Thiền trà là thiền tập trong khi uống trà. Có khi ta để ra hai giờ đồng hồ để chỉ uống một chén trà và ăn một cái bánh nhỏ.
Thiền trà được tổ chức tại chùa, nhưng có thể được tổ chức trong nhà với sự tham dự của những người khách quý của gia đình. Để cho buổi thiền trà được thành công, số người tham dự không nên vượt quá con số mười sáu.
Trong khi dự thiền trà, ta thấy thoải mái, an lạc và hạnh phúc. Ta hoàn toàn sống trong giờ phút hiện tại giữa sự có mặt của những người thân. Những người đầu tiên biết sử dụng lá chè tàu (Camelia Sinensis) là các vị thiền sư. Họ nhận thấy nấu trà này mà uống thì trong người tỉnh táo và ngồi thiền không buồn ngủ. Dần dần, chỉ lá non của cây chè tàu được sử dụng và ướp thành trà. Thiền và trà đã có duyên với nhau trong lịch sử cả một ngàn mấy trăm năm. Tại thiền viện nào thiền sinh cũng được uống trà. Chú tiểu nào cũng biết pha trà.
Pha trà cho đại chúng đã trở nên một nghi lễ, bởi vì người pha trà phải thực tập chánh niệm trong khi pha trà. Trà lễ ở Nhật cũng bắt nguồn từ thiền. Nghệ thuật pha trà trong một trà lễ Nhật đã đi tới chỗ rất tinh vi, nhưng tiếc thay, kỹ thuật pha trà thì còn mà nội dung thiền trà đã mất. Người pha trà không còn theo dõi hơi thở và tập ý thức về mỗi cử chỉ của mình theo phương pháp quán niệm xưa.
Thiền trà của chúng ta đơn giản hơn nhiều trong hình thức nhưng rất chú trọng tới nội dung thiền tập. Chủ toại buổi thiền trà là vị trà chủ phụ trách pha trà là người trà giả và tất cả những người tham dự khác đều được gọi là trà khách.
Trà chủ và trà giả phải biết số trà khách nhất định để chuẩn bị đủ nệm ngồi và gối ngồi. Trong một buổi thiền trà, khay trà sẽ được chuyền tay từ người ngày sang người khác, cho nên không thể có một chỗ trống không có người ngồi. Mọi người ngồi thành một vòng tròn, và vị trà chủ ngồi ngay trước bàn thờ thiền tổ, quay lưng lại với bàn thờ này.