Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 1

10/10/2021 10.538 lượt xem

7 VẤN ĐÁP VỀ TÂM

Đức Phật bảo A-Nan: “Ông với Như Lai là anh em cùng một dòng họ, khi mới phát tâm tu tập trong giáo pháp của Như Lai, ông thấy điểm thù thắng nào mà từ bỏ ân ái sâu nặng thế gian để xuất gia?”

A-Nan thưa: “Bạch Thế Tôn, do con thấy ba mươi hai tướng tốt thù thắng vi diệu tuyệt vời của Như Lai, hình thể sáng chói trong suốt như ngọc lưu ly.”

Con thường tự suy nghĩ những tướng tốt này không phải do ái dục mà sanh ra.

Sao vậy? Vì dục khí thì thô nặng và dơ bẩn. Từ sự uế tạp và thối tha ấy giao hợp với nhau tạo thành một thứ tinh huyết hỗn tạp. Từ đó không thể sinh ra một thân thể thù thắng thanh tịnh, sáng chói vi diệu như khối vàng tía này. Do đó mà con khá́t ngưỡng, theo Phật xuất gia.

Đức Phật nói: “Lành thay! A-Nan, các ông nên biết tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay chịu sanh tử tương tục do vì không nhận ra chân tâm thường trụ, thể tánh vốn trong sạch sáng suốt, mà nhận lầm các vọng tưởng. Các vọng tưởng này vốn chẳng chân thật, thế nên bị luân chuyển.”

Nay ông muốn thấu rõ quả vị vô thượng bồ-đề và phát minh chân tánh, ông phải dùng trực tâm đáp ngay lời Như Lai hỏi. Mười phương Như Lai ra khỏi sinh tử, đều nhờ trực tâm. Do tâm và lời nói đều ngay thẳng như thế, đến khoảng thời gian trước, sau, và thời kỳ trung gian tuyệt nhiên không có lời nói cong vạy.

CHẤP TÂM Ở TRONG THÂN

A-Nan, nay tôi hỏi ông: “Ngay khi ông vừa mới phát tâm là do ông thích ba mươi hai tướng tốt của Như Lai, Vậy ông lấy gì để thấy và ông ưa thích cái gì?

A-Nan thưa: “Bạch Thế Tôn! Sự yêu thích như thế là do tâm và mắt của con. Do mắt thấy tướng thù thắng của Như Lai nên tâm ưa thích và phát tâm nguyện xả bỏ sinh tử.”

Đức Phật bảo A-Nan: “Như ông nói, thật chỗ yêu thích là do tâm và mắt. Nếu ông không biết tâm và mắt ở đâu thì không thể nào hàng phục được trần lao.”

Ví như quốc vương, khi có giặc đến xâm chiến nước mình, muốn phát binh đi trừ dẹp, thì cần phải biết giặc ở nơi đâu.

Lỗi lầm là ở tâm và mắt khiến ông bị lưu chuyển. Nay tôi hỏi ông, riêng tâm và mắt nay ở chỗ nào?

A-Nan thưa: “Bạch Đức Thế Tôn, tất cả mười loài dị sinh ở trong thế gian đồng cho rằng tâm ở trong thân. Con thấy dù con mắt sen xanh của Như Lai, cũng nằm ở trên mặt.”

Nay con quan sát các căn thô phù của tứ trần này, chỉ ở trên mặt con. Và cũng quán sát như vậy, thức tâm thực là ở trong thân con.

Đức Phật bảo A-Nan: “Nay ông hiện đang ngồi trong giảng đường cùng Như Lai, ông xem thấy vườn cây Kỳ-đà đang ở chỗ nào?”

A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn, giảng đường thanh tịnh nhiều tầng rộng lớn này là ở trong vườn ông Cấp Cô Độc. Còn rừng Kỳ Đà đúng là ở bên ngoài giảng đường.

Đức Phật bảo: A-Nan, nay đang ngồi trong giảng đường, trước hết ông thấy gì?

A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn, con nay trong giảng đường, trước hết thấy Như Lai, rồi thấy đại chúng. Như thế nhìn ra ngoài, con thấy được rừng cây.

Đức Phật bảo A-Nan: A-Nan, khi ông thấy rừng cây là nhờ vào đâu mà thấy được?

A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn, do các cửa của giảng đường này mở rộng, nên con ở trong giảng đường thấy suốt ra ngoài xa.

Đức Phật bảo A-Nan: “Như ông vừa nói, ở trong giảng đường, do cửa mở rộng, nên có thể nhìn ra thấy được vườn rừng. Liệu có người ở trong giảng đường không thấy Như Lai, mà thấ́y được vật bên ngoài không?

