Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 10

19/10/2021 4.002 lượt xem

KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI
MẬT NHƠN TU CHỨNG LIỄU NGHĨA
CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH THỦ LĂNG NGHIÊM

— o0o —

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM – QUYỂN 10

— o0o —

10 HÀNH ẤM

TRẠNG THÁI TÂM LÝ TRƯỚC KHI VÀO CẢNH GIỚI HÀNH ẤM

A-Nan, thiện nam tử kia, tu pháp tam-ma-đề, tưởng ấm đã tiêu dung, mộng tưởng bình thường cũng hết hẳn, ngủ thức đồng một thể. Tính giác minh rỗng lặng như hư không, không còn những tướng tiền trần thô trọng. Xem mọi hiện tượng trong thế gian như sông núi đất liền, như lòng gương sáng, ảnh hiện không dính mắc, đi không lưu lại dấu vết, thong dong phản chiếu sự vật, sạch hết tập khí cũ, thuần nhất chân tánh tinh anh.

PHẠM VI HÀNH ẤM

Căn nguyên của sinh diệt từ đó lộ ra, thấy được mười hai loại chúng sanh trong khắp mười phương, rõ hết các loài. Dù chưa thông suốt manh mối của mỗi loại, nhưng đã thấy chúng có chung một cơ sở sinh diệt, giống như sóng nắng chớp nhoáng bập bềnh, làm điểm then chốt để phát sinh các phù căn trần. Đây gọi là phạm vi của hành ấm

CỘI GỐC CỦA HÀNH ẤM

Nếu cội gốc của tánh bập bềnh chớp nhoáng ấy nhập vào bản chất trong lặng vốn sẵn có xưa nay, thì tập khí của hành giả sẽ lóng lặng, như sóng lặng nước yên. Đây gọi là hành ấm tiêu dung. Người ấy có thể vượt qua được chúng sanh trược. Quán xét nguyên do cội gốc của hành ấm, chính là u ẩn vọng tưởng.

MƯỜI CẢNH GIỚI CỦA HÀNH ẤM

1. HAI LOẠI TÀ KIẾN VÔ NHÂN

A-Nan, nên biết, các thiện nam tử ấy đã được sự nhận biết chân chính trong khi tu xa-ma-tha , chánh tâm ngưng lặng, sáng suốt, không bị quấy phá bởi mười loại thiên ma. Trong lúc nghiên cứu tinh vi cùng tột gốc của các loại chúng sanh, khi thấy manh mối sinh diệt của các loại hiện ra, quán xét cội gốc thường chuyển động lăng xăng cùng khắp u ẩn kia, trong đó lại khởi tâm so đo chấp là tánh viên nguyên, thì liền rơi vào hai thứ luận vô nhân.

Một là, người ấy thấy cái gốc không có nhân. Vì sao? Vì người ấy đã hoàn toàn chuyển hóa cơ chế của sự sinh ra. Nhờ tám trăm công đức của nhãn căn, thấy được toàn bộ chúng sanh theo vòng nghiệp báo mà xoay vần trong tám vạn kiếp, chết nơi này sanh nơi kia. Thấy chúng sanh luân hồi trong đó, nhưng ngoài tám mươi ngàn kiếp thì không biết được gì.

Do vậy hành giả có kiến giải rằng, những loại chúng sanh trong mười phương thế giới này từ tám vạn kiếp trở lại, hiện hữu mà không có nguyên nhân.

Do sự suy đoán này, nên mất chánh biến tri, bị lạc vào ngoại đạo, trở nên mê lầm tánh bồ-đề.

Thứ hai là người ấy thấy cái ngọn là không có nguyên nhân. Tại sao? Vì đã nhận ra cội gốc sinh diệt. Biết loài người luôn luôn sanh ra người, chim luôn luôn sanh ra chim. Quạ vốn xưa nay là đen, chim hộc vốn xưa nay là trắng. Loài người, loài trời luôn luôn đứng thẳng, loài vật luôn luôn có thân nằm ngang. Sắc trắng không do rửa mà thành, mầu đen không do nhuộm mà có. Suốt tám vạn kiếp việc ấy không hề thay đổi.

Cho đến hết đời này cũng như vậy. Mà ta từ xưa nay, chưa từng thấy có gì là bồ-đề, thì làm sao có chuyện thành tựu bồ-đề? Các ông ngày nay nên biết, các vật tượng hiện hữu đều không có nguyên nhân.

Do sự suy đoán như vậy, người ấy đánh mất chánh biến tri, lạc vào ngoại đạo trở nên mê mờ tánh bồ-đề.

Đây gọi là ngoại đạo thứ nhất, lập nên luận thuyết vô nhân.

2. TÀ KIẾN CHẤP THƯỜNG

A-Nan, các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong khi quán xét sâu xa nguồn gốc sự phát sinh của muôn loài, xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng vi tế kia. Trong đó, nếu khởi tâm chấp trước là tánh viên thường, thì sẽ rơi vào bốn luận thuyết biến thường.

Một là, người ấy nghiên cứu tột cùng tâm cảnh, cả hai đều không có nhân. Tu tập biết được trong hai muôn kiếp, chúng sanh trong mười phương trải qua xoay vần sanh diệt mà không mất hẳn, nên chấp là thường.

