Dòng sông cảm thọ

10/04/2024 168 lượt xem

Cảm thọ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc điều khiển mọi tư tưởng hoạt động của ta.

Cảm thọ như một dòng sông, trong đó mỗi một cảm thọ là một giọt nước, giọt nước này nương vào giọt nước kia để tạo ra một dòng sông. Chúng ta có thể ngồi trên bờ sông để quan sát và nhận diện từng cảm thọ một khi chúng xuất hiện, trôi nổi rồi mất hút.

Có ba loại cảm thọ: Cảm thọ dễ chịu, cảm thọ khó chịu và cảm thọ trung tính. Khi có một cảm thọ khó chịu, ta có khuynh hướng muốn xua đuổi nó. Tốt hơn hết, ta nên trở về với hơi thở chánh niệm và quan sát một cách lặng lẽ để thấy rõ nó hơn: “Thở vào, tôi biết có một cảm thọ khó chịu trong tôi. Thở ra, tôi biết có một cảm thọ khó chịu trong tôi. Gọi đúng tên bản chất và nguyên do của một cảm thọ, như giận, buồn, vui, hay hạnh phúc, giúp ta nhận diện nó một cách rõ ràng và sâu sắc.”

Ta có thể dùng hơi thở để tiếp xúc với những cảm thọ và chấp nhận sự hiện diện của chúng. Nếu hơi thở ta nhẹ nhàng, êm ái, kết quả của sự thực tập hơi thở ý thức, thân tâm nhờ đó cũng trở nên nhẹ nhàng, trong sáng, tĩnh lặng và cảm thọ ta cũng vậy. Ta phải biết quan sát những cảm thọ với óc không phân biệt: Ta biết là cảm thọ không phải ở ngoài ta mà cảm thọ chính là ta, ta chính là cảm thọ. Ta không để cảm thọ làm ta chìm đắm hay hốt hoảng, mà ta cũng không hất hủi nó. Không hất hủi hay bám víu là thái độ buông xã của người hành thiền.

Nếu biết săn sóc một cách nhẹ nhàng và ưu ái những cảm thọ khó chịu, ta có thể chuyển hóa chúng thành những năng lượng lành mạnh, có khả năng nuôi dưỡng chúng ta. Bằng phương pháp quan sát và nhận diện, ta có thể được soi sáng bởi những cảm thọ khó chịu, chúng sẽ giúp ta hiểu nhiều về chính chúng ta và về xã hội ta đang sống.

(Trích “Phần II: Chuyển hóa và trị liệu – An Lạc Từng Bước Chân”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

×