A-Nan thưa: “Bạch Thế Tôn, ở trong giảng đường, không thấy Như Lai, mà thấy được rừng suối là điều không thể có.”

Đức Phật bảo A-Nan Này A-Nan, ông cũng như vậy. Tâm linh của ông thông suốt rõ ràng tất cả mọi vật. Nếu tâm hiện tiền thông suốt rõ ràng, ấy thật là ở trong thân ông, thì trước hết nó phải biết được những gì trong thân ông. Liệu có nơi nào thấy được trong thân trước rồi sau mới thấy cảnh vật bên ngoài chăng?

Dù chẳng thấy tim, gan, tỳ, vị… nhưng móng tay mọc ra, tóc dài, gân chuyển, mạch đập, lẽ ra phải biết rõ. Tại sao chẳng biết? Nếu đã không biết chuyện bên trong thân, làm sao biết vật ngoài thân?

Thế nên phải biết, ông nói tâm hiểu biết này ở bên trong thân, là không hợp lý.

CHẤP TÂM Ở NGOÀI THÂN

A-Nan cúi đầu đảnh lễ bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, con nghe lời khai thị của Như Lai như thế, nên nhận ra tâm con đúng là ở ngoài thân.”

Tại sao? Ví như có ngọn đèn sáng ở trong nhà, trước tiên chắc chắn phải soi chiếu trong nhà, rồi theo cửa mở, mới chiếu ra ngoài sân. Tất cả chúng sinh sở dĩ không thấy trong thân, mà chỉ thấy ngoài thân. Cũng giống như ngọn đèn sáng để ngoài nhà, nên không thể soi chiếu trong phòng được.

Nghĩa này chắc đã rõ ràng, không có gì nghi ngờ và hoàn toàn đúng với nghĩa rốt ráo của Đức Phật. Như thế không biết có đúng chăng?

Đức Phật bảo A-Nan: “Các vị tỷ-khưu vừa rồi cùng Như Lai tuần tự khất thực trong thành Thất-la-phiệt, nay đã trở về rừng Kỳ Đà. Như Lai đã thọ trai xong, nay hỏi các tỷ khưu, khi một người ăn, các người khác có no không?”

A-Nan thưa: “Bạch Thế Tôn, không thể. Tại sao? Các vị tỷ-khưu này tuy đã chứng quả A La Hán, nhưng thân mạng không đồng. Làm sao một người ăn mà tất cả đều no được?

Đức Phật bảo A-Nan: “Nếu cái tâm thấy nghe hiểu biết của ông thực ở ngoài thân, thì thân tâm tách biệt nhau, tự nó không liên quan với nhau. Vậy điều gì tâm biết thì thân ắt không biết, và những gì thân biết thì tâm không thể biết.”

Nay Như Lai đưa cánh tay đâu la miên cho ông xem, khi mắt ông thấy, tâm ông có phân biệt chăng?”

A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật bảo A-Nan: Nếu thân tâm cùng biết nhau, thế sao ông nói tâm ở ngoài thân?”

Thế nên phải biết, ông nói tâm thấy nghe hiểu biết ở ngoài thân, thật không có lý.

CHẤP TÂM Ở TRONG MẮT

A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn, như lời Phật dạy, vì chẳng thấy bên trong, nên tâm con chẳng phải ở trong thân. Vì thân tâm đều biết nhau, mà chẳng rời nhau nên tâm con chẳng phải ở ngoài thân. Nay con suy nghĩ, biết nó ở tại một chỗ.

Đức Phật hỏi: “Nay ở nơi nào?”

A-Nan thưa: “Do tâm rõ biết này chẳng biết những gì bên trong, mà lại thấy được những thứ bên ngoài. Như con suy xét, thì nó núp bên trong con mắt.”

Ví như có người lấy chén lưu ly úp lên con mắt, tuy có vật phủ lên mà mắt chẳng bị ngăn ngại. Khi mắt thấy được, liền theo đó có sự phân biệt.

Song cái tâm rõ biết của con chẳng thấy được bên trong, là vì nó ở trong con mắt. Nhưng nó vẫn thấy được vật bên ngoài rõ ràng không bị chướng ngại, là vì tâm núp sau con mắt.

Đức Phật bảo A-Nan: Như ông vừa nói, tâm núp sau con mắt, như con mắt núp sau chén lưu ly. Vậy người kia sau khi úp chén lưu ly lên mắt mà xem thấy núi sông, thật có thấy chén lưu ly không?

A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn: Đúng thế, khi người ấy úp chén lưu ly lên mắt, thật có thấy chén lưu ly.

Đức Phật bảo: “Nếu tâm ông giống như con mắt núp sau chén lưu ly, thì khi xem thấy núi sông, sao ông không thấy con mắt?”