Hai là người ấy nghiên cứu tột cùng cội gốc của tứ đại, cho rằng tánh của nó là thường trụ. Tu tập biết được trong bốn muôn kiếp, chúng sanh trong mười phương tuy có trải qua sống chết, nhưng bản thể là thường hằng, không bao giờ tan mất, nên chấp đó là thường.

Ba là, người ấy nghiên cứu cùng tột nguyên do bản lai của lục căn, của sự chấp thụ ở thức mạt-na và của tâm ý thức, thấy bổn tánh của nó vốn thường hằng. Tu tập biết được trong tám vạn kiếp, tất cả chúng sanh xoay vần không mất, xưa nay vốn thường trụ. Nghiên cứu cùng tột tánh không mất ấy, chấp cho là thường.

Thứ tư là người ấy đã tiêu dung được căn nguyên tưởng ấm . Lý sanh khởi không còn nữa, trạng thái lưu chuyển đứng lặng xoay vần, tâm tưởng sanh diệt, nay vĩnh viễn không còn. Trong lý tự nhiên, thành không sanh diệt. Do tâm niệm suy lường như thế, mà chấp cho là thường.

Do suy luận chấp thường ấy, quên mất chánh biến tri, lạc vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây là loại ngoại đạo thứ hai, lập ra thuyết viên thường.

3. TÀ KIẾN VỪA CHẤP THƯỜNG VỪA CHẤP ĐOẠN

A-Nan, các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề chánh tâm đứng lặng sáng suốt. Thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong khi quán xét sâu xa nguồn gốc sự phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, khởi tâm suy lường giữa mình và cái khác. Người ấy sẽ rơi vào bốn kiến chấp điên đảo của luận thuyết một phần vô thường, một phần thường.

Một là, người ấy quán xét tâm tánh sáng suốt vi diệu khắp cùng mười phương. Cho trạng thái lặng lẽ sâu kín ấy làthần ngã rốt ráo. Nên hành giả chấp cái ngã của mình thì trong lặng sáng suốt, bất động, trùm khắp mười phương. Còn các loài chúng sanh đều lưu xuất từ tâm ta, chúng tự sinh tự diệt. Vậy nên tâm tánh của ta là thường, trong khi các loài kia phải trải qua sanh diệt, nên chúng thực sự là vô thường.”

Thứ hai là, người ấy không quán xét tâm mình, lại quán xét mười phương cõi nước nhiều như cát sông Hằng. Thấy có nơi đang trong kiếp hoại, cho nơi đó có tánh rốt ráo vô thường. Còn những nơi rốt ráo thường hằng là không ở trong kiếp hoại.

Thứ ba, người ấy quán sát chỉ riêng tâm mình, thấy nó rất mầu nhiệm, vi tế, giống như vi trần lưu chuyển khắp mười phương mà tánh chất không dời đổi, khiến cho thân này sinh rồi lại diệt. Nến chấp tánh không biến diệt ấy là tánh thường của mình. Còn tất cả sự sanh diệt lưu xuất từ tâm mình là tánh vô thường.

Thứ tư, người ấy biết rằng tưởng ấm đã tiêu dung, thấy hành ấm đang lưu chuyển. Chấp sự lưu chuyển liên tục của hành ấm là thường. Còn sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm đã được tiêu dung rồi là vô thường.

Do những chấp trước về một phần thường và một phần vô thường này nên người ấy rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây là thuyết ngoại đạo thứ ba chủ trương luận thuyết một phần thường.

4. TÀ KIẾN CHẤP CÓ

Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong khi quán xét sâu xa nguồn gốc phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, khởi tâm suy lường về phận vị. Người ấy rơi vào bốn thứ luận hữu biên.

Một là người ấy suy luận về cội gốc sanh diệt trôi chảy biến dịch không ngừng, xét đoán quá khứ tương lai là hữu biên, còn chấp sự tương tục của tâm là vô biên.

Hai là người ấy quán sát trong tám vạn kiếp, thấy có chúng sanh. Còn ngoài tám vạn kiếp thì vắng bặt, không thấy không nghe được gì cả. Cho rằng nơi không thấy không nghe được gì là vô biên, còn nơi có chúng sanh là hữu biên.

Ba là người ấy chấp rằng mình biết cùng khắp, là được tánh vô biên, còn các người kia đều hiện ra trong cái biết của mình, mà mình chưa từng biết họ nhận ra được tánh biết. Cho rằng những người kia không đạt được tâm tánh vô biên mà chỉ đạt được tâm tánh hữu biên.

Bốn là người ấy khi nghiên cứu tột cùng hành ấm đến chỗ rốt ráo không. Do những điều thấy được, suy luận rằng tất cả chúng sanh trong mỗi thân phần, gồm có nữa phần sanh, nửa phần diệt. Cho rằng rõ ràng mọi thứ trong đời một nửa là hữu biên, một nửa là vô biên.

Do những chấp trước hữu biên, vô biên như thế, nên người ấy rơi vào ngoại đạo, mê lầm tánh bồ-đề. Đây là luận hữu biên, thuyết thứ tư của hàng ngoại đạo.

Trang: 1 2 3 4

×