An lạc và giải thoát

11/10/2021 1.886 lượt xem

Con người, theo đạo Bụt, là hợp thể của năm dòng hiện tượng: sắc (thân thể), thọ (cảm giác), tưởng (tri giác), hành (tâm tư) và thức (tâm ý). Năm dòng hiện tượng này không tồn tại biệt lập với nhau mà trái lại nương vào nhau mà hiện hữu và cũng chi phối lẫn nhau. Ở đây ta nên xét về ba dòng hiện tượng đầu là sắc, thọ và tưởng.

Thọ là cảm giác. Cảm giác có nguồn gốc ở thân thể (sắc) hoặc tri giác (tưởng). Cảm giác khó chịu gây nên do một cái răng đau hay do ta đạp lên một chiếc gai nhọn là cảm giác có nguồn gốc từ thân thể. Cảm giác khó chịu gây nên do sự nghi ngờ, ghen ghét, giận dữ, tham đắm, hoặc u mê là cảm giác có nguồn gốc từ tri giác. Để có an lạc trong vòng cảm giác ta phải săn sóc thân thể (sắc) và tri giác (tưởng). Khi ăn uống làm việc và ngủ nghỉ có điều độ, khi ta không tàn phá cơ thể ta bằng những chất độc như rượu và các thứ ma túy thì ta có thể giảm thiểu được tới mức tối đa những cảm giác khổ đau có gốc rễ từ cơ thể. Khi ta tập quán chiếu để tri giác ta càng lúc bớt hồ đồ, càng lúc càng thêm chính xác, thì ta cũng có thể giảm thiểu được tới mức tối đa những cảm giác khổ đau có gốc rễ từ tri giác. Thấy một sợi dây mà tưởng là con rắn, đó là ví dụ cho một tri giác sai lạc vậy. Tri giác của ta, theo đạo Bụt, đầy dẫy những sai lầm. Và vì nhân thức sai lầm cho nên ta khổ đau.

Trong công phu thiền tập của mình, hành giả quán chiếu cảm giác và thấy được những nguyên do gần xa của cảm giác. Quán chiếu cho thâm sâu thì tự thân của cảm giác sẽ biến mất, cũng như khi mặt trời chiếu rọi bền bỉ trên cây lá thì cây lá sẽ biến đổi và xanh tươi. Cảm giác an lạc là những cảm giác có tác dụng nuôi dưỡng. Cảm giác bất an là cảm giác có tác dụng tàn phá. Thiền quán có thể làm biến các cảm giác bất an thành an lạc. Biến bằng cách nào? Bằng cách diệt trừ những lầm lạc của tri giác và làm cho các tri giác này trở nên chính xác. Từ ngữ thường dùng là diệt trừ vô minh. Vô minh tức là tính cách không chính xác của nhận thức. Ví dụ tôi trồng rau xà lách và xà lách không chịu mọc lên tươi tốt như xà lách của người hàng xóm. Tôi bực tức và mở lời trách cứ những cây xà lách trong vườn tôi. Thấy thế, bạn cười và bảo tôi: “lỗi không phải ở những cây xà lách, lỗi ở tại người trồng xà lách đã không biết cách chăm sóc xà lách. “Bạn vừa mới khai thị cho tôi một sự thật: trách cứ những cây xà lách là một thái độ vô minh. Tôi phải quán chiếu để thấy được những nguyên nhân gần xa của sự thất bại đã làm cho tôi bực bội: Tôi đã bỏ phân quá nhiều cho cây xà lách và tôi không tưới tẩm và chăm sóc chúng đúng mức. Thấy được điều đó, tôi liền hết bực tức. Tôi được giải thoát khỏi sự bực tức. Tôi sửa đổi cách chăm sóc xà lách của tôi và mười hôm sau, những cây xà lách của tôi mọc lên rất tươi tốt.

Bạn và tôi cả hai đều biết rõ là trách cứ những cây xà lách là một việc làm vô minh, có gốc rễ từ một nhận thức vô minh. Vậy mà chúng ta ít ai thấy được rằng những người sống chung với ta cũng là những cây xà lách. Có phải là chúng ta phải vun tưới và chăm sóc cho nhau đúng mức không? Thường thường, chúng ta không chịu vun tưới và chăm sóc cho nhau. Chúng ta chỉ trách cứ nhau, chúng ta dùng lý luận để trách cứ nhau. Chúng ta không biết rằng chúng ta không khác mấy với những cây xà lách: mỗi người trong chúng ta đều cần sự vun tưới và chăm sóc của người bên cạnh. Chúng ta ai cũng biết rằng lý luận và trách móc không đưa đến đâu mà chỉ đào thêm hố cách biệt. Chỉ có sự hiểu biết, chấp nhận và chăm sóc mới có thể giúp được người khác. Để thấy rõ và thấy thường xuyên được sự thật này, ta cần đến thiền quán. Quán chiếu cảm giác là đầu mối đưa ta đến những nhận thức chính xác hơn về tri giác.

Quán chiếu để biến những xả thọ thành lạc thọ và để vượt thoát những khổ thọ có nguồn gốc từ nhận thức sai lạc, ta dần dần cởi bỏ được những sợi dây quên lãng, bực tức, tham đắm và u mê. Càng cởi bỏ ta càng có thêm giải thoát: càng giải thoát ta càng có thêm an lạc. Sự an lạc của ta sẽ nuôi dưỡng ta, sẽ mang lại niềm vui cho những người chung quanh. Ta trở nên sáng suốt hơn, bình tĩnh hơn và bao dung hơn. Thực tập thiền quán cho đúng phép thì những thành quả này sẽ là hiện tiền ngay trong hôm nay và ngày mai. Trong chương đầu tôi có nói đến phòng Tĩnh Tâm, nơi ta có thực tập nghe chuông và theo dõi hơi thở. Trong đời sống hằng ngày, mỗi khi bạn cảm thấy bất an, dao động, bạn nên sử dụng phòng Tĩnh Tâm đê quán chiếu và cảm giác bạn. Và nếu có thể, bạn nên quán chiếu về cảm giác bạn ngay khi cảm giác ấy đang có mặt, trong lúc làm việc, trong lúc ngồi xe buýt, hay trong lúc đi bộ từ ngôi nhà này đến ngôi nhà khác. Hãy biến nơi bạn đang đứng thành phòng Tĩnh Tâm. Sau đây là các kinh cần được hành giả nghiên cứu và đọc tụng:

  • Kinh quán niệm hơi thở (An Ban Thủ Ý Kinh – Ānnāpānasati- sutta)
  • Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm (Niệm Xứ Kinh – Satipatthānaa- sutta)

Những kinh này đều là những kinh thiền tập căn bản chỉ dẫn tường tận cho bạn từng bước trên đường thực tập.

(Trích “An trú trong hiện tại”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Xem thêm:

Trang: 1 2 3

×