Nếu thấy được mắt thì mắt đồng như cảnh bị thấy. Như vậy chẳng thành nghĩa tùy thấy. Còn nếu chẳng thấy con mắt thì tại sao ông lại nói tâm hiểu biết này núp trong con mắt như con mắt núp sau chén lưu ly?

Thế nên phải biết, ông nói cái tâm hiểu biết suốt khắp núp trong con mắt giống như con mắt nấp sau chén lưu ly. Điều đó vô lý.

CHẤP TÂM Ở TRONG NGOÀI THÂN

A-Nan bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, nay con có suy nghĩ như vậy: thân thể con người, tạng phủ ở trong, khiếu huyệt ở ngoài. Nơi tạng phủ thì tối, nơi khiếu huyệt thì sáng.

Nay con đối trước Phật, mở mắt thấy sáng, gọi là thấy bên ngoài, khi nhắm mắt thấy tối gọi là thấy bên trong. Nghĩa ấy đúng chăng?

Đức Phật bảo A-Nan: Khi ông nhắm mắt thấy tối, bóng tối có sẵn ở trước mắt ông hay sao? Nếu có sẵn trước mắt ông thì bóng tối ấy là ở trước mắt ông, sao lại nói ở là bên trong?

Nếu thật ở bên trong thì khi ông vào trong nhà tối không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng hay đèn thì bóng tối trong phòng ấy là từ tam tiêu và ngũ tạng của ông hay sao? Còn nếu nó chẳng có trước mắt ông thì làm sao có nghĩa thấy?

Nếu bỏ qua cái thấy bên ngoài, mà cho rằng con mắt hướng vào bên trong nên thấy tối, thì khi nhắm mắt thấy tối, gọi là thấy trong thân. Vậy khi mở mắt thấy sáng sao chẳng thấy được khuôn mặt?

Nếu chẳng được thấy mặt thì chẳng có cái thấy bên trong. Nếu thấy được mặt thì cái tâm rõ biết này và con mắt phải ở ngoài hư không, làm sao ở phía trong được?

Nếu ở ngoài hư không thì nó chẳng phải là tự thể của ông, thế nay Như Lai thấy được mặt ông. Như Lai cũng là thân của ông hay sao?

Trong trường hợp đó, khi mắt ông biết thì thân ông vẫn không biết. Ắt là ông cho thân và mắt đều biết, thì phải thành hai cái biết. Tức là một thân của ông có thể thành hai vị Phật.

Thế nên phải biết, khi ông nói thấy tối là thấy trong thân, điều ấy vô lý.

CHẤP TÂM Ở CHỔ HÒA HỢP

A-Nan thưa: Con thường nghe Đức Phật dạy tứ chúng, do tâm sinh nên các pháp sinh, do pháp sinh nên các thứ tâm sinh.

Nay con suy nghĩ, thì cái thể của suy nghĩ ấy thực là tâm con, tùy chỗ hoà hợp, tâm theo đó mà có, chẳng phải ba chỗ trong, ngoài và ở giữa.

Đức Phật bảo A-Nan: Nay ông nói do pháp sanh nên các thứ tâm sanh, tùy chỗ hòa hợp, tâm tùy theo đó mà có. Tâm ấy nếu có tự thể, chắc là không có chỗ hòa hợp. Nếu không có tự thể mà hòa hợp thì cũng giống như giới thứ mười chín hòa hợp với trần thứ bảy. Nghĩa ấy không đúng.

Nếu tâm có tự thể, khi ông lấy tay gãi trên thân thì tâm ông có nhận ra cái biết từ bên trong thân ra, hay do ngoài thân mà có? Nếu từ trong thân ra thì phải trở lại thấy trong thân. Nếu từ ngoài vào thì trước hết phải thấy được mặt của ông.

A-Nan thưa: Thấy là ở con mắt, còn cái biết nơi tâm thì không phải do mắt, tâm thấy là không hợp lý.

Đức Phật bảo: Giả sử như mắt có thể thấy thế khi ông ở trong nhà, cái cửa có thể thấy được chăng? Cũng thế, khi người chết, mắt họ vẫn còn, lẽ ra vẫn còn thấy được vật. Nếu thấy được vật, sao gọi là chết?

Lại nữa A Nan, nếu tâm hiểu biết của ông có tự thể, thì có một thể hay nhiều thể? Nó ở nơi thân ông là khắp cả thân hay chẳng khắp cả thân?

Nếu tâm chỉ có một thể thì khi ông lấy tay gãi một chỗ trên thân thì lẽ ra các nơi khác trên thân đều có cảm giác. Nếu tất cả thân phần đều có cảm giác, thì chỗ gãi không nhất định. Nếu chỗ gãi nhất định thì nghĩa tâm có một thể là không hợp lý.

