọi là cảnh giới tốt, nếu tự cho mình đã chứng thánh thì liền rơi vào tà kiến.
5. SẮC BÁU ĐẦY HƯ KHÔNG
Lại đem tâm ấy, cứu xét tinh ròng mầu nhiệm sáng tỏ. Quán sát không ngừng. Đè nén, hàng phục ngăn dứt quá phần. Bấy giờ bỗng dưng thấy hư không mười phương biến thành màu sắc bảy loại châu báu, hoặc màu sắc của trăm loại châu báu. Xuất hiện đồng thời đầy khắp, không ngăn ngại lẫn nhau. Những mầu xanh, vàng đỏ, trắng hiện ra rõ ràng. Cảnh giới này gọi là “Sức công phu hàng phục vọng tâm quá phần.” Mới được cảnh giới như vậy, chẳng phải chứng thánh. Không khởi thánh tâm là trạng thái tốt. Còn nếu nghĩ rằng mình đã chứng Thánh thì liền rơi vào tà kiến.
6. BAN ĐÊM NHƯ BAN NGÀY
Lại đem tâm ấy, cứu xét tinh ròng, sáng suốt không loạn. Bỗng nhiên giữa đêm có thể thấy các thứ hiện ra trong phòng tối không khác gì ban ngày, mà các thứ ở trong phòng tối cũng không biến mất. Đó gọi là: “Định tâm lặng đứng cái thấy, nên thấy suốt chỗ tối tăm.” Tạm được như thế, không phải chứng thánh. Nếu không khởi tâm chứng thánh, đó là cảnh giới tốt. Nếu nghĩ là chứng thánh, liền rơi vào tà kiến.
7. THÂN KHÔNG CÒN CẢM GIÁC, ĐỒNG NHƯ CÂY CỎ
Lại đem tâm ấy, hoàn toàn nhập vào tánh hư dung, tứ chi bỗng nhiên đồng như cây cỏ, lửa thiêu dao cắt cũng không hay biết. Lửa đốt không cháy thân, dù bị lóc thịt cũng như chẻ cây. Đó gọi là: trần cảnh và tánh tứ đại đều sạch hết, chỉ một hướng thuần chơn. Tạm được như thế, không phải là chứng thánh. Nếu không nghĩ mình chứng thánh, là cảnh giới tốt. Nếu nghĩ mình chứng thánh, liền rơi vào tà kiến.
8. BIẾN THÀNH CẢNH GIỚI CHƯ PHẬT
Lại đem tâm ấy, thành tựu tánh thanh tịnh, công phu tịnh tâm đến mức cùng tột. Bỗng thấy núi sông, đất liền khắp mười phương biến thành cõi Phật, đầy đủ bảy loại báu, ánh sáng chiếu khắp mọi nơi. Lại thấy chư Phật Như Lai nhiều như cát sông Hằng, khắp cõi hư không đầy lâu đài tráng lệ. Dưới thấy địa ngục, trên xem thấy thiên cung mà không ngăn ngại. Đó gọi là: tư tưởng thích, chán ngưng lắng ngày càng sâu, tưởng lâu mà thành như vậy, không phải là chứng thánh. Không khởi tâm chứng thánh, gọi là cảnh giới tốt. Nếu nghĩ mình đã chứng thánh liền rơi vào tà kiến.
9. BAN ĐÊM NHÌN THẤY XA
Lại đem tâm ấy, cứu xét sâu xa, bỗng nhiên giữa khuya thấy được những nơi chốn xa xôi. Thấy chợ, giếng nước, đường phố, ngõ hẻm, bà con thân quyến, cùng nghe họ đang nói chuyện với nhau.
10. THẤY THIỆN TRI THỨC BIẾN DẠNG MÀ KHÔNG HIỂU NGUYÊN NHÂN
Lại đem tâm ấy, cứu xét tinh ròng, thấy hình thể của các vị thiện tri thức bị biến dạng. Chỉ trong chốc lát, thân họ biến thành nhiều dạng khác nhau mà không biết vì cớ gì. Đó gọi là: “Tà tâm bị loài lỵ mỵ hay bị thiên ma nhập vào, vô cớ thuyết pháp, rất thông suốt diệu lý,” chứ không phải là chứng thánh. Nếu không nghĩ mình chứng thánh thì các ma sự liền tiêu mất. Còn nếu nghĩ mình đã chứng thánh, liền rơi vào tà kiến.
LỜI KHUYÊN RĂN TỔNG KẾT CỦA ĐỨC THẾ TÔN VỀ SẮC ẤM
A-Nan, mười cảnh giới hiện ra trong thiền định như vậy, là do sắc ấm và tâm dụng công giao xen với nhau mà có.
Chúng sanh mê muội không tự xét kỹ. Gặp nhân duyên này, mê muội không tự biết, tự cho là chứng thánh, thành tội đại vọng ngữ, sẽ đọa vào địa ngục vô gián.
Các ông phải nương theo, sau khi Như Lai nhập diệt, trong đời mạt pháp, phải truyền bá giáo pháp này. Đừng để cho thiên ma có cơ hội quấy phá. Giữ gìn che chở cho mọi chúng sanh, khiến họ được thành đạo vô thượng.