Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 3

12/10/2021 5.384 lượt xem

KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI
MẬT NHƠN TU CHỨNG LIỄU NGHĨA
CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH THỦ LĂNG NGHIÊM

— o0o —

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM – QUYỂN 3

— o0o —

LỤC NHẬP

1. Nhãn Nhập

Lại nữa, A-Nan, tại sao lục nhập vốn là tánh chân như nhiệm mầu từ Như Lai tạng ?

A-Nan! Như mắt kia nhìn chăm chú lâu khiến cho mỏi mệt. Con mắt và tướng mỏi mệt đều là bồ-đề. Tướng nhìn sững quá lâu hoá ra mỏi mệt nhân nơi sáng tối, phát ra cái thấy từ trong hai thứ vọng trần kia, thu nạp trần cảnh, gọi là tánh thấy. Tánh thấy nầy rời hai trần cảnh sáng tối kia, hoàn toàn không có tự thể.

Như vậy, A-Nan! phải biết cái thấy đó, chẳng phải do sáng hay tối mà có, chẳng phải từ mắt mà ra, chẳng phải do hư không phát sinh.

Sao vậy? Nếu tánh thấy từ sáng đến, thì cái tối phải theo đó mà biến mất, lẽ ra không còn thấy được cái tối nữa. Nếu tánh thấy từ tối mà đến, thì cái sáng phải theo đó mà biến mất, lẽ ra không còn thấy được cái sáng nữa.

Nếu cái thấy từ mắt sinh ra, ắt hẳn không có sáng và tối. Thế nên cái thấy vốn không có tự tánh.

Nếu cái thấy từ hư không mà ra thì khi nhìn, trước tiên sẽ thấy trần cảnh, khi xoay trở về lại, phải thấy được con mắt. Còn như nếu tự hư không thấy được thì có quan hệ gì đến nhãn nhập của ông?

Thế nên phải biết, nhãn nhập là hư vọng. Vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

2. Nhĩ Nhập

A-Nan, thí như có người lấy hai ngón tay bít chặt hai lỗ tai, do lỗ tai mỏi mệt nên nghe trong đầu phát ra âm thanh. Cả lỗ tai và cái mỏi mệt đều là tánh bồ-đề, do chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.

Nhân nơi động tỉnh, phát ra cái nghe từ trong hai thứ vọng trần, thu nạp trần tướng nầy, gọi là tánh nghe. Tánh nghe nầy rời hai trần tướng động tĩnh kia hoàn toàn không có thật thể.

Như vậy, A-Nan! phải biết cái nghe đó, chẳng phải do động hay tĩnh mà có, chẳng phải từ lỗ tai mà ra, chẳng phải do hư không phát sinh.

Sao vậy? Nếu tánh nghe từ tĩnh mà đến thì cái động phải theo đó mà biến mất, lẽ ra không còn thấy được cái động nữa. Nếu tánh nghe từ động mà đến, thì cái tĩnh phải theo đó mà biến mất, lẽ ra không còn biết được cái tĩnh nữa.

Nếu từ tai sinh ra, ắt hẳn không có động và tĩnh. Thế nên tánh nghe vốn không có tự tánh.

Nếu từ hư không mà ra, đã có tánh nghe, tức không phải là hư không nữa; còn nếu hư không tự nghe được, thì quan hệ gì đến nhĩ nhập (nhĩ căn) của ông.

Thế nên phải biết nhĩ nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

3. Tị Nhập

A-Nan, ví như có người bít chặt hai lỗ mũi, bít lâu thành ra mỏi mệt. Trong lỗ mũi nghe có cảm giác lạnh, do cảm giác như vậy mà phân biệt được là thông, là ngăn bít, là rỗng, là đặc; cho đến các mùi hương thơm khí thối, cả cái ngửi cùng tướng mỏi mệt đều là thể tánh bồ-đề, do chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.

Nhân nơi hai thứ vọng trần thông và bít, phát ra cái ngửi ở trong, thu nạp các trần tượng đó, gọi là tánh ngửi. Tánh ngửi đó rời hai thứ vọng trần thông và bít kia, hoàn toàn không có tự thể.

Như vậy, A-Nan! phải biết cái ngửi đó, chẳng phải từ thông hay bít mà có, chẳng phải do lỗ mũi mà ra, chẳng phải từ hư không phát sinh.

Sao vậy? Nếu (tánh ngửi) từ cái thông mà đến, thì khi bít, (tánh ngửi) đã tự biến mất rồi, làm sao còn biết được bít. Nếu nhân nơi bít mà có (tánh ngửi), thì khi thông sẽ không còn tánh ngửi. Làm sao biết được các mùi thơm thối?

Nếu (tánh ngửi) từ lỗ mũi sinh ra, hẳn không còn có cái thông cái bít. Nên tánh ngửi như vậy vốn không có tự tánh.

Nếu (tánh ngửi) do hư không mà ra, thì cái ngửi đó phải xoay trở lại ngửi được lỗ mũi của ông. Lại nếu như hư không tự ngửi được, thì có dính dáng gì đến chỗ thu nạp (tị nhập) của ông?

Thế nên phải biết tị nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

4. Thiệt Nhập

A-Nan, ví như có người dùng lưỡi liếm mép, liếm mãi sinh ra mỏi mệt. Nếu người đó có bệnh thì thấy có vị đắng, nếu người không bệnh thì thấy có chút vị ngọt. Do những cảm giác ngọt, đắng mà hiện bày tánh nếm, còn khi không động (không liếm mép) thì thường thấy tánh nhạt. Cả tánh nếm và cái mỏi mệt đều là tánh bồ-đề do chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.