Nếu có nhiều thể thì thành ra có nhiều người. Vậy thể nào là của ông?

Nếu ở khắp thân thì như đã nói trước đây, nếu chẳng khắp thân thì khi ông xoa đầu rồi sờ chân, nếu đầu biết thì chân phải không biết. Nhưng trường hợp này không đúng với ông.

Thế nên phải biết, tùy chỗ hòa hợp, tâm theo đó mà hiện hữu là không hợp lý.

CHẤP TÂM Ở CHÍNH GIỮA

A-Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, con được nghe khi Thế Tôn cùng với ngài Văn Thù Sư Lợi và các vị pháp vương tử bàn về nghĩa thực tướng. Thế Tôn nói: Tâm chẳng phải ở trong, cũng không phải ở ngoài.

Theo con suy nghĩ, nếu tâm ở bên trong mà không thấy được vật bên trong, còn ở ngoài thì tâm và thân chẳng biết nhau. Vì tâm không biết ở trong, nên nghĩa ở trong không hợp lý. Vì thân tâm biết nhau, nên nói tâm ở ngoài cũng chẳng phải. Nay vì thân tâm biết nhau, và lại cũng không thấy được bên trong, nên tâm chắc chắn ở giữa.

Đức Phật bảo: Ông nói tâm ở giữa, chỗ ấy hẳn là không phải bỗng dưng mà có, hoặc không có vị trí nhất định. Nay ông phải xét kỹ, điểm giữa ấy là nơi nào? Là tại cảnh bên ngoài, hay là ở trên thân?

Nếu điểm giữa ấy ở nơi thân, khi ở một bên thân thì chẳng phải là ở giữa. Nếu ở giữa thân thì đồng như ở trong thân. Nếu điểm giữa là nơi cảnh, thì điểm ấy nêu ra được hay không nêu ra được? Nếu không nêu ra được thì đồng như không có, còn nêu ra được thì điểm ấy không có vị trí nhất định.

Tại sao? Ví như có người cắm cây nêu để làm điểm giữa, nếu nhìn từ phương Đông thì cây nêu ở phía Tây, nếu nhìn từ phương Nam thì cây nêu ở phía Bắc. Tiêu điểm đã không rõ ràng thì tâm ông cũng thành rối loạn.

A-Nan thưa: Con nói điểm giữa, chẳng phải là hai thứ ấy. như Thế Tôn dạy, mắt gặp sắc trần, duyên sanh nhãn thức. Mắt thì có phân biệt, còn sắc trần thì vô tri. Thức phát sinh trong khoảng giữa ấy, đó chính là tâm con.

Đức Phật bảo: Tâm ông nếu ở khoảng giữa căn và trần, vậy tâm thể ấy gồm cả hai bên, hay không gồm cả hai bên?

Nếu gồm cả hai bên thì căn trần lẫn lộn. Trần thì không biết, căn thì có biết, hai thứ đối lập nhau. Chỗ nào gọi là điểm giữa? Gồm cả hai bên cũng không được, vì không phải có biết và cũng không phải không có biết, tức là không có thể tánh. Điểm giữa ấy lấy gì làm tướng?

Thế nên phải biết tâm ở chặng giữa là không có lý.

CHẤP TÂM Ở CÁI KHÔNG DÍNH MẮC

A-Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, xưa nay con thấy Phật cùng bốn vị đệ tử lớn là ngài Đại Mục Kiền Liên, Tu bồ-đề, Phú-lâu-na, Xá-lợi-phất cùng chuyển pháp luân. Đức Phật thường nói: tâm tánh hiểu biết phân biệt không phải ở trong, không phải ở ngoài, không phải ở chặng giữa, đều không có nơi chỗ. Hết thảy đều không dính mắt, đó gọi là tâm. Vậy cái không dính mắc của con có được gọi là tâm chăng?

Đức Phật bảo A-Nan: Ông nói bản tánh của tâm hiểu biết phân biệt này đều không ở tại đâu cả. Vậy các vật có hình tướng trên thế gian như hư không và các loài thủy, lục, không, hành… tất cả các vật. Cái dính mắc mà ông nói đó là hiện hữu hay không hiện hữu?

Nếu không hiện hữu thì đồng như lông rùa sừng thỏ. Sao gọi là không dính mắc?

Nếu đã có cái không dính mắc thì không thể gọi là không. Không tướng thì không. Chẳng không thì phải có tướng. Có tướng thì phải có chỗ nơi, làm sao lại nói là không dính mắc?

Thế nên phải biết tất cả cái không dính mắc mà gọi là tâm hiểu biết, là không có lý.

Trang: 1 2 3 4 5 6

×