Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 4

13/10/2021 9.337 lượt xem

KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI
MẬT NHƠN TU CHỨNG LIỄU NGHĨA
CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH THỦ LĂNG NGHIÊM

— o0o —

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM – QUYỂN 4

— o0o —

NGUYÊN DO SINH KHỞI TƯƠNG TỤC

Lúc bấy giờ Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử từ chỗ ngồi trong đại chúng liền đứng dậy, bày vai áo bên phải, quỳ gối bên phải xuống đất, chắp tay cung kính rồi bạch Phật rằng: Đấng Thế Tôn đại oai đức, xin ngài hãy vì thương chúng sinh mà diễn bày đệ nhất nghĩa đế của Như Lai.

Thế Tôn thường khen, con là người thuyết pháp bậc nhất. Nay con nghe pháp âm vi diệu của Như Lai, con như người điếc, xa ngoài trăm bước, lắng nghe tiếng muỗi mòng, vốn thực chẳng thấy, huống nữa là nghe.

Tuy Thế Tôn tuyên bày giáo pháp rõ ràng, khiến cho con giải trừ hết nghi hoặc, nhưng nay con vẫn còn chưa tỏ tường nghĩa cứu cánh nầy để đạt đến chỗ không còn nghi hoặc. Bạch Thế Tôn, như A-Nan và các vị tuy đã chứng quả A La Hán, nhưng tập khí hữu lậu chưa trừ sạch được.

Trong chúng hội, con đã chứng được quả vô lậu. Tuy đã sạch các lậu hoặc, nhưng nay nghe pháp âm do Như Lai giảng nói, vẫn còn nhiều nghi nan bối rối.

Bạch Thế Tôn, nếu hết thảy các thứ căn, trần, ấm, xứ, giới v.v… trong thế gian đều là tánh Như Lai tạng, thanh tịnh bổn nhiên, thì làm sao lại bỗng dưng nổi lên các tướng hữu vi, núi sông đất liền, liên tục trước sau, theo nhau dời đổi?

Lại nữa, Như Lai thường nói bản tánh của đất, nước, lửa, gió vốn là viên dung, bao trùm khắp pháp giới, vắng lặng, thường trú.

Bạch Thế Tôn, nếu tánh của đất đầy khắp, thì làm sao còn chứa được nước? Nếu tánh của nước đầy khắp, thì lửa ắt là không sanh ra được. Lại nữa, Như Lai giải thích làm sao tánh của nước và tánh của lửa đều đầy khắp hư không mà không lấn hại lẫn nhau? Bạch Thế Tôn, tánh của đất là cứng, tánh của hư không là thông suốt; làm sao cả hai tánh nầy đều cùng lúc trùm khắp pháp giới được? Con không biết nghĩa nầy sẽ dẫn đến đâu?

Nguyện xin Như Lai mở lòng đại từ, khai mở mê lầm của con và đại chúng đang bị che mờ như mây. Nói lời ấy xong, năm vóc gieo sát đất, cung kính ngưỡng mong lời dạy từ bi vô thượng của Như Lai.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Phú-lâu-na và các vị A La Hán đã trừ sạch các lậu và chứng quả vô học rằng: “Nay Như Lai khắp vì hội chúng nầy, sẽ chỉ bày tánh thắng nghĩa chân thật trong thắng nghĩa. Khiến cho trong chúng hội nầy, hàng định tánh Thanh Văn cùng tất cả những vị A La Hán chưa chứng được nhân không và pháp không, nhưng có tâm hướng về thượng thừa, đều được pháp tu hành chân chính, chân thực không xao động trong cảnh giới nhất thừa tịch diệt. Ông hãy nghe kỹ, Như Lai sẽ vì ông giảng nói.”

Ngài Phú-lâu-na và đại chúng, khâm ngưỡng pháp âm của Phật, im lặng lắng nghe.

Đức Phật bảo: “Phú-lâu-na, như ông vừa hỏi, đã là thanh tịnh bản nhiên, sao bỗng dưng sanh ra núi sông đất liền?”

Ông chẳng thường nghe Như Lai giảng bày, tánh giác là diệu minh, bản giác là minh diệu hay sao?

Phú-lâu-na bạch: “Thưa Thế Tôn, con thường nghe Phật chỉ dạy nghĩa ấy.”

Đức Phật bảo: “Ông nói giác minh, có phải là bản tánh sáng suốt (minh), nên gọi là giác; hay ông cho rằng tánh giác đó vốn là không minh, thế nên gọi là minh giác?”

Phú-lâu-na thưa: “Nếu cái không minh đó mà gọi là giác, thì nó chẳng minh được cái gì.”

Phật dạy: “Nếu không có sở minh thì không có minh giác; có sở minh thì chẳng phải là giác, mà không có sở minh thì chẳng phải là minh. Không minh thì lại chẳng phải là tánh giác trạm minh.”

Tánh giác tất là minh, do vọng tưởng mà có ra minh giác. Giác chẳng phải là cái gì cần phải tác động vào mới sáng (sở minh), nhân có minh mà lập ra sở, Đã hư vọng lập ra sở rồi, mới lập nên cái năng hư vọng nơi ông. Thế nên trong cái không giống, không khác, bỗng dưng thành ra có khác.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17

×