Nhân hai thứ vọng trần nhạt và ngọt đắng, phát ra cái biết bên trong, thu nạp các trần tượng đó, gọi là tánh biết nếm. Tính biết nếm ấy rời hai thứ vọng trần ngọt đắng và nhạt kia, rốt ráo không có tự thể.

Thật vậy, A-Nan, ông nên biết rằng cái biết đắng, biết nhạt như vậy, không phải từ vị ngọt, vị đắng mà đến; không phải do tánh nhạt mà có; chẳng phải từ lưỡi sinh ra, cũng chẳng phải từ hư không phát sinh.

Sao vậy? Nếu (tánh nếm) từ các vị ngọt đắng mà đến, thì khi nhạt, cái biết nếm đã biến mất rồi, làm sao biết được nhạt? Nếu từ cái nhạt mà ra thì khi ngọt, cái nếm đã biến mất rồi, làm sao biết được hai vị ngọt và đắng?

Nếu (tánh biết nếm) do lưỡi sinh ra, hẳn không có những vị ngọt đắng và nhạt, thì cái tánh biết nếm ấy vốn không có tự tánh.

Nếu (tánh biết nếm) do hư không mà ra, thì hư không tự nếm, chứ không phải lưỡi biết nếm. Lại nữa nếu hư không tự biết, thì có quan hệ gì đến chỗ thu nạp (thiệt nhập) của ông?

Vậy nên biết rằng thiệt nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

5. Thân Nhập

A-Nan, ví như có người dùng bàn tay lạnh chạm bàn tay nóng. Nếu bên tay lạnh thấy lạnh nhiều hơn, thì bên tay nóng sẽ lạnh theo; nếu bên nóng thấy nóng hơn, thì tay bên lạnh cũng thành ra nóng.

Như vậy, do cảm xúc nhận biết khi hợp lại này mà rõ được sự nhận biết lúc rời ra. Nếu cái thế chênh lệch hình thành giữa nóng và lạnh, thì do đó mà phát ra tướng mỏi mệt và có cảm xúc. Cả tánh biết xúc cảm cùng cái mỏi mệt đều là tánh bồ-đề chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.

Nhân nơi hai vọng trần ly và hợp, phát ra cái hay biết ở bên trong, thu nạp các trần tượng nầy, gọi là tánh biết cảm xúc. Tính biết cảm xúc nầy, rời hai vọng trần ly và hợp, trái và thuận kia, rốt ráo không có tự thể.

Như vậy, A-Nan, ông nên biết cái cảm xúc đó không phải từ cái ly, cái hợp mà đến; không phải từ cái trái, cái thuận mà có; không phải do nơi thân (căn) mà ra, cũng không phải do hư không phát sinh.

Sao vậy? Nếu từ cái hợp mà đến thì khi xa lìa, cái biết đã mất rồi, làm sao biết được sự xa lìa? Với hai tướng trái và thuận kia cũng giống như vậy.

Nếu (tánh biết cảm xúc) từ thân thể mà ra, hẳn không có bốn tướng ly hợp trái thuận, thì tánh biết cảm xúc nơi thân của ông vốn không có tự tánh.

Nếu (tánh biết cảm xúc) từ hư không mà ra, thì hư không tự biết, quan hệ gì đến chỗ thu nạp (thân nhập) của ông?

Vậy nên biết rằng thân nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

6. Ý Nhập

A-Nan, ví như có người mệt nhọc thì ngủ, ngủ rất sâu rồi thức dậy, nhìn trần cảnh để nhớ lại (những gì đã hiện ra trong giấc ngủ), những gì không nhớ được thì gọi là quên. Các thứ sinh trụ dị diệt điên đảo đó, quen thói thu nạp vào bên trong mà không lẫn lộn nhau. Đó gọi là ý căn. Cả ý căn cùng cái mỏi mệt đều là thể tánh bồ-đề do chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.

Nhân nơi hai thứ vọng trần sinh và diệt, nhóm cái biết bên trong. Thu nạp pháp trần bên trong, dòng thấy nghe đi ngược vào trong. Dòng nầy đi vào nơi không cùng tận, gọi là cái ý hay biết.

Cái ý hay biết nầy rời hai trần thức và ngủ, sinh và diệt kia thì rốt ráo không có tự thể. Thật vậy, A-Nan nên biết cái ý căn hay biết như thế, không phải do từ nơi thức, nơi ngủ mà đến; không phải do nơi sinh, nơi diệt mà có; không phải từ nơi ý căn mà ra, cũng không phải từ nơi hư không mà phát sinh.

Vì cớ sao? Nếu (cái ý căn hay biết) từ nơi thức mà đến, thì khi ngủ đã theo cái thức mà diệt rồi, còn lấy cái gì làm cái ngủ? Nếu chắc lúc sinh mới có, thì khi diệt, đã hoá như không có rồi, thì lấy cái gì mà biết là diệt? Nếu do cái diệt mà có, thì khi sinh sẽ không có cái diệt, lấy cái gì mà biết là sinh?

Nếu do ý căn mà ra, thì hai tướng thức ngủ thay đổi lẫn nhau nơi thân thể, nếu rời hai tướng ấy ra, thì cái ý hay biết ấy cũng đồng như hoa đốm giữa hư không, rốt ráo không có tự tánh. Nếu (cái ý hay biết) do hư không mà sinh thì tự hư không ấy biết, có quan hệ gì đến chỗ thu nạp (ý nhập) của ông?

Do vậy nên biết, ý nhập là hư vọng, vốn không phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Trang: 1 2 3 4 5 6

×