Tụng giới

12/10/2021 699 lượt xem

Hai tuần một lần chúng ta tụng giới, trong thiền viện cũng như ở gia đình. Trong các khóa tu, khóa nào cũng cần có một buổi tụng giới. Giới cần thiết cho hành giả cũng như lề luật đi đường (code routière) cần cho người lái xe.

Nếu luật đi đường không phải là những cấm đoán mà chỉ là nguyên tắc nhằm hướng dẫn người lái xe tránh thoát được mọi tai nạn xảy tới cho mình và cho người, thì giới cũng không phải là những điều ràng buộc hạn chế và cấm đoán: giới là những nguyên tắc hướng dẫn và bảo vệ người hành giả trên con đường tu tập. Có giới thì định và tuệ mới được bền vững. Giới thường đi với định và tuệ; giới không phải chỉ là nhân mà còn là quả; định và tuệ càng lớn thì giới càng cao. Ví dụ khi ta thấy được một cách sâu sắc tâm trạng muốn sống và sợ chết của mọi loài thì ta trở nên cẩn trọng hơn về việc bảo vệ sinh mạng của mọi loài. Đó là tuệ nuôi dưỡng giới. Giới có nhiều loại giới bồ tát, giới tỳ khưu, giới sa di, giới cận sự (ưu bà tắc giới), giới tiếp hiện, v.v… Giới có nhiều công dụng: công dụng thứ nhất là nuôi dưỡng định và tuệ (Nhiếp luật nghi giới), công dụng thứ hai là hạt giống tốt cho một thế giới lành và đẹp (nhiếp thiện pháp giới) và công dụng thứ ba là tạo dựng hạnh phúc cho các loài sinh vật (nhiêu ích hữu tình giới). Có người chỉ thọ trì một hay hai giới điều, có người thọ trì năm giới điều, có người thọ trì mười giới điều, có người thọ trì hàng trăm giới điều. Nhưng giới điều căn bản nhất trong các giới điều là sống tỉnh thức trong chánh niệm. Nếu giới điều này được tôn trọng thì tất cả các giới điều khác sẽ lần lượt được tôn trọng một cách dễ dàng. Giới điều này là giới điều thứ bảy của giới Tiếp Hiện. Giới Tiếp Hiện có tinh thần phát nguyện tương tự như với giới Bồ Tát, người xuất gia và người tại gia đều có thể thọ trì mười bốn giới điều của giới này. Muốn biết thêm về giới Tiếp Hiện, xin xem cuốn Giới Tiếp Hiện Chú Giải. Sách này đã được Lá Bối ấn hành năm 1984 và bản in tiếng Anh Interbeing, Commentaries on the Tiep Hien precepts cũng được lưu hành từ đầu năm 1986.

Bất kỳ thọ trì giới nào, Bồ Tát, Tỳ Khưu, Sa di, Cận sự hay Tiếp Hiện, ta cũng xem giới là những nguyên tắc hướng dẫn linh động đời sống tâm linh của ta mà không nên xem giới là những luật lệ ràng buộc. Chúng ta cần tôn trọng giới như tôn trọng thầy của chính chúng ta. Trẻ em cũng cần được tụng giới. Hai giới của thiếu nhi là mở rộng lòng thương và mở rộng tầm hiểu biết. Đây cũng là căn bản của tất cả mọi giới điều của người lớn. Sau đây là nghi thức tụng giới cho thiếu nhi và nghi thức tụng giới Tiếp Hiện, được đưa ra cho một ví dụ. Thay vì tụng giới Tiếp Hiện, chúng ta có thể tụng giới Cận Sự, Sa Di, Tỳ Khưu và Bồ Tát. Ta cũng có thể thực hành phép Yết Ma (Duy Na: Karmadāna) theo truyền thống trước khi tụng Đại Giới. (Trích chương Nghi Thức Tụng Giới cho thiếu nhi và Tiếp Hiện cho người lớn, trong Giới Tiếp Hiện Chú Giải)

(Trích “An trú trong hiện tại”